Chuyên mục
Liên tục đổ vũ khí vào Ukraine, NATO còn đủ sức trang bị cho chính mình?

Liên tục đổ vũ khí vào Ukraine, NATO còn đủ sức trang bị cho chính mình?

Thứ tư 12/10/2022 19:27 GMT + 7

Các đồng minh NATO nói rằng sẽ đi đúng hướng trong việc cung cấp vũ khí cho Ukraine. Tuy nhiên, một số nước lo ngại sẽ không thể thực hiện cam kết chuyển vũ khí cho Ukraine trong khi vẫn đảm bảo đủ vũ khí để ứng phó với tình huống khẩn cấp.


NATO cạn kiệt kho dự trữ vũ khí vì Ukraine

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã thừa nhận rằng một số nước thành viên trong khối đang gửi cho Ukraine số vũ khí trong kho dự trữ của họ. Ông Stoltenberg cho rằng đây không phải là vấn đề quá nghiêm trọng.

“Họ đã giảm lượng vũ khí trong kho dự trữ. Nhưng đó là điều đúng đắn phải làm bởi điều quan trọng đối với tất cả chúng ta là Ukraine sẽ chiến thắng. Nếu Tổng thống Putin chiến thắng, đó không chỉ là thất bại đối với Ukraine mà sẽ ảnh hưởng đến tất cả chúng ta”, ông Stoltenberg nói trước thềm Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng NATO diễn ra vào ngày 12/10.

 

Nhiều nước thành viên NATO đã cạn kiệt kho dự trữ vũ khí do viện trợ cho Ukraine. Ảnh: AP.


Ngày 11/10, người đứng đầu NATO cũng kêu gọi các đồng minh tăng cường cung cấp vũ khí cho Ukraine, đặc biệt là các hệ thống phòng không tinh vi. Theo ông Stoltenberg, Ukraine có thể ngăn chặn các cuộc không kích của Nga nếu kho vũ khí hiện đại của họ được mở rộng.

Tuy nhiên, sau khi nhắc lại rằng NATO sẽ sát cánh cùng Ukraine “chừng nào còn có thể”, ông Stoltenberg cũng lưu ý rằng “nếu cuộc xung đột kéo dài, điều quan trọng là chúng tôi cũng cần phải bổ sung kho dự trữ vũ khí”.

Ông Stoltenberg thừa nhận, hầu hết các quốc gia thành viên NATO đã cạn kiệt đáng kể kho dự trữ vũ khí do viện trợ cho Ukraine. Tổng thư ký NATO kêu gọi ngành công nghiệp quốc phòng của các nước giúp bổ sung những vũ khí bị hao hụt.

Người đứng đầu NATO ca ngợi “sự đoàn kết chưa từng có trong việc ủng hộ Ukraine” từ phía các quốc gia thành viên. Tuy nhiên, ông Stoltenberg nhấn mạnh, đến nay, những vũ khí mà NATO viện trợ cho Ukraine “được lấy từ các kho dự trữ hiện có, vì vậy chúng hiện đang cạn kiệt”.

Ông Stoltenberg nói thêm rằng một trong những ưu tiên của NATO là “bổ sung những kho dự trữ đó”. “Một trong những trọng tâm chính của NATO là hợp tác với ngành công nghiệp quốc phòng để tăng cường sản xuất”, ông nói.

Sau các cuộc tấn công của Nga hôm 10/10, Ukraine đã tăng cường kêu gọi các đồng minh về việc cung cấp các vũ khí tầm xa hơn và các hệ thống phòng không hiện đại hơn.

“Hãy tăng cường cung cấp vũ khí và đạn dược để phòng thủ trước sức ép của Nga. Tăng cường sản xuất vũ khí và đạn dược ở châu Âu để luôn sẵn sàng bảo vệ không gian chung của chúng ta”, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói.

Những lời kêu gọi của Ukraine về việc tăng cường viện trợ cũng sẽ được thảo luận tại 2 cuộc họp trong tuần này ở Brussels. Một cuộc họp là của các bộ trưởng quốc phòng NATO và cuộc họp còn lại là của Nhóm Liên lạc Quốc phòng Ukraine gồm đại diện hơn 50 nước viện trợ cho Kiev.

Kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine hồi cuối tháng 2, các đồng minh và đối tác của NATO đã và đang đẩy mạnh cung cấp vũ khí hạng nặng cho Kiev. Mỹ, Anh và Ba Lan là những quốc gia NATO tài trợ vũ khí nhiều nhất cho Ukraine.

Tuy nhiên, khi cuộc giao tranh giữa Nga và Ukraine đã kéo dài hơn 7 tháng, quá trình sản xuất vũ khí hiện nay diễn ra chậm hơn trong bối cảnh các quốc gia NATO phải xem xét đến kho dự trữ để gửi vũ khí cho Kiev. Bên cạnh đó, các nước cũng đang tìm cách để bổ sung kho dự trữ vũ khí của riêng họ.

NATO có thể trang bị vũ khí cho cả Ukraine và chính họ?

NATO khẳng định rằng hầu hết các đồng minh có thể làm tốt hơn trong việc đáp ứng các yêu cầu vũ khí của Ukraine, mà không bỏ qua các nhiệm vụ cốt lõi của liên minh quân sự là răn đe và phòng thủ.

“Chúng tôi đã đề nghị các quốc gia xem xét kĩ hơn về vấn đề cung cấp vũ khí cho Ukraine. Tôi tin rằng nhiều đồng minh có thể làm được nhiều hơn”, Phó Tổng Thư ký NATO Camille Grand nói với DW.

Hồi đầu tháng 9, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht nhấn mạnh Berlin đã “gửi đi số lượng vũ khí rất lớn từ kho dự trữ của quân đội” cho Ukraine. Bà Lambrecht nói thêm Đức hiện đã đạt giới hạn về những gì có thể cung cấp cho Ukraine.

Ông Grand cho biết, các nước NATO đã và đang cải thiện cách hợp tác để mua chung đạn dược và thiết bị quân sự nhằm đảm bảo an toàn hơn cho nguồn cung và nhu cầu của các nhà sản xuất.

Tuy nhiên, một số đồng minh NATO không chờ đợi các giải pháp mới để tối đa hóa các khoản tài trợ ở cả Ukraine và NATO. Trong bản cập nhật ngày 11/10 của công cụ mang tên Theo dõi hỗ trợ Ukraine do Viện Kinh tế Thế giới Kiel vận hành, các quốc gia Baltic và Ba Lan là những nước đóng góp nhiều cho Ukraine theo tỷ lệ phần trăm GDP của họ.

Cựu Tổng thống Estonia Toomas Ilves cho biết Estonia đã gửi toàn bộ số lượng hệ thống tên lửa chống tăng Javelin của mình tới Ukraine.

Ngoại trưởng Estonia Urmas Reinsalu thì kêu gọi các đồng minh của Ukraine “không sợ hãi” và tăng cường hơn nữa nỗ lực viện trợ Kiev.

Estonia đã cung cấp 244 triệu USD hỗ trợ quân sự cho Ukraine, bao gồm tên lửa chống tăng Javelin, pháo chống tăng, mìn chống tăng, súng chống tăng, súng ngắn cùng với đạn dược.

Đề cập đến các đồng minh luôn “thắt chặt hầu bao” trong việc hỗ trợ Ukraine, ông Ilves nói rằng “Ukraine đang chiến đấu cho tất cả chúng ta và thật đáng tiếc khi có những quốc gia không hiểu điều này”.

Trong khi đó, hôm 10/10, Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov cảnh báo Washington và các đồng minh không nên vượt qua “lằn ranh đỏ” bằng cách cung cấp thêm vũ khí cho Ukraine. Ông Antonov nhấn mạnh điều này có thể dẫn tới leo thang xung đột nghiêm trọng hơn nữa.

Từ lâu, Nga đã nhấn mạnh rằng việc NATO cung cấp vũ khí cho Ukraine “tạo ra nguy cơ không thể chấp nhận được”, có thể dẫn đến xung đột giữa Nga và liên minh quân sự này.


Mai Trang

Nguồn: vov.vn
26 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.