Chuyên mục
Tọa đàm giao lưu ngôn ngữ và văn hóa Việt-Nga
QC TU 1
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận nào cho bài viết này.

Tọa đàm giao lưu ngôn ngữ và văn hóa Việt-Nga

Chủ nhật 08/09/2019 06:17 GMT + 7
Chiều 7/9, tại trường Đại học Ngôn ngữ quốc gia Moscow đã diễn ra cuộc gặp-tọa đàm: “Tiếng Việt trong sự giao lưu với tiếng Nga và văn hóa Nga".

Sự kiện do Khoa Tiếng Việt của trường phối hợp với Nhà xuất bản Trẻ của Việt Nam tổ chức nhằm tăng cường kết nối, giao lưu ngôn ngữ và văn hóa giữa hai nước Việt Nam-Nga.

Toàn cảnh buổi tọa đàm.

Tham dự tọa đàm có một số dịch giả Nga, các giảng viên, cùng đông đảo sinh viên khoa khoa tiếng Việt-trường Đại học Ngôn ngữ quốc gia Moscow. Về phía Việt Nam, có ông Dương Thành Truyền-chủ tịch Nhà xuất bản Trẻ, một số dịch giả, nhà thơ Việt Nam, đại diện cộng đồng người Việt Nam tại Nga.

Phát biểu mở đầu, bà Elena Zubsova-giảng viên Khoa tiếng Việt-trường Đại học Ngôn ngữ quốc gia Moscow nêu thực tế, cả Nga và Việt Nam hiện nay đều đang thiếu nhân lực làm công tác dịch thuật, nhất là dịch các tác phẩm văn học từ tiếng Nga sang tiếng Việt và ngược lại. Bởi vậy mục đích của việc tổ chức buổi tọa đàm này là nhằm thu hút sinh viên học tiếng Việt làm nghề dịch thuật.

“Nước Nga trước đây có nhiều chuyên gia vừa dạy tiếng Việt, vừa dịch thuật, vừa nghiên cứu về Việt Nam ở mọi lĩnh vực. Nhưng bây giờ thanh niên không thích làm dịch thuật. Vì vậy mục đích của chúng tôi là thu hút thanh niên, sinh viên học tiếng Việt, nhất là học sinh của tôi là sinh viên khoa phiên dịch ưa thích, mong muốn làm dịch thuật tác phẩm văn học Việt Nam, giới thiệu về văn học Việt Nam ở nước Nga”, bà Elena Zubsova nói.

Ông Dương Thành Truyền-chủ tịch Nhà xuất bản Trẻ trình bày tham luận tại tọa đàm.

Ông Dương Thành Truyền, chủ tịch Nhà xuất bản Trẻ cho biết, gần đây, đơn vị đang nỗ lực để đưa sách tới cộng đồng người Việt ở nước ngoài và cũng nhận ra nhu cầu rất lớn của cộng đồng người Việt ở nước ngoài trong việc giữ gìn ngôn ngữ, văn hóa Việt cho các thế hệ con em. Được sự giúp đỡ của khoa Tiếng Việt-trường Đại học Ngôn ngữ quốc gia Moscow, Nhà xuất bản Trẻ có cơ hội tổ chức cuộc giao lưu này để gặp gỡ một số dịch giả yêu quý Việt Nam, thời gian qua có nhiều hoạt động dịch thuật với Việt Nam, đồng thời gặp các bạn sinh viên Nga, cộng đồng người Việt tại Nga. Ông cho rằng, cuộc gặp này mang ý nghĩa kết nối để chúng ta nhắc lại sự quan tâm giao lưu văn hóa giữa Việt Nam và Nga.

“Chúng tôi rất xúc động khi thấy ở đây có nhiều bạn học tiếng Việt, rất yêu quý tiếng Việt. Trong cuộc gặp này chúng tôi muốn trao đổi với các bạn một số nét đặc sắc của tiếng Việt, tạo ra sự hứng thú đối với tiếng Việt. Ví dụ, chúng ta có thể nói ngược, nói xuôi, vì tiếng Việt là ngôn ngữ đơn âm, tạo ra những cách chơi chữ, diễn đạt thú vị. Người Việt có thể nói có vần, tạo nhịp cho câu...Chúng tôi hy vọng những trình bày này giúp cho các bạn Nga yêu thêm tiếng Việt, đồng thời qua tọa đàm này có sự kết nối sâu sắc, hiệu quả hơn trong giao lưu ngôn ngữ và văn hóa giữa hai nước chúng ta”, ông Dương Thành Truyền nói

Tại buổi tọa đàm, ông Dương Thành Truyền đã trình bày tham luận về những nét đặc sắc, biến hóa, linh hoạt trong sử dụng tiếng Việt. Điều đó giúp cho các sinh viên Nga phần nào cảm nhận thêm về sự thú vị, hấp dẫn của tiếng Việt. Đồng thời, các bạn đã được nghe nhà thơ-dịch giả Thụy Anh, cùng một số dịch giả khác của Việt Nam đọc một số bài thơ bằng cả tiếng Nga và tiếng Việt của các nhà thơ Nga nổi tiếng như A.Puskin, Anna Akhamtova, Rasul Gamzatov, A.Esenhin...Qua đó giúp cho các sinh viên cảm nhận được sự giống và khác nhau của tiếng Nga và tiếng Việt. Mặc dù hai ngôn ngữ hoàn toàn khác nhau về nguồn gốc, cách viết, nhưng cũng có nhiều điểm tương đồng, như cùng giàu ngữ điệu, nhạc điệu trong phát âm; phong phú trong cấu tạo từ; linh hoạt về trật tự của các từ trong câu tùy vào mục đích sử dụng.

Nhà xuất bản Trẻ giới thiệu một số ấn phẩm.

Bạn Kachia, sinh viên năm thứ 3 của Khoa tiếng Việt-trường Đại học Ngôn ngữ quốc gia Moscow chia sẻ: “Khi người Việt hay người Nga nói chuyện thì luôn luôn có rất nhiều cảm xúc giống nhau. Trước đây em đã học 6 tháng ở Hà Nội. Điều đó làm cho em rất thích Việt Nam và người Việt Nam. Em muốn làm việc ở Việt Nam để biết nhiều hơn về văn hóa Việt Nam”.

Lấp đầy sự đứt đoạn hay khoảng trống về dịch thuật, giới thiệu các tác phẩm văn học Việt Nam tới độc giả Nga và ngược lại đang là vấn đề thời sự, đòi hỏi sự quan tâm, nỗ lực của các đơn vị chức năng của cả hai nước nói chung và sự yêu thích, nỗ lực của các sinh viên Nga học tiếng Việt cũng như các sinh viên Việt Nam học tiếng Nga để trở thành các nhà Việt Nam học, Nga học trong tương lai, góp phần làm cầu nối giao lưu ngôn ngữ và văn hóa giữa hai đất nước./.

Anh Tú
Nguồn: vov.vn
31 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.