Chuyên mục
Biển Đông dậy sóng không phải chỉ vì Covid-19

Biển Đông dậy sóng không phải chỉ vì Covid-19

Thứ tư 13/05/2020 16:56 GMT + 7

Giáo sư khoa học chính trị, Giám đốc Chương trình Nghiên cứu An ninh tại Viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ), ông M.Taylor Fravel nhận xét về động thái mới của Trung Quốc trên Biển Đông, giữa lúc đại dịch Covid-19 hoành hành. 

 


Theo nhận định của giáo sư M.Taylor Fravel, Giám đốc Chương trình Nghiên cứu An ninh tại Viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ, không phải đại dịch Covid-19 đang tạo ra cơ hội mới cho Trung Quốc gia tăng hoạt động gần đây tại Biển Đông mà thực chất nước này chỉ tiếp tục thực hiện chiến lược lâu nay của mình. Giáo sư nêu ra bốn lý do chính.

Thứ nhất, chiến lược Biển Đông của Trung Quốc không thay đổi. Trước khi đại dịch bùng phát, những động thái của Trung Quốc là nhằm tìm cách khẳng định các quyền lịch sử sai trái của nước này tại Biển Đông. Sau khi bác bỏ phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng tài PCA, Bắc Kinh càng quyết tâm hơn bằng cách đưa ra một tuyên bố hiếm thấy để công khai khẳng định rằng Trung Quốc có các quyền lịch sử ở Biển Đông. Mặc dù Bắc Kinh vẫn chưa định nghĩa thế nào là nội hàm của những quyền này, song theo một nhà phân tích đáng tin cậy của Trung Quốc, có thể chúng bao gồm quyền đánh bắt cá, quyền đi lại hàng hải và các quyền được ưu tiên khai thác tài nguyên. Để khẳng định cái gọi là quyền lịch sử này, trong những năm qua, Trung Quốc sử dụng ba căn cứ tác chiến tiền phương lớn mà nước này đã tạo ra trên các bãi đá ngầm ở khu vực Quần đảo Trường Sa [của Việt Nam] thông qua hoạt động cải tạo quy mô lớn trong năm 2014-2015, nhằm tăng cường hiện diện tại khu vực này.

Thứ hai, những tranh cãi gần đây nhất đã có từ trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Tháng 12/2019, Bắc Kinh và Jakarta đã trực tiếp đối đầu nhau khi một đội tàu cá của Trung Quốc hoạt động gần đảo Natuna của Indonesia ở khu vực cực Tây Nam của Biển Đông. Tình thế đối đầu này kéo dài tới cuối tháng 1/2020, với việc các tàu hải cảnh của Trung Quốc hộ tống các tàu cá của nước này và các lực lượng vũ trang của Indonesia cũng thể hiện quyết tâm bảo vệ khu vực của mình. Cuộc đối đầu giữa Trung Quốc và Indonesia chỉ là ví dụ mới đây nhất cho thấy cạnh tranh kéo dài liên quan tới việc đánh bắt cá ở vùng biển này, vốn bắt đầu gia tăng từ năm 2016. Trung Quốc coi khu vực đó là ngư trường truyền thống của nước này, trong khi Indonesia coi vùng biển này nằm trong EEZ của mình.

Thứ ba, đợt đánh bắt cá mùa Xuân thường châm ngòi những căng thẳng mới. Ngày 2/4, một tàu cá của Việt Nam đang hoạt động gần đảo Phú Lâm thuộc Quần đảo Hoàng Sa thì bị đâm chìm sau khi đụng độ với một tàu hải cảnh của Trung Quốc. Việt Nam tuyên bố chủ quyền đối với khu vực Quần đảo Hoàng Sa - vốn đã bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép kể từ năm 1974. Những diễn biến như vậy thường xảy ra ở khu vực xung quanh quần đảo này, đặc biệt trong giai đoạn cao điểm của mùa đánh bắt cá mỗi khi vào Xuân. Tháng 3/2019, một tàu cá khác của Việt Nam đã bị đâm chìm vì đụng độ với một tàu chấp pháp của Trung Quốc gần Đá Lồi. Vụ đụng độ mới nhất hồi tháng trước phản ánh những biến động có tính chu kỳ giữa Việt Nam và Trung Quốc ở khu vực này, và quyết tâm đáp trả của Bắc Kinh.

Thứ tư, Trung Quốc cũng can thiệp vào hoạt động khai thác dầu khí của các nước khác. Cũng trong tháng 4, tàu Hải dương Địa chất 8 - một tàu thăm dò địa chất của Trung Quốc - bắt đầu hoạt động trong EEZ của Malaysia với sự bảo vệ của các tàu hải cảnh. Đây không phải là nỗ lực mới của Bắc Kinh có liên quan đến nguồn tài nguyên dầu mỏ và khí đốt tại Biển Đông. Năm 2017 và 2018, Trung Quốc từng gây sức ép liên quan đến các hoạt động khai thác gần Bãi Tư Chính. Năm 2019, Trung Quốc đã điều các tàu hải cảnh đi xung quanh và quấy rối các hoạt động khoan thăm dò trong EEZ của Việt Nam và Malaysia. Trên thực tế, chính tàu Hải dương Địa chất 8 này đã từng xâm phạm khi có hoạt động bên trong vùng EEZ của Việt Nam từ đầu tháng 7 tới cuối tháng 10/2019.

Theo giáo sư M.Taylor Fravel, Trung Quốc có thể coi việc gia tăng tranh chấp chủ quyền của họ quan trọng hơn việc tạm dừng lại một thời gian để tập trung vào đối phó với đại dịch Covid-19 hay cải thiện quan hệ với các nước khác trong khu vực. Ngoài ra, vì cân nhắc sự tương quan giữa bất ổn định ở trong nước với các thách thức ở bên ngoài, các nhà lãnh đạo Trung Quốc có thể không chấp nhận tạm dừng hành động trên Biển Đông, với lo ngại đây sẽ là tín hiệu về sự yếu đuối hay thay đổi chiến lược của Bắc Kinh trong hồ sơ tranh chấp tại Biển Đông.

 

Việt Nam đề nghị Trung Quốc không làm phức tạp thêm tình hình Biển Đông.


Ngày 8/5, trả lời câu hỏi của phóng viên về việc Trung Quốc ban hành thông báo cấm đánh bắt cá ở Biển Đông từ ngày 1/5-16/8 và triển khai biện pháp thực thi thông báo này, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nêu rõ:

Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa phù hợp luật pháp quốc tế. Là quốc gia ven Biển Đông và thành viên Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, Việt Nam có chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán tại các vùng biển của mình được xác lập phù hợp Công ước đồng thời cũng được hưởng các quyền lợi hợp pháp khác trên biển theo quy định của Công ước.

Việt Nam bác bỏ quyết định đơn phương này của phía Trung Quốc. Trong bối cảnh quốc tế và khu vực hiện nay, Việt Nam đề nghị phía Trung Quốc không làm phức tạp thêm tình hình Biển Đông.

 

Hà Linh

(Theo CTV từ Mỹ)

Nguồn: baoquocte.vn
27 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.