Chuyên mục
'Lửa giận' vẫn âm ỉ tại Vũ Hán

'Lửa giận' vẫn âm ỉ tại Vũ Hán

Thứ tư 06/05/2020 07:05 GMT + 7

Nhiều người Vũ Hán từng nhắn tin cho Yang Zhanqing nhờ anh kiện chính phủ Trung Quốc, nhưng sau vài tuần, họ đột nhiên đổi ý hoặc ngừng liên lạc.

Một trong số những cư dân nhờ tới sự giúp đỡ của nhà hoạt động Yang Zhanqing cho biết mẹ của anh qua đời vì nCoV sau khi bị nhiều bệnh viện ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, quay lưng. Một người khác nói rằng bố chồng cô tử vong trong thời gian bị cách ly.

Yang cho hay hồi cuối tháng 4, bảy người từng tìm đến anh không còn theo đuổi kế hoạch mà họ dày công chuẩn bị, nói thêm rằng ít nhất hai người bị cảnh sát đe dọa.

Theo các bình luận viên của NY Times, giới chức Trung Quốc đang cố gắng ngăn chặn gia đình những nạn nhân Covid-19 và các nhà hoạt động gây sức ép lên chính quyền nhằm làm rõ quá trình xử lý đại dịch tại Vũ Hán, nơi virus khởi phát và hàng nghìn người tử vong.

"Họ lo ngại nếu để người dân đấu tranh vì quyền lợi, cộng đồng quốc tế sẽ biết tình hình thực sự ở Vũ Hán và những gì các gia đình tại đây phải trải qua", Yang cho hay. Nhà hoạt động này hiện sống ở New York, Mỹ, sau khi bị chính quyền Trung Quốc giam một thời gian ngắn vì công việc anh đang tiến hành.

 


Những người mặc đồ bảo hộ giám sát tại cổng nghĩa trang Biandanshan ở Vũ Hán, Trung Quốc hôm 31/3. Ảnh: AFP.


Trung Quốc lâu nay dường như luôn thận trọng mỗi khi có sự việc làm dấy lên nỗi đau buồn to lớn trong công chúng. Hồi năm 2008, sau trận động đất tại tỉnh Tứ Xuyên khiến ít nhất 69.000 người thiệt mạng, giới chức Trung Quốc đã cấp tiền cho những phụ huynh có con là nạn nhân thảm họa. Sau vụ tai nạn tàu hỏa chết chóc ở thành phố Ôn Châu hồi năm 2011, chính quyền không cho phép gia đình các nạn nhân tới thăm địa điểm này.

Một số người cho rằng Bắc Kinh đang tiến hành kế hoạch tương tự sau những hệ quả của Covid-19, đại dịch khiến hơn 4.600 người ở Trung Quốc và hơn 252.000 người  trên toàn cầu tử vong.

Ba tình nguyện viên liên quan tới Terminus2049, dự án trực tuyến lưu trữ các bài báo về dịch bệnh bị chính quyền kiểm duyệt, đã mất tích tại Bắc Kinh hồi tháng trước và được cho là bị bắt.

"Tôi từng nói với anh ấy rằng: 'Mấy người có nguy cơ đối mặt một số rủi ro vì dự án này', nhưng tôi không biết mức độ ra sao", Chen Kun, em trai của Chen Mei, một trong những tình nguyện viên mất tích, cho hay. "Tôi cảnh báo anh ấy có thể bị cảnh sát triệu tập thẩm vấn và họ sẽ yêu cầu gỡ trang web. Nhưng tôi không ngờ chuyện sẽ nghiêm trọng như thế này".

Chen cho biết anh không nắm được tung tích gì của anh trai mình. Tuy nhiên, anh đã trao đổi với thân nhân của Cai Wei, một tình nguyện viên mất tích khác. Họ nói rằng Cai và bạn gái bị bắt với cáo buộc "gây xung đột và rắc rối".

Trong khi đó, nhân viên đồn cảnh sát tại quận mà Chen Mei sinh sống ở Bắc Kinh cho biết họ không rõ về trường hợp này. Trang web của Terminus2049 trên nền tảng GitHub đã bị chặn tại Trung Quốc.

Các tình nguyện viên thuộc những dự án tương tự trên mạng gần đây cũng bị chính quyền thẩm vấn. Trong các tin nhắn và bài đăng riêng tư, họ cảnh báo nhau xóa sạch dữ liệu máy tính. Những người điều hành 2019ncovmemory, một dự án khác trên GitHub cũng đăng lại nội dung bị kiểm duyệt về Covid-19, đã cài đặt kho lưu trữ của họ về chế độ riêng tư.

 


Người dân Vũ Hán, Trung Quốc, đốt vàng mã bên một rào chắn vào lễ Thanh minh hôm 3/4. Ảnh: Reuters.


Theo thống kê của chính phủ Trung Quốc, số người chết vì nCoV tại Vũ Hán là gần 4.000. Tuy nhiên, một số cư dân cho rằng con số thực sự cao hơn nhiều, dù Bắc Kinh khẳng định họ đã công khai và minh bạch về quy mô đại dịch. Chính phủ đã sa thải hai quan chức địa phương cấp cao, nhưng chừng đó dường như chưa đủ xoa dịu những gia đình đau buồn vì mất người thân.

Các thân nhân cho biết họ muốn được bồi thường công bằng và hình phạt khắc nghiệt hơn đối với những quan chức chịu trách nhiệm. Trong khi đó, nỗ lực ngăn chặn làn sóng phản đối chính quyền khiến họ thậm chí tức giận hơn. Họ phàn nàn về việc bị giám sát chặt chẽ khi cố đánh giá những mất mát của gia đình.

Zhang Hai chắc chắn bố của ông, người tử vong hồi tháng 2, bị nhiễm nCoV từ một bệnh viện tại Vũ Hán. Zhang cho biết ông vẫn ủng hộ chính phủ, nhưng nghĩ rằng giới chức địa phương nên chịu trách nhiệm vì ban đầu che giấu sự thật rằng virus có thể lây lan giữa mọi người. "Nếu tôi biết trước nguy cơ, tôi sẽ không đưa bố vào bệnh viện điều trị", Zhang nói.

Zhang kể rằng một số phóng viên Trung Quốc từng phỏng vấn ông cho biết bài báo đã bị rút trước khi xuất bản. Ông còn lên mạng kêu gọi thành lập một đài tưởng niệm nạn nhân Covid-19 ở Vũ Hán, nhưng các tin nhắn nhanh chóng bị kiểm duyệt. Chính quyền buộc ông chôn hài cốt của bố dưới sự giám sát của các quan chức, nhưng ông một mực từ chối.

"Họ dành quá nhiều thời gian để cố gắng kiểm soát chúng tôi. Tại sao họ không dùng công sức đó để giải quyết những mối bận tâm của chúng tôi?", Zhang thắc mắc.

Yang, nhà hoạt động sống tại New York, cho biết ngay cả khi các cư dân Vũ Hán quyết tâm kiện chính quyền, họ vẫn sẽ gặp khó khăn trong quá trình tìm luật sư. Hồi tháng 3, sau khi Yang và một nhóm luật sư nhân quyền ở Trung Quốc công khai kêu gọi những người muốn kiện chính phủ, một số luật sư trên cả nước đã nhận cảnh báo từ giới chức tư pháp.

Chen Jiangang, một thành viên của nhóm, cho biết giới chức cảnh báo các luật sư không viết thư ngỏ hoặc "gây lộn xộn" bằng cách đệ đơn đòi bồi thường. "Nếu bất cứ ai đưa ra yêu cầu mà chính quyền không thể đáp ứng, họ ngay lập tức bị coi là mối đe dọa an ninh quốc gia", Chen nói.

Dường như để thúc đẩy lòng yêu nước và xoa dịu tình hình, chính phủ Trung Quốc đã truy phong các bác sĩ tử vong trong cuộc chiến chống Covid-19 là liệt sĩ, thay vì coi họ là nạn nhân của dịch bệnh. Khi ngày càng nhiều tiếng nói từ cộng đồng quốc tế kêu gọi Trung Quốc bồi thường cho toàn thế giới, Bắc Kinh cáo buộc đây là sự phá hoại của các thế lực nước ngoài.

Bất chấp nỗ lực kiểm soát tình hình của Trung Quốc, một số cư dân phẫn nộ vẫn quyết tâm đòi công lý. Tháng trước, Tan Jun, một công chức ở thành phố Nghi Xương, tỉnh Hồ Bắc, trở thành người đầu tiên công khai kiện chính quyền vì phản ứng của họ với đại dịch.

Tan cáo buộc chính quyền tỉnh Hồ Bắc che giấu tính chất thực sự của nCoV, khiến người dân "không nhận thức được mối nguy hiểm của virus, lơ là cảnh giác và không chú ý tự bảo vệ bản thân". Ông chỉ ra rằng giới chức thậm chí từng cho phép tổ chức một bữa tiệc cho 40.000 gia đình ở Vũ Hán hồi đầu tháng một, thời điểm virus đang lây lan. Tan kêu gọi chính quyền đưa ra lời xin lỗi trên trang nhất của Hubei Daily, một tờ báo địa phương.

Trong cuộc phỏng vấn qua điện thoại, Tan xác nhận ông đã đệ đơn kiện lên Tòa trung cấp ở thành phố Vũ Hán, nhưng từ chối cung cấp thêm chi tiết bởi ông là công chức. Trong khi đó, những bài đăng về ông Tan bị kiểm duyệt trên mạng xã hội Trung Quốc. Tòa án ở Vũ Hán cũng chưa bình luận về sự việc.


Ánh Ngọc (Theo NY Times)

28 bạn đọc
Đánh giá tốt

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.