Chuyên mục
Muôn mặt đại gia Việt gỡ... khó (bài 1):
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận nào cho bài viết này.

Muôn mặt đại gia Việt gỡ... khó (bài 1): "Nó thơm mùi dollar"

Thứ sáu 10/01/2014 23:48 GMT + 7
LTS: Chị Liễu "Hà Tĩnh" trở thành Anna Nguyễn bước vào Vbiz, ngược lại với Cường đô la từ “công tử siêu xe” trở thành một “thanh niên nghiêm túc”. Ông chủ Tôn Hoa Sen - với nghị lực y như Nick Vujicic - nhảy lên bảng xếp hạng người giàu, trong khi ông lão Lê Ân, lẫy lừng với các cô vợ trẻ, sắm giường hoàng gia để khoe đẳng cấp đại gia. Showbiz, truyền thông, bóng đá và cả nghị trường đôi khi giống với một cú PR để các đại gia gỡ khó trong một năm tình hình không nằm ngoài một chữ “bĩ”.


Ai là người có chiếc máy bay đầu tiên ở Việt Nam? Ai vỗ ngực với khối tài sản “ăn 5 đời không hết”? Ai gây chấn động làng bóng đá với “cú áp phe Kiatisuk” từ 10 năm trước và giờ là Asenal? Không khó để bất cứ ai cũng có thể đoán ra: Bầu Đức.

“Ngôi sao số 2” trong làng đại gia

Giá trị tài sản nổi 6.513 tỉ đồng, năm thứ 5 liên tiếp giữ vị trí á quân trong top 10 người giàu nhất sàn chứng khoán. Nếu thước đo của một doanh nhân là tiền bạc, đương nhiên, ông Đức là một doanh nhân quá giỏi.

Không ai nghĩ đại gia ấy từng có một tuổi thơ “như trong phim”, khi từng ăn cơm độn sắn trong một gia đình 9 anh em, từng tay nải xuống TPHCM theo mộng đèn sách và “trượt vỏ chuối” tới 4 lần. Còn thương hiệu quốc tế Hoàng Anh Gia Lai ư? Chẳng phải đã được bắt đầu trong một xưởng mộc, chuyên đóng bàn ghế. Khát vọng thoát nghèo cũng chính đáng như khát vọng làm giàu vậy.

Nếu như có một năm 2013 với 63.000 doanh nghiệp khai tử, thì rõ ràng Hoàng Anh Gia Lai giống như “người ngoài hành tinh”, dù cuộc “tái cơ cấu hồi giữa năm” được chính ông chủ của nó ví với việc phải “cắt da cắt thịt”.

Nếu như có một năm thảm họa của bóng đá Việt Nam thì bầu Đức giống như “đến trái đất này” để mang tới một niềm hy vọng mang tên U.19.

Đừng trách ông “nổ tung trời” khi “quăng bom ném lựu đạn” về những đứa con U.19 của mình, nào là “dấu son trong lòng người hâm mộ”, nào là “thể hiện tầm vóc mới của bóng đá VN”.

Bạn còn nhớ không? Năm 2002, truyền thông cũng như giới hâm mộ cả nước đã choáng váng khi “Zico Thái” Kiatisuk khoác áo HAGL, để một Dream team ra đời, và trên bình diện chung, bắt đầu cho một trào lưu “đốt tiền” vào bóng đá.

Đó cũng là của thời đồ gỗ, BĐS và thủy điện.

Bạn còn nhớ không? Năm 2007, khi các ông bầu còn say sưa với việc chém gió vung vít trên các diễn đàn thể thao, thì cũng ồn ào không kém, bầu Đức tới sân Highbury để rồi mang về Việt Nam học viện bóng đá đầu tiên theo mô hình Asenal. 

Còn bầu Đức, rút chân ra khỏi thủy điện Việt Nam, rục rịch chuyển BĐS sang Myanmar. Thật thích thú khi nghe một người từng rớt đại học tới 4 lần phát ngôn rằng: “Tiêu chí hàng đầu của Học viện Bóng đá Hoàng Anh Gia Lai Arsenal JMG là văn hóa đầu tiên chứ không phải bóng đá. Các học viên đã tốt nghiệp lớp 12, đã biết nói tiếng Anh, thậm chí là giao tiếp bằng tiếng Pháp. Trong chương trình của học viện bắt buộc học viên phải tốt nghiệp đại học. Trong tương lai, vì một lý do nào đó họ không trở thành cầu thủ chuyên nghiệp thì họ cũng thành người”.

Mới đó đã 5-7 năm, lứa chân đất ngày nào giờ đã có một tầm vóc mới. Còn HAGL, dù không ngoại lệ hoàn toàn, nhưng không phải là một cái tên trong cuốn sổ đen ghi tên 63.000 “đồng đội” khác. Những cú chuyển hướng ngoạn mục. Và hãy để cho ông bầu tiên phong ấy sung sướng đi, dù có thể đó là “nổ như pháo”, kể cả việc vỗ ngực “vừa có tài, có tiền nhưng lại không có tật". Người có tiền có lý lẽ của riêng họ.

Sẽ không có gì quá lời nếu nói rằng chính U.19 đã “cứu” bầu Đức trong một năm bết bát về danh tiếng. Còn bầu Đức, ông đã cứu người hâm mộ trong một năm thảm họa của bóng đá Việt Nam.

“Tôi không quen ai chân dài”

Tất nhiên, năm 2013, dù vẫn đang giàu lên, nhưng có vẻ không phải là năm muốn nhớ với bầu Đức. Chẳng hạn vụ nhập đường từ Lào thậm chí đã được đưa ra trước Quốc hội như một tiền lệ nguy hiểm cho mồ hôi của người trồng mía đang ngày càng rẻ mạt đi với khoảng 400.000 tấn tồn kho.

Bầu Đức tất nhiên bác bỏ cáo buộc, như cái thế của ông vẫn còn vượng chán. “Vượng” như cái cách ông thủng thẳng trả lời báo chí sau khi bị Đà Nẵng đe thu hồi dự án resort 5 sao vì chậm tiến độ: “Trường hợp Đà Nẵng quyết thu hồi, chỉ cần định giá lại dự án này và trả tiền lại cho DN. Nếu có đơn vị khác muốn đầu tư dự án này, HAGL sẽ không có ý kiến”.

Nhưng có một khía cạnh khác của vụ việc. Chỉ trong 2 ngày 14 và 15.5.2013, sự sụt giảm của cổ phiếu HAG đã khiến bầu Đức mất trắng tới 300 tỉ đồng.

Cái máy bay 7,5 triệu USD chỉ được coi như “chiếc xe gắn máy” thì 300 tỉ không thể khiến bầu Đức sạt nghiệp, tất nhiên sau đó ông vẫn có thể cười khẩy bảo “tào lao” trước hai chữ cáo buộc là “lâm tặc”. Nhưng rõ ràng, đây là lần đầu tiên ông phải đứng trước sự phán xét của tòa án dư luận.

Bầu Đức từng phát biểu rằng “Tại sao lại phải ngại nói về thành quả của mình? Tiền mình kiếm được là từ chính mồ hôi, sức lực, trí tuệ, thậm chí là cả nước mắt... nên tôi chẳng ngại khi được nhận danh hiệu người giàu và cảm thấy rất vui khi được công nhận là người giàu trên sàn chứng khoán”.

Ông đúng, miễn đó không phải là những đồng tiền làm giàu từ việc phá rừng và bòn mót trên vai áo bạc những nông dân trồng mía.

Không phải không có lý khi người ta từng giễu nhại nhắc lại lời bầu Đức trên một tờ báo trước những cánh đồng mía Attapeu- Lào tỏa mùi thơm mật mía “ông có biết nó thơm mùi gì không? Nó thơm mùi dollar”. Ồ, chính Benjamin Franklin - cái ông có một chỗ chễm chệ trên tờ dollar - chẳng đã từng bảo: “Với người nghĩ rằng tiền có thể làm được mọi thứ, ta có thể nghi ngờ anh ta làm mọi thứ vì tiền”.

Nông dân không thích thế. Showbiz cũng chẳng thích điều này. Bởi còn một tin buồn, rất buồn cho showbiz: “Tôi không quen ai chân dài”- bầu Đức có lần chia sẻ trên truyền thông. Tại sao ư? Tại vì ông không có thời gian và không có cả sở thích ngắm “chân dài đến nách”.
Nguồn: laodong.com.vn
26 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.