Chuyên mục
Việt Nam ồ ạt mua mặt hàng chiến lược từ Nga

Việt Nam ồ ạt mua mặt hàng chiến lược từ Nga

Chủ nhật 04/05/2025 16:13 GMT + 7

Việt Nam chi hơn 1,8 tỷ USD nhập khẩu 17,27 triệu tấn than trong ba tháng đầu năm, Nga là quốc gia xuất khẩu nhiều thứ 3 vào Việt Nam với sản lượng đạt hơn 206 triệu USD.


© Sputnik / Alexandr Kryazhev.

 

Nga được xem là một trong những đối tác then chốt xuất khẩu than sang Việt Nam nhờ chất lượng và vai trò ổn định nguồn cung.


Indonesia, Australia và Nga là ba nhà cung cấp chính


Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, trong quý I/2025, Việt Nam đã chi hơn 1,8 tỷ USD để nhập khẩu 17,27 triệu tấn than, tăng 16,7% về lượng nhưng giảm 7,7% về kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái.


Mức giá nhập khẩu trung bình chỉ đạt 105,18 USD/tấn, giảm hơn 20% so với năm trước. Diễn biến này phản ánh nhu cầu sử dụng than trong nước vẫn rất lớn, đặc biệt là để vận hành các nhà máy nhiệt điện – lĩnh vực vẫn chiếm hơn 40% sản lượng điện toàn quốc.


Cụ thể, theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, 3 tháng đầu năm nay, Indonesia tiếp tục giữ vững vị trí là nguồn cung than lớn nhất cho Việt Nam, với 6,98 triệu tấn trị giá 579 triệu USD, chiếm hơn 40% tổng lượng nhập khẩu.

 

Mức giá nhập khẩu trung bình từ Indonesia là 82,9 USD/tấn – thấp hơn đáng kể so với các nguồn khác.


Việt Nam hiện áp dụng thuế nhập khẩu ưu đãi 0% đối với than từ Indonesia theo Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN (ATIGA), giúp doanh nghiệp trong nước tiết kiệm đáng kể chi phí nhập khẩu, với điều kiện có giấy chứng nhận xuất xứ (C/O mẫu D).


Đứng thứ hai là Australia, với 5,36 triệu tấn trị giá 693,7 triệu USD, chiếm khoảng 31% tổng lượng nhập khẩu. Mặc dù giá bình quân từ Australia đạt 129,3 USD/tấn – cao hơn so với Indonesia, song vẫn giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái.


Nga là nhà cung cấp than lớn thứ ba của Việt Nam trong quý I/2025, với sản lượng đạt 1,44 triệu tấn, kim ngạch hơn 206 triệu USD.


Giá nhập khẩu trung bình từ Nga giảm mạnh gần 28% so với cùng kỳ, chỉ còn 142,3 USD/tấn.
Dù không phải là nguồn cung giá rẻ nhất, than Nga có đặc điểm ổn định về chất lượng, phù hợp cho nhiều nhà máy nhiệt điện sử dụng công nghệ đốt than phun công suất lớn.


So với cùng kỳ các năm trước, lượng nhập khẩu than từ Nga có sự biến động nhất định:


Năm 2022: Việt Nam nhập khẩu khoảng 2,75 triệu tấn than từ Nga, kim ngạch hơn 660 triệu USD. Năm 2023: Số lượng giảm còn 2,18 triệu tấn, do ảnh hưởng từ bất ổn địa chính trị và biến động giá dầu khí toàn cầu. Năm 2024: Dù giá than thế giới hạ nhiệt, nhập khẩu từ Nga vẫn đạt gần 2 triệu tấn, cho thấy xu hướng ổn định về thương mại năng lượng giữa hai nước.
Quý I/2025: Với 1,44 triệu tấn đã nhập, dự báo lượng than nhập từ Nga cả năm có thể vượt mức 3 triệu tấn nếu xu hướng này tiếp tục.


Theo nhiều chuyên gia Việt Nam, việc duy trì nhập khẩu than từ Nga mang lại lợi ích chiến lược. Liên bang Nga là đối tác truyền thống, có năng lực cung ứng lớn và than chất lượng cao cho Việt Nam và nhiều quốc gia khác trên thế giới.

 

Đặc biệt, trong bối cảnh nguồn than nội địa suy giảm, đa dạng hóa nguồn cung trong đó có Nga là điều thiết yếu để bảo đảm an ninh năng lượng cho Việt Nam.


Bình luận với Sputnik trước đó nhiều chuyên gia tin tưởng, than Nga có giá cạnh tranh, chất lượng tốt (nhiệt trị cao, phù hợp với các nhà máy sản xuất ở Việt Nam, chất lượng than ngày càng cải thiện…), vì thế, Việt Nam có khả năng vẫn sẽ tăng cường duy trì nguồn cung này.


Vì sao phải nhập khẩu dù Việt Nam có mỏ than?


Việt Nam là quốc gia có truyền thống khai thác than lâu đời, với các mỏ lớn tại Quảng Ninh, Thái Nguyên, Hà Tĩnh.


Trong đó, Quảng Ninh được xem là cái nôi của ngành than Việt Nam, trong khi Thái Nguyên và Hà Tĩnh cũng đóng góp đáng kể vào sản lượng than quốc gia.


Tuy nhiên, sản lượng trong nước chủ yếu là than antraxit, có hàm lượng tro cao, độ tro không đồng nhất, không phù hợp với yêu cầu của các nhà máy nhiệt điện công nghệ hiện đại – vốn ưu tiên sử dụng than bitum hoặc bán bitum có năng suất tỏa nhiệt cao và ít tạp chất.


Thêm nữa, nhiều mỏ đang dần cạn kiệt, buộc phải đào sâu hơn, làm tăng chi phí và giảm hiệu quả trong khi nhập khẩu than giá rẻ giúp doanh nghiệp linh hoạt về nguồn cung, đồng thời tiết kiệm chi phí sản xuất.


Trong năm 2025, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đặt mục tiêu sản xuất khoảng 37 triệu tấn than sạch. Tuy nhiên, nhu cầu tiêu thụ than trong nước ước tính lên tới 50 triệu tấn, trong đó phần lớn dùng cho các nhà máy nhiệt điện. Điều này tạo ra khoảng cách lớn giữa cung và cầu, khiến nhập khẩu than trở thành giải pháp bắt buộc.


Dự báo đến năm 2025, nhu cầu than cho các nhà máy nhiệt điện sẽ chiếm hơn 80% tổng nhu cầu tiêu thụ than, bởi Việt Nam vẫn chủ yếu sử dụng than để sản xuất điện, dù có xu hướng chuyển dần sang năng lượng tái tạo. Đây là một yếu tố quan trọng khiến nhập khẩu than vẫn giữ vai trò chủ chốt trong chiến lược năng lượng quốc gia.

 

Theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021–2030, dù Việt Nam đang thúc đẩy mạnh năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời, song than vẫn đóng vai trò là nguồn cung cơ bản bảo đảm sự ổn định cho hệ thống điện. Dự báo đến năm 2030, tiêu thụ than trong nước có thể vượt 75 triệu tấn/năm, trong đó nhập khẩu chiếm từ 35–45%.


Trong bối cảnh đó, việc bảo đảm nguồn cung than ổn định từ các đối tác chiến lược như Nga, Indonesia và Australia sẽ tiếp tục là ưu tiên của ngành năng lượng.


Trong ngắn hạn và trung hạn, việc nhập khẩu than từ Nga và các đối tác tin cậy khác tiếp tục là lựa chọn chiến lược để đáp ứng nhu cầu điện quốc gia, đồng thời giúp duy trì ổn định hệ thống trong bối cảnh giá năng lượng toàn cầu vẫn tiềm ẩn nhiều biến động.

Nguồn: kevesko.vn
0 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: [email protected]; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.