Chuyên mục
Sau thượng đỉnh Biden-Putin, Đức muốn đối thoại Nga

Sau thượng đỉnh Biden-Putin, Đức muốn đối thoại Nga

Thứ năm 24/06/2021 10:33 GMT + 7

Đức muốn kéo châu Âu vào cuộc đối thoại với Nga hậu thượng đỉnh Biden-Putin.

RT đưa tin, các nước Đức và Pháp đang ủng hộ hình thức đối thoại trong quan hệ với Nga, thậm chí sẽ mời Tổng thống Nga Vladimir Putin tới cuộc họp thượng đỉnh EU.

 


Đức đã nỗ lực nhiều tuần qua để thúc đẩy châu Âu tìm kiếm đối thoại và hợp tác với Nga.


Cụ thể, trong bức thư mời họp Thượng đỉnh gửi đến nguyên thủ 27 nước thành viên Liên minh châu Âu – EU ngày 23/6, Chủ tịch Hội đồng châu Âu, Charles Michel cho biết lần này sẽ thảo luận về hàng loạt vấn đề gồm chiến lược phân phối vaccine cho các đối tác trên thế giới, chính sách nhập cư, các biện pháp phục hồi kinh tế hậu đại dịch, cùng các chủ đề đối ngoại quan trọng khác liên quan đến Thổ Nhĩ Kỹ, Nga, Lybia, Belarus.

Nhưng trọng tâm của Thượng đỉnh EU lần này sẽ là các thảo luận về chiến lược mới của EU trong quan hệ với Nga. Tại Thượng đỉnh EU tháng 5/2021, các nguyên thủ châu Âu đã giao trọng trách cho Ủy ban châu Âu xây dựng dự thảo chiến lược mới của EU trong quan hệ với Nga và Cao ủy phụ trách chính sách đối ngoại và an ninh của EU, ông Josep Borrell dự kiến sẽ trình bày báo cáo chiến lược về Nga tại Thượng đỉnh lần này.

Trong cuộc họp báo tuần trước tại Brussels, ông Josep Borrell đã lên tiếng cảnh báo các nước EU cần chuẩn bị cho các khó khăn mới trong quan hệ với Nga, bởi quan hệ giữa hai bên đang ở mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ.

Tuy nhiên, trong cuộc họp trù bị của Đại sứ các nước EU chiều ngày 23/6 nhằm chuẩn bị cho Thượng đỉnh EU, hai nước Đức và Pháp đã đưa ra các đề xuất mới về Nga, theo đó, EU cần duy trì một quan hệ đối thoại chặt chẽ hơn với Nga, đồng thời, dự định tổ chức lại Thượng đỉnh EU-Nga, mời Tổng thống Nga Vladimir Putin dự Thượng đỉnh, hoạt động vốn đã bị gián đoạn từ năm 2014 sau cuộc khủng hoảng Ukraine và vấn đề Crimea.

Giới quan sát cho rằng, Thủ tướng Đức, bà Angela Merkel là người đứng sau đề xuất này và được Pháp ủng hộ.

Trước thềm Thượng đỉnh EU lần này, trong vòng 1 tuần qua, bà Merkel đã lần lượt tiếp Tổng thống Pháp, Emmanuel Macron, Thủ tướng Italia, Mario Draghi và nguyên thủ Đức-Pháp-Italia được cho là đã thống nhất quan điểm về Nga. Trong cuộc gặp với ông Macron tại Berlin tuần trước, bà Merkel cũng tuyên bố rất rõ rằng, EU phải duy trì bằng được đối thoại với Nga.

“Nga là một thách thức lớn cho châu Âu nhưng Nga cũng là một quốc gia láng giềng của Liên minh châu Âu và có thể nhận thấy rằng, tất cả chúng ta đều bị tổn thương bởi các cuộc tấn công hỗn hợp từ Nga. Dù vậy, chúng ta có lợi ích trong việc duy trì đối thoại với Nga nếu muốn có an ninh và ổn định tại châu Âu, dù đối thoại đó có khó khăn đến mức nào” - bà Merkel nhấn mạnh.   

Được biết quan hệ giữa Nga và phương Tây đã có bước tiến mới, đặc biệt là sau cuộc họp thượng đỉnh giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ông Biden đã trở thành người đi đầu trong việc xúc tiến đối thoại với Nga bằng cuộc gặp Tổng thống Putin tại Hội nghị thượng đỉnh ở Geneva hôm 16/6. Điều này đã giúp mở lối cho châu Âu trong việc nhận thấy sự cần thiết phải đối thoại với Nga dẫu có nhiều bất đồng về quan điểm chính trị.

Việc Mỹ chọn cách dừng trừng phạt các đối tác châu Âu của dự án Nord Stream-2 cũng cho thấy cách tiếp cận có phần thay đổi của Mỹ khi dùng lệnh trừng phạt để bảo toàn lợi ích của Mỹ trước tiên.

Thực tế cho thấy là khi sử dụng trừng phạt Nga thì người chịu thiệt là cả hai bên trong khi các đối tác ở Mỹ và châu Âu đã mất đi những cơ hội kinh doanh đắt giá tại Nga.

Hai nhà lãnh đạo Pháp và Đức cho rằng các nhà lãnh đạo EU có thể đưa ra thông điệp trực tiếp về cách hành xử của Nga trong khi vẫn để ngỏ cánh cửa thỏa hiệp và hợp tác.

Trong khi đó, những người phản đối mối quan hệ gần gũi hơn với Điện Kremlin lo ngại rằng điều này sẽ “trao thưởng” cho Nga ở thời điểm Moscow đang gia tăng sức ép đối với Ukraine và Nga cũng bị cáo buộc đứng sau các cuộc tấn công mạng nhằm vào Mỹ và các đồng minh.

EU chưa tổ chức họp thượng đỉnh với Nga kể từ khi nước này sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014 và đã áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt đối với Nga.

“Chúng tôi cần một cuộc đối thoại để tránh leo thang tiêu cực, nhưng chúng tôi cũng cần thúc đẩy sự đoàn kết”, hãng tin Reuters dẫn lời một nhà ngoại giao cấp cao EU cho biết, đồng thời nhấn mạnh các nước thành viên ở Baltic sẽ phản đối một cuộc họp thượng đỉnh như vậy.


Hải Lâm

Nguồn: datviet.trithuccuocsong.vn
26 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.