Chuyên mục
Italy đã 'nhìn thấy ánh sáng nhưng đường hầm còn rất dài'

Italy đã 'nhìn thấy ánh sáng nhưng đường hầm còn rất dài'

Thứ sáu 03/04/2020 16:41 GMT + 7

Đà tăng ca nhiễm mới chậm lại ở Italy có thể là hiệu quả từ các biện pháp phong tỏa nghiêm khắc tại quốc gia này.


Tốc độ tăng trưởng số ca nhiễm Covid-19 ở Italy đã bắt đầu chậm lại kể từ 8/3, theo Cục bảo vệ dân sự Italy. Trong vài ngày qua, các ca nhiễm mới báo cáo hàng ngày đã thu hẹp lại, cho thấy Italy đang san phẳng đường cong và làm chậm lại sự lây lan của virus. Hôm 2/4, quốc gia này ghi nhận 4.668 ca nhiễm mới, là ngày thứ tư liên tiếp có mức tăng hàng ngày thấp hơn 5.000 ca. 

 

Biểu đồ ca nhiễm mới hàng ngày tại Italy. So với kỷ lục 6.557 ca nhiễm mới ghi nhận ngày 21/3, con số này đã bắt đầu có xu hướng giảm vào những ngày gần đây.

 


Tỷ lệ gia tăng số ca nhiễm hàng ngày tại Italy: Kể từ 8/3, tốc độ lây nhiễm Covid-19 đã bắt đầu giảm. Trong khi tổng số trường hợp vẫn đang tăng lên, mức tăng các ca nhiễm mới đang chậm hơn nhiều so với đầu tháng 3.


Italy là quốc gia đầu tiên ở châu Âu chứng kiến sự bùng phát mạnh mẽ của Covid-19, đại dịch đã khiến hơn 1 triệu người trên thế giới nhiễm bệnh, tính đến sáng 3/4 (giờ Hà Nội). Hiện tại, Italy có số bệnh nhân được xác nhận cao thứ hai thế giới, với 11.242 ca nhiễm. Italy cũng là vùng dịch có số người chết lớn nhất, với 13.915 người thiệt mạng. Kể từ 9/3, 60 triệu công dân Italy đã bị phong tỏa.

Những số liệu mới đây cho thấy tỷ lệ gia tăng số ca nhiễm đang giảm, tuy nhiên một số chuyên gia y tế công cộng ở Italy vẫn chưa vội ăn mừng. "Vâng, đúng là chúng tôi đã làm phẳng đường cong. Chúng tôi nhìn thấy một chút hy vọng, một chút ánh sáng", ông Lorenzo Casani, giám đốc y tế của một phòng khám dành cho người cao tuổi ở vùng Lombardy, khu vực miền bắc Italy chịu ảnh hưởng nặng nề của Covid-19, nói. " Tuy nhiên, đường hầm rất, rất dài".

Italy thực sự làm phẳng đường cong?


Dữ liệu từ nhiều nguồn khác nhau cho thấy, đúng là Italy đã làm phẳng đường cong. "Con số kỳ diệu" được tính toán là tỷ lệ phần trăm tăng trưởng tổng số ca nhiễm so với ngày hôm trước. "Khi con số này đạt 0%, nghĩa là không còn trường hợp lây nhiễm mới nào nữa",  Nino Cartabellotta, Chủ tịch của GIMBE Foundation, một tổ chức đào tạo và nghiên cứu chăm sóc sức khỏe của Italy cho biết. 

 


Một người đàn ông đeo khẩu trang đi bộ trên đường phố ở Bari (Italy) ngày 27/3. Ảnh: Reuters.

 

Dữ liệu quốc gia cho thấy từ 31/3 đến 1/4, Italy chỉ tăng 4,5% tổng số ca nhiễm, một con số tốt hơn nhiều so với mức tăng 12,6% từ ngày 16 đến 17/3. Tương tự, từ ngày 1/4 đến 2/4, Italy chỉ tăng thêm 4,2% ca nhiễm mới trong tổng số bệnh nhân được xác nhận. Các chuyên gia dự đoán rằng quốc gia này sẽ bắt đầu ghi nhận số ca nhiễm mới hàng ngày giảm dần từ cuối tháng 3 đến đầu tháng 4, do các biện pháp phong tỏa được áp dụng trước đó vài tuần. 

"Điều quan trọng là đã có những bằng chứng cho thấy những gì chúng ta làm đang có tác động", Flavia Riccardo, một nhà nghiên cứu thuộc Khoa Truyền nhiễm ở Viện Y tế Quốc gia Italy cho biết, "Phong tỏa là một biện pháp rất hà khắc, đặc biệt là ở quy mô xét về mặt tác động xã hội và kinh tế mà nó gây ảnh hưởng".

Tuy nhiên, các chuyên gia y tế công cộng tại Italy vẫn chưa sẵn sàng để ăn mừng. "Chúng ta cần phải rất cẩn trọng với sự lạc quan của mình. Chúng ta không nên nhẹ nhõm bởi những con số này", ông Casani cho biết. Mặc dù đà tăng ca nhiễm mới đã giảm, các báo cáo chưa tính đến những người dương tính với Covid-19 mà chưa được xét nghiệm. "Số người mắc bệnh nhẹ hoặc không có triệu chứng là rất lớn", ông Casani nói thêm.

Massimo Galli, người đứng đầu khoa truyền nhiễm tại bệnh viện Sacco ở Milan, chỉ ra rằng số ca bệnh nhẹ có thể đang gia tăng nhưng lại không bị phát hiện. "Tôi không chắc chắn sự lây nhiễm virus đang giảm xuống. Rất khó để dự đoán tiến triển của dịch bệnh, đường cong và đỉnh cao huyền thoại của dịch trong những điều kiện như vậy".

Ông nói thêm: "Các số liệu dẫu vậy vẫn cần được chúc mừng vì nó cho thấy sức ép đã được giảm xuống tại các bệnh viện, nơi đang chứng kiến sự suy giảm số lượng bệnh nhân nặng cần chăm sóc". 

Mất bao lâu để làm phẳng đường cong?


Theo Cục Bảo vệ Dân sự Italy, phải mất từ ba đến bốn tuần để đường cong được làm phẳng. Từ ngày 6 đến 7/3, Italy đã chứng kiến mức tăng 26,9% trong tổng số trường hợp. Tuy nhiên kể từ đó, con số đã giảm dần trong vài tuần qua.

Các biện pháp sẽ được thực hiện trong bao lâu?


Chính phủ Italy đã kéo dài lệnh phong tỏa đến ngày 13/4, nó còn có thể kéo dài thêm nữa. "Chúng tôi không thể lên kế hoạch nới lỏng việc phong tỏa", Thủ tướng Giuseppe Conte nói trong một bài phát biểu trên truyền hình vào 1/4.

Các chuyên gia nói rằng việc giảm số lượng ca nhiễm mới không có nghĩa là các biện pháp kiểm dịch nên được dỡ bỏ. "Đối với Italy, ý tưởng bắt đầu mở cửa trở lại các doanh nghiệp trong những tuần tới đơn giản là điều điên rồ", ông Cartabellotta nhấn mạnh. Ông cũng lưu ý rằng quyết định gỡ bỏ lệnh phong tỏa có thể khác nhau tùy theo khu vực. "Các biện pháp nghiêm khắc vẫn rất cần thiết. Đây là cách duy nhất để tránh thảm họa".

Các quốc gia khác có thể học gì từ Italy?


Một số chuyên gia cho rằng các quốc gia khác có thể rút kinh nghiệm từ những sai lầm và cả những thành công của quốc gia này. Bài học từ Italy nhấn mạnh tầm quan trọng của việc can thiệp sớm ở của các quốc gia khi dịch bệnh chưa bùng phát đáng kể. Trong khi ca nhiễm đầu tiên tại Italy được báo cáo ngày 20/2, virus đã lây lan mà không bị phát hiện trên khắp đất nước trong hai đến ba tuần trước đó, gây cản trở đến những biện pháp kịp thời làm giảm sự lây lan của dịch bệnh. 

Một số người nói rằng ngay cả khi dịch bệnh được phát hiện, chính quyền Italy đã phản ứng quá chậm trong việc thực hiện các biện pháp phong tỏa vì sợ làm tổn hại nền kinh tế quốc gia vốn đã mong manh. "Kinh nghiệm ở đây cho thấy rằng các quốc gia khác không còn đánh giá thấp vấn đề và phải học hỏi từ những sai lầm của chúng tôi", Cartabellotta nói.

 

Người dân đeo khẩu trang ở Milan. Ảnh: Marco Passaro/Zuma Press.

 

Nhưng các chuyên gia cũng nói thêm rằng thế giới có thể học hỏi từ những điều đúng đắn của Italy. Việc giảm số ca nhiễm mới hàng ngày có thể là do các biện pháp phong tỏa mạnh mẽ được thực hiện bởi chính phủ nước này. Italy đã đóng cửa hầu hết doanh nghiệp không thiết yếu và hạn chế mọi sự di chuyển không cần thiết trong cả nước. Ông Nino Cartabellotta cho biết những quy định này đã làm giảm sự lây lan của virus, trì hoãn đỉnh điểm và làm giảm quy mô của dịch bệnh, giúp các trường hợp nhiễm bệnh xuất hiện trong một thời gian dài hơn, qua đó cho phép hệ thống y tế chuẩn bị đúng cách và quản lý tốt hơn các trường hợp có triệu chứng. 

Chuyên gia Flavia Riccardo nói thêm rằng chính phủ Italy đã ứng phó "tương đối nhanh" sau khi dịch bệnh bùng phát. "Italy đã thiết lập một chính sách rất tích cực cả về việc theo dõi liên hệ của từng bệnh nhân, mở rộng các biện pháp để sẵn sàng cho nhu cầu chăm sóc y tế", bà nói. Mặc dù tỷ lệ xét nghiệm khác nhau tùy theo khu vực, nhưng về tổng thể, Italy đã làm nhiều xét nghiệm hơn các quốc gia thuộc Liên minh Châu Âu khác.

 


Đường phố ở Rome ngày 12/3 sau khi cả nước phong tỏa. Ảnh: REUTERS/Alberto Lingria

 

Casani, giám đốc y tế của một phòng khám, cho biết ông cùng các bác sĩ khác đã nhận ra tầm quan trọng của việc điều trị Covid-19 trong giai đoạn đầu. Giai đoạn đầu tiên của virus, liên quan đến sự xuất hiện của các triệu chứng giống như cúm, là thời điểm quan trọng để can thiệp. Khi bệnh nặng hơn, bệnh nhân có thể gặp tổn thương quá mức và cần phải chăm sóc đặc biệt. Casani nói rằng để tránh quá tải hệ thống y tế dẫn đến số ca tử vong tăng, các quốc gia khác cần can thiệp sớm trước khi bệnh tiến triển.

Hơn cả những điều sai lầm hay đúng đắn của Italy, chuyên gia Riccardo nói rằng sự bùng phát mạnh mẽ và tỷ lệ tử vong trên trung bình của quốc gia này đã cho thế giới thấy loại virus này có thể nguy hiểm như thế nào. 

"Vào cuối tháng 2, thế giới đã nhìn vào chúng tôi và nói rằng điều này là không thể, phải có điều gì đó không ổn với hệ thống chăm sóc sức khỏe của Italy", Riccardo nói. Nhưng bây giờ các quốc gia trên thế giới cũng đang phải đối mặt với sự bùng phát ở chính nước họ, "họ biết rằng chúng ta đang chú ý đến một mầm bệnh có khả năng lây lan mạnh mẽ, gây ra bệnh nặng và những cái chết". 

 

Hoàng Hà (theo TIME)

Nguồn: ione.net
27 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.