Chuyên mục
''Trang mới'' hợp tác Việt Nam - LB Thụy Sỹ và Việt Nam - LB Nga

''Trang mới'' hợp tác Việt Nam - LB Thụy Sỹ và Việt Nam - LB Nga

Thứ bảy 04/12/2021 07:54 GMT + 7

Sáng 3/12 (theo giờ Việt Nam), Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng Phu nhân dẫn đầu đoàn cấp cao Việt Nam đã về đến Việt Nam, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức LB Thụy Sỹ và LB Nga.

 

Điểm chung nổi bật và cũng là thành công quan trọng, xuyên suốt của cả hai chuyến thăm này, đó là lãnh đạo các nước đã xác lập được những trụ cột hợp tác hết sức cụ thể, chiến lược trong hợp tác song phương dựa trên những thế mạnh của mỗi nước, không cạnh tranh đối đầu mà là bổ trợ cho nhau. Đó là cơ sở để có niềm tin về một trang mới về mối quan hệ hữu nghị truyền thống 50 năm lần thứ 2 với Thụy Sỹ và hơn 70 năm lần thứ 2 với LB Nga. 

 


Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và phu nhân. 


"Trụ cột FTA và đổi mới sáng tạo"

50 năm trước, dù trong bối cảnh Việt Nam rất khó khăn bởi khi đang đấu tranh giải phóng dân tộc, thì Thụy Sỹ đã tin tưởng, thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Trên nền tảng mối quan hệ truyền thống, hữu nghị ấy, cảm nhận rõ nét sau chuyến thăm chính thức này, đó là không có bất kỳ rào cản nào trong hợp tác hai nước.

Một tỷ USD kim ngạch thương mại hai chiều, 2 tỷ USD đầu tư của Thụy Sỹ vào Việt Nam là quá nhỏ so với tiềm năng hai nước. Do đó, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Tổng Thống Thụy Sỹ Guy Parmelin thống nhất tạo một bước tiến trong hợp tác thương mại bằng hai nội dung. Thứ nhất là  thúc đẩy ký kết Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Khối mậu dịch tự do châu Âu, một hiệp định mà Thụy Sỹ theo đuổi, dẫn đầu đàm phán suốt 9 năm qua. Thứ hai là Thụy Sỹ muốn đàm phán một Hiệp thương mại tự do riêng với Việt Nam như Việt Nam ký với Liên minh châu Âu.

Tổng thống Thụy Sỹ Guy Parmelin bày tỏ: "Trong quan hệ của Thụy Sỹ với các nước ASEAN thì hiện Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ ba sau Singapo và Thái Lan. Chúng ta còn rất nhiều cơ hội và tiềm năng tăng trưởng ở cả hai phía. Nếu ký được một Hiệp định tự do thương mại giữa hai bên thì chắc chắn chúng ta còn khai thác tốt hơn tiềm năng này".


Tổng thống Thụy Sỹ Guy Parmelin chào bắt tay chào mừng Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thăm chính thức Thụy Sỹ.


Tháp tùng Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trong chuyến đi, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên, cho biết: "Thụy Sỹ mong muốn cùng Việt Nam tháo gỡ nút thắt trong đàm phán thể hiện ở thương mại hàng hóa, chi tiêu Chính phủ và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ để cùng Việt Nam ký kết hiệp định thương mại này, mở đường đầu tư thương mại Việt Nam với liên minh thương mại tự do châu Âu. Chúng tôi đã có cuộc hội đàm với Bộ đối tác và thống nhất tháo gỡ những khó khăn vướng mắc của quá trình đàm phán hiệp định giữa Việt Nam với khối thương mại mậu dịch tự do châu Âu do Thụy Sỹ dẫn đầu. Hai bên phấn đấu quý 1/2022 kết thúc đàm phán và ký kết được hiệp định này".

Cùng với thống nhất cao thúc đẩy hợp tác thương mại, hai nhà lãnh đạo đều coi việc thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo là chìa khóa then chốt, dài hạn. Đây là lĩnh vực mà Thụy Sỹ có thế mạnh thuộc nhóm đầu thế giới, còn Việt Nam lại hết sức cần thiết và rất phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành đạt cho rằng, đây là điểm nhấn quan trọng trong hợp tác hai nước thời gian tới: "Việc Chủ tịch nước và Tổng thống Thụy Sỹ đã hội đàm và nhất trí tăng cường hợp tác hướng tới thiết lập Quan hệ đối tác ưu tiên về đổi mới sáng tạo giữa hai nước Việt Nam và Thụy Sỹ là một dấu mốc quan trọng, trước mắt là nâng tầm Ý định thư hợp tác đã ký kết năm 2019 thành Hiệp định hợp tác giữa hai Chính phủ về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch nước, ngay sau Hội đàm, tôi đã có cuộc gặp bên lề với bà Quốc vụ khanh phụ trách các vấn đề về giáo dục, nghiên cứu, đổi mới sáng tạo của Thụy Sỹ. Chúng tôi đã nhất trí sẽ tổ chức các đoàn tiền trạm, trao đổi song phương để có thể xây dựng kế hoạch hành động và chương trình, sáng kiến hợp tác cụ thể giữa hai bên trong năm tới".

Tiến sỹ Lưu Vĩnh Toàn - thành viên Ban chấp hành Hội thanh niên Việt Nam tại Thụy Sĩ, một người có nhiều thành công trong hoạt động đổi mới sáng tạo, đánh giá: "Hiện tại, Thụy Sỹ là một đất nước đổi mới sáng tạo rất tốt. Tuy nhiên, thị trường của Thụy Sỹ khá nhỏ, chỉ có 8,5 triệu dân, trong khi đó thị trường Việt Nam là một thị trường rất lớn có trăm triệu dân và chúng ta có lực lượng lao động rất trẻ, thích ứng rất nhanh với công nghệ mới. Cho nên tôi nghĩ hai nước hoàn toàn có thể bổ sung cho nhau trong lĩnh vực liên quan đến đổi mới sáng tạo. Tôi tin rằng đây sẽ là một sự cộng tác và mang lại lợi ích cho cả hai đất nước ta rất lâu dài".

Tiếp nối chuyến thăm Liên Hợp Quốc tháng 10 vừa qua tại Hoa Kỳ, trong chuyến thăm Thụy Sỹ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng đã có nhiều hoạt động đa phương quan trọng tại Geneva, nơi có nhiều tổ chức quốc tế đặt trụ sở và văn phòng đại diện, cũng là nơi diễn ra Hội nghị Geveva quan trọng đối với Việt Nam năm 1954.

Chủ tịch nước đã làm việc với Tổng giám đốc Văn phòng Liên Hợp Quốc, Tổ chức Y tế Thế giới, Tổ chức Thương mại Thế giới; Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới. Chi tiết đáng chú ý là các cuộc gặp dù diễn ra trong ngày nghỉ cuối tuần, nhưng lãnh đạo các tổ chức quốc tế cho biết, với uy tín của Việt Nam, tình cảm dành cho Việt Nam, họ rất mong chờ cuộc gặp này.  

Trong đó, Tổng Giám đốc WHO ủng hộ ý tưởng đưa Việt Nam thành trung tâm khu vực về sản xuất vaccine và khẳng định sẽ trao đổi với bộ phận kỹ thuật về khả năng đưa vaccine do Việt Nam sản xuất tham gia chương trình thử nghiệm toàn cầu của WHO. Tổ chức Y tế thế giới cho biết, thông qua các cơ chế như Gavi, Covax, cam kết hỗ trợ Việt Nam hơn 42 triệu liều vắc xin. Và trong cuộc gặp này, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã thông báo, Việt Nam sẽ đóng góp tự nguyện thêm 500.000 USD cho COVAX, nâng tổng mức đóng góp tự nguyện của Việt Nam cho COVAX lên 1 triệu USD. Việt Nam là một trong số không nhiều nước đang phát triển có đóng góp tự nguyện cho COVAX, là hành động ý nghĩa, thể hiện mạnh mẽ tình đoàn kết quốc tế và nỗ lực trách nhiệm của Việt Nam đối với cộng đồng quốc tế. 

 

Dấu ấn lịch sử chuyến thăm Nga

Chuyến thăm Nga diễn ra trong bối cảnh 2 nước vừa kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, 20 năm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược, hướng tới kỷ niệm 10 năm Đối tác chiến lược toàn diện vào năm 2022. Phía Nga đã dành cho Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và đoàn cấp cao Việt Nam sự đón tiếp hết sức trọng thị, nồng ấm, chân tình.

Ngay trong lúc này, Nga đang cao điểm của dịch bệnh COVID-19, tất cả lãnh đạo cao nhất của Nga vẫn sắp xếp để đón tiếp trọng thị Chủ tịch nước, đó là hội đàm Tổng thống Nga Putin, tiếp xúc cấp cao với Thủ tướng LB Nga Mishustin, Chủ tịch Hội đồng LB Nga Matvienko, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh LB Nga - Chủ tịch Đảng nước Nga thống nhất Medvedev…

Trước khi thăm Nga, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã có 5 cuộc làm việc với Ủy ban liên Chính phủ Việt - Nga và các bộ ngành về từng nội dung cụ thể của chuyến thăm. Các chuyên gia của Nga đánh giá, với những chính trị gia giàu kinh nghiệm và tâm huyết như Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Putin vì sự phát triển của mỗi nước nói riêng và hợp tác hai nước nói chung, đồng thời cá nhân Chủ tịch nước và Tổng thống Nga còn là hai người bạn nhiều năm, thì chất lượng hội đàm sẽ rất cao. Và thực tế, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc hội đàm mang tính lịch sử với Tổng thống Nga Putin.

 

Ngày 30/11, tại Điện Kremlin, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc hội đàm mang tính lịch sử với Tổng thống Nga Putin kéo dài gần 4 giờ, bàn thảo 20 vấn đề quan trọng trong hợp tác hai nước.


Chia sẻ với bà con Việt kiều tại Nga sau hội đàm, Chủ tịch nước cho biết: "Cuộc hội đàm lịch sử, kéo dài gần 4 tiếng đồng hồ liên tục với 20 vấn đề mà hai nhà lãnh đạo đưa ra. Nhân đây tôi cũng thông tin điều đáng mừng là tất cả kiến nghị của chúng ta đều được Putin đồng ý. Chúng tôi cũng thông tin cho Putin biết là lần này đi cũng muốn đền ơn đáp nghĩa, nhớ đến những người có công đóng góp xây dựng Việt Nam trong giai đoạn chiến tranh cũng như hòa bình. Putin cũng nói điều đó là hình thức cần thiết để giáo dục truyền thống và thống nhất xây dựng công viên văn hóa Việt - Nga tại đây. Putin cũng đề nghị đưa kim ngạch thương mại hai nước lên nhiều lần hơn nữa chứ không phải 5-10 tỷ USD".

Điểm đáng chú ý là một phần cuộc tiếp xúc cấp cao trong khuôn khổ hội đàm đã được đài truyền hình của Nga tường thuật trực tiếp, cho thấy sự coi trọng của phía Nga đối với chuyến thăm chính thức Nga lần này của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc.

Tổng thống Nga Putin cho biết: "Năm nay, chúng ta đã tổ chức lễ kỷ niệm Tuyên bố về Quan hệ Đối tác Chiến lược. Chúng tôi thực sự coi trọng mức độ quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam. Chúng ta có quan điểm giống nhau về rất nhiều vấn đề quốc tế. Chúng ta đang làm việc thường xuyên trên nền tảng của LHQ, các tổ chức khu vực'.

Điểm đặc biệt hơn trong tuyên bố chung hai nước lần này là xác định một tầm nhìn dài hạn trong hợp tác 2 nước đến năm 2030. Trong đó, xác định phát triển hơn nữa hợp tác trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh; quyết tâm đưa hợp tác kinh tế trở thành trụ cột quan trọng của quan hệ Việt Nam - Nga; đồng thời khẳng định năng lượng và dầu khí tiếp tục là một trong những trụ cột chính trong hợp tác hai nước; đẩy nhanh dự án xây dựng Trung tâm Nghiên cứu khoa học và công nghệ hạt nhân tại Việt Nam, coi đây là một trong những dự án trọng điểm giữa hai nước trong thời gian tới; tiếp tục hợp tác phòng, chống dịch COVID-19 cả về vắc xin và thuốc điều trị…

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng, đánh giá: "Việc hai nước ra Tuyên bố chung về Tầm nhìn quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Nga đến năm 2030 thể hiện quyết tâm của hai nước đưa quan hệ hai nước đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả, thể hiện tin cậy chính trị rất cao giữa hai nước. Chủ tịch nước và Tổng thống Putin và các nhà lãnh đạo Nga dành thời gian trao đổi tháo gỡ khó khăn vướng mắc hợp tác kinh tế, tìm ra biện pháp  tăng cường hơn nữa hợp tác kinh tế 2 nước, khai thác tiềm năng thế mạnh mỗi bên. Ví dụ cơ chế hiệp định Thương mại tự do Việt Nam với Liên minh kinh tế Á-Âu, mở rộng hợp tác năng lượng dầu khí cũng là hợp tác trụ cột giữa 2 nước".

 

Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và ASEAN-Viện Viễn Đông-Viện Hàn lâm Khoa học Nga GS.TS khoa học kinh tế Vladimir Mazyrin nhấn mạnh tầm quan trọng của văn kiện đối với Nga và Việt Nam: "Tuyên bố chung dĩ nhiên được soạn thảo kỹ lưỡng, phản ánh một cách tối đa tất cả lợi ích trùng hợp của chúng ta, khẳng định ý nghĩa của chính hình thức đối tác chiến lược, có tầm quan trọng đối với mỗi bên tham gia. Vì vậy, tôi nghĩ rằng, đây là chương trình tốt cho sự hợp tác của chúng ta trong những năm tới, đặc biệt quan trọng là nó được ấn định ở cấp của Chủ tịch mới của Việt Nam trong chuyến thăm đầu tiên ra nước ngoài đến Nga, có sự tham gia của Tổng thống Putin của chúng tôi".

Thông tin về kết quả hội đàm cùng cơ hội đầu tư tại Việt Nam đến các doanh nghiệp Nga, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc mong muốn các bộ, ngành, doanh nghiệp hai nước hợp tác đưa kim ngạch 2 chiều tăng 15 lần, đầu tư tăng 3 lần trong thời gian tới. Thông điệp mà Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đưa ra là: doanh nghiệp Nga đầu tư vào Việt Nam không chỉ là những nhà đầu tư quốc tế mà còn là những người bạn thân tình và mọi thành công của các nhà đầu tư Nga cũng là mong mỏi, niềm tự hào của Việt Nam. Điều đó đã tạo niềm tin mạnh mẽ cho các doanh nghiệp, nhất là 80 doanh nghiệp hàng đầu hai nước tham dự Tọa đàm doanh nghiệp Việt Nam - Nga.

Đáp lại sự coi trọng đó, lãnh đạo Tập đoàn Systema, một tập đoàn công nghệ cao đa ngành, trong đó có cung cấp vắc-xin, thuốc điều trị COVID-19 bày tỏ trực tiếp với Chủ tịch nước rằng, Chủ tịch nước hãy tin tưởng các cuộc tiếp này là không vô ích, bởi ngay trong tháng 1/2022 Tập đoàn sẽ sang Việt Nam để có thỏa thuận hợp tác và cam kết triển khai rất nhanh. Ngay tại buổi gặp mặt, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu lãnh đạo các bộ dự cuộc tiếp trao đổi số điện thoại liên lạc để khi lãnh đạo Tập đoàn đến Việt Nam có thể triển khai ngay nhiệm vụ hợp tác.

Đánh giá về xu hướng đầu tư của Nga vào Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông, cho rằng: "Tôi cho rằng tuyên bố chung cao cấp giữa 2 lãnh đạo là tín hiệu tích cực, đẩy mạnh hơn nữa hợp tác đầu tư Nga và Việt Nam. Đầu tư của Nga sang Việt Nam khiêm tốn, khoảng 1 tỷ đô la, tuyên bố này tạo tin tưởng cho các doanh nghiệp cũng như mở ra hợp tác lĩnh vực mới, mở ra thúc đẩy các lĩnh vực của Nga đầu tư sang Việt Nam ví dụ truyền thống dầu khí, mới là điện gió, điện mặt trời. Ngoài đầu tư họ có thể sản xuất các thiết bị, ngoài ra chúng ta  thúc đẩy hợp tác sản xuất vắc xin, thiết bị y tế, du lịch và giáo dục đào tạo là các lĩnh vực sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ trong thời gian tới".

Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên, phân tích: "Với Liên bang Nga phía bạn cùng chúng ta thảo luận tháo gỡ khó khăn vướng mắc thúc đẩy hiệp định thương mại tự do giữa VN với với Liên minh kinh tế Á-Âu do Nga dẫn đầu, tìm các giải pháp tháo gỡ khó khăn dự án đang triển khai, bàn chủ trương có thể triển khai hợp tác dự án có ý nghĩa chiến lược kinh tế và quốc phòng.  Hiện tại Liên bang Nga rất quan tâm, có dự án triển khai Việt Nam như nâng lượng, khai thác dầu khí, phát triển điện năng. Để triển khai cam kết Việt Nam ở COP 26 có nhiều công việc phải làm, trong khi Liên bang Nga có lợi thế khoa học công nghệ, kỹ thuật, tài chính, bạn sẽ cùng chúng ta trao đổi thảo luận tìm kiếm  giải pháp phù hợp pháp luật và thực tiễn để triển khai phù hợp với ý tưởng lãnh đạo 2 nước".

Chuyến thăm Nga còn có dấu mốc quan trọng trong hợp tác về vắc xin phòng COVID-19 khi Công ty Cổ phần Tập đoàn T&T đã ký kết biên bản ghi nhớ với Quỹ Đầu tư trực tiếp Liên bang Nga (RDIF) và Tập đoàn Binnopharm về việc chuyển giao công nghệ sản xuất, thiết lập mới một cơ sở sản xuất chu trình đầy đủ vaccine Sputnik V ngừa COVID-19 tại Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, đánh giá: "Chuyến đi này rất thành công ngoài việc kêu gọi tiếp cận nguồn vắc xin,  thuốc điều trị, sinh phẩm, chúng ta còn kêu gọi chuyển giao công nghệ. Cùng với đó là chuyển giao công nghệ sản xuất thuốc, không chỉ thuốc điều trị Covid 19 mà thuốc mới hiện nay, Như chúng ta vừa làm việc với Bio pharm, đối với tập đoàn này có 450 loại thuốc khác nhau, 2021 đưa ra trên 35 loại thuốc mới. Bộ Y tế sẵn sàng tiếp nhận tập đoàn vào đầu tư, theo như Chủ tịch nước chỉ đạo Tập đoàn sẽ vào VN tìm hiểu vào đầu năm 2022".

Chuyến thăm Nga kết thúc với 15 thỏa thuận hợp tác lớn được ký kết và trao dưới sự chứng kiến của lãnh đạo hai nước. Ngoài ra, các doanh nghiệp, địa phương, bộ ngành hai nước cũng đã có hàng loạt các buổi làm việc, ký kết hợp tác.  

 

Một điểm đặc biệt của chuyến thăm cả Thụy Sỹ và Nga lần này của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc là ngoại giao nhân dân được thúc đẩy mạnh mẽ. Các cuộc gặp gỡ, động viên Việt kiều, các cuộc tiếp các hội hữu nghị, hội cựu chiến binh hai nước đều diễn ra hết sức cởi mở, đầm ấm, chân thành, từ trái tim đến trái tim, làm xua đi cái lạnh đến âm 7 độ C và rộn tiếng cười, niềm vui. Thị trưởng Thành phố Bern, nơi diễn ra các hoạt động chính của chuyến thăm Thụy Sỹ, dù Bern là một thành phố nhỏ trong một nước có diện tích nhỏ ở châu Âu, nhưng lại có một trái tim lớn dành cho Việt Nam.

Còn Chủ tịch Hội hữu nghị Thụy Sỹ - Việt Nam, người từng tham gia nhiều phong trào phản đối chống chiến tranh xâm lược Việt Nam từ những năm 60 của thế kỷ trước vui mừng khi Hội được Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trao tặng Huân chương hữu nghị chia sẻ: "Tôi theo dõi thông tin về chuyến thăm của Chủ tịch nước và tôi thấy chuyến thăm rất thành công. Hội hữu nghị Thụy Sỹ Việt Nam vẫn cần mẫn, tâm huyết suốt 40 năm qua để đóng góp cho Việt Nam, chúng tôi đã có nhiều ấn phẩm giới thiệu về đất nước, con người Việt Nam. Chúng tôi đấu tranh cho sự công bằng cho các nạn nhân da cam Việt Nam, đấu tranh cho quyền được sống tốt hơn cho người dân vùng Thừa Thiên Huế. Năm ngoái, sau đợt lũ lụt lớn thì chúng tôi đóng góp nhiều để hỗ trợ cho bà con. Trong đợt dịch bệnh COVID-19 hai năm qua, Hiệp hội cũng đã quyên góp cho Việt Nam. Ngoài ra là chương trình giúp bệnh nhân bệnh phong từ 30 năm nay".

Còn tại Nga, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp giữa Việt Nam và Liên bang Nga với bề dày gần một thế kỷ là tài sản vô giá, là nền móng vững chắc cho quan hệ hai nước.

Ông Piotr Svetov, Phó chủ tịch Hội Hữu nghị Nga Việt cho rằng: "Tôi với tư cách phó chủ tịch Hội Hữu nghị Nga-Việt, tôi rất phấn khởi là ở đấy (trong tuyên bố), các nhà lãnh đạo của chúng ta đã nhấn mạnh sự cần thiết phát triển quan hệ theo kênh của các tổ chức xã hội, vai trò quan trọng của ngoại giao nhân dân, mà nó thuộc về Hội Hữu nghị. Và hội của chúng tôi cũng quan tâm đến việc, các bên đã khẳng định sự cần thiết truyền bá tiếng Nga ở Việt Nam, do phân viện tiếng Nga mang tên Puskin ở Hà Nội đảm trách, mặt khác là Trung tâm văn hóa Nga tại Hà Nội".

Có thể nói chuyến thăm chính thức LB Thụy Sỹ và LB Nga của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã mở ra nhiều hướng hợp tác mang tính trụ cột, dài hạn, mở ra một chương mới 50 năm tiếp theo với Thụy Sỹ, hơn 70 năm tiếp theo với Nga.

 

Vũ Dũng

Nguồn: vov.vn
27 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.