Chuyên mục
Khủng hoảng khí đốt tại châu Âu mang đến cho Nga ''cơ hội vàng''

Khủng hoảng khí đốt tại châu Âu mang đến cho Nga ''cơ hội vàng''

Thứ sáu 15/10/2021 15:28 GMT + 7

Tổng thống Nga Putin đang thấy một cơ hội lớn phía sau cuộc khủng hoảng khí đốt ở châu Âu.

“Vị cứu tinh” của châu Âu

Bloomberg dẫn hai nguồn thạo tin cho biết, ông Putin muốn gây sức ép buộc Liên minh châu Âu phải viết lại một số quy tắc trên thị trường khí đốt của khối này sau nhiều năm phớt lờ những lo ngại của Moscow, đồng thời muốn họ từ bỏ phương thức định giá khí đốt theo giá giao ngay trong các hợp đồng dài hạn với tập đoàn Gazprom của Nga.

 

Lễ khởi công một đường ống dẫn khí đốt tại St. Petersburg (Nga) năm 2010. Ảnh: AP


Bên cạnh đó, Nga cũng đang tìm kiếm việc cấp chứng nhận nhanh chóng cho Dự án “Dòng chảy phương Bắc 2”  - dự án đường ống dẫn khí đốt xa bờ nối từ thành phố Vyborg (Nga) đến thành phố Greifswald (Đức) dọc theo biển Baltic.

Phát biểu tại Diễn đàn “Tuần lễ năng lượng Nga” lần thứ IV, ông Putin nêu rõ, Nga đã chuẩn bị cung cấp đủ lượng khí đốt mà châu Âu cần và sẵn sàng đối thoại với EU về việc ổn định thị trường.

“Chúng tôi luôn gặp gỡ các đối tác và sẵn sàng thảo luận về những hành động bổ sung. Các dự án năng lượng của Nga, trong đó có Dòng chảy phương Bắc 2, nhằm tìm cách đảm bảo sự ổn định trong việc cung cấp lượng khí đốt mà các nước châu Âu cần trong nhiều năm tới”.  

Thông báo này được đưa ra trong bối cảnh cuộc khủng hoảng năng lượng tại châu Âu ngày càng nghiêm trọng. Giá khí đốt tại châu Âu thậm chí còn dao động tới mức kỷ lục 40% trong giao dịch hàng ngày. Giới phân tích cho rằng, Tổng thống Putin đã có bước can thiệp tính toán để hạ nhiệt thị trường vào tuần trước khi nói rằng Gazprom có thể tăng nguồn cung để giảm bớt tình trạng thiếu hụt hiện nay.

Tuy vậy, ngay cả khi Điện Kremlin coi Tổng thống Putin là “vị cứu tinh” cho cuộc khủng hoảng năng lượng tại châu Âu, Nga không ảo tưởng về việc sẽ có được sự nhượng bộ chính trị từ châu Âu hoặc mối quan hệ căng thẳng giữa hai bên sẽ được xoa dịu, một cố vấn chính sách của Nga cho biết.

 

Thấy cơ hội trong khủng hoảng

Ông Andrei Kortunov, Giám đốc Hội đồng Vấn đề Quốc tế Nga, nhận định: “Tổng thống Putin thấy được cơ hội trong cuộc khủng hoảng. Nga muốn ngăn EU trì hoãn cấp phép cho Dòng chảy phương Bắc 2 và bắt đầu các cuộc đàm phán về mức giá khí đốt ổn định trong thời gian dài”.

Nga từ lâu đã phản đối việc để thị trường giao ngay ảnh hưởng lớn đến định giá khí đốt và muốn theo đuổi các hợp đồng dài hạn ít biến động hơn, có thể hạn chế lợi nhuận khi giá trên thị trường tăng cao nhưng bù lại cung cấp biện pháp bảo vệ lâu dài khi giá cả lao dốc. Tuy nhiên việc tự do hóa thị trường khí đốt của EU đã buộc Gazprom phải điều chỉnh công thức định giá của công ty này, phụ thuộc phần lớn vào giá giao ngay và giá cả tương lai.

Phát biểu tại Diễn đàn Khí đốt Quốc tế St.Petersburg tuần trước, Elena Burmistrova - Phó giám đốc điều hành Gazprom cho biết: “Mua khí đốt với giá cả hợp lý tất nhiên là điều tốt. Nhưng tốt hơn nữa nếu chúng ta biết chính xác giá cả trong một tháng, một quý hoặc một năm”.

Tổng thống Putin cho rằng, một phần nguyên nhân dẫn đến cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay là do các quan chức và cố vấn của EU quá “cứng nhắc”, khi họ thúc đẩy việc chuyển đổi định giá khí đốt theo giá giao ngay và “không muốn nghe bất cứ điều gì khác”.

Theo kế hoạch, các nhà lãnh đạo EU sẽ thảo luận về việc tăng giá khí đốt và các biện pháp giảm thiểu tác động của cuộc khủng hoảng khí đốt tại hội nghị thượng đỉnh ở Brussels vào tuần tới. EU hiện giờ vẫn phải nhập khẩu 90% lượng khí đốt từ bên ngoài, trong đó khí đốt của Nga chiếm 40%.

Trong bối cảnh kho dự trữ khí đốt đang ở mức thấp kỷ lục cùng những hạn chế trong việc tìm kiếm các nguồn cung khác, EU rất có thể sẽ ngày càng phụ thuộc vào Nga để tránh tình trạng thiếu năng lượng khi mùa đông lạnh giá đang đến gần.

Thứ trưởng Bộ năng lượng Nga Evgeny Grabchak ngày 13/10 cho biết, Nga vẫn đang bơm khí đốt vào các kho dự trữ quốc gia và công việc này sẽ hoàn thành trước ngày 1/11. Ông nhấn mạnh, Nga hiện giờ đã có đủ khí đốt dự trữ cho cả mùa Đông và sẵn sàng ứng phó với kịch bản thời tiết lạnh bất thường.

Phó Thủ tướng Alexander Novak, người giám sát chính sách năng lượng của Nga cho rằng, việc vội vã chuyển đổi từ nguồn năng lượng truyền thống sang năng lượng tái tạo là một trong những nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng năng lượng ở châu Âu. Ông cũng lưu ý, nếu châu Âu nhanh chóng cấp phép cho Dòng chảy Phương bắc 2 thì điều này sẽ mang lại tín hiệu tích cực cho các thị trường.

EU loay hoay tìm giải pháp

Về phần mình, EU hy vọng cuộc khủng hoảng khí đốt chỉ là hiện tượng ngắn hạn. Khối này đang tập trung vào việc giúp các quốc gia thành viên vượt qua mùa đông khắc nghiệt, trong bối cảnh giá khí đốt tăng cao và việc vận hành Dòng chảy phương Bắc 2 có thể chưa sẵn sàng trong vài tháng tới. Cao uỷ phụ trách vấn đề năng lượng của EU Kadri Simson cho biết, kho dự trữ khí đốt dưới lòng đất của khối chỉ ở mức khoảng 75%, thấp hơn nhiều so với thập kỷ trước, nhưng vẫn đủ để đáp ứng nhu cầu.

Khối này cũng đang xem xét khả năng tập hợp nhiều nước thành viên mua khí đốt chung để có lợi thế mặc cả với các bên thứ 3. Điều này đồng nghĩa với việc EU chưa có bất cứ dấu hiệu nào cho thấy sẽ hành động theo gợi ý của Tổng thống  Putin khi hai bên đang căng thẳng về các vấn đề như Belarus và Ukraine. Theo Ron Smith, nhà phân tích dầu khí cấp cao tại BCS Global Markets cho biết, hiện 20% nguồn cung khí đốt của Gazprom cho châu Âu được định giá theo giá dầu, trong khi 50% được định giá trước một ngày hoặc một tháng.

Một số nguồn thạo tin cho biết, Nga đang muốn khôi phục việc định giá khí đốt theo giá dầu trong các hợp đông cung cấp khí đốt, và muốn từ bỏ phương thức định giá theo giá giao ngay mà EU áp dụng trong những năm gần đây. Gazprom đã bắt đầu nạp khí đốt vào các kho chứa của Dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 và muốn các cơ quan quản lý châu Âu cho phép nó hoạt động trong thời gian sớm nhất./.

 

Hồng Anh
Theo Bloomberg

Nguồn: vov.vn
30 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.