Chuyên mục
Tết Việt trên đất Nga
BÌNH LUẬN
Vui tết nơi xứ lạ, bỗng nhớ đêm mưa phùn ở quê hương mà khóc thầm trên gối thôi. Nhớ Cha Mẹ anh chị và 2 em lắm...Mới...
chuc mung nam moi tat ca moi nguoi nhe. thay moi nguoi vui ve don xuan sang trong khong khi nhu the nay that la tung...
tết năm nay có người cười và cả người khóc, khóc vì ra giêng mà hàng hóa ế ẩm quá, không bán được hàng, làm sao bây...

Tết Việt trên đất Nga

Thứ ba 04/02/2014 12:44 GMT + 7
"Đến hẹn lại lên", một cái Tết cổ truyền nữa lại đến như bao năm rồi nó từng đến trong lòng mỗi người dân nước Việt đang lo làm ăn bận rộn ở xứ Bạch dương tuyết trắng này.



Tết cổ truyền: Chuỗi dài mong nhớ

Lâu nay, nhờ có đường hàng không thuận tiện nên ít người phải lăn tăn chộn rộn với cái khoản lo hàng Tết. Cần gì thì đã có quầy hàng khô phục vụ từ A đến Z, thượng vàng hạ cám chả thiếu thức gì. Cần "của độc" thì đặt hàng trước, so với những năm 70, 80 của thế kỷ trước thì thật là một trời một vực.

Tuy nhiên, với phần đông bà con bán buôn ở chợ đang gặp khó khăn thì Tết với họ như là "nghĩa vụ" với người thân và bản thân mình. Riêng với cánh thợ may, trồng trọt, xây dựng nay đây mai đó… thì Tết với họ là cả một chuỗi dài khắc khoải nhớ mong. May mà có Tết để còn ngồi lại với nhau chuyện trò tâm sự cho vợi nỗi nhớ quê hương, nhớ người thân qua một năm vất vả lao lực kiếm tiền nơi đất khách.

Được cái là các khoản bánh chưng, giò chả, xôi chè… có thể tự nấu tại chỗ, chỉ những thứ không thể sản xuất ra được thì mới nhờ cậy tới hàng Việt Nam mang sang. Thế nên Tết với mọi người cũng tạm ổn và có chút sắc thái quê hương. Cũng đào, mai khoe sắc thắm (Đào nhân tạo ấy mà! Chỉ trừ vài tay chơi mới dám thửa cành đào Nhật Tân qua đường hàng không). Cũng hương trầm nghi ngút khói, phong bao đỏ lì xì cho con trẻ, gà cúng vàng ươm trên bàn thờ gia tiên… Còn hôm tiễn chân ông Công ông Táo chầu trời bẩm báo Ngọc Hoàng, bà con ta cũng bày biện đủ cá chép tiễn chân các ông! 

Nhưng nhìn qua không khí đón Tết cổ truyền năm con Ngựa 2014 của bà con ta ở Mátxcơva vẫn bình bình như mọi năm, thậm chí có phần lặng lẽ hơn. Các hội đồng hương ít rậm rịch như hồi đầu mới khởi xướng như kiểu hội Quảng Bình, Thanh Hóa… rủ nhau về ăn Tết ở quê (ấy là những bà con có điều kiện kinh tế), còn đa phần thì vì nhiều lý do mà không thể về Việt Nam: Vé máy bay cận Tết giá đắt hơn ngày thường, đi lại chi tiêu cũng tốn kém (trong khi nguồn lực tài chính có hạn), bận làm ăn mà không thể về dịp Tết này…

Cánh sinh viên thì bao giờ cũng "vô tư" và khoái nhất là những dịp lễ lạt để thư giãn đầu óc sau những giờ lên lớp. Họ tụ tập ca hát và cũng thử sức trên… bếp! 

Ngày mồng Một Tết cổ truyền của Việt Nam vẫn là ngày làm việc bình thường ở Nga (31-1 dương), vì thế mà cánh dân đi chợ của ta vẫn phải thức dậy từ lúc 4, 5h sáng trong khi ngoài trời vẫn còn tối om om với cái rét lạnh thấu xương (âm 22 đến 25 độ C). Rét buốt đến cóng tay, thở hơi ra bám vào cổ áo, đọng lại trên râu ria của cánh đàn ông và lập tức biến thành băng trắng xóa! Tất cả sự vất vả cũng chỉ vì cuộc mưu sinh nơi xứ người nên bà con chỉ vui đón Tết cổ truyền trong đêm Giao thừa, vào lúc 21h (tức là 24h Việt Nam), quây quần trong kva (căn hộ) hay ở ốp (chung cư) cùng với gia đình, bè bạn. 

"Không đi chợ ngay hôm nay thì lấy đâu ra mà nộp tiền chỗ cả vài trăm ngàn rúp mỗi tháng hở anh? Xanh thì lại lên bởi đồng rúp mất giá". Sau câu chúc Tết lệ thường của anh Long, bán hàng ở chợ Sadovod (có chợ Chim trong đó) là câu thở than đầy nỗi buồn không thể che giấu khiến tôi bất giác thở dài…
 
Bữa tiệc đón mừng Giao thừa nơi xứ tuyết của những bạn trẻ sinh viên.

Tết Việt ở ngoại ô Mátxcơva

Để nghĩ ra được cách đón Tết cổ truyền dân tộc mang sắc thái nông thôn Việt Nam, Ban tổ chức cuộc thi của một khu vực có các xưởng may tập trung khá đông thợ Việt ở ngoại ô Mátxcơva đã rất sáng tạo khi cho ra “đề thi” hấp dẫn này! Lập tức ý tưởng trên đã thu hút đông đảo anh chị em thợ may ở đây. Một không khí thi đua với niềm vui háo hức vào xuân đã âm thầm diễn ra giữa các đội. Họ nghĩ ra những thứ cần thiết để làm nên sự bất ngờ đối với mọi người. 

Mà bất ngờ thật! Trước mắt mọi người, khung cảnh làng quê Việt Nam thân thương hiện ra với mái tranh rạ, bờ dậu, vại nước, gáo dừa, cái bừa, cái nơm, bàn thờ gia tiên, câu đối đỏ, cành đào đón xuân, bàn cờ tướng, ngọn đèn dầu hỏa, giàn mướp quả treo lủng lẳng, vườn rau diếp xinh xinh, cây chuối, cây đu đủ, chú cún nằm trước hiên nhà, chuồng gà có chú gà trống oai vệ vỗ cánh phần phật, chuồng chim bồ câu…

Trước khung cảnh ấy, có người xúc động rơi nước mắt, có người chỉ lặng lẽ nhìn mà như tưởng mình đang lạc về nhà… Phải nói bàn tay và sự sáng tạo của cánh thợ may rất phong phú mà giản dị chân chất như chính họ vậy. Chất liệu làm nên là từ những mẩu vải, cành que khô ngoài rừng, những tấm ván, miếng gỗ thừa thẹo, rơm rạ từ cỏ khô, cành hoa lá nhựa…

Những cảnh vật hiện ra trước mắt thực sự ấn tượng với mọi người tham gia buổi tham quan chấm điểm cuộc thi. Thú vị đến bất ngờ và không nén nổi bật cười là "cậu bé để chỏm 3 lá đào"! "Cậu bé" đang ngồi bệt dưới đất chơi ô ăn quan với cô bạn áo vải nâu sồng. Hóa ra, anh chàng thợ may này đã "hy sinh" mái tóc trai trẻ để tạo thành mái tóc… 3 chỏm! Ai cũng phì cười mà thán phục. Dĩ nhiên đội này phải được nhất. Chưa hết, còn cô yếm thắm lụa đào, cô áo nâu sồng chân đất, anh chàng đội khăn xếp, quạt nan phe phẩy… họ đã hóa thân trong khung cảnh xuân quê hương về trên đất bạn khiến ai cũng nao lòng.

Không khí đón Tết của cánh thợ may nơi này thật độc đáo. Chắc chẳng nơi nào có được? Phút Giao thừa đến, họ cùng reo hò khi pháo hoa (được phía bạn cho phép) nổ từ dưới sân nhà máy vọt lên trời đan thành những chùm tuyệt đẹp. Bữa tiệc đón Giao thừa cũng bày biện đủ món: Bánh chưng xanh, xôi gấc, giò, chả, nem rán, thịt thà, hoa quả, kẹo bánh, mứt tết, bia rượu, lại còn cả… món tiết canh lòng lợn từ bàn tay người thợ tự biên tự diễn (họ "chơi" luôn một chú ỉn mấy chục kilôgam vừa mua từ người dân địa phương về!). Trên sân khấu dựng lên trong khu sản xuất, họ như hóa thân vào những điệu múa lời ca. Một số tiết mục múa hát tự biên tự diễn. Xem ra, cánh thợ may ta cũng "lắm tài"!

Phải thừa nhận một điều rằng: Những người làm công tác tổ chức ở đây đã làm được rất nhiều để tạo nên một không gian vui tươi lành mạnh đưa hương sắc Xuân Giáp Ngọ 2014 tới những người thợ may để làm vợi đi nỗi nhớ nhà. Bởi Tết cổ truyền dân tộc là thời khắc mà ai cũng nhớ quê, nhớ người thân. 

"Trong thâm tâm, em luôn nghĩ mình phải làm sao để công nhân được yên tâm làm việc cho mình? Vậy thì mình chỉ có cách tự nghĩ ra những việc có lợi và quan trọng là bảo đảm quyền lợi cho họ" - những lời bộc bạch thật lòng của một ông chủ xưởng mới chiều qua như vẫn còn dư âm và tôi biết những việc cậu ấy đã nói và làm là đúng như vậy.

Tạo nên một nơi ăn chốn ở phù hợp, có công ăn việc làm ổn định cho những người thợ may ở thời điểm nhạy cảm này (người nhập cư trái phép đang là đối tượng trục xuất của chính quyền bạn) là một bước đi khó, nhưng không thể không làm được. Chỉ cần biết làm theo đúng luật pháp chỉ dẫn, biết đặt lợi ích của tập thể lên trên cái cá nhân thì tự khắc họ làm được.

Võ Hoài Nam (từ Mátxcơva)
Nguồn: hanoimoi.com.vn
31 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.