Chuyên mục
Nga sẽ rơi vào thế khó khi Trung Quốc - Ấn Độ leo thang căng thẳng?

Nga sẽ rơi vào thế khó khi Trung Quốc - Ấn Độ leo thang căng thẳng?

Thứ tư 01/07/2020 05:42 GMT + 7

Nga đồng ý sẽ bàn giao hệ thống tên lửa phòng không tiên tiến S-400 do nước này sản xuất cho Ấn Độ nhanh hơn kế hoạch.

 

Hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga

 

Trong khi hai cường quốc đông dân nhất thế giới là Trung Quốc và Ấn Độ đang leo thang xung đột vì tranh chấp biên giới tại thung lũng Galwan, Nga bất ngờ đồng ý sẽ bàn giao hệ thống tên lửa phòng không tiên tiến S-400 do nước này sản xuất cho Ấn Độ nhanh hơn kế hoạch. Động thái này khiến giới quan sát chú ý và theo dõi vì Moscow đang có quan hệ rất gần gũi và chịu ảnh hưởng nhiều mặt với cả Bắc Kinh và New Delhi.

Dò đường cẩn thận, tránh can thiệp sâu

 

Hiện tại, Nga đang bất đắc dĩ bị đẩy vào tranh chấp của 2 cường quốc lớn tại châu Á và đều là đối tác chiến lược của Moscow. Với Trung Quốc, tuy quan hệ hai nước đang ngày càng trở nên gần gũi nhưng kết nối giữa Nga và Trung Quốc chưa thể đạt tới mức đồng minh vì vẫn bất đồng trong một số vấn đề cụ thể.

Cần nói thêm rằng, Nga không thể phủ nhận thực tế chiến lược “xoay chiều sang châu Á” của mình phụ thuộc phần lớn vào chính sách của Trung Quốc. Trong khi đó, với Ấn Độ, mối nghi ngờ từ nội bộ nước này về việc liệu Nga có đủ đặc tính để làm “bờ vai” tin cậy chiến lược cho Ấn Độ hay không, ngày càng tăng cao.

Một số chuyên gia cho rằng, xung đột Ấn - Trung chính là bài thử thách cho chính sách của Nga trong khu vực. Nếu không tiếp cận, xử lý khôn khéo, Moscow sẽ “mất trắng” những kết nối mà phải khó khăn mới gây dựng được với New Delhi hoặc Bắc Kinh.

Theo giới chuyên gia, hiện tại Nga đã và đang đi theo chiến lược rất thận trọng khi nhắc đến khủng hoảng biên giới Trung - Ấn. Tính đến đầu tháng 6 này, giới chức Nga chưa bình luận gì về sự kiện này.

Ngày 2/6 vừa qua, Đại sứ Nga tại Ấn Độ Nikolay Kudashev đã gặp Ngoại trưởng Ấn Độ Harsh V. Shringla, bàn về “một số vấn đề quan trọng trên quốc tế và khu vực”. Sau đó, Đại sứ quán Nga đã đưa ra thông báo cho biết, hai bên có thể sẽ tìm được cách để giải quyết khủng hoảng biên giới Galwan giữa Ấn Độ và Trung Quốc bằng cách sử dụng “những công cụ và cơ chế đặc biệt, bao gồm đường dây nóng, đặc phái viên, đàm phán, thậm chí tổ chức hội nghị thượng đỉnh không chính thức”.

Quan điểm này của Moscow một lần nữa được Chủ tịch Ủy ban Các vấn đề đối ngoại Quốc hội Nga, ông Konstantin Kosachev nhấn mạnh khi cho rằng: “Nga không nên can thiệp vào những tranh chấp như vậy và khuyến khích các bên đàm phán, tránh sử dụng vũ lực”.

Sau sự việc binh lính Trung - Ấn đụng độ hôm 15/6, Nga hoạt động rất tích cực ở nhiều cấp bậc ngoại giao. Từ Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nga Sergey Lavrov, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Maria Zakharova và đại diện Điện Kremlin Dmitry Peskov đến một số quan chức từ Bộ Ngoại giao Nga tại Ấn Độ đều bình luận về sự việc, bày tỏ hy vọng có thể giảm xung đột.

Ngày 17/6, Thứ trưởng ngoại giao Nga Igor Morgulov và Đại sứ Ấn Độ tại Nga D.B. Venkatesh Varma có cuộc điện đàm liên quan tới tranh chấp LAC (Đường kiểm soát Thực tế) nhưng được tổ chức theo sáng kiến của Ấn Độ.

Song, cùng thời gian đó, giới chức Nga và Trung Quốc không có bất cứ tương tác nào và Đại sứ quán Nga tại Trung Quốc cũng không hề đề cập tới vấn đề trên.

Nhiều thông tin cho rằng, Nga ngầm thực hiện một số nỗ lực ngoại giao để giảm thiểu xung đột giữa hai đối tác chiến lược của Moscow, song Ngoại trưởng Nga phủ nhận thông tin này.

Trong một bài bình luận, tờ Diplomat cho rằng, tuy Nga phủ nhận (việc ngầm giải quyết xung đột Ấn - Trung) nhưng lợi ích mà Moscow có thể đạt được từ việc đảm bảo hòa bình giữa New Delhi và Bắc Kinh “rõ như ban ngày”.

Lý do Nga bàn giao nhanh vũ khí phòng thủ cho Ấn Độ

Dù thận trọng như vậy nhưng cuối tuần qua, Nga bất ngờ đồng ý đẩy nhanh tiến độ giao tổ hợp phòng thủ tên lửa S-400 cho Ấn Độ vào tháng 1/2021, trước lịch trình gần một năm. Một số bài báo cho biết, New Delhi đã yêu cầu tăng tốc thực hiện thỏa thuận trị giá 5,42 tỷ USD này vào đúng thời điểm căng thẳng giữa Ấn Độ và Trung Quốc nóng rực.

Không dừng ở S-400, trong chuyến thăm tới Thủ đô Moscow của Nga tuần trước nữa, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh kêu gọi Nga đẩy nhanh tốc độ giao hàng với đơn đặt hàng 21 máy bay chiến đấu MiG-29 và 12 chiến đấu cơ Su-30 MKI.

Trong khi đó, theo nhiều nhà bình luận như ông Song Zhongping đang làm việc tại Hong Kong, hệ thống S-400 có tầm xa 400km có thể là mối đe dọa đối với Trung Quốc ở tiền tuyến Himalaya. Bởi, hệ thống phòng không chủ chốt của Quân đội Giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) đặt ở biên giới với Ấn Độ là những tên lửa HQ-9 và HQ-16 do Bắc Kinh tự chế tạo, có tầm ngắn hơn.

“Nếu S-400 được triển khai gần Đường kiểm soát Thực tế (LAC) tại Ladakh, nó có thể là mối đe dọa với máy bay Trung Quốc ở sâu trong không phận của Bắc Kinh”, ông Song lý giải và nhắc tới khu vực biên giới đang tranh chấp giữa Trung Quốc và Ấn Độ.

Nhưng, việc Nga bán tên lửa cho Ấn Độ có lẽ không khiến Trung Quốc nổi đóa bởi theo ông Song, Trung Quốc có thể nắm bắt những điểm yếu của S-400 do họ là đối tác quốc tế đầu tiên mua tổ hợp này của Nga với đơn hàng trị giá 3 tỷ USD vào năm 2014.

Đợt giao hàng đầu tiên kết thúc vào tháng 5/2018 và đợt thứ 2 vào tháng 1 năm nay, đồng thời nước này cũng hoàn tất quá trình huấn luyện nhân sự vận hành S-400 tại Nga.

“Từ việc vận hành hệ thống S-400 của riêng họ, PLA thừa hiểu những điểm yếu từ tổ hợp S-400 và có cách để tận dụng những lỗ hổng đó”, ông Song nói. Và kể cả hệ thống đã được giao, cũng phải mất từ 1 - 2 năm để sẵn sàng hoạt động. Do đó, xét ở thời điểm hiện tại, động thái thúc đẩy tốc độ giao S-400 chỉ có thể được coi là thông điệp để dằn mặt Trung Quốc.

 

Nga ưu tiên đảm bảo hòa bình với cả New Delhi và Bắc Kinh

Theo Diplomat, phần đông dư luận tin rằng, an ninh, ổn định khu vực Á Âu và rộng hơn phụ thuộc chính vào mối quan hệ ba bên New Delhi - Moscow - Bắc Kinh. Theo đó, mối quan hệ này là nền tảng chủ chốt đối với nhiều sáng kiến chính sách ngoại giao của Nga từ phi hạt nhân đến chủ nghĩa khủng bố quốc tế và buôn lậu ma túy.

Thậm chí, Giám đốc Trung tâm Carnegie Russia, ông Dmitry Trenin cho rằng, mục đích chiến lược của Nga đó là nâng cấp mối quan hệ với Ấn Độ tương đương quan hệ với Trung Quốc vì nó sẽ mang đến cho Moscow sự cân bằng địa chính trị cần thiết tại Á Âu.

 

Trang Trần 

Nguồn: baogiaothong.vn
27 bạn đọc
Đánh giá tốt

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.