Chuyên mục
Ông Putin đã nói gì khiến Kiev lo chiến tranh từ 2007?

Ông Putin đã nói gì khiến Kiev lo chiến tranh từ 2007?

Chủ nhật 30/05/2021 12:02 GMT + 7

Tướng Ukraine tiết lộ Kiev đã lên kế hoạch chiến tranh với Nga từ năm 2007, sau bài phát biểu của Tổng thống Putin.

Thiếu tướng Viktor Nazarov, một cựu phó trưởng phòng tác chiến chính của Bộ Tổng tham mưu Lực lượng vũ trang Ukraine cho biết, nước này đã từng lên kế hoạch cho cuộc chiến tranh với Nga từ năm 2007.

 

Theo đó, ông Nazarov nói với kênh UKRLIFE rằng, Bộ Tổng tham mưu Ukraine bắt đầu chuẩn bị cho một cuộc xung đột vũ trang với Nga ngay sau bài phát biểu của Tổng thống Nga Vladimir Putin, tại Hội nghị An ninh Munich ngày 10/2/2007.

"Chúng tôi không chờ đợi tình hình thay đổi. Các tài liệu quân sự và kế hoạch tác chiến đã được xây dựng, trong đó bao gồm cả cuộc chiến với Nga" - Tướng Nazarov nói.

"Sau bài phát biểu nổi tiếng của Putin ở Munich, rõ ràng là Nga sẽ không bình tĩnh và một số bước sẽ được thực hiện để ngăn chặn hoặc tiếp quản sự phát triển độc lập của Ukraine với tư cách là một tác nhân của chính trị quốc tế.

Trong Bộ Tổng tham mưu, chúng tôi đã không chờ đợi xung quanh, và từ năm 2007 bắt đầu phát triển tài liệu quân sự và kế hoạch hoạt động, trong đó, trong số những thứ khác, dự kiến một cuộc chiến tranh với Nga" - Tướng Nazarov nói với kênh UKRLIFE TV.

Theo ông Nazarov, quân đội đã được huấn luyện ở cả Crimea và Donbass, nhưng không có tài liệu nào về kế hoạch chiến lược như vậy được xem xét hoặc phê duyệt kể từ khi ông Viktor Yanukovych được bầu làm Tổng thống vào năm 2010.

 

"Khi một trong những dự án dự thảo đã được chuẩn bị, trong đó quy định nhiệm vụ đẩy lùi một sự xâm lược từ Nga đã bị từ chối. Một trong số người đưa ra quyết định gồm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng [Mykhailo] Ezhel. Khi những đề nghị đã được báo cáo, ông đã rất ngạc nhiên.

Ông thường nói rằng, Nga là đối tác chiến lược của chúng ta, vậy làm thế nào chúng ta có thể có chiến tranh với nó? Tất cả những thông tin mà chúng tôi thu thập và phân tích và báo cáo có thể chỉ ra rõ ràng rằng sự chuẩn bị như vậy đang được tiến hành" - Tướng Nazarov cho hay.

Mối quan hệ của Moscow với Ukraine và phương Tây trở nên xấu đi vào năm 2014 sau khi ông Yanukovych bị lật đổ. Hồi đó, Kiev đã tiến hành một chiến dịch quân sự ở khu vực Donbass nói tiếng Nga, nơi coi việc thay đổi quyền lực là một cuộc đảo chính, trong khi Crimea đã bỏ phiếu trong một cuộc trưng cầu dân ý để gia nhập trở lại với nước Nga.

Đồng thời, theo vị tướng này, việc Crimea thống nhất với Nga đã khiến Lực lượng vũ trang Ukraine bị bất ngờ.

"Từ những đánh giá về mặt chiến lược, việc Nga sáp nhập Crimea không phải là điều ngạc nhiên. Nhưng các biện pháp mà Nga đã sử dụng để sáp nhập Crimea là điều khá bất ngờ" - ông Nazarov giải thích.

Nhắc lại bài phát biểu năm 2007 tại Hội nghị An ninh Munich (Đức), Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chỉ trích gay gắt Mỹ vì thói quen áp đặt ý chí của chính mình lên các quốc gia khác. Ngoài ra, ông cũng phản đối kế hoạch mở rộng của NATO và triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ ở Đông Âu.

Ông Putin cũng tuyên bố sự thất bại của một thế giới đơn cực trong thực tế hiện đại và nhấn mạnh rằng Nga sẽ theo đuổi chính sách đối ngoại độc lập.

 

Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Hội nghị An ninh Munich, Đức ngày 10/2/2007.

 

Một phần bài phát biểu có đoạn: "Hiệp ước về các lực lượng vũ trang thông thường ở châu Âu được ký năm 1999. Nó tính đến một thực tiễn địa chính trị mới là khối Hiệp ước Vacsava bị thủ tiêu. Đã 7 năm trôi qua nhưng chỉ có 4 nước phê chuẩn văn kiện, trong đó có Liên bang Nga.

Các nước NATO công khai tuyên bố rằng họ sẽ không phê chuẩn Hiệp ước, bao gồm cả điều khoản hạn chế việc bố trí những lực lượng vũ trang nhất định ở các cánh, chừng nào Nga chưa rút hết căn cứ của mình ra khỏi Grudia và Moldova.

 

Quân đội Nga đang rút khỏi Grudia, rút với nhịp độ được đẩy nhanh. Chúng tôi phối hợp với các đồng nghiệp Grudia đã giải quyết những vấn đề đó, mọi người đều đã biết. Tại Moldova còn một lực lượng khoảng 1,5 nghìn quân nhân đang thực hiện chức năng gìn giữ hòa bình và bảo vệ các kho vũ khí còn lại từ thời Liên Xô.

Chúng tôi thường xuyên thảo luận với ngài Javier Solana [Đại diện cấp cao cho Chính sách Đối ngoại và An ninh Chung, Tổng Thư ký Hội đồng Liên minh Châu Âu (1999-2009) -ND] về vấn đề đó, ông ấy biết rõ lập trường của chúng tôi. Chúng tôi sẵn sàng tiếp tục hành động theo hướng đó.

Nhưng trong khi đó thì việc gì đã diễn ra? Trong khi đó, ở Bungary và Romania đã xuất hiện cái gọi là những căn cứ tiền tiêu hạng nhẹ của Mỹ, mỗi nơi có tới 5 nghìn binh sĩ. Như vậy, NATO đẩy các lực lượng tiền tiêu tới sát biên giới quốc gia của chúng tôi, còn chúng tôi thì không thể đáp trả những hành động đó vì triệt để tuân thủ Hiệp ước.

Theo tôi, rõ ràng là tiến trình mở rộng khối NATO hoàn toàn không liên quan đến việc hiện đại hóa liên minh này hoặc việc bảo đảm an ninh ở châu Âu. Ngược lại, việc đó thật sự tạo ra một nhân tố làm giảm bớt mức độ tin cậy lẫn nhau.

Chúng tôi hoàn toàn có quyền đặt câu hỏi thẳng thắn: cuộc mở rộng đó nhằm chống ai ? Liệu những cam kết mà các đối tác phương Tây đưa ra sau khi giải thể Hiệp ước Vacsava có còn giá trị gì nữa hay không? Những tuyên bố đó đâu rồi? Thậm chí chẳng còn ai nhớ những tuyên bố đó nữa. Song tôi muốn nhắc lại với cử tọa ở đây một câu.

 

Tôi xin trích dẫn tuyên bố của Tổng thư ký NATO, ngài Woerner, tại Brussels ngày 17/5/1990. Lúc đó ông nói: “Bản thân việc chúng tôi không sẵn sàng bố trí quân đội NATO ở ngoài biên giới CHLB Đức đem lại cho Liên Xô những bảo đảm vững chắc về an ninh”. Những bảo đảm đó đâu rồi?

Những viên đá, những tấm bê-tông của bức tường Berlin đã từ lâu được người ta lấy đi làm vật lưu niệm. Nhưng không được quên là bức tường đó sụp đổ cũng nhờ sự lựa chọn có tính lịch sử, bao gồm cả sự lựa chọn của dân tộc chúng tôi – dân tộc Nga. Sự lựa chọ nghiêng về phía dân chủ và tự do, nghiêng về phía cởi mở và xây dựng quan hệ đối tác chân thành với tất cả các thành viên đại gia đình châu Âu.

Nhưng hiện nay người ta tìm cách áp đặt cho chúng ta những ranh giới phân chia và những bức tường mới – đành rằng đó có thể là những bức tường ảo song vẫn là những bức tường mang tính chất phân biệt, chia cắt lục địa chung của chúng ta. Lẽ nào rồi đây lại cần có nhiều năm và nhiều thập niên, cần thay đổi một vài thế hệ các nhà chính trị để một lần nữa 'phá bỏ' và 'tháo dỡ' những bức tường mới?"

 

Hải Lâm

Nguồn: datviet.trithuccuocsong.vn
27 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.