Chuyên mục
Việt Nam: ''Nín thở'' chờ động thái tiếp theo của Trump và Mỹ

Việt Nam: ''Nín thở'' chờ động thái tiếp theo của Trump và Mỹ

Thứ bảy 19/04/2025 13:59 GMT + 7

Trước thách thức thuế đối ứng từ Mỹ, nhiều doanh nghiệp Việt Nam “nín thở” chờ động thái tiếp theo của chính quyền Donald Trump và kết quả đàm phán Việt – Mỹ.


 

Không thể phủ nhận, việc Hoa Kỳ công bố chính sách thuế đối ứng mới nhằm vào một số mặt hàng xuất khẩu từ Việt Nam đang tạo ra cú sốc lớn đối với nhiều ngành hàng chủ lực.


Sức ép chưa từng có với các ngành xuất khẩu chủ lực


Trong bối cảnh Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm gần 30% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa, chính sách thuế này không chỉ tác động trực tiếp đến doanh nghiệp, mà còn đặt ra yêu cầu cấp thiết về tái cấu trúc nền kinh tế, đa dạng hóa thị trường và nâng cao năng lực cạnh tranh nội tại.


Báo Tiền Phong dẫn lời ông Lê Văn Quang – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú đánh giá, động thái áp thuế đối ứng từ phía Mỹ đặt ra thách thức và áp lực rất lớn đối với toàn ngành thủy sản bởi Mỹ là thị trường trọng điểm, chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu doanh thu xuất khẩu của nhiều doanh nghiệp thuỷ sản Việt Nam.


Theo ông, việc Chính phủ Mỹ tạm hoãn 90 ngày để tiến hành đàm phán, các doanh nghiệp cần tận dụng tối đa, tranh thủ đẩy mạnh xuất khẩu các đơn hàng, tái cơ cấu chuỗi giá trị và xây dựng các kế hoạch dự phòng.


Minh Phú đang khẩn trương tái cơ cấu chuỗi giá trị, điều chỉnh lại cơ cấu sản phẩm để phù hợp hơn với xu thế tiêu dùng và điều kiện thương mại mới. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng tăng tốc xúc tiến thương mại tại các thị trường tiềm năng khác như Trung Quốc, châu Âu và một số nước châu Á, hướng tới giảm sự phụ thuộc vào thị trường Mỹ trong trung và dài hạn.


Doanh nghiệp cũng đang tiếp tục chờ đợi đàm phán của Chính phủ trong việc cân bằng cán cân thương mại với nền kinh tế lớn nhất thế giới, giảm sức ép bị áp thuế từ Mỹ

 

Đối với ngành dệt may, thông tin từ Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) chia sẻ trên Tạp chí Tài chính cho biết, hiện các đơn vị ngành sợi có đơn hàng đến tháng 5/2025. Tuy nhiên, từ cuối tháng 2/2025, thị trường sợi giảm cả về giá và nhu cầu do căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, trong khi giá bông giảm sâu. Các đơn hàng sợi hiện chốt theo nhu cầu sử dụng ngay, không mua dự trữ, giá bán theo sát thị trường. Ngành may đã nhận đủ đơn hàng đến hết quý II/2025 và đang thương thảo cho quý III/2025.


Trong quý I, các đơn hàng đẩy nhanh tiến độ để hạn chế tác động của chính sách thuế Mỹ, còn quý II có xu hướng chững lại vì chờ đợi chính sách thuế từ chính quyền Trump. Sau khi Mỹ tạm dừng áp thuế vào 10/4, khách hàng thúc đẩy sản xuất và yêu cầu giao hàng trong 90 ngày.


Các doanh nghiệp trong Tập đoàn Dệt may đã nhanh chóng phản hồi tình hình và triển khai các giải pháp ứng phó ngắn và dài hạn, đàm phán với khách hàng, tìm kiếm nguồn cung mới và tối ưu hóa sản xuất.


Đại diện Hiệp hội Dệt may cũng cho biết, các doanh nghiệp đang "nín thở" chờ thông tin đàm phán mới giữa Chính phủ Việt Nam và Mỹ. Các doanh nghiệp cũng kiến nghị cơ quan quản lý Nhà nước cần cập nhật thường xuyên và nhanh nhất tiến trình đàm phán giảm thuế đối ứng của Mỹ, đồng thời trong thời gian đàm phán, cần có biện pháp cụ thể về giải quyết nhanh thủ tục hành chính, chính sách thuế thuế để giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

 

Bộ Công Thương: Gỡ khó cho doanh nghiệp, tìm cơ hội trong thách thức


Liên quan đến kế hoạch và phương án đàm phán với Mỹ, Bộ Công Thương vừa tổ chức Hội nghị "Hỗ trợ các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong bối cảnh Mỹ áp dụng thuế đối ứng lên hàng xuất khẩu từ Việt Nam" để lắng nghe các đề xuất, kiến nghị từ cộng đồng doanh nghiệp.
Theo ông Nguyễn Anh Sơn, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, nhận định tình hình thương mại quốc tế đang diễn biến nhanh và khó lường, đặc biệt khi Mỹ công bố chính sách thuế quan mới đối với hàng hóa của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.


Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm 29,5% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa, và Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 8 của Mỹ. Chính vì vậy, mức thuế bổ sung sẽ tác động mạnh, ảnh hưởng lớn đến hầu hết các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Mỹ, như: dệt may, da giày (chiếm 21,9%); gỗ và sản phẩm từ gỗ (7,5%); nông, thủy, hải sản (3,4%).


Ông Sơn cảnh báo, khi bị áp thuế đối ứng, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sẽ khó cạnh tranh hơn so với hàng hóa nội địa Mỹ và hàng hóa từ các nước khác có mức thuế thấp hơn khi nhập khẩu vào Mỹ. Điều này sẽ tạo áp lực lớn cho cộng đồng doanh nghiệp Việt, nguy cơ làm giảm lợi nhuận, thu hẹp đơn hàng, giảm thị phần xuất khẩu, cũng như gây gián đoạn chuỗi cung ứng và tăng tồn kho, khi các đối tác Mỹ có thể tìm nguồn hàng thay thế từ các quốc gia không bị áp thuế cao.


Về phần mình, bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Thụy Điển kiêm nhiệm thị trường Bắc Âu, đã cảnh báo về nguy cơ Việt Nam trở thành "trạm trung chuyển" hàng hóa Trung Quốc vào châu Âu do chính sách thuế quan mới của Hoa Kỳ. Bà nhấn mạnh rằng châu Âu đang cảnh giác cao với hiện tượng lẩn tránh thương mại thông qua việc thay đổi xuất xứ hàng hóa. Việt Nam cần kiểm soát chặt chẽ chuỗi cung ứng, bảo đảm tính minh bạch của xuất xứ và nâng cao chất lượng sản phẩm để duy trì uy tín "Made in Vietnam".


Chính sách thuế quan mới của Hoa Kỳ đang tạo ra một làn sóng chấn động trong chuỗi giá trị toàn cầu. Trước đây, chiến lược phổ biến của các doanh nghiệp là "Trung Quốc + 1", tức là tìm một điểm đến ngoài Trung Quốc để phân tán rủi ro, thì hiện nay chuyển sang "Trung Quốc + n", có nghĩa là phải đa dạng hóa, sâu hơn, mạnh hơn. Thậm chí, xu hướng "nearshoring", tức là đưa sản xuất về gần các thị trường tiêu dùng như Mỹ, châu Âu sẽ nổi lên.

 

Theo bà Thuý, Việt Nam, mặc dù được xem là một trong những điểm đến hấp dẫn cho các tập đoàn quốc tế nhờ lợi thế về chi phí lao động cạnh tranh và mạng lưới các hiệp định thương mại tự do, nhưng lợi thế này đang bị thách thức nghiêm trọng do phụ thuộc vào nguyên vật liệu và linh kiện nhập khẩu từ Trung Quốc.


Để ứng phó với thách thức này, bà Thúy cho rằng Việt Nam cần có chiến lược để giảm phụ thuộc vào nhập khẩu, nâng cấp hệ thống sản xuất và mở rộng thị trường xuất khẩu. Những thay đổi này không chỉ là thách thức mà còn là cơ hội để các quốc gia, trong đó có Việt Nam, tái định hình lại chiến lược phát triển của mình.


Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, trong những ngày qua, lãnh đạo Đảng và Nhà nước đang quyết tâm triển khai các hoạt động ngoại giao và chỉ đạo Bộ Công Thương cùng các bộ, ngành liên quan thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, tìm kiếm phương án giải quyết hợp lý cho cả hai bên, hướng đến mục tiêu đạt được thỏa thuận thương mại đối ứng ổn định, cân bằng và có lợi cho cả hai phía.


Ông Diên cho rằng, mặc dù việc Mỹ áp thuế đối ứng là một thách thức, nhưng đây cũng là cơ hội để Việt Nam chủ động tái cấu trúc nền kinh tế và doanh nghiệp, từ đó tạo ra những thay đổi tích cực trong dài hạn. Để thực hiện mục tiêu này, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan, từ doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng đến cơ quan quản lý nhà nước các cấp.


Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng đề nghị các Hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp xuất khẩu tiếp tục gửi các kiến nghị, đề xuất về Bộ Công Thương trước ngày 20/4. Bộ Công Thương sẽ rà soát và tập trung giải quyết các vấn đề theo thẩm quyền, hoặc chuyển cho các bộ, ngành liên quan và báo cáo Chính phủ, Thủ tướng để xem xét, chỉ đạo, giúp các Hiệp hội và doanh nghiệp ứng phó linh hoạt, hiệu quả với tình hình mới và vượt qua khó khăn.

Nguồn: kevesko.vn
1 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: [email protected]; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.