Chuyên mục
Huyền thoại 'Lý Tiểu Long Việt Nam' trên đất Liên Xô
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận nào cho bài viết này.

Huyền thoại 'Lý Tiểu Long Việt Nam' trên đất Liên Xô

Thứ tư 15/05/2013 15:42 GMT + 7
Ít ai biết rằng, ông Hoàng Vĩnh Giang, nhà quản lý ngành thể thao Việt Nam, từng là võ sư nổi tiếng như Lý Tiểu Long ở Liên bang Xô Viết.

Lâu nay, nhiều người biết ông Hoàng Vĩnh Giang là Phó chủ tịch Ủy ban Olympic Châu Á, Phó chủ tịch thường trực Ủy ban Olympic Việt Nam, nhà quản lý, hoạch định chiến lược tài ba của thể thao nước nhà, nhưng rất ít người biết, ông từng là một võ sư danh tiếng được bạn bè, môn sinh ở Liên Xô cũ liệt vào hàng huyền thoại của môn phái Vịnh Xuân quyền.


Ông Hoàng Vĩnh Giang khi còn trẻ.

Danh tiếng của ông bay xa đến mức nhiều người từ các nước cộng hòa thuộc Liên bang Xô Viết vùng Trung Á xa xôi như Kazakhstan, Armenia... cũng tìm đến ông để nhận làm sư phụ. Ông còn có các môn đệ từ Israel, thậm chí đến từ Congo ở Lục địa đen xa xôi.

Tất nhiên, ông Giang có nhiều điều để tự hào về bản thân với những gì đã làm được trên đất Liên Xô những năm đầu thập kỷ 80 của thế kỷ trước, song khi về nước, ông chưa bao giờ nhận mình là “huyền thoại”, càng không bao giờ dám sánh vai với người khổng lồ Lý Tiểu Long mà huyễn hoặc.

Với danh tiếng và uy tín của mình, ông đã mang về cho đất nước những trang thiết quý hiếm, góp phần rất đáng kể cho việc phát triển ngành thể dục thể thao nước nhà. Ấy thế mà khi gặp ông, ông gạt ngay và nói thẳng: “Tôi có thể biết rộng nhưng không sâu”.

Nói thế, bảo ông khiêm tốn cũng được, ông ở tầm vĩ mô cũng xong. Và cái ý đâu là rộng, đâu là sâu đã được ông cởi lòng đến chi li.

“Ăn đòn” từ một người cụt tay

Đầu tiên, hỏi ông cơ duyên tìm đến võ. Tôi nhớ mang máng đâu rằng, ông từng kể mình đi học… chui vì võ trước năm 1975 bị cấm tiệt. Quan niệm phổ biến ngày ấy là, học võ vẽ chỉ tổ để đánh nhau, thêm loạn. Nhưng rút cuộc, ông Giang “bắt buộc phải học” như ông nhấn mạnh.


Ông Hoàng Vĩnh Giang từng một thời là võ sư lừng lẫy.

“Tôi thích võ từ lâu rồi nhưng chưa có ý định học, sau này thì bắt buộc phải học. Hà Nội hồi đó có cái sân Paster rộng lắm, chia làm nhiều sân khác nhau để tập nhảy cao, chạy, đá bóng, chơi bóng rổ. Những người trẻ với nhau, tập tành thì hiếu thắng dẫn đến xích mích nhau suốt.

Có lần tôi xích mích với một người cụt tay lớn hơn vài tuổi gì đó. Nhưng cứ lao vào đấm thì anh ta lại tránh được rồi dùng một tay còn lại táng cho một cái điếng người vào thái dương. Nghĩ vừa đau vừa bực và xấu hổ nữa. Hai tay mà đánh không lại nguời một tay. Nhiều lần ức quá nên quyết định phải đi học võ bằng mọi giá.

Người không biết võ như tôi đi học thì cũng chỉ cần một người biết võ dạy là được rồi. Vì thế, thầy đầu tiên của tôi bình thường thôi. Đó là con trai của cố võ sư quyền anh nổi tiếng một thời: Võ sư Nguyễn Đình Quỳnh Tinh Hoa Thuật.

Sau năm 1975, những sách về võ từ trong miền Nam được chuyển ra ngoài Bắc nhiều hơn. Đó cũng là thời kỳ tôi đi sâu vào nghiên cứu và được tiếp xúc với các võ sư danh tiếng như ông Trần Sinh con trai của cụ Trần Thúc Tiển (cụ Tiển là cao đồ của Tổ sư Vịnh Xuân quyền Việt Nam cụ Nguyễn Tế Công).

Ngoài ra còn có võ sư Xuân Thi, ông cũng là người đưa tôi đến để diện kiến Đại võ sư Trần Thúc Tiển. Sau khi ấn bàn tay vào ngực và bụng tôi, thầy nói: "Con có thể theo học Vịnh Xuân được đấy". Kể đến đây, ông Giang dừng lại mơ màng, kèm theo một cái lắc đầu khó hiểu, lau mồ hôi đang vã ra trên trán.


Ông Hoàng Vĩnh Giang lúc là sinh viên du học tại Liên Xô.

Chưa kịp thắc mắc thì ông cắt nghĩa cái “lắc đầu” của mình bằng một tiếng thở dài: “Nói chung ngày đó học chưa đến nơi đến chốn. Thầy Sinh và thầy Thi dạy theo phuơng thức cấp tập, truyền dạy về cơ bản ngoại hình chiêu thức thôi để tôi kịp đi làm nghiên cứu sinh, còn sau này, nếu có thể thì tìm cơ hội tự hoàn thiện.

Vịnh Xuân là một môn võ tuyệt luân. Tập 10 năm còn tự coi là mới vào nghề. Tôi học chưa đươc 2 năm thì đúng là quá tầm thường. Lúc đó vớ được cái gì thì học cái đó, như một cách để mở mang kiến thức về tinh tuý của phương đông mênh mông...

Năm 1978, ngoài nghiên cứu, tập luyện Vịnh Xuân, tôi cũng bắt đầu tiếp xúc với luyện nội công, đặc biệt là nội công cơ bản của Trung quốc như Đại Chu Thiên, Tiểu Chu Thiên, phương pháp luyện công ngồi theo tư thế Misoghi của Nhật Bản, âm dương học Osawa, kể cả Yoga nữa cũng học. Tất cả những thứ đó giúp tôi có thể tự tin đứng lớp khi sang Liên Xô nhưng cũng chính những thứ đó khiến tôi suýt bỏ mạng".


Hoàng Vĩnh Giang thi triển đao pháp trong bài Hổ hình bát trảm đao.

“Suýt bỏ mạng” thôi, chứ bỏ rồi thì làm sao còn cái "cậu" Hoàng Vĩnh Giang đang ngồi kể chuyện bây giờ. Vì thế, trước khi đến gốc rễ cái lần thập tử nhất sinh ấy, còn chuỗi ngày dằng dặc hành sư của ông nữa.

Ông Giang lấy Ipad cho tôi xem bức ảnh ông chụp thời trẻ khi ông đang đứng cạnh khung ảnh huyền thoại Lý Tiểu Long treo trên tường. Đó là động tác ông trả lời cho câu hỏi của tôi rằng, ông có thần tượng Lý Tiểu Long không?

“Thần tượng quá đi ý chứ”, ông kể tiếp trong sự hứng khởi: “Ngày đó đâu chỉ mình tôi, nhiều người đọc sách về Lý Tiểu Long (hồi đó chưa có nhiều cơ hội để xem phim) cũng mê mẩn luôn. Sang Liên Xô thì giật mình, Lý Tiểu Long bên ấy còn là một cơn sốt.

Lý Tiểu Long mất năm 1972 nhưng đã để lại một di sản võ thuật, đặc biệt là tạo ra cuộc cách mạng trong làm phim về võ – tức diễn võ một cách thật nhất. Và với một nước phát triển về điện ảnh như Liên Xô thời kỳ đó, chỉ cần quan tâm đến Lý Tiểu Long không khó để tìm xem được những bộ phim của ông.

Bởi vậy, khi mới nghe phong phanh ở ký túc nghiên cứu sinh của ĐH TDTT Kiev có ông Hoàng Vĩnh Giang biết Vịnh Xuân quyền, người ta đã đổ xô tìm tới. Người tới xin thỉnh học, người tới xin lãnh giáo, giao lưu… Họ đến từ nhiều nơi khác nhau. Có người từ Leningrad, người từ Kazakhstan, Moscow… và tất nhiên là số đông ở Kiev. Thế là cuộc hành sư của tôi bắt đầu"...

Nhân thân đặc biệt của ông Hoàng Vĩnh Giang:

- Ông là con trai của cố GS Hoàng Minh Giám, một trí thức tiêu biểu, người đã từng được giữ nhiều trọng trách trong bộ máy lãnh đạo của Nhà nước ta ngay từ ngày Cách mạng Tháng Tám thành công. Hoàng Vĩnh Giang không chỉ thừa kế di sản quý báu về tinh thần và trí tuệ mà người cha đã để lại, từ bé bộc lộ rất rõ năng khiếu thể thao.

Chưa hết, anh trai ông - Hoàng Trung Hùng - từng là một hậu vệ giỏi, sau đó đã hy sinh tại chiến trường B. Anh trai khác - Hoàng Vĩnh Hồ - là tay bơi có hạng của Thể thao Hà Nội và sau này là Chủ tịch Hội Pencak silat Hà Nội. Người chị gái ông Giang - bà Hoàng Thị Phúc - khi còn đi học cũng chạy rất nhanh trong cuộc thi ở Tâm Hư, Trung Quốc và người vợ hiện nay, bà Trương Thị Ngọc Lan chính là huấn luyện viên đội nhảy cầu Việt Nam.
Nguồn: zing.vn
31 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.