Chuyên mục
Bộ Ngoại giao Mỹ từ chối coi Nga là nước bảo trợ khủng bố

Bộ Ngoại giao Mỹ từ chối coi Nga là nước bảo trợ khủng bố

Chủ nhật 31/07/2022 05:55 GMT + 7

Thượng viện Mỹ ủng hộ coi Nga là quốc gia bảo trợ khủng bố. Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi, cùng với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Quốc hội Ukraine cũng muốn như vậy. Nhưng Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken thì khác.


Ngoại trưởng Mỹ Blinken. Ảnh: New York Times.


Theo tờ New York Times ngày 29/7, trong nhiều tuần qua, ông Blinken chịu ngày càng nhiều áp lực về việc chính thức tuyên bố Nga là quốc gia bảo trợ khủng bố. Danh sách các quốc gia như vậy hiện có Triều Tiên, Syria, Cuba và Iran.

Nhưng dù có nhiều lời kêu gọi, ông Blinken vẫn đang từ chối thực hiện động thái này.

Ngày 27/7, Thượng viện Mỹ đã nhất trí thông qua một nghị quyết không ràng buộc, kêu gọi ông Blinken chỉ định Nga là quốc gia bảo trợ khủng bố vì đã gây ra các cuộc tấn công ở Ukraine cũng như Chechnya, Gruzia và Syria.

Thượng nghị sĩ Lindsey Graham thuộc đảng Cộng hòa và là người đồng bảo trợ cho nghị quyết, cho biết các biện pháp trừng phạt đã áp dụng đối với Nga có hiệu quả, nhưng cần phải làm nhiều hơn nữa.

Trong tháng này, ông Graham và Thượng nghị sĩ Richard Blumenthal của đảng Dân chủ đã đến gặp Tổng thống Zelensky ở Kiev và trao một bản sao nghị quyết.

Trong suốt thời gian xung đột giữa Nga và Ukraine, Tổng thống Zelensky đã công khai kêu gọi chỉ định Nga là quốc gia bảo trợ khủng bố.

Hạ viện Mỹ đang chuẩn bị cho cuộc bỏ phiếu về nghị quyết tương tự như phiên bản của Thượng viện, trong đó Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi ủng hộ mạnh mẽ.

Tuy nhiên, khi được hỏi về vấn đề này vào ngày 28/7, Ngoại trưởng Blinken không có dấu hiệu cam kết sẽ nghe theo các lời kêu gọi. Ông phản ứng giống như các quan chức khác của Bộ Ngoại giao và Nhà Trắng. Ông nói rằng quyết định nào cũng phải dựa trên các định nghĩa pháp lý hiện có, đồng thời nói rằng coi Nga là quốc gia bảo trợ khủng bố là không có ý nghĩa thực tế vì Nga đã phải chịu nhiều lệnh trừng phạt rồi.

Ông Blinken nói tại một cuộc họp báo: “Cái giá mà chúng ta và các nước khác áp đặt lên Nga hoàn toàn tương tự những hậu quả sẽ xảy ra sau khi Nga bị coi là bảo trợ khủng bố. Vì vậy, hiệu quả thực tế của những gì chúng ta đang làm là như nhau”.

Tuy nhiên, ông Blinken có thể không được làm theo ý mình. Trong khi nghị quyết của Thượng viện chỉ là lời kêu gọi hành động mà không có sức mạnh pháp lý, thì một nhóm thành viên Dân chủ tại Hạ viện ngày 28/7 đã đệ trình một biện pháp mới. Nếu được Quốc hội thông qua và ký thành luật, biện pháp này sẽ “vượt mặt” Bộ Ngoại giao và đưa Nga vào danh sách quốc gia bảo trợ khủng bố của Mỹ.



Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi. Ảnh: AFP/TTXVN.


Nếu Nga nằm trong danh sách này, kinh tế Nga sẽ chịu nhiều lệnh trừng phạt hơn. Các quốc gia làm ăn với Nga cũng sẽ bị trừng phạt. Theo các nhà phân tích, mối quan hệ ngoại giao hạn chế giữa Nga và Mỹ hiện nay sẽ bị cắt đứt hẳn.

Ngoài ra, một quan chức cấp cao Mỹ bày tỏ lo ngại rằng nếu coi Nga là nước bảo trợ khủng bố, chính quyền Mỹ sẽ bị hạn chế khi muốn miễn trừng phạt một số giao dịch với Nga. Ví dụ như Mỹ sẽ không thể đảm bảo miễn trừng phạt hoạt động xuất khẩu lương thực của Nga.

Ngoài ra, các chuyên gia cho rằng cái giá về ngoại giao có thể rất lớn và Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể trục xuất tất cả các nhà ngoại giao Mỹ khỏi nước này. Cho đến nay, Nga vẫn cho phép Đại sứ quán Mỹ tại Moskva tiếp tục mở cửa và cho một số nhà ngoại giao ở lại, trong đó có Đại sứ John J. Sullivan.

Ngay cả khi xảy ra xung đột ở Ukraine, Mỹ vẫn muốn tiếp tục làm việc với Nga về một số vấn đề, như cuộc đàm phán quốc tế với Iran để khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015 mà Nga là một bên.

Ông Brian Finucane, cố vấn cấp cao của tổ chức International Crisis Group, nhận định: “Đối với ngoại giao, sẽ không thực tế nếu chỉ định một quốc gia là bảo trợ khủng bố trong khi Mỹ lại có mối quan hệ nhiều mặt với nước đó”.

Các quan chức Mỹ cho đến nay chủ yếu coi một quốc gia là bảo trợ khủng bố chỉ trong các trường hợp quốc gia đó đã thực hiện một hành động chẳng hạn như đánh bom một máy bay dân sự.

Sau khi coi nước nào đó là quốc gia bảo trợ khủng bố, Mỹ cũng gặp khó khăn khi bãi bỏ quyết định cho dù là khi Mỹ có chính quyền mới và có quan điểm khác.


Thùy Dương

Nguồn: baotintuc.vn
26 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.