Chuyên mục
WHO: Nên khuyến nghị thay vì bắt buộc người dân tiêm phòng COVID-19

WHO: Nên khuyến nghị thay vì bắt buộc người dân tiêm phòng COVID-19

Thứ ba 08/12/2020 11:12 GMT + 7

WHO khuyến cáo việc yêu cầu chủng ngừa bắt buộc có thể là cách làm sai, phản tác dụng vì từng xảy ra việc tâm lý phản đối gia tăng khi người dân bị buộc đi tiêm phòng COVID-19.

 


Tiêm thử nghiệm vắcxin ngừa COVID-19 cho tình nguyện viên tại Detroit, bang Michigan, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)


Ngày 7/12, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến nghị để chương trình chủng ngừa vắcxin được tiến hành hiệu quả, các quốc gia cần chủ động tuyên truyền để người dân hiểu và tin tưởng lợi ích của vắcxin, thay vì bắt buộc người dân phải thực hiện.

WHO khẳng định các quốc gia có quyền quyết định sẽ triển khai các chiến dịch chủng ngừa COVID-19 của mình như thế nào. Tuy nhiên, WHO khuyến cáo việc yêu cầu chủng ngừa bắt buộc có thể là cách làm sai, phản tác dụng vì từng xảy ra việc tâm lý phản đối gia tăng khi người dân bị buộc đi chủng ngừa.

Phát biểu trong một cuộc họp báo trực tuyến ngày 7/12 của WHO, Giám đốc bộ phận chủng ngừa của WHO Kate O'Brien cho rằng không nên bắt buộc người dân đi tiêm, thay vào đó nên khuyến khích và tạo điều kiện cho người dân đi chủng ngừa.

Tuy nhiên, bà O'Brien lưu ý có thể phải áp dụng bắt buộc chủng ngừa vắcxin COVID-19 đối với một số vị trí công tác trong các bệnh viện, vì sự an toàn của bệnh nhân và các nhân viên y tế.

Về phần mình, Giám đốc tình trạng khẩn cấp của WHO Michael Ryan cho rằng cần thuyết phục người dân tin tưởng sử dụng vắcxin COVID-19, thông qua việc cung cấp các dữ liệu đáng tin cậy và thông tin về lợi ích của vắcxin để người dân tự quyết định. Ông cũng lưu ý trong một số trường hợp, việc chủng ngừa vắcxin được coi là trách nhiệm.

Tuy nhiên, các chuyên gia của WHO thừa nhận sẽ rất khó để thuyết phục toàn bộ người dân trên thế giới tự nguyện sử dụng vắcxin phòng COVID-19.

Theo WHO, hiện có khoảng 51 vắcxin COVID-19 đang được thử nghiệm trên người, 13 trong số này đã đến giai đoạn thử nghiệm cuối trên quy mô lớn. Ngoài ra còn có khoảng 163 vắcxin đang được nghiên cứu và phát triển tại các phòng thí nghiệm trên toàn thế giới.

Trong bối cảnh các quốc gia đang chuẩn bị triển khai các kế hoạch chủng ngừa trong thời gian tới, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus kêu gọi ưu tiên những nhóm có nguy cơ cao để giảm áp lực cho các hệ thống y tế.

Cụ thể, ông Ghebreyesus cho rằng các nhân viên y tế cần được ưu tiên hàng đầu, tiếp đến là nhóm nguy cơ bệnh nặng hoặc tử vong cao vì tuổi tác, rồi đến nhóm nguy cơ cao vì bệnh nền.

WHO cũng kêu gọi các nhà tài trợ đóng góp cho Cơ chế ACT-Accelerator nhằm phân phối vắcxin, phương tiện điều trị và xét nghiệm công bằng tại các quốc gia, bất kể giàu nghèo. Cơ chế này đang thiếu 4,3 tỷ USD vốn hoạt động khẩn cấp và gần 24 tỷ USD trong năm 2021./.


Lê Ánh

Nguồn: vietnamplus.vn
26 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.