Chuyên mục
Thủ phạm phá hoại Nord Stream: Lý do cựu Tổng thống Mỹ khẳng định không phải Nga, tại sao 'khó tìm tận cùng sự thật'?

Thủ phạm phá hoại Nord Stream: Lý do cựu Tổng thống Mỹ khẳng định không phải Nga, tại sao 'khó tìm tận cùng sự thật'?

Thứ năm 02/03/2023 18:38 GMT + 7

'Đây là nguồn thu nhập lớn chính của họ', việc phá hủy các đường ống Nord Stream sẽ không mang lại lợi ích chiến lược cho Nga. 'Đó là điều duy nhất tôi có thể nói với các bạn chắc chắn', cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra quan điểm.


Một vụ rò rỉ khí đốt trên đường ống Nord Stream 1. Ảnh chụp từ trên không do Lực lượng Bảo vệ bờ biển Thụy Điển cung cấp vào ngày 28/9/2022. (Nguồn: Abacapress).


Xuất hiện trong chương trình Glenn Beck cuối tuần qua, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã khá thẳng thắn phân tích khả năng ai có thể là thủ phạm phá hoại đường ống dẫn khí đốt Nord Stream (Dòng chảy phương Bắc) hồi tháng 9/2022.

Chương trình Glenn Beck là một trong những chương trình phát thanh được đánh giá hàng đầu tại Mỹ, do nhà bình luận Glenn Beck tổ chức trên hơn 400 đài phát thanh trên khắp đất nước.

Không thủ phạm nào được tìm thấy?

Trích dẫn các thông tin mới đây cáo buộc Mỹ đứng sau vụ phá hoại đường ống dẫn khí đốt trực tiếp từ Nga sang châu Âu, đi ngầm dưới Biển Baltic người dẫn chương trình Glenn Beck đã hỏi suy nghĩ của cựu Tổng thống về việc này.

“Chà, đó có thể là chúng ta, có thể là Ukraine và có thể là một bên thứ ba nào đó muốn gặp rắc rối. Nhưng đó không phải là Nga”, ông Trump khẳng định.

Cựu Tổng thống Mỹ còn nói rằng, "vụ phá hoại có thể là nỗ lực chung giữa Mỹ và Ukraine".

Tháng trước, trong một bài phóng sự điều tra có tựa đề "Mỹ đã loại bỏ đường ống Nord Stream như thế nào", nhà báo từng đoạt giải Pulitzer Seymour Hersh đã đưa ra thông tin "gây sốc", rằng Mỹ phải chịu trách nhiệm về các vụ nổ vào năm ngoái trên các đường ống dẫn khí đốt Nord Stream của Nga. Vụ việc một lần nữa làm dấy lên tranh luận trong dư luận quốc tế.

Trong bài đăng, nhà báo Hersh đã tả chi tiết về một loạt vụ nổ xảy ra vào tháng 9/2023. Theo đó, trong một nhiệm vụ tuyệt mật, các thợ lặn của Hải quân Mỹ đã cài chất nổ vào các đường ống dưới vỏ bọc của cuộc tập trận năm 2022 của NATO có tên là “BALTOPS 22”. Nhà báo này cho biết, đã nhận được thông tin từ “một nguồn liên quan trực tiếp đến kế hoạch hoạt động.

Đề cập lý do, nhà báo Hersh cho biết, phía Mỹ coi "các đường ống là phương tiện để Tổng thống Nga Putin vũ khí hóa khí đốt tự nhiên, cho mục đích chính trị của mình".

Tuy nhiên, theo bài báo của Hersh, người phát ngôn Nhà Trắng Adrienne Watson đã khẳng định thông tin "sai sự thật và hoàn toàn hư cấu". Người phát ngôn của CIA Tammy Thorp cũng lên tiếng phủ nhận các thông tin do Seymour Hersh đăng tải.

Nhưng qua vụ việc này, phía Nga đã kêu gọi Mỹ đưa ra lời giải thích chi tiết hơn. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova đã kêu gọi Nhà Trắng nói rõ "sự thật" do nhà báo Hersh nêu ra. Trong một bài đăng trên Telegram, bà Zakharova đã tóm tắt những điểm chính từ bài báo trên và nêu yêu cầu, "Nhà Trắng bây giờ phải bình luận về tất cả những sự thật này".

Trong khi đó, với câu hỏi ai thực sự đã cho nổ tung đường ống Nord Stream?

Những nghi ngờ hướng về Mỹ lần đầu tiên được nêu ra, khi cựu Ngoại trưởng Ba Lan Radoslaw Sikorski tweet một thông điệp cảm ơn Mỹ sau vụ tấn công, sau đó ông này đã sớm xóa dòng trạng thái.

Giáo sư Jeffery Sachs, nhà kinh tế nổi tiếng, chuyên gia về chính sách công tại Đại học Columbia và cựu Cố vấn đặc biệt cho Tổng thư ký Liên hợp quốc phân tích, đây không phải là một hành động dễ dàng để thực hiện. Về cơ bản, đối tượng phá hoại không chỉ phải có động cơ, mà còn cả phương tiện và cơ hội, để phá hủy Nord Stream.

Giáo sư Sachs nói: “Mặc dù Mỹ bác bỏ cáo buộc của nhà báo Hersh, nhưng lại không đưa ra bất kỳ thông tin nào mâu thuẫn với bài viết của Hersh và không đưa ra bất kỳ lời giải thích thay thế nào”.

Trung Quốc cũng lên tiếng kêu gọi điều tra khách quan, công bằng và chuyên nghiệp, truy cứu trách nhiệm liên quan để có câu trả lời trước cộng đồng quốc tế. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nói rằng, vụ nổ có tác động tiêu cực đáng kể đến thị trường năng lượng toàn cầu và môi trường sinh thái toàn cầu, thậm chí còn đẩy châu Âu vào một cuộc khủng hoảng năng lượng. Trước tác hại của việc phá hoại cơ sở hạ tầng xuyên quốc gia lớn và những hậu quả nghiêm trọng, cộng đồng quốc tế có quyền yêu cầu một cuộc điều tra kỹ lưỡng.

"Điều khó hiểu là sự im lặng tập thể của Mỹ, giới truyền thông và các đối tác châu Âu. Tất cả những hành động bất thường này củng cố niềm tin rằng, vụ đánh bom Nord Stream là cực kỳ phức tạp", ông Wang lưu ý.

Và cho đến nay, dù đã nhiều tháng tiến hành điều tra từ nhiều quốc gia liên quan, không có thủ phạm nào được tìm thấy.

Không ai phải chịu trách nhiệm?

Bốn nhánh tạo nên các đường ống Nord Stream 1 và Nord Stream 2 được sở hữu và vận hành bởi Nord Stream AG - một tập đoàn có cổ đông chính là Công ty Năng lượng nhà nước Nga Gazprom.

Cả hai tuyến đường ống đều chạy từ Tây Bắc nước Nga dưới biển Baltic đến Lubmin, Đức. Nord Stream 1 đi vào hoạt động năm 2011, trong khi Nord Stream 2 hoàn thành năm 2021 nhưng chưa bao giờ đi vào hoạt động.

Được xây dựng để đưa khí đốt tự nhiên từ Nga sang châu Âu, các đường ống Nord Stream là phương tiện quan trọng trong việc cung cấp năng lượng của Đức. Năm 2021, 55% lượng khí đốt tự nhiên nhập khẩu của Đức đến từ Nga

Ngày 26/9/2022, các đường ống đã trở thành mục tiêu của một loạt vụ đánh bom dưới nước gây rò rỉ khí đốt lớn. Vào thời điểm đó, các đường ống không hoạt động do tranh chấp đang diễn ra giữa Nga và EU bắt đầu từ chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine.

Các vụ nổ xảy ra tại khu vực thuộc đặc quyền kinh tế của Thụy Điển và Đan Mạch. Sau đó, các nhà lãnh đạo của cả hai nước đều có tuyên bố rằng, các vụ nổ dường như đã xảy ra do một cuộc tấn công có chủ ý.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg và các quan chức châu Âu cũng gọi vụ nổ là hành động gián điệp, nhưng họ đều không nói ai phải chịu trách nhiệm.

Trong khi đó, một số người đã nêu suy đoán rằng, Mỹ có thể đứng sau vụ tấn công. Một số người khác lại đưa ra giả thuyết rằng, Nga đã phá hoại các đường ống của chính họ.

Giáo sư Jeffery Sachs giải thích động cơ, trước đây, việc châu Âu mua khí đốt giá rẻ của Nga từng được coi là "thương mại", nhưng sau này việc đó đã được coi là sự phụ thuộc.

Trước đây, cả cựu Tổng thống Donald Trump và đương kim Tổng thống Mỹ Biden đều lên tiếng phản đối việc xây dựng Nord Stream 2, mà họ cảm thấy sẽ mang lại cho Tổng thống Nga Putin quá nhiều quyền lực kinh tế.


Minh Em (theo Allisrael, Globaltimes, Newsweek)

Nguồn: baoquocte.vn
27 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.