Chuyên mục
Lịch sử bầu cử Mỹ 20 năm trước liệu có lặp lại?

Lịch sử bầu cử Mỹ 20 năm trước liệu có lặp lại?

Thứ hai 09/11/2020 13:14 GMT + 7

20 năm trước, truyền thông Mỹ đã sớm đưa tin ông Al Gore thắng cử và trở thành tổng thống tiếp theo của Mỹ. Kết quả sau đó thì ai cũng biết, ông George W. Bush mới đích thực là Tổng thống Mỹ thứ 43.

 


Cuộc bầu cử Mỹ 20 năm trước giữa hai ứng viên George W. Bush của đảng Cộng hòa và Al Gore của đảng Dân chủ. (Nguồn: Time)


Cách đây đúng 20 năm, trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ tháng 11/2000, cuộc bầu cử Tổng thống giữa hai ứng viên George W. Bush của đảng Cộng hòa và Al Gore của đảng Dân chủ (ông Al Gore khi đó là đương kim Phó tổng thống Mỹ). Phải mất 37 ngày để các vụ kiện phát sinh liên quan đến số lượng phiếu lên Tòa án Tối cao Mỹ, ông George W. Bush mới chính thức đánh bại ông Al Gore và trở thành Tổng thống Mỹ thứ 43.

Vụ bê bối trong lịch sử bầu cử nước Mỹ

Sau khi đóng thùng phiếu ở bang Florida, các hãng truyền thông Mỹ “nhanh nhảu” đồng loạt tuyên bố ứng viên Dân chủ Al Gore dễ dàng thắng ở bang này. Nhưng mọi chuyện không dễ dàng như vậy. Quá trình kiểm phiếu kéo dài đến đêm bắt đầu có sự thay đổi, các hãng truyền thông mới nhận ra mình bị “hớ” khi phiếu bầu của ông Bush tăng lên nhanh chóng. Đến sáng hôm sau, ông Bush dẫn trước đối thủ vài nghìn phiếu bầu.

Cuộc bầu cử Al Gore - George W. Bush năm 2000 đến nay được coi là nhiều bê bối tệ hại nhất trong lịch sử bầu cử Mỹ.

Vào 8 giờ tối ngày 7/11/2000, cả 5 đài lớn của Mỹ (CNN, NBC, Fox, CBS, ABC và MSNBC), dựa trên thăm dò sau bầu cử, đều tuyên bố Al Gore thắng ở Florida và thắng chung cuộc. Nhưng đến 10 giờ tối, khi kết quả thực tế đã có, các đài vội rút lại dự đoán và nói Florida chưa xác định được người thắng.

2h30 sáng hôm sau, khi 85% số phiếu được kiểm ở Florida cho thấy ông Bush dẫn trước ông Gore khoảng hơn 100.000 phiếu thì các đài chính thức tuyên bố là ông Bush chiến thắng. Ông Al Gore thực tế đã gọi điện chấp nhận thua cuộc.

Nhưng do các phiếu kiểm sau đó đều ở các hạt có đông người ủng hộ Dân chủ nên ông Gore lại thu hẹp khoảng cách với ông Bush. Tới 4h30 sáng, khoảng cách giữa hai người chỉ còn 2.000 phiếu, các đài rút lại dự đoán ông Bush thắng. Cùng lúc, ông Gore cũng rút lại tuyên bố thua cuộc.

Theo luật của Florida, khoảng cách giữa hai ứng viên quá sát và chừng đó là đủ để yêu cầu phải đếm lại phiếu. Đội ngũ tranh cử của ứng viên Dân chủ đã yêu cầu quan chức ở 4 hạt lớn nhất Florida kiểm lại phiếu bằng tay, kéo theo một quá trình kéo dài hàng tuần. Ba tuần sau ngày bầu cử, bang Florida tuyên bố ông Bush thắng ông Gore với cách biệt 537 phiếu, tức chỉ 0,009%. Ông Al Gore tiếp tục phản đối và tòa án cấp cao nhất ở Florida phải vào cuộc, ra lệnh kiểm lại hàng nghìn phiếu bầu bị máy đếm loại bỏ với lý do đục lỗ không hoàn toàn. Cuộc bê bối và tranh cãi bắt đầu từ đây.

Ông Bush được tuyên bố thắng ông Al Gore chỉ với 537 phiếu bầu. Người phụ trách các vấn đề của bang khi đó, bà Katherine Harris, tuyên bố không chấp nhận việc kiểm lại phiếu nếu các hạt không nộp kết quả vào ngày 14/11 là thời hạn theo luật định. Toà Tối cao bang Florida gia hạn tới ngày 26/11 nhưng quyết định này sau đó bị Toà Tối cao liên bang bác bỏ.

Tới ngày 26/11, Ủy ban Bầu cử Florida tuyên bố ông Bush thắng tại bang này với khoảng cách 537 phiếu. Ông Gore kiện kết quả này.

Toà Tối cao Florida yêu cầu kiểm lại hơn 70.000 phiếu bị máy bỏ phiếu loại trừ trước đó, nhưng quyết định này bị Toà Tối cao Liên bang bác bỏ ngay sau đó. Tới ngày 12/12/2000, Toà Tối cao chính thức tuyên bố yêu cầu đếm lại phiếu ở Florida là “phi hiến pháp” vì cho rằng Hiến pháp đã bị vi phạm bởi các tiêu chuẩn kiểm đếm phiếu khác nhau ở các hạt khác nhau.

Sau lệnh của Tòa án tối cao, các nhà lập pháp của phe Cộng hòa ở bang Florida tiến tới việc chọn cử tri đoàn ủng hộ ông Bush. Cùng với đó, ông Al Gore tuyên bố thua cuộc và nói rằng, không muốn đất nước bị chia rẽ thêm nữa vì đấu đá đảng phái. Ông Bush thì tiếp bước cha mình trở thành tổng thống Mỹ thứ 43.

 


Ông Bush được tuyên bố thắng ông Al Gore chỉ với 537 phiếu bầu. (Nguồn: AFP)

 

Cuộc tranh cãi giữa hai phe vẫn tiếp diễn sau đó. Hai phe đều có những chỉ trích với phía còn lại. Đảng Dân chủ cáo buộc đảng Cộng hoà đã loại ra hơn 50.000 lá phiếu khi cho rằng, đó là phiếu bầu của tội phạm trong tù, trong khi phần lớn đó chỉ là dân thường. Phe Dân chủ cũng phàn nàn về những hạt có số phiếu cao bất thường.

Về phần ông Bush, ông chính thức hơn ông Gore 537 phiếu trên tổng số hơn 6 triệu phiếu được bỏ. Đây là tỷ lệ rất sít sao, chỉ khoảng 0,001%. Các bên kiểm phiếu độc lập sau đó đã cho những kết quả khác nhau: lần thì ông Gore thắng, lần thì ông Bush thắng, nhưng chỉ chênh nhau vài trăm phiếu.

Dù ông Gore thua số phiếu đại cử tri trong cuộc bầu cử, ông Gore lại được nhiều hơn ông Bush 543.895 phiếu phổ thông. Điều này dấy lên rất nhiều chỉ trích đối với hệ thống bầu cử Mỹ.

So sánh với cuộc bầu cử Mỹ năm nay

Trong cuộc chiến pháp lý hiện tại giữa Tổng thống Donald Trump và cựu Phó Tổng thống Joe Biden, các vấn đề tranh chấp, bối cảnh và tình hình rất khác biệt.

Trả lời trên kênh NBC News ngày 5/11, ứng viên tổng thống 20 năm trước Al Gore khẳng định, cuộc đối đầu giữa ông Trump và ông Biden năm nay “hoàn toàn khác” so với cuộc bầu cử thời ông và Tổng thống George W. Bush.

"Đây là một cuộc bầu cử hoàn toàn khác so với cuộc bầu cử cách đây 20 năm. Joe Biden có nhiều lợi thế để bảo đảm chiến thắng", ông Al Gore, thành viên Đảng Dân chủ, bình luận với hi vọng ông Biden sẽ thắng cử.

Cựu ứng viên tổng thống Mỹ cho biết: "Nguyên tắc quan trọng nhất mà tôi đã bảo vệ cách đây 20 năm, giống như ông Joe Biden và nhiều người khác đang bảo vệ hiện nay, chính là hãy kiểm đếm mọi phiếu bầu một cách hợp pháp và tuân theo nguyện vọng của người dân Mỹ".

 

Trong cuộc chiến pháp lý hiện tại giữa Tổng thống Donald Trump và cựu Phó Tổng thống Joe Biden, các vấn đề tranh chấp, bối cảnh và tình hình rất khác biệt. (Nguồn: AP)

 

Điểm giống nhau duy nhất là ông Biden cũng được các hãng truyền thông “nhanh nhảu” tuyên bố là người chiến thắng, đồng thời tổ chức ăn mừng với đảng Dân chủ và những người ủng hộ trên khắp đất nước. Tuy nhiên, chiến dịch tranh cử của ông Trump và các quan chức đảng Cộng hòa thì nói rằng, họ sẽ tiếp tục đưa việc tranh chấp phiếu bầu lên tòa án.

Sự khác biệt rõ ràng nhất là tại cuộc bầu cử năm nay, ông Trump đã yêu cầu việc kiểm phiếu dừng lại ngay cả trước khi các quan chức bầu cử hoàn thành việc kiểm phiếu ban đầu. Ở một số bang, nhóm pháp lý của Trump đã yêu cầu kiểm phiếu lại, ở những bang khác, luật sư của Trump yêu cầu không kiểm phiếu nữa mặc dù họ không cung cấp bất kỳ bằng chứng trực tiếp nào về gian lận hoặc bất thường.

Trong một cuộc phỏng vấn với New York Times hai ngày sau cuộc bầu cử, James Baker, cựu Ngoại trưởng Mỹ, người lãnh đạo nhóm pháp lý và chính trị cho Tổng thống Bush vào năm 2000, đã tố cáo tuyên bố của Trump về việc dừng kiểm phiếu ban đầu. “Chúng tôi chưa bao giờ nói rằng không kiểm phiếu”, ông Baker nói và nhấn mạnh rằng ông Trump hợp pháp để theo đuổi vụ kiện nhưng yêu cầu dừng việc kiểm phiếu ban đầu “là một quyết định rất khó bảo vệ trong một nền dân chủ”.

Bên cạnh đó, ông Trump cũng phải đối mặt với các rào cản về mặt địa lý. Trong cuộc bầu cử năm 2000, các vụ kiện chỉ nộp riêng ở bang Florida. Còn hiện tại, chỉ trong vòng vài ngày sau cuộc bầu cử hôm thứ Ba, đội ngũ pháp lý của Tổng thống Trump đã nộp đơn khiếu nại lên nhiều bang, phân tán lực lượng pháp lý của ông trên khắp nước Mỹ.

Luật sư Bruce Rogow, một luật sư ở Fort Lauderdale, người Giám sát bầu cử quận Palm Beach vào năm 2000, cho biết mặc dù Tổng thống Trump có nhiều kinh nghiệm trong việc giải quyết các khiếu nại và thậm chí là ra tòa, nhưng việc nộp nhiều đơn kiện đến nhiều tiểu bang dưới những thời hạn nhất định sẽ không dễ dàng.

Ông Rogow đánh giá: "Việc khiếu nại trải ra rất nhiều nơi khác nhau và ông Trump không có ông James Baker và đội ngũ luật sư hàng đầu như ông Bush trước đây”. Những nỗ lực pháp lý của Tổng thống Trump “lan rộng khắp cả nước và điều đó khiến nó khó kiểm soát, khó để có thể kể một câu chuyện duy nhất”.

Biên độ chênh lệch phiếu bầu giữa hai ứng viên ở các bang quan trọng cũng có thể xác định nguy cơ của cuộc chiến pháp lý phía trước đối với ông Trump. Ông Biden càng có nhiều phiếu đại cử tri, ông Trump càng cần nhiều thách thức pháp lý để lật ngược kết quả đó.

Kenall Coffey, một thành viên chủ chốt của đội ngũ pháp lý của ông Gore, nhận định: “Ở một số bang, khoảng cách phiếu bầu giữa hai ứng viên gần đến mức đáng sợ. Với tình hình này, khả năng người chiến thắng sẽ khó được công bố sớm. Tôi nghĩ chúng ta sẽ còn phải kiểm phiếu lại trong nhiều tuần”.

Theo luật bầu cử Mỹ, các ứng cử viên được phép yêu cầu kiểm phiếu lại ở nhiều bang khi tỷ lệ chênh lệch giữa hai ứng cử viên sít sao, thường từ 0,5% đến 1%. Tuy nhiên, nếu tỷ lệ chênh lệch vượt quá đó, các luật sư của ông Trump sẽ cần thuyết phục thẩm phán rằng việc kiểm phiếu lại vẫn cần thiết để bảo đảm một cuộc bầu cử công bằng. Và điều này yêu cầu đội ngũ luật sư của Tổng thống Trump chứng minh được những tuyên bố không có cơ sở của ông về việc gian lận cử tri phổ thông.

 

Hoài Minh (Tổng hợp)

Nguồn: baoquocte.vn
26 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.