Chuyên mục
Phương án thực hiện hộ chiếu vắc xin COVID-19 tại Việt Nam thế nào?

Phương án thực hiện hộ chiếu vắc xin COVID-19 tại Việt Nam thế nào?

Thứ sáu 16/04/2021 15:22 GMT + 7

Bộ Y tế đang cùng nhiều cơ quan liên quan xây dựng các phương án, xem xét triển khai áp dụng hộ chiếu vắc xin COVID-19 với quốc gia nào, áp dụng đa phương, song phương hay đồng thuận giữa các nước, áp dụng với vắc xin nào và cách đi lại ra sao.

Trao đổi với phóng viên bên lề hội nghị trực tuyến phòng chống dịch COVID-19 với 63 tỉnh, thành phố sáng 16/4, TS Đặng Quang Tấn, Cục trưởng Y tế dự phòng  Bộ Y tế cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Y tế với vai trò là cơ quan chuyên môn đang làm việc với các bộ ngành để đưa ra phương án triển khai hộ chiếu vắc xin tại Việt Nam.

“Gọi hộ chiếu vắc xin nhưng thực chất là giấy chứng nhận cho một người đã tiêm đủ số mũi vắc xin theo khuyến cáo của nhà sản xuất hoặc theo cơ quan quản lý nhà nước”- TS Đặng Quang Tấn nói.



TS Đặng Quang Tấn- Cục trưởng Cục Y tế dự phòng


Tuy nhiên theo TS Tấn hiện nay, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chưa có khuyến cáo áp dụng hộ chiếu vắc xin. Trên thế giới mới có Singapore đang thí điểm trên phạm vi rất hẹp, vừa tham khảo, vừa thăm dò.

Phân tích lý do, Cục trưởng Đặng Quang Tấn cho biết có một số vấn đề cần lưu ý khi áp dụng hộ chiếu vắc xin: trước hết, tiêm vắc xin chỉ có tác dụng làm giảm, hạn chế tỉ lệ trầm trọng của bệnh khi mắc COVID-19.

Tiếp đó, mỗi quốc gia sử dụng các loại vắc xin phòng COVID-19 khác nhau như AstraZeneca, Pfizer, Moderna, Sputnik V… với hiệu quả bảo vệ khác nhau, có loại cao, loại thấp. Vấn đề đặt ra, chấp nhận vắc xin nào?

Ngoài ra, việc áp dụng hộ chiếu vắc xin tùy theo miễn dịch cộng đồng. Rất nhiều quốc gia có tỉ lệ mắc COVID-19 cao hoặc tiêm phòng diện rộng sẽ có miễn dịch cộng đồng cao.

Trong khi đó theo Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Việt Nam là quốc gia “sạch” do kiểm soát tốt dịch và hiện tỉ lệ tiêm vắc xin của Việt Nam chưa đạt yêu cầu. Vì vậy, miễn dịch cộng đồng của người dân Việt Nam thời điểm hiện tại là gần như chưa có.

“Do đó nếu triển khai hộ chiếu vắc xin, không quản lý chặt có thể làm lây nhiễm dịch ra cộng đồng, nguy cơ không kiểm soát được”- TS Đặng Quang Tấn nhấn mạnh.

Bộ Y tế cùng nhiều cơ quan đến nay vẫn đang xây dựng các phương án, xem xét triển khai áp dụng với quốc gia nào, áp dụng đa phương, song phương hay đồng thuận giữa các nước, áp dụng với vắc xin nào và cách đi lại ra sao.

“Bước đầu chúng tôi thống nhất, những người được tiêm vắc xin đủ theo khuyến cáo nhà sản xuất, nhà chuyên môn có thể được giảm thời gian cách ly. Tuy nhiên đây mới chỉ là đề xuất, vẫn phải chờ quyết định của lãnh đạo Bộ Y tế hoặc Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19”-  Cục trưởng Đặng Quang Tấn nói.

Hiện một số địa phương như Quảng Nam, Phú Quốc đang đề xuất cho thí điểm áp dụng hộ chiếu vắc xin với khách lưu trú ngắn ngày, chỉ chơi golf, nghỉ dưỡng không di chuyển.

Theo TS Đặng Quang Tấn, có thể đây cũng là mô hình cần thử nghiệm nhưng phải quản lý nghiêm ngặt người đến, đòi hỏi chính quyền địa phương, công an, cơ quan chủ quản phải quản lý rất chặt, không được để khách đi ra ngoài.

Vừa qua có rất nhiều trường hợp khi vào khu cách ly, xét nghiệm lần 1 âm tính nhưng vài ngày sau xét nghiệm lại dương tính. Bởi vậy, nếu không quản lý chặt, những người này ra cộng đồng thì nguy cơ lây lan dịch ra ngoài là hiện hữu.

"Chúng tôi đang nghiên cứu các quốc gia trên thế giới áp dụng như thế nào để đưa ra một số mô hình, thử nghiệm tại các khu vực nhỏ như sân golf hoặc khu du lịch nhỏ. Việc triển khai hộ chiếu vắc xin có thể không đợi hướng dẫn chính thức của WHO nhưng còn phải tham khảo nhiều"-Cục trưởng Đặng Quang Tấn nói.

 Đến nay, Việt Nam đã tiêm chủng vắc xin COVID-19 cho hơn 73.000 người. Một số địa phương bắt đầu tiêm chủng đợt 2, vắc xin của COVAX. Bộ Y tế yêu cầu việc tiêm chủng số liều vắc xin hiện còn phải hoàn thành trước 5/5/2021.

 

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 mới đây, Bộ Y tế đưa ra 3 phương án thực hiện hộ chiếu vắc xin.

Cụ thể, nhóm đối tượng thứ nhất là người Việt Nam bị mắc kẹt ở nước ngoài, trong điều kiện đã tiêm vắc xin thì về nước. Bộ Y tế cần có hướng dẫn chi tiết, cụ thể những người về từ nước nào thì có biện pháp cách ly, theo dõi y tế phù hợp, ở mức cần thiết, theo hướng an toàn. Trong đó cần tính đến cả những doanh nhân Việt Nam có nhu cầu ra nước ngoài tìm kiếm cơ hội đầu tư kinh doanh.

Nhóm đối tượng thứ hai là những người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam đầu tư, kinh doanh, tuỳ từng nước, điều kiện, đã tiêm loại vắc xin nào thì sẽ phải quy định cụ thể về thời gian xét nghiệm, cách ly, theo dõi y tế.

Đối với nhóm đối tượng thứ ba là khách du lịch quốc tế, Bộ Y tế phối hợp với Bộ VHTTDL trình Ban Chỉ đạo phương án cụ thể lộ trình mở cửa du lịch. Hướng ban đầu là du khách từ các nước kiểm soát tốt dịch bệnh, đã triển khai tiêm vắc xin đạt miễn dịch cộng đồng và nơi đến là những khu du lịch, nghỉ dưỡng quản lý, kiểm soát được người vào đã an toàn, có quy định kiểm soát đi lại, tiếp xúc trong nước.

 

Thái Bình

Nguồn: suckhoedoisong.vn
27 bạn đọc
Đánh giá tốt

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.