Chuyên mục
Mỹ tăng ngân sách quốc phòng lên hơn 1.000 tỷ USD, các dự án vũ khí trọng điểm vẫn 'đắp chiếu'

Mỹ tăng ngân sách quốc phòng lên hơn 1.000 tỷ USD, các dự án vũ khí trọng điểm vẫn 'đắp chiếu'

Thứ tư 02/07/2025 16:57 GMT + 7

Mỹ tăng chi tiêu quốc phòng lên mức kỷ lục, song nhiều dự án vũ khí then chốt vẫn chưa có lối thoát. Điều này phản ánh khủng hoảng sâu trong ngành công nghiệp quốc phòng nước này.

 

Dự án máy bay chiến đấu thế hệ thứ sáu F-47 của Không quân được ông Trump ủng hộ mạnh mẽ. Ảnh: Sina.

 

Theo truyền thông Mỹ, mặc dù Lầu Năm Góc đệ trình ngân sách quốc phòng năm 2026 lên tới hơn 1.000 tỷ USD, mức cao kỷ lục, nhưng nhiều chương trình phát triển vũ khí then chốt của Mỹ vẫn bị cắt giảm hoặc trì hoãn do thiếu nguồn lực công nghiệp và mâu thuẫn chiến lược giữa các quân chủng.

 

Dự án F/A-XX bị "đóng băng"

Trang web của Viện Hải quân Mỹ (U.S. Naval Institute, USNI) ngày 27/6 cho biết, số phận loại tiêm kích cất hạ cánh trên hạm thế hệ mới F/A-XX của Hải quân Mỹ vẫn rất mờ mịt, khi chính quyền Trump vẫn chưa quyết định có nên tiếp tục chương trình phát triển mẫu tiêm kích thế hệ thứ sáu dành riêng cho hải quân này hay không.

 

Dự án F/A-XX của Hải quân Mỹ chỉ được phân bổ 74 triệu USD trong năm tài khóa 2026. Ảnh: QQnews.

 

Trong ngân sách tài khóa 2026, Hải quân Mỹ chỉ phân bổ 74 triệu USD cho Dự án F/A-XX – một con số ít ỏi so với 3,5 tỷ USD dành cho tiêm kích F-47 của Không quân Mỹ. Một quan chức cấp cao Lầu Năm Góc cho biết trong buổi họp báo ngân sách rằng, hiện F/A-XX chỉ duy trì "mức phát triển tối thiểu" nhằm tận dụng công nghệ từ F-47 và tránh lãng phí nguồn lực từ nền công nghiệp quốc phòng.

Theo chuyên trang quân sự Mỹ "The War Zone" ngày 30/6, một quan chức cao cấp của Lầu Năm Góc tiết lộ, sở dĩ Mỹ từ bỏ việc phát triển cùng lúc hai mẫu tiêm kích thế hệ sáu của không quân và hải quân vì cho rằng nền công nghiệp quốc phòng hiện tại chỉ đủ năng lực hỗ trợ phát triển nhanh một trong hai dự án. Do đó, theo yêu cầu của Tổng thống Trump, toàn lực sẽ được tập trung cho F-47. Báo cáo ngân sách cho thấy, Lầu Năm Góc đã điều chuyển 500 triệu USD từ dự án F/A-XX sang cho F-47 để đảm bảo tiến độ.

F-47 và F/A-XX là các dự án tiêm kích thế hệ sáu của Không quân và Hải quân Mỹ. Theo kế hoạch của Tổng thống Trump, máy bay F-47 do Boeing phát triển sẽ bay thử vào cuối năm 2028, thời gian rất gấp rút. Dù một số công nghệ từ F-47 có thể áp dụng cho F/A-XX, nhưng vì yêu cầu nhiệm vụ tác chiến giữa hai quân chủng rất khác nhau nên khó có thể dùng chung một loại máy bay.

 

Dự án F-47 thể hiện tham vọng của Tổng thống Mỹ Trump. Ảnh: Aeroflap.

 

Trước thực tế F/A-XX bị "đóng băng", Hải quân Mỹ buộc phải tiếp tục nâng cấp loại máy bay F-35C hiện có. Trong ngân sách năm 2026, Lầu Năm Góc dành một khoản chi cho việc phát triển thùng nhiên liệu gắn ngoài có khả năng tàng hình cho F-35. Tuy nhiên, có ý kiến phản đối, cho rằng, vì số lượng sân bay trên đất liền ở Tây Thái Bình Dương rất ít, các siêu tàu sân bay có khả năng cơ động nhanh vẫn sống sót tốt hơn, nên Lầu Năm Góc cần ưu tiên cho dự án F/A-XX thay vì F-47.

 

Tên lửa siêu vượt âm: Số phận bấp bênh

Trang tin Mỹ Defense One ngày 30/6 đưa tin, phát triển tên lửa siêu vượt âm là ưu tiên hàng đầu của quân đội Mỹ, với hơn 3,9 tỷ USD được phân bổ trong năm tài khóa 2026 cho nhiều dự án khác nhau. Điều bất ngờ là Không quân Mỹ lại dành 387,1 triệu USD cho chương trình tên lửa AGM-183A (Air-Launched Rapid Response Weapon, ARRW), cho thấy dự án tưởng chừng đã bị khai tử nay lại được "hồi sinh". Tuy nhiên, giới truyền thông Mỹ cho rằng việc AGM-183A nhiều lần thất bại khi thử nghiệm khiến tương lai của nó vẫn rất bấp bênh.

AGM-183A là loại tên lửa siêu vượt âm kiểu "tăng lực – lướt", chỉ có thể được mang bởi các máy bay lớn như B-52. Sau khi phóng, tầng đẩy đầu tiên đưa phần chiến đấu (có dạng thân lướt) lên cao rồi tách ra, phần này sẽ bay ở tốc độ trên Mach 5 và có thể cơ động trong quá trình bay. Không quân Mỹ đã chi khoảng 1,4 tỷ USD cho phát triển loại vũ khí này. Tuy nhiên, hàng loạt sự cố thử nghiệm khiến dự án này bị đình chỉ vào năm 2024 và không được cấp tiền trong ngân sách 2025, khiến nhiều người nghĩ rằng nó đã bị loại bỏ

 

Dự án tên lửa siêu vượt âm AGM-183 được hồi sinh trong cuộc đua phát triển vũ khí siêu thanh. Ảnh: Aeroflap.

 

Việc đưa việc mua sắm AGM-183A trở lại trong ngân sách 2026 cho thấy nó đang bước từ giai đoạn thử nghiệm đầy khó khăn sang giai đoạn sản xuất thử. Tuy vậy, khoản đầu tư này vẫn ít hơn nhiều so với 802,8 triệu USD dành cho loại tên lửa siêu vượt âm khác là HACM (Hypersonic Attack Cruise Missile). Loại này nhỏ gọn hơn, có thể gắn trên máy bay tiêm kích, linh hoạt hơn. Tuy nhiên, loại tên lửa này dùng công nghệ khó hơn: kết hợp tên lửa đẩy và động cơ siêu phản lực hút khí (scramjet), và hiện vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm ban đầu. Do đó, việc Không quân Mỹ mua một số AGM-183A dù hiệu quả không cao có thể là để tạm thời lấp khoảng trống chiến lược trước khi HACM sẵn sàng đưa vào hoạt động.

Dự án tàu hộ vệ lớp "Constellation" sẽ bị hủy bỏ?

USNI còn lưu ý rằng trong ngân sách năm 2026, Hải quân Mỹ không nhắc tới bất kỳ khoản tiền nào cho hộ vệ hạm lớp "Constellation", khiến dư luận nghi ngờ liệu dự án sản xuất chiến hạm mới này có tiếp tục hay sẽ bị hủy bỏ.

Dự án "Constellation" gặp rất nhiều trở ngại. Sau thất bại của dự án tàu tác chiến ven biển (LCS), Hải quân Mỹ cần gấp một loại tàu mặt nước cỡ nhỏ, giá rẻ hơn để thay thế việc phải sử dụng loại tàu khu trục Aegis đắt đỏ làm nhiệm vụ loại “thấp”. Năm 2020, Hải quân Mỹ chọn thiết kế khinh hạm đa nhiệm châu Âu (FREMM, do Pháp và Italy phát triển) làm nền tảng cho "Constellation", với hy vọng “hoán đổi nhanh và ít rủi ro”.

 

Dự án tàu hộ vệ lớp Constellation có thể bị bỏ dở vì không được chi tiền. Ảnh: Wikipedia.


Tàu đầu tiên (USS Constellation FFG‑62) bắt đầu chế tạo từ tháng 8/2022, đặt ký tháng 4/2024, dự kiến bàn giao năm 2029 và đạt khả năng tác chiến ban đầu vào khoảng 2030. Tổng cộng 5 tàu đã được đặt hàng, với tổng mục tiêu là đóng khoảng 20 chiếc

Tuy nhiên, báo cáo của Cơ quan Kiểm toán chính phủ trực thuộc Quốc hội Mỹ cho thấy dự án đang chậm tiến độ tới 3 năm so với kế hoạch, bản thiết kế tổng thể vẫn chưa hoàn thành, chi phí tăng mạnh. Thậm chí, lượng giãn nước của tàu đã tăng thêm 759 tấn – vượt 13% so với ban đầu. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiềm năng nâng cấp sau này và có thể làm giảm tính năng. Nguyên nhân là do thiếu hụt hạ tầng và nhân lực đóng tàu, cộng với việc Hải quân Mỹ liên tục sửa đổi thiết kế và đưa ra các yêu cầu mới – đến mức hiện nay "Constellation" hầu như không còn điểm chung nào với phiên bản hộ vệ hạm đa nhiệm châu Âu ban đầu.

Các chuyên gia được phỏng vấn cho rằng: Vấn đề của ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ hiện nay không còn đơn thuần là thiếu ngân sách, mà là cuộc khủng hoảng mang tính hệ thống – từ cơ chế nghiên cứu, sản xuất cho đến hạ tầng công nghiệp.


Thu Thủy

Nguồn: viettimes.vn
0 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: [email protected]; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.