Chuyên mục
Vaccine của Pfizer và Moderna có thể bảo vệ con người cả đời?

Vaccine của Pfizer và Moderna có thể bảo vệ con người cả đời?

Thứ bảy 10/07/2021 15:50 GMT + 7

Các nhà khoa học Mỹ cho biết vaccine Covid-19 của Pfizer-BioNTech và Moderna có thể bảo vệ con người trước Covid-19 trong nhiều năm, thậm chí cả đời.

Các phát hiện mới, được công bố vào tuần cuối tháng 6 trên tạp chí Nature, bổ sung thêm bằng chứng cho thấy những người đã được tiêm vaccine mRNA chống Covid-19 có thể không cần dùng thêm thuốc tăng cường miễn dịch, với điều kiện virus SARS-CoV-2 và các biến thể không phát triển đến mức kháng những loại vaccine hiện tại.

Đối với những người bệnh Covid-19 đã hồi phục và sau đó được tiêm vaccine, họ có thể không cần dùng thuốc tăng cường miễn dịch ngay cả khi virus có thêm biến thể mới.

New York Times dẫn lời Ali Ellebedy - nhà miễn dịch học tại Đại học Washington ở St. Louis, người đứng đầu nghiên cứu - cho biết: “Đó là một dấu hiệu tốt cho thấy loại vaccine này có thể tạo ra khả năng miễn dịch kéo dài như thế nào".

Các nhà khoa học không nghiên cứu vaccine Covid-19 do hãng Johnson & Johnson sản xuất. Tuy nhiên, tiến sĩ Ellebedy nói loại vaccine này tạo ra phản ứng miễn dịch duy trì được trong thời gian ngắn hơn so với vaccine mRNA của hai hãng trên.


Nhân viên y tế chuẩn bị một mũi tiêm vaccine Covid-19 của hãng Pfizer-BioNTech. Ảnh: New York Times.


Tế bào miễn dịch được "huấn luyện" như thế nào?


Theo New York Times, vào tháng trước, tiến sĩ Ellebedy và các đồng nghiệp công bố nghiên cứu cho thấy trong cơ thể những người sống sót sau Covid-19, các tế bào miễn dịch nhận dạng được virus sẽ nằm yên trong tủy xương ít nhất 8 tháng sau khi mắc bệnh.

Một nhóm nghiên cứu khác gọi tế bào miễn dịch này là tế bào ghi nhớ B. Các tác giả chỉ ra rằng những tế bào này tiếp tục trưởng thành và phát triển trong ít nhất một năm sau khi cơ thể mắc Covid-19.

Dựa trên những phát hiện đó, nhóm nghiên cứu của tiến sĩ Ellebedy cho rằng khả năng miễn dịch có thể tồn tại trong nhiều năm, và có thể là suốt đời, ở những người bị nhiễm virus SARS-CoV-2 và sau đó được tiêm chủng.

Tuy nhiên, tại thời điểm đó, họ chưa thể xác định được liệu phản ứng miễn dịch có kéo dài như vậy không nếu người được tiêm chưa từng nhiễm virus và hồi phục.

Nhóm của tiến sĩ Ellebedy tìm cách giải quyết câu hỏi đó bằng cách nghiên cứu nơi sản sinh tế bào ghi nhớ B, tức các hạch bạch huyết. Các hạch này là nơi tế bào miễn dịch được "huấn luyện" để nhận dạng và "chiến đấu" chống lại virus.

Sau khi bị mắc Covid-19 hoặc được tiêm vaccine, một cấu trúc đặc biệt được hình thành trong các hạch bạch huyết này.

Đây được coi là "trường tuyển" của các tế bào ghi nhớ B, với "chương trình đào tạo" được áp dụng để các tế bào ngày càng trở nên tinh vi hơn, nhận dạng được nhanh hơn các dấu hiệu di truyền của virus.

Phạm vi hoạt động càng rộng, các tế bào này phải luyện tập càng lâu thì chúng càng có nhiều khả năng ngăn cản các biến thể của virus có thể xuất hiện trong tương lai.

 


Khi được tiêm vaccine Covid-19, cơ thể người bắt đầu sản sinh ra kháng thể, và chúng được "huấn luyện" trong hạch bạch huyết. Ảnh: New York Times.


Marion Pepper, nhà miễn dịch học tại Đại học Washington ở Seattle, cho biết: “Mọi người luôn tập trung vào sự phát triển của virus, và các tế bào B cũng sẽ làm điều tương tự. Nó sẽ bảo vệ cơ thể người khỏi sự phát triển liên tục của virus, và điều này thực sự là tín hiệu tích cực".

Sau khi một người nhiễm virus SARS-CoV-2, các hạch bạch huyết được hình thành trong phổi. Tuy nhiên sau khi tiêm chủng, các tế bào miễn dịch được "huấn luyện" trong các hạch bạch huyết ở vùng nách.

Phản ứng miễn dịch lâu bền nhờ vaccine


Tiến sĩ Ellebedy và nhóm của ông nghiên cứu trên 41 người đã được tiêm đủ hai liều vaccine Pfizer-BioNTech, trong đó có 8 người từng mắc Covid-19.

Nhóm nghiên cứu lấy mẫu hạch bạch huyết từ 14/41 người này vào các tuần thứ ba, bốn, 5, 7 và 15 sau khi họ được tiêm mũi vaccine đầu tiên.

Akiko Iwasaki, nhà nghiên cứu miễn dịch học tại Đại học Yale, cho biết: "Rất khó để thực hiện được nghiên cứu với các mốc thời gian chuẩn xác như vậy ở người".

Sau khi xem xét kỹ lưỡng, nhóm nghiên cứu của tiến sĩ Ellebedy nhận thấy rằng 15 tuần sau liều vaccine Covid-19 đầu tiên, các "trung tâm huấn luyện" tế bào miễn dịch vẫn hoạt động mạnh ở cả 14 người này, và số lượng tế bào ghi nhớ B nhận dạng được virus SARS-CoV-2 không hề suy giảm.

“Thực tế là các phản ứng vẫn tiếp tục diễn ra trong gần 4 tháng sau khi tiêm chủng - đó là một dấu hiệu rất, rất tốt”, tiến sĩ Ellebedy nói.

Deepta Bhattacharya, nhà miễn dịch học tại Đại học Arizona, cho biết: “Thường là từ 4 đến 6 tuần, không còn nhiều phản ứng miễn dịch nữa. Nhưng các phản ứng miễn dịch được kích thích bởi vaccine mRNA này vẫn tiếp tục hoạt động nhiều tháng sau đó và không suy giảm ở hầu hết người được tiêm chủng".

Tiến sĩ Bhattacharya lưu ý rằng trước đó, những gì các nhà khoa học hiểu được về các trung tâm miễn dịch như vậy đều dựa trên nghiên cứu động vật. Còn đây là nghiên cứu đầu tiên về hiện tượng này trên cơ thể người.

 


Nghiên cứu của Mỹ cho thấy vaccine Covid-19 có khả năng bảo vệ con người hiệu quả hơn miễn dịch tự nhiên. Ảnh: Reuters.


Kết quả nghiên cứu cho thấy phần lớn những người được tiêm chủng sẽ được bảo vệ lâu dài khỏi SARS-CoV-2, ít nhất là trước các biến thể hiện có.

Tuy nhiên, người lớn tuổi, những người có hệ thống miễn dịch yếu và những người dùng thuốc ức chế miễn dịch, có thể cần thuốc tăng cường.

Những người sống sót sau Covid-19 và sau đó được tiêm chủng có thể không bao giờ cần đến các loại thuốc này.

Khó có thể dự đoán được chính xác khả năng bảo vệ của vaccine mRNA sẽ kéo dài bao lâu. Các chuyên gia cho biết trong trường hợp không có các biến thể mới có khả năng vượt qua hệ miễn dịch, thì về lý thuyết, khả năng miễn dịch này có thể tồn tại suốt đời. Tuy nhiên, rõ ràng là virus đang tiến hóa.

"Chỉ cần thêm thuốc tăng cường nếu xuất hiện biến thể mới, chứ không có chuyện khả năng miễn dịch này tự suy giảm", Deepta Bhattacharya, nhà miễn dịch học tại Đại học Arizona, nói.

Những người bình phục sau khi mắc Covid-19 và được tiêm chủng có thể có lượng kháng thể tăng lên đáng kể. Điều này được các nhà khoa học giải thích là do các tế bào ghi nhớ B, nơi tạo ra kháng thể, có nhiều tháng để phát triển trước khi tiêm chủng.

Về mặt tăng cường hệ thống miễn dịch, tiêm chủng "có lẽ tốt hơn" so với việc phục hồi sau khi bị mắc Covid-19 thật sự, tiến sĩ Ellebedy nói.

Các nghiên cứu khác cũng cho thấy kho tế bào miễn dịch được tạo ra sau khi tiêm chủng thường đa dạng hơn so với tế bào được tạo ra sau khi mắc Covid-19 thật sự và bình phục. Điều này cho thấy vaccine có thể bảo vệ cơ thể người khỏi các biến thể một cách hiệu quả hơn so với miễn dịch được tạo ra tự nhiên.

 

Hương Ly

Nguồn: zingnews.vn
26 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.