Chuyên mục
Việt Nam sẵn sàng đàm phán với Hoa Kỳ để đưa mức thuế nhập khẩu về 0%

Việt Nam sẵn sàng đàm phán với Hoa Kỳ để đưa mức thuế nhập khẩu về 0%

Thứ bảy 05/04/2025 08:35 GMT + 7

Cuộc điện đàm giữa Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tối 4/4 mở ra những tín hiệu tích cực. Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định, Việt Nam sẵn sàng trao đổi với phía Hoa Kỳ để đưa mức thuế nhập khẩu về 0% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Hoa Kỳ đồng thời đề nghị Hoa Kỳ áp dụng mức thuế tương tự đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam.


Tối 4/4, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump về quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ. Tổng Bí thư Tô Lâm đánh giá cao cuộc trao đổi, trong đó hai nhà lãnh đạo khẳng định mong muốn tiếp tục tăng cường hợp tác song phương, vì lợi ích hai nước và đóng góp cho hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực và trên thế giới. Hai nhà lãnh đạo cùng đánh giá quan hệ hai nước đang phát triển tốt đẹp trên các lĩnh vực.

 

Tổng Bí thư Tô Lâm điện đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump từ Trụ sở Trung ương Đảng tối 4/4. Ảnh: TTXVN.


Về quan hệ thương mại song phương, hai nhà lãnh đạo cùng trao đổi các biện pháp để tiếp tục thúc đẩy việc giao thương. Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định Việt Nam sẵn sàng trao đổi với phía Hoa Kỳ để đưa mức thuế nhập khẩu về 0% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Hoa Kỳ đồng thời đề nghị Hoa Kỳ áp dụng mức thuế tương tự đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam, tiếp tục nhập khẩu nhiều hàng hóa từ Hoa Kỳ mà Việt Nam có nhu cầu và khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để các công ty từ Hoa Kỳ tăng cường đầu tư hơn nữa vào Việt Nam.

Hai nhà lãnh đạo khẳng định sẽ cùng trao đổi để sớm ký một thỏa thuận song phương giữa hai nước để cụ thể hóa những cam kết trên.

Nhân dịp này Tổng Bí thư Tô Lâm trân trọng mời Tổng thống Donald Trump và Phu nhân sớm thăm lại Việt Nam. Tổng thống Hoa Kỳ vui vẻ nhận lời và bày tỏ mong muốn sớm gặp lại Tổng Bí thư Tô Lâm. Ông Trump trân trọng nhờ Tổng Bí thư Tô Lâm chuyển lời thăm hỏi thân tình tới các lãnh đạo và nhân dân Việt Nam.

Ngay sau đó, trên mạng xã hội, Tổng thống Hoa Kỳ viết: “Tôi vừa có một cuộc gọi rất hiệu quả với ông Tô Lâm, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, người đã nói với tôi rằng Việt Nam muốn cắt giảm thuế quan xuống còn ZERO nếu họ có thể đạt được một thỏa thuận với Hoa Kỳ. Tôi đã thay mặt đất nước chúng ta cảm ơn ông ấy và nói rằng tôi mong đợi một cuộc gặp mặt trong tương lai gần”.

Cuộc điện đàm giữa Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tối 4/4 mở ra những tín hiệu tích cực. Giới phân tích đánh giá, trong bối cảnh nhiều quốc gia đang tìm cách tiếp cận Hoa Kỳ để đàm phán về thương mại – bao gồm cả EU và một loạt nền kinh tế lớn, việc Tổng thống Trump ưu tiên nhắc đến Việt Nam đầu tiên trên Truth Social ngay sau cuộc điện đàm được giới phân tích xem là dấu hiệu cho thấy Việt Nam đang có lợi thế nhất định trong bàn cờ đàm phán.

Thị trường quốc tế cũng ghi nhận phản ứng tích cực. Giá cổ phiếu của các tập đoàn có chuỗi cung ứng tại Việt Nam như Nike, Lululemon bật tăng – phản ánh kỳ vọng của nhà đầu tư.

Chiều cùng ngày, tại cuộc họp với các hiệp hội, doanh nghiệp, các cơ quan ngoại giao để bàn về các giải pháp xử lý vấn đề thuế quan với Hoa Kỳ, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc cũng khẳng định thiện chí đàm phán của Việt Nam để sớm tìm được tiếng nói chung.

Ông nêu rõ, Chính phủ Việt Nam đề nghị phía Hoa Kỳ cân nhắc tạm hoãn áp thuế từ 1 - 3 tháng để đàm phán, hướng tới đảm bảo công bằng về thuế. Việt Nam cũng sẽ triển khai các giải pháp để tăng cường nhập khẩu hàng hóa xuất xứ từ Hoa Kỳ; mong muốn đẩy mạnh hợp tác với Hoa Kỳ trong các lĩnh vực phát triển khoa học, công nghệ, chuyển đổi số,…

Nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam đang đứng trước một “phép thử chiến lược”, nếu xử lý khéo léo, đây sẽ là cơ hội cho Việt Nam, không chỉ về việc giảm thiểu áp lực thuế quan mà còn là cơ hội vươn lên mạnh mẽ.

Trao đổi với báo chí bên lề sự kiện diễn ra gần đây, PGS.TS Nguyễn Thường Lạng, giảng viên cao cấp, Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế, Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng nếu Việt Nam đưa ra một gói cam kết, chẳng hạn trong 7 - 10 năm tới sẽ nhập khẩu từ Mỹ tăng lên khoảng 70 - 100 tỷ USD, khi đặt lên đàm phán chắc chắn sẽ dễ thương lượng hơn. Nếu chỉ nhập khẩu vài chục triệu USD hàng Mỹ sẽ rất khó thay đổi được tình hình.

Chuyên gia cũng cho rằng, cần rà soát và tính toán lại mức thuế để có cơ sở đánh giá chính xác và thuyết phục trong đàm phán. Từ đó, phía Mỹ có thể sẽ “mềm hóa” đi mức thuế đưa ban đầu, đặc biệt trong bối cảnh hai nước đang là đối tác chiến lược toàn diện.

“Thực tế, Việt Nam đã chủ động giảm thuế cho một số mặt hàng từ Mỹ. Do đó, cũng có kỳ vọng rằng phía Mỹ sẽ có biện pháp phản hồi mang tính tích cực và mềm dẻo hơn, thay vì áp mức thuế cao đột ngột. Việc hai bên áp thuế trả đũa lẫn nhau có thể dẫn đến vòng xoáy leo thang căng thẳng thương mại, điều không cần thiết trong giai đoạn kinh tế toàn cầu đang cần sự ổn định và hợp tác hơn bao giờ hết”, chuyên gia nhận định.

Còn TS Chu Thanh Tuấn, Đại học RMIT Việt Nam lưu ý, cách tiếp cận điển hình của Tổng thống Trump là bắt đầu bằng cú sốc, công bố các mức thuế cao, như 30%, 40% hay thậm chí 60%, rồi dùng chính các mối đe dọa đó như công cụ đàm phán để đạt được những thỏa thuận có lợi hơn. Mục tiêu thực sự thường là khiến mức thuế cơ sở 10% có vẻ “vừa phải” và dễ chấp nhận hơn khi so sánh với các mức thuế tạo sốc.

“Việc chậm trễ hoặc do dự có thể bị diễn giải là bị động, làm suy yếu vị thế đàm phán. Thay vào đó, Việt Nam nên hành động sớm, quyết đoán và mang tính xây dựng bằng cách tập trung vào các biện pháp miễn trừ hoặc giảm mức áp thuế thông qua ngoại giao có mục tiêu và nhượng bộ thương mại cùng có lợi”.

Chuyên gia cho rằng thời điểm này không chỉ là một phép thử về năng lực chống chịu, mà còn có thể trở thành bước ngoặt chiến lược. Việt Nam đang bước vào một trong những môi trường thương mại toàn cầu phức tạp nhất trong nhiều thập niên. Tuy nhiên, với cách tiếp cận phù hợp, chính cú sốc hiện tại có thể trở thành chất xúc tác cho sự chuyển mình dài hạn.

Chuyên gia nhấn mạnh lộ trình chiến lược trong giai đoạn tới của Việt Nam cần bao gồm: Hoạt động ngoại giao chính phủ ở cấp cao nhất, năng lực thích ứng và kế hoạch quản trị rủi ro của khu vực tư nhân, truyền thông tới cả công chúng Mỹ và trong nước và cải cách dài hạn nhằm nâng cao tính minh bạch và năng lực thể chế trong thương mại.

“Nếu các yếu tố này được thực hiện đồng bộ và quyết liệt, Việt Nam không chỉ có thể vượt qua “cơn bão” trước mắt mà còn có thể vươn lên mạnh mẽ hơn, với vị thế cạnh tranh cao hơn và một nền kinh tế đa dạng, bền vững hơn trong tương lai”, theo TS Chu Thanh Tuấn.

Nguồn: vnbusiness.vn
1 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: [email protected]; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.