Chuyên mục
Làm thế nào để tránh tiêu cực thổi giá như vụ Việt Á?

Làm thế nào để tránh tiêu cực thổi giá như vụ Việt Á?

Chủ nhật 26/12/2021 04:45 GMT + 7

'Tinh giản tiền kiểm phải tăng cường hậu kiểm, nhưng thực tế các cơ quan quản lý Nhà nước đã coi nhẹ hậu kiểm nên mới xảy ra vụ Công ty Việt Á', tiến sĩ Nguyễn Văn Tiên nói.

 
Tiến sĩ y khoa Nguyễn Văn Tiên (nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Quốc hội, nay là Ủy ban Xã hội) góp ý sau bê bối kit xét nghiệm liên quan Công ty Việt Á, cần xem xét sửa đổi chính sách quản lý trang thiết bị y tế cho phù hợp.

Mục tiêu là vừa ngăn ngừa trục lợi, vừa tạo điều kiện để người dân được hưởng những thành tựu của thế giới về thiết bị phục vụ khám chữa bệnh.

Cần sửa đổi chính sách quản lý thiết bị y tế

Nắm bắt những thông tin ban đầu trong vụ Công ty Việt Á câu kết thổi giá kit xét nghiệm Covid-19, tiến sĩ Nguyễn Văn Tiên ủng hộ chỉ đạo mới nhất của Thủ tướng trong việc đẩy nhanh tiến độ, mở rộng điều tra và xét xử nghiêm minh sai phạm.

Từng được phân công phụ trách lĩnh vực y tế và là người có nhiều đề xuất sửa đổi một số chính sách về quản lý, ông Tiên phân tích theo quy định pháp luật về giá, trang thiết bị y tế là mặt hàng không chịu sự quản lý chặt chẽ về giá như thuốc chữa bệnh.

Trang thiết bị y tế gồm hàng chục nghìn mặt hàng, từ cỗ máy robot phẫu thuật hiện đại cho đến những vật dụng đơn giản như kim tiêm, kéo, bông băng… Những thiết bị này, theo ông Tiên, chưa được quản lý theo văn bản luật mà chỉ được quản lý ở tầm nghị định.

“Những vụ việc xảy ra vừa qua dẫn đến một số lãnh đạo kỳ cựu, giỏi chuyên môn của ngành y tế vướng vòng lao lý. Bên cạnh hành vi tham nhũng của cá nhân, một phần còn do quy định pháp luật về trang thiết bị y tế chưa chặt chẽ, chưa hợp lý”, ông Tiên nhận định và cho rằng cần mổ xẻ nguyên nhân để tiến tới xây dựng văn bản luật về trang thiết bị y tế.

 

Bộ kit xét nghiệm Covid-19 của Công ty Việt Á sản xuất và cung ứng ra thị trường hiện nay. Ảnh: Vietacorp.


Định hướng được ông Tiên đề cập là vừa quản lý được giá trang thiết bị y tế, vừa tạo điều kiện để Việt Nam tiếp cận, phát triển, sản xuất các trang thiết bị y tế hiện đại trong nước.

Trong tình huống khẩn cấp do dịch bệnh như vừa qua, ông nhấn mạnh cần nghiên cứu áp dụng cơ chế mua sắm tập trung (đấu thầu tập trung để công bố giá), qua đó làm cơ sở cho các địa phương thực hiện mua sắm.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Tiên góp ý trong các báo cáo được trình tại phiên họp bất thường của Quốc hội vào đầu năm 2022 tới đây nên có mục về vấn đề giá kit xét nghiệm, từ đó đề xuất đổi mới quy định pháp luật về vấn đề này.

Đây cũng là điều mà Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đề cập trong phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 21/12 vừa qua.

Làm rõ từng cá nhân nhận tiền “lại quả”

Trong khi đó, nhấn mạnh đây là vụ việc gây bức xúc, phẫn nộ trong dư luận, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Ủy viên Ủy ban Pháp luật) đề nghị xử lý nghiêm minh hành vi phi pháp khi lợi dụng dịch bệnh và chính sách cho phép rút gọn vấn đề đấu thầu, chỉ định thầu của Nhà nước để nâng giá kit test Covid-19 nhằm trục lợi, câu kết, móc nối chia phần trăm hoa hồng.

Ông Hòa chia sẻ sự bức xúc khi nhắc đến tương quan nhân viên y tế gồng mình chống dịch có thu nhập rất thấp, còn một số cá nhân, lãnh đạo các đơn vị lại “luồn lách”, bỏ túi riêng và hưởng lợi hàng chục tỷ đồng.

 


Bị can Phạm Duy Tuyến (Giám đốc CDC Hải Dương, trái) và Phan Quốc Việt (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Việt Á). Ảnh: Bộ Công an.


Chung quan điểm vụ việc Công ty Việt Á câu kết với CDC nhiều địa phương thổi giá kit xét nghiệm Covid-19 là vấn đề gây bức xúc, tiến sĩ Nguyễn Văn Tiên lý giải sự bức xúc này càng tăng cao bởi sự việc diễn ra giữa lúc dịch bệnh đang đe dọa và tác động lớn đến tình hình kinh tế - xã hội, đời sống người dân.


Song, vấn đề nặng nề nhất, theo ông Tiên, là tình trạng xuống cấp đạo đức của các cá nhân đã tham ô, tham nhũng thông qua hình thức “lại quả” khi ký hợp đồng mua với Công ty Việt Á. Công ty Việt Á cũng đã vi phạm quy định khi hối lộ trong buôn bán.

Nhắc đến thời điểm tháng 4-5/2020, ông Tiên nói đó là khoảng thời gian cấp bách khi Covid-19 đe dọa dẫn đến khan hiếm vật tư, thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch. Việc mua sắm thiết bị y tế rất khó khăn, có tiền chưa chắc mua được vì các quốc gia đều cần trong khi sản xuất có hạn.

"Ví dụ đơn vị, địa phương nào đó có thể tìm thấy thiết bị, vật tư giá rẻ, nhưng thời hạn giao hàng phải sau vài chục ngày, trong khi nhu cầu sử dụng cần ngay để kiểm soát dịch. Hay như việc chúng ta phải mua vaccine Covid-19 trong hoàn cảnh không được mặc cả, phải cam kết nếu có tai biến cũng không được kiện. Đó là sự lựa chọn rất khó khăn trong thời điểm đặc biệt", ông Tiên phân tích bối cảnh.

Dù vậy, theo ông, điều đáng trách là một số cá nhân khi đặt hợp đồng mua đã gửi gắm, "lại quả" gây thiệt hại cho xã hội và nhân dân.

Nói về trách nhiệm của các bên liên quan, ông Tiên nhấn mạnh việc cấp phép ban đầu cho Công ty Việt Á chắc chắn có kiểm tra, căn cứ trên hồ sơ thực tế và trên tinh thần tinh giản các thủ tục hành chính. Nhưng về nguyên tắc, khi đã tinh giản tiền kiểm thì cần tăng cường hậu kiểm.

“Thực tế vừa qua cho thấy các cơ quan quản lý Nhà nước đã coi nhẹ hậu kiểm nên mới xảy ra tình trạng như công ty Việt Á”, ông Nguyễn Văn Tiên đánh giá.

 


Trụ sở CDC Hải Dương. Giám đốc đơn vị này đã nhận "lại quả" 30 tỷ từ việc mua kit xét nghiệm Covid-19 của Công ty Việt Á. Ảnh: Nguyễn Dương.


Với quan điểm một công ty như Việt Á không thể lộng hành và ngang nhiên thổi giá kit xét nghiệm Covid-19, Ủy viên Ủy ban Pháp luật Phạm Văn Hòa cho rằng cần làm rõ trách nhiệm của các địa phương và bộ, ngành Trung ương có liên quan.

“Việc đưa kit xét nghiệm của Công ty Việt Á vào sử dụng đại trà, bán với giá cao hơn nhiều kit test nhập khẩu trong khi sản phẩm này chưa được Tổ chức Y tế Thế giới công nhận là điều rất vô lý”, ông Hòa nêu quan điểm.

Cùng với đó, ông cho rằng cần làm rõ những trường hợp đã nhận phần trăm hoa hồng từ Việt Á để hưởng lợi, đút túi cá nhân cũng như thế lực đứng sau bảo kê cho Công ty Việt Á lộng hành.

Từ sự việc này, ông Hòa kiến nghị mở rộng điều tra với các đơn vị cung cấp kit xét nghiệm Covid-19 khác trên cả nước và việc mua sắm trang thiết bị chống dịch ở 63 tỉnh, thành để xử lý dứt điểm, nghiêm minh hành vi trục lợi.


Hoài Thu

Nguồn: zingnews.vn
26 bạn đọc
Đánh giá tốt

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.