Chuyên mục
Thẩm phán tuyên án oan ông Chấn: “Tôi không hối hận nhưng... vô cùng đau đớn“
BÌNH LUẬN
Ông này chắc không có gia đình, vợ con hay người thân. Đáng thương cho ông Chấn và gia đình cũng như những người bị như...
Ngụy biện.Phải cho ngồi tù thì hắn ta mới hiểu được Ông Chấn đau khổ thế nào?

Thẩm phán tuyên án oan ông Chấn: “Tôi không hối hận nhưng... vô cùng đau đớn“

Thứ sáu 03/10/2014 12:08 GMT + 7
“Tôi không ân hận vì không làm gì trái lương tâm. Tôi cũng không phải là loại thoái hóa, biến chất, tham nhũng. Chỉ vì người ta cố ý làm sai lệch hồ sơ trong khi tôi chỉ làm theo bổn phận và trở thành kẻ vô tình. Nhưng tôi vô cùng đau đớn…”, nguyên thẩm phán Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội Phạm Tuấn Chiêm, người vừa bị khởi tố vì tuyên án chung thân oan đối với ông Nguyễn Thanh Chấn nói.

Nguyên thẩm phán tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại Hà Nội Phạm Tuấn Chiêm vừa bị khởi tố.

Ông Chiêm là chủ tọa phiên tòa xét xử phúc thẩm ông Nguyễn Thanh Chấn vào ngày 27.7.2004 và vừa bị cơ quan điều tra VKSND Tối cao khởi tố về hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Ông Chiêm được tại ngoại và đang ở nhà riêng tại xã Đình Xuyên, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Với lý do sức khỏe không ổn định, ông Chiêm chỉ trao đổi với phóng viên Một Thế Giới được khoảng 15 phút, ngay trước cổng nhà.

Sau khi nhận quyết định khởi tố, ông nghĩ thế nào? Ông có nghĩ mình bị oan?

Họ quy kết cho tôi hành vi thiếu trách nhiệm nhưng tôi chỉ giải quyết theo luật.

Nếu VKS họ giải quyết khiếu tố rốt ráo như bây giờ thì ông Chấn đã ra từ 8, 9 năm trước rồi. VKS họ không nghĩ đến trách nhiệm phải giải quyết khiếu tố. Dân người ta kêu oan thì phải xem xét oan cho người ta. Họ vô tâm, vô cảm nên mới thế. Trong vòng 10 năm, ông Chấn và gia đình đã liên tục gửi đơn kêu oan, tố cáo việc bức cung, nhục hình lên VKS để kêu oan, tố cáo nhưng tại sao phải tận đến 10 năm sau mới được giải quyết?

Nếu phát hiện ra từ đầu, tôi đã sẵn sàng cởi áo từ quan và đề nghị các cơ quan tiến hành tố tụng khác, dù muốn hay không muốn cũng phải giải oan cho người ta. Thà rằng tôi bị cách chức, bị kỷ luật còn hơn là người ta bị oan. Nhưng mà lực bất tòng tâm. Tôi có biết đâu. Mãi sau đấy mới bung ra. Tôi làm hoàn toàn vô tư và hết sức mình rồi.

Tôi đã từng là một anh thương binh ốm yếu được giao nhiều án lớn. Trừ những lúc tôi gục hẳn xuống, chứ tỉnh táo là tôi lại làm việc. Tôi từ chiến trận trở về nhưng không gục ngã trước bom đạn của kẻ thù nhưng lại chết đứng trước thủ đoạn nghiệp vụ của bên công an.

Ông Chiêm trao đổi với phóng viên trước cổng nhà riêng.

Như vậy việc ông Chấn bị phạt tù oan là do lỗi hệ thống?

Ông Phạm Tuấn Chiêm, 65 tuổi, nhập ngũ từ năm 1968 và có 9 năm phục vụ trong quân đội. Trong thời gian chiến đấu, ông Chiêm từng bị chấn thương cột sống và bị mảng hỏa khí cắm vào đầu dẫn đến di chứng u não. Ông Chiêm phục vụ trong ngành tòa án từ năm 1976 và về hưu sau 33 năm công tác. Trước khi được điều chuyển về tòa phúc thẩm TAND tối cao tại Hà Nội, ông Chiêm công tác tại tòa án tỉnh Hà Giang. Năm 2007, ông Chiêm từng là chủ tọa phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án tiêu cực đất đai tại Đồ Sơn (Hải Phòng) và mức án đối với các quan chức tham nhũng trong vụ án này được nhiều người dân đồng tình. Theo đánh giá của một số đồng nghiệp cũ, ông Chiêm là thẩm phán "liêm khiết và trong sạch" khi còn công tác.
Theo nguyên tắc, tòa xét xử độc lập và tuân theo pháp luật. Khi xét xử là xét xử tập thể, quyết định theo đa số. Ngoài ra, còn có VKS Tối cao duy trì quyền công tố, họ cũng vừa giám sát hệ thống VKS cấp dưới vừa kiểm sát hồ sơ, kiểm soát tòa án nữa.

Nên nhớ là bản án phúc thẩm là văn bản tố tụng, nếu như người ta khiếu nại oan sai thì người xử không được phép can thiệp, không được làm sai lệch hồ sơ vụ án.

Vụ án chỉ có thể được xem xét lại bằng trình tự tái thẩm hoặc giám đốc thẩm. Bên công tố họ thụ lý đơn nhưng họ lại viện lý do này nọ. Bởi vì bản án của hội đồng xét xử phúc thẩm đã ban hành thì nó là văn bản có hiện lực pháp luật, kết án người ta như thế trên cơ sở hồ sơ nhưng nếu phát hiện có sai lầm thì sẽ được điều chỉnh bằng cơ quan có thẩm quyền cao hơn, trước hết đó là VKS tối cao. Vì kháng nghị hay không là do cơ quan này.

Thêm nữa, cũng có "làm" được bức cung đâu. Còn nhục hình thì 20 năm qua mới làm được vài vụ. Bây giờ mới phát hiện ra VKS thông đồng với công an để làm sai lệch hồ sơ vụ án thì nói thật chúng tôi không thể biết được. Chúng tôi không phải là thánh. Với người trần mắt thịt chúng tôi không thể phát hiện ra được. Họ cố tình làm sai lệch hồ sơ vụ án thì chết rồi. Với các điều kiện và sự ràng buộc theo luật như thế tôi không không thể xử khác được.

Tại phiên tòa 10 năm trước, đại diện VKS nhận định ra sao? Là một trong 3 thẩm phán xét xử phiên phúc thẩm, ông đánh giá trách nhiệm của 2 thẩm phán còn lại thế nào?

Lúc đó, VKS người ta vẫn khẳng định không oan. Phút chót họ bảo là ông Chấn thành khẩn khai báo sẽ được khoan hồng. Việc bức cung nhục hình họ cho là không có căn cứ, và nói đó chỉ là diễn biến tâm lý chối tội của tội phạm thôi.

Tôi làm chủ tọa có trách nhiệm triệu tập và làm các thủ tục khác, còn ra phiên tòa thì xét xử bình đẳng với nhau. Cả 3 thẩm phán trong hội đồng lúc đó đều nhất trí rằng ông Chấn có tội. Vai trò của 2 thẩm phán còn lại do luật định. Năng lực do đơn vị và tổ chức Đảng đánh giá. Tôi không có quyền đánh giá người ta.

Ông có cảm thấy bất công không khi trong ba thẩm phán xét xử ông Chấn, theo ông nói, có vai trò ngang nhau nhưng chỉ một mình ông bị khởi tố?

Với bản tính là một người lính, khi chưa cho ăn thì tôi không bao giờ biết kêu đói. Bây giờ họ muốn trừng trị ai thì trừng trị thôi. Tôi không muốn gây tổn thất cho người khác.

Dư luận tỏ ra đồng tình với quyết định khởi tố ông, ông có điều gì để giải thích không? Ông có cảm thấy cá nhân mình có một phần lỗi đối với ông Chấn?

Người thật thà bao giờ cũng thiệt thòi. Nếu ông Chấn là nạn nhân thì tôi cũng là người bị hệ lụy.

Họ làm sai lệch hồ sơ vụ án như thế, 10 năm sau mới phát hiện ra thì lúc bấy giờ tôi có phải thánh đâu mà làm đúng được. Cả một hệ thống như thế còn chưa được nữa mà. Họ phải làm đúng, làm có lương tâm, trách nhiệm thì mới là tiền đề cho tòa án xử lý đúng được. Với hồ sơ như vậy, tôi nghiên cứu và thực thi theo bổn phận pháp luật. Ai đặt trong trường hợp như tôi cũng chỉ thế thôi.

Nói gì thì nói thẩm phán vẫn phải căn cứ, xử theo kết quả điều tra của người ta. Còn việc đánh giá chứng cứ lại bằng kinh nghiệm nghề nghiệp, bằng trách nhiệm, trình độ và bằng nhận thức chủ quan của con người. Mà trong nền tư pháp thì không có gì tuyệt đối cả. Đời tôi xét xử hàng ngàn vụ án, nhận thức chủ quan không thể lúc nào cũng chính xác được. Và trong vụ án này, tôi đã gặp phải tai nạn nghề nghiệp đau xót.

Tôi không phải là loại thoái hóa, biến chất, tham nhũng mà thứ nhất là do những người cố ý làm sai lệch hồ sơ, tôi chỉ làm theo bổn phận cho nên trở thành kẻ vô tình. Tôi vô cùng đau đớn bởi vì mình suốt đời liêm khiết, trung thực phụng sự công lý nhưng lại gặp tai nạn nghề nghiệp này. Tôi không ân hận vì tôi không làm trái với lương tâm của mình.

Xin cảm ơn ông!

Thanh Lưu (thực hiện)
Nguồn: Một thế giới
31 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.