Chuyên mục
Sức mạnh quân sự 'trên lý thuyết' của Trung Quốc

Sức mạnh quân sự 'trên lý thuyết' của Trung Quốc

Chủ nhật 18/07/2021 14:57 GMT + 7

Giữa lúc Trung Quốc tự tin và phương Tây lo ngại, một nhà phân tích Australia đã “dội gáo nước lạnh” khi chỉ ra sức mạnh “trên lý thuyết” của Bắc Kinh.

Phương Tây “vẽ đường” cho Trung Quốc

Thời gian qua, phương Tây liên tiếp đưa ra những đánh giá chính thức coi Trung Quốc là “đối thủ”, đặc biệt khi quốc gia đông dân nhất thế giới không ngừng tăng mạnh chi tiêu quốc phòng và cải cách quân đội.

Trong khi đó, báo chí Trung Quốc đã chỉ ra một trong những điểm đáng chú ý là chính giới phân tích phương Tây “giúp” Trung Quốc nhận ra những nhược điểm về quân đội của mình.

Báo chí Trung Quốc mới đây đã nhắc lại phát biểu của Chủ tịch Hội đồng quân sự Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Stuart Peach, trong đó đánh giá tốc độ hiện đại hóa quân đội của Trung Quốc là “đáng kinh ngạc”. Tại Hội nghị thượng đỉnh NATO và G7 mới đây, Trung Quốc cũng đã được xác định là "đối thủ".

 


Phương Tây liên tiếp bày tỏ lo ngại về Trung Quốc


Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ Mark Milley mới đây cũng nhấn mạnh Trung Quốc đang tăng cường năng lực quân sự một cách nghiêm túc và liên tục, cảnh báo đây là mối đe dọa ngày càng lớn đối với hòa bình và ổn định toàn cầu. Ông nói: “Chúng ta phải đảm bảo và duy trì được những lợi thế về công nghệ và cạnh tranh của mình”.

Chỉ cách đây 4 năm (2017), Tập đoàn RAND của Mỹ cho rằng Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) đang tồn tại những điểm yếu và nhiều khuyết điểm tiềm ẩn: về hệ thống, đối diện với cơ cấu chỉ huy lỗi thời, chất lượng nhân sự thấp, thiếu năng lực chuyên môn và nạn tham nhũng; về năng lực chiến đấu, còn tồn tại các vấn đề như hậu cần không kịp thời, năng lực vận chuyển đường không chiến lược còn yếu, thiếu máy bay thực hiện các nhiệm vụ đặc biệt, năng lực phòng không và chống ngầm của tàu chiến chưa cao.

Sau báo cáo của RAND, từ tháng 1/2018, Trung Quốc đã ban hành lệnh động viên huấn luyện trong 4 năm liên tiếp. Đến tháng 8/2020, RAND đã thay đổi đánh giá khi cho rằng vai trò của Trung Quốc tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương và toàn cầu đang tăng lên, quân đội Mỹ cần sẵn sàng để ứng phó.

Tại cuộc họp báo thường kỳ cuối tháng 6 vừa qua, khi giới thiệu về tình hình huấn luyện quân sự 6 tháng đầu năm 2021 của quân đội Trung Quốc, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Nhậm Quốc Cường tự tin tuyên bố mức chi tiêu dành cho đạn dược của quân đội nước này tăng mạnh

 


Quân nhân Trung Quốc tập trận bắn đạn thật


Trong khi đó, báo chí Trung Quốc cũng liệt kê hàng loạt “thành tích” trong hiện đại hoá quân đội của nước này. Theo đó, PLA đã có sự đổi mới về tàu chiến và các vũ khí khác, như lượng lớn tàu khu trục 052D bắt đầu được đưa vào phiên chế và tàu khu trục 055 bắt đầu được đưa vào phiên chế và sản xuất hàng loạt năm 2020; tàu hộ vệ Type 056 và 056A đưa vào hoạt động năm 2015; tàu sân bay Sơn Đông do Trung Quốc sản xuất được đưa vào đội hình tại Tam Á thuộc đảo Hải Nam vào ngày 17/12/2019;

Trước đó, ngày 30/7/2017 tại lễ duyệt binh kỷ niệm 90 năm thành lập PLA, máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ năm J-20 lần đầu tiên được công khai trong tư thế chiến đấu; trong trong lễ duyệt binh 70 năm quốc khánh năm 2019, máy bay trực thăng vận tải có tải trọng 10 tấn Z-20 lần đầu tiên xuất hiện trước công chúng.

Sức mạnh “trên lý thuyết”

Trên thực tế, không phải đợi đến khi RAND chỉ ra những nhược điểm của PLA Trung Quốc mới tiến hành hiện đại hoá quân đội. Từ năm 2015, PLA đã sắp xếp lại cơ cấu lãnh đạo theo mô hình “quân ủy lãnh đạo tổng thể, chiến khu phụ trách tác chiến, quân chủng phụ trách kiến thiết, xây dựng”.

Các bước đi này được giới phân tích Trung Quốc coi là nhằm xóa bỏ các rào cản về cơ chế, thể chế cũ như cơ chế tổng cục làm suy yếu vai trò lãnh đạo của quân ủy, bộ khung cồng kềnh của mô hình đại quân khu, cơ chế có quy mô quá lớn của lục quân ảnh hưởng đến sự hiện đại hóa của quân đội, không có lợi cho việc tác chiến hiệp đồng giữa các quân binh chủng.

Về quy mô cơ cấu và biên chế lực lượng, PLA đã cắt giảm 300.000 quân, khiến tổng quân số giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 1949. Trong số đó, lực lượng lục quân giảm hơn một nửa và cấp bậc chỉ huy cũng giảm.

Theo truyền thông Trung Quốc, có tới 30% quân nhân ở tuyến đầu của nước này có trình độ đại học, có năng lực nắm vững và làm chủ công nghệ hiện đại tốt hơn nhiều tướng lĩnh cấp cao.

 


Trung Quốc thực hiện nhiều cải cách quân đội và tăng chi tiêu quốc phòng liên tục


Về bảo đảm hậu cần liên hợp, quân đội Trung Quốc đã thay đổi việc bảo đảm hậu cần riêng lẻ ở từng quân chủng và cấp bậc trước đây. Quân đội và Lực lượng cảnh sát vũ trang Trung Quốc cũng ngừng toàn bộ các dịch vụ có trả lương (làm kinh tế), qua đó ngăn chặn các nguồn gốc phát sinh tham nhũng và đưa quân đội tập trung vào chiến đấu.

Ngân sách quốc phòng của Trung Quốc năm 2021 là 1.350 tỷ nhân dân tệ (khoảng 209 tỷ USD). Truyền thông Trung Quốc cho rằng con số này nhỏ hơn nhiều so với phương Tây. Tổng chi tiêu quân sự của 30 quốc gia thành viên NATO trong năm 2021 ước tính lên tới 1.170 tỷ USD, chiếm hơn một nửa tổng chi tiêu quân sự toàn cầu và gấp 5,6 lần Trung Quốc. Trong đó, chi tiêu quốc phòng của Mỹ chiếm 740,5 tỷ USD.

Theo lộ trình đã được xác định trong báo cáo của đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ XIX, tiến trình hiện đại hoá quốc phòng và quân đội Trung Quốc được tiến hành theo 3 bước, gồm "đến năm 2020, cơ bản thực hiện cơ giới hóa, việc xây dựng thông tin hóa đạt nhiều tiến triển quan trọng, năng lực chiến lược tăng mạnh”, “đến năm 2035 cơ bản thực hiện hiện đại hóa quốc phòng và quân đội”, “đến giữa thế kỷ 21, xây dựng quân đội nhân dân trở thành một trong những quân đội hàng đầu thế giới”.

Mạng “Đa chiều” của Trung Quốc tự tin khẳng định, với đường lối chiến lược dài hạn này, những sức ép của Mỹ và đồng minh tạo khó có thể ngăn cản được các bước đi của Trung Quốc.

Trước những tuyên bố tự tin của giới lãnh đạo và truyền thông Trung Quốc cùng với đánh giá ngày càng cao của phương Tây về sức mạnh quân đội Trung Quốc, một nhà phân tích Australia mới đây lại “dội gáo nước lạnh” khi chỉ ra sức mạnh “trên lý thuyết” của Bắc Kinh.

 


Trung Quốc gia tăng các hoạt động phô diễn sức mạnh cả trên bộ, trên không và trên biển


Theo ông Clive Williams, Giáo sư thỉnh giảng tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc phòng và Trung tâm về Luật Quân sự và An ninh thuộc Đại học Quốc gia Australia, trên lý thuyết, PLA gây ấn tượng mạnh về tổng số binh sỹ tại ngũ (2,18 triệu người). Hiện Trung Quốc có lực lượng quân sự lớn nhất thế giới và ngân sách quốc phòng lớn thứ hai thế giới, cho dù mức chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc mới chỉ bằng 1/3 ngân sách quốc phòng của Mỹ.

Tuy nhiên, những nhược điểm của PLA mà RAND đã chỉ ra dường như vẫn tồn tại bất chấp sự “hào nhoáng” bên ngoài với sự thay đổi cơ cấu và các loại vũ khí mới. Theo vị giáo sư này thì PLA đang phải đối mặt hàng loạt bất lợi nghiêm trọng như cơ cấu chỉ huy quân đội bị suy yếu; các khó khăn trong việc "giữ chân" các nhân viên được đào tạo bài bản; ngày càng có thêm nhiều cựu chiến binh cần được hỗ trợ; thiếu kinh nghiệm chiến đấu; tham nhũng; khả năng chiến đấu tầm xa dễ bị tổn thương; và thiếu các liên minh quân sự.

Các phương án mà PLA triển khai hoạt động bên ngoài Trung Quốc vẫn còn hạn chế. Cho đến nay, Bắc Kinh mới chỉ có một căn cứ quân sự ở nước ngoài ở Djibouti. Mỹ có gần 800 căn cứ tại hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Nền kinh tế Trung Quốc cũng dễ bị tổn thương vì phụ thuộc vào các nguồn tài nguyên tự nhiên bên ngoài như dầu thô và quặng sắt. Do đó, nền kinh tế Trung Quốc không thể đảm bảo an ninh về mặt quân sự, ngay cả khi có một lực lượng quân đội hùng hậu hơn và khả năng chiến đấu được cải thiện.


Trần Long

Nguồn: datviet.trithuccuocsong.vn
26 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.