Chuyên mục
Việt Nam đang đi ngược xu hướng chung
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận nào cho bài viết này.

Việt Nam đang đi ngược xu hướng chung

Thứ bảy 28/09/2019 10:29 GMT + 7
Với dữ liệu vừa công bố, Việt Nam đang cho thấy khả năng đi ngược xu hướng chung trên thế giới.

Ngày 23/9, Standard Chartered đưa ra dự báo Việt Nam sẽ là nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất ASEAN trong năm nay, với tốc độ tăng trưởng dự kiến đạt 6,9%; tốc độ này được kỳ vọng sẽ duy trì đến năm 2021.

Ngày 27/9, Tổng cục Thống kê chính thức công bố các dữ liệu cơ bản về tình hình kinh tế xã hội quý III và 9 tháng đầu năm 2019.

Theo báo cáo của đầu mối chuyên trách trên, kết quả chung củng cố dự tính trước đó của Thường trực Chính phủ: năm nay dự kiến sẽ hoàn thành và có thể hoàn thành vượt kế hoạch tất cả 12/12 chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội mà Quốc hội đã thông.

Trong kết quả 9 tháng đầu năm 2019, nổi bật và có thể gây bất ngờ so với một số dự báo hoặc quan ngại thời gian qua là tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP), ước tính tăng 6,98% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng cao nhất của 9 tháng trong gần một thập kỷ qua.

Đáng chú ý, mức tăng trưởng GDP riêng quý III lên tới 7,31% thể hiện đà tăng trưởng của kinh tế Việt Nam, đi ngược với xu hướng chung đã và đang ám ảnh trên toàn cầu, hoặc như đã thể hiện rõ ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới là Trung Quốc.

Báo cáo của Tổng cục Thống kê cũng gián tiếp so sánh, kết quả trên đặt trong bối cảnh kinh tế thế giới có xu hướng tăng trưởng chậm lại với các yếu tố rủi ro, thách thức gia tăng.

Cùng đó, cơ quan này nhấn mạnh, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung diễn biến khó lường, căng thẳng địa chính trị leo thang ở Vịnh Ba Tư, nguy cơ Brexit không có thỏa thuận và bất ổn chính sách gia tăng trên toàn cầu, niềm tin kinh doanh và tâm lý thị trường tài chính giảm sút, thương mại và đầu tư thế giới giảm, các tổ chức quốc tế liên tục đưa ra dự báo thiếu lạc quan về tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2019.

Một dòng chảy nổi bật và điển hình cho bối cảnh trên cũng đã thể hiện rõ suốt từ đầu năm đến nay: thống kê cơ bản cho thấy, từ đầu năm đến nay đã có tới khoảng 40 ngân hàng trung ương trên thế giới buộc phải giảm lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trước xu hướng chậm lại.

Trong đó, có một số quốc gia đã phải cắt giảm lãi suất tới 3-4 lần chỉ từ đầu năm đến nay; hay Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) hướng đến lãi suất âm và thậm chí còn tung ra gói nới lỏng định lượng; Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phải có tới 2 lần liên tiếp cắt giảm lãi suất; Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) từ đầu năm đến nay cũng liên tiếp bơm tiền vào nền kinh tế qua hạ dự trữ bắt buộc, giảm lãi suất…

Việt Nam, trong bối cảnh trên, chính sách tiền tệ cũng đã linh hoạt hơn với lần cắt giảm các lãi suất điều hành từ ngày 16/9 vừa qua. Nhưng ngược lại, cũng theo cập nhật của Tổng cục Thống kê, tăng trưởng tín dụng đến 20/9/2019 lại sụt hẳn so với cùng kỳ năm 2018 (8,4% so với 9,52%).

Ở một khía cạnh khác, những năm gần đây tín dụng tiêu dùng và cho vay cá nhân tại Việt Nam có xu hướng gia tăng mạnh. Điều này về lý thuyết có thể dẫn tới ứng xử “thắt lưng buộc bụng” trong chi tiêu và tác động bất lợi đến sức cầu và động lực bán lẻ, sản xuất liên quan…

Thế nhưng, theo Tổng cục Thống kê, trên góc độ sử dụng GDP 9 tháng năm 2019, tiêu dùng cuối cùng vẫn tăng trưởng 7,20% so với cùng kỳ năm 2018.

Cũng theo cơ quan này, động lực chính của tăng trưởng kinh tế 9 tháng năm nay là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (tăng 11,37%) và các ngành dịch vụ thị trường (bán buôn và bán lẻ tăng 8,31%; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 8,19%; ngành vận tải, kho bãi tăng 7,82%; thông tin và truyền thông tăng 7,65%).

Như vậy, với kết quả tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm 2019, đặc biệt là riêng quý III, Việt Nam đang đi ngược xu hướng chung chậm lại trên thế giới.

Trước thềm công bố kết quả trên, một số tổ chức quốc tế ở kỳ cập nhật gần nhất cũng lạc quan nhất định với thực tại và triển vọng phát triển kinh tế của Việt Nam.

“Với dự báo tăng trưởng kinh tế và thương mại toàn cầu chậm lại, tốc độ tăng trưởng của Việt Nam cũng được dự báo sẽ giảm nhẹ, nhưng vẫn được duy trì ở mức khá cao là 6,8% trong năm 2019 và 6,7% trong năm 2020. Tăng trưởng sẽ tiếp tục được thể hiện một cách toàn diện ở các lĩnh vực dựa trên những nền tảng vững như công nghiệp chế biến chế tạo định hướng xuất khẩu, luồng vốn FDI và nhu cầu nội địa cao”, báo cáo cập nhật của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố ngày 25/9 dự báo.

Hay trước đó, ngày 23/9, tại Hội nghị thường niên về Dự báo kinh tế toàn cầu nửa cuối năm 2019, Standard Chartered cũng đưa ra dự báo Việt Nam sẽ là nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất ASEAN trong năm nay, với tốc độ tăng trưởng dự kiến đạt 6,9%; tốc độ này được kỳ vọng sẽ duy trì đến năm 2021.

Thanh Bình
Nguồn: bizlive.vn
31 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.