Chuyên mục
Phương Tây thừa nhận kiêu ngạo với Nga
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận nào cho bài viết này.

Phương Tây thừa nhận kiêu ngạo với Nga

Chủ nhật 18/08/2019 15:34 GMT + 7
Trong 30 năm qua, phương Tây đã tỏ ra "kiêu ngạo" khi luôn áp đặt các giá trị của mình lên phần còn lại của thế giới.

Kiêu ngạo và áp đặt

Theo kế hoạch, Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ có chuyến thăm Pháp và gặp người đồng cấp Emmanuel Macron vào ngày 19/8 tại pháo đài Brégançon, nơi nghỉ Hè của nhà lãnh đạo Pháp. Đáng chú ý, cuộc gặp này diễn ra ngay trước thềm Hội nghị thượng đỉnh các nước công nghiệp phát triển (G7) dự kiến diễn ra từ 24-26/8 tại thành phố biển Biarritz, miền Tây Nam nước Pháp.

Cựu Ngoại trưởng Pháp Hubert Védrine đã lưu ý tầm quan trọng của việc Paris xây dựng quan hệ với Nga trước khi Tổng thống Mỹ Donald Trump làm điều đó.

Trả lời phỏng vấn tờ Figaro, nhà ngoại giao kỳ cựu này cho rằng: "Cần tái khai thông quan hệ của chúng ta với Nga, không nên chờ ông Trump, nếu ông này tái đắc cử, ông ấy sẽ khởi động quan hệ Mỹ-Nga mà không màng tới lợi ích của châu Âu...

Mục tiêu mà Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã xác định nhiều lần là một lần nữa kết nối Nga với châu Âu và bằng cách đó, sẽ chỉnh sửa được chính sách thiếu nhất quán của phương Tây trong những năm gần đây, vốn đẩy Nga về phía Trung Quốc".

Cựu Ngoại trưởng Pháp Hubert Védrine (phải) trong một cuộc phóng vấn với kênh truyền hình RT tiếng Pháp của Nga

Ông Védrine cũng lưu ý đến tầm quan trọng của hợp tác Pháp-Nga trong các lĩnh vực quân sự, hạt nhân, vũ trụ, kỹ thuật số, đối phó với suy thái kinh tế, cũng như cuộc chiến chống khủng bố.

Cựu Ngoại trưởng Pháp đánh giá cao sáng kiến về cuộc gặp của ông Macron và người đồng cấp Nga Vladimir Putin, cho rằng "đó là nỗ lực rất hữu ích để đưa Pháp và có thể là cả châu Âu thoát khỏi tình trạng vô vọng, đó là cuộc đấu vô ích về lập trường đã diễn ra trong nhiều năm".

Đặc biệt, ông Védrine nêu ra một sự phi lý chiến lược: Pháp có mối quan hệ với nước Nga ngày nay tồi tệ hơn mối quan hệ với Liên Xô trong suốt 3 thập kỷ qua và đánh giá rằng, "điều đó không mang lại lợi ích cho chúng ta".

Việc Tổng thống Pháp Macron chọn ngày đón tiếp Tổng thống Putin ngay trước thềm Hội nghị thượng đỉnh G7 rất có ý nghĩa vì trên thực tế G7 đã trở thành G8, nhưng Nga đã bị loại khỏi nhóm vào năm 2014 sau khi sáp nhập Crimea.

Theo ông Védrine, trong 30 năm qua, phương Tây đã tỏ ra "kiêu ngạo" khi luôn áp đặt các giá trị của mình lên phần còn lại của thế giới. Cần nhắc lại những điều cơ bản trong quan hệ quốc tế: gặp gỡ không phải là chấp thuận; tranh luận không phải là hợp pháp hóa; duy trì quan hệ với một quốc gia không phải là trở thành bạn bè. Tất cả chỉ là vì lợi ích quốc gia.

Phương Tây quá tự tin và kiêu ngạo khi muốn áp đặt đối với Nga?

Chính vì vậy, ông Vedrine nhấn mạnh, Pháp phải quan hệ với các nhà lãnh đạo của tất cả các cường quốc, đặc biệt là trong bối cảnh vấn đề an ninh ở châu Âu đang bị đe dọa, khi các thỏa thuận cắt giảm vũ khí được ký vào cuối Chiến tranh Lạnh lần lượt bị bỏ rơi và không được thay thế bởi bất cứ thỏa thuận nào khác.

Ông Védrine nhận định rằng chỉ có các nhóm đối lập nhỏ với tư tưởng chống Nga tỏ ra không hài lòng với cuộc gặp Macron-Putin.

Tuy nhiên, họ không đưa ra được giải pháp cụ thể nào cho các vấn đề địa chính trị, mà chỉ tự thỏa mãn với việc cắm chốt những tư duy lạc hậu với thời cuộc.

Người Nga vẫn là...người Nga

Nhân sự kiện hội nghị thượng đỉnh Pháp-Nga sắp tới, ông Vedrine cũng nhận định về phát biểu của Tổng thống Nga Putin trên tới Financial Times mới đây rằng: "Ý tưởng tự do đã trở nên lỗi thời".

Theo ông, đây là một trong những hành động thách thức của nhà lãnh đạo Nga kể từ khi bắt đầu nhiệm kỳ tổng thống thứ 3.

Trước đó, trong hai nhiệm kỳ đầu tiên, Tổng thống Putin đã "chìa tay" với phương Tây, và phương Tây đã phạm sai lầm khi không thực sự hồi đáp.

Nhà ngoại giao kỳ cựu của Pháp thậm chí đã ám chỉ việc phương Tây “giận cá chém thớt” khi tỏ ra “bực tức và phẫn nộ” vì bản thân phương Tây đứng trước thách thức từ bên trong bởi chủ nghĩa dân túy, một sản phẩm của sự mất lòng tin của dân chúng đối với giới tinh hoa lãnh đạo trong quá trình toàn cầu hóa và hội nhập châu Âu.

Tổng thống Pháp E. Macron (phải) tiếp đón Tổng thống Nga V. Putin tại Pháp hồi tháng 5/2017

Theo ông Védrine, người phương Tây đã quá ảo tưởng về quá trình thay đổi nhanh chóng ở Nga, có thể so sánh với những ảo tưởng của Mỹ về việc Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2000.

Ông khẳng định người Nga vẫn là... người Nga nhưng một phần dư luận phương Tây lại nổi giận vì điều này.

Theo ông, phương Tây không thể thay đổi được nước Nga mà quốc gia này sẽ tự phát triển theo tốc độ và phương cách riêng của mình.

Ông Vedrine cho rằng phương Tây phải thay đổi chính sach không thống nhất vốn đã đẩy Nga về phía Trung Quốc.

Theo đó, mối quan hệ song phương phải đáp ứng yêu cầu cao và thận trọng, song không có chỗ cho sự thù hằn và áp đặt.

Cần phải thiết lập, hoặc tái thiết lập, một sự cân bằng quyền lực trong các lĩnh vực quân sự, hạt nhân, không gian và kỹ thuật số. Cách thức thực hiện là thảo luận, đàm phán và đưa ra đề xuất.

Theo thông báo của trợ lý Tổng thống Nga về các vấn đề đối ngoại, ông Yury Ushakov, ngoài các vấn đề về quan hệ song phương, quan hệ Nga và Liên minh châu Âu (EU) sẽ là các nội dung được lãnh đạo Nga-Pháp thảo luận tại khu nghỉ dưỡng của Tổng thống Macron Fort de Bregancon, miền Nam nước Pháp.

Quan chức này khẳng định Moscow luôn thể hiện sẵn sàng tái khởi động tiến trình đối thoại với Brussels. Theo ông Ushakov, Nga muốn nối lại các hoạt động, liên lạc tương ứng với ban lãnh đạo của Ủy ban châu Âu (EC) và các cơ quan khác của EU.

Pháp muốn dùng Nga làm đối trọng nhằm từng bước đưa châu Âu "thoát" Mỹ?

Bên cạnh đó, dự kiến lãnh đạo hai nước còn thảo luận hàng loạt vấn đề nóng như cuộc chiến ở miền Đông Ukraine, tình hình Iran, Syria...

Về vấn đề Ukraine, ông Ushakov thông báo Tổng thống Putin và Tổng thống Macron sẽ đề cập tới các nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng, trong đó có việc thực thi các thỏa thuận Minsk và khuôn khổ Normandy mà Pháp là một bên tham gia.

Về vấn đề Syria, trợ lý Tổng thống Nga cũng cho biết thêm rằng tại cuộc gặp, hai nhà lãnh đạo Nga và Pháp sẽ thảo luận về kế hoạch tổ chức hội nghị 4 bên gồm Nga, Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ và Đức bàn về tình hình Syria.

Hội nghị 4 bên lần đầu tiên từng được tổ chức hồi tháng 9/2018. Nhưng trước tiên, Moscow muốn tổ chức hội nghị thượng đỉnh Astana gồm Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran trong tương lai gần.

Ông Ushkov khẳng định hai nhà lãnh đạo Nga và Pháp sẽ thảo luận về tình hình liên quan Iran và chương trình hạt nhân của nước CH Hồi giáo này.

Ông nhấn mạnh Moscow và Paris cùng chia sẻ những nỗ lực chung nhằm duy trì Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) và ngăn ngừa nguy cơ gia tăng căng thẳng giữa Iran và Mỹ ở Vịnh Persian.

Bảo Minh
Nguồn: baodatviet.vn
31 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.