Chuyên mục
GDP có thể tăng 2,5% nếu Việt Nam vượt qua 'bẫy kinh tế Covid-19'

GDP có thể tăng 2,5% nếu Việt Nam vượt qua 'bẫy kinh tế Covid-19'

Thứ sáu 04/09/2020 18:17 GMT + 7

Bộ trưởng KHĐT Nguyễn Chí Dũng cho rằng cần có nhiều biện pháp để vượt qua "bẫy kinh tế Covid-19". Ông dự báo GDP năm nay có thể tăng 2-2,5%.


"Bẫy kinh tế Covid-19" là từ mà Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 sáng 4/9. Ông cho rằng dịch Covid-19 sẽ còn gây ra những khó khăn và cần có nhiều biện pháp để phục hồi kinh tế.

Cũng tại cuộc họp, ông đưa ra một số dự báo về kết quả thực hiện các nhiệm vụ năm 2020 và dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021.

Không rơi vào suy thoái


Về kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2020, ông cho biết bất chấp khó khăn, nền kinh tế nước ta không rơi vào tình trạng suy thoái, vẫn giữ được mức tăng trưởng dương trong khi nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới dự báo có mức tăng trưởng âm.

Trong số 12 chỉ tiêu chủ yếu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm nay, vẫn có 5 chỉ tiêu đạt và 2 chỉ tiêu vượt mục tiêu đề ra. Chính phủ nhất quán quan điểm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, có cơ chế, giải pháp, chính sách phù hợp kích thích mạnh mẽ 3 động lực tăng trưởng chủ yếu là đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng.

 


Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: Quang Hiếu/VGP.

 

Người đứng đầu ngành KHĐT cho rằng sẽ phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng cao nhất năm nay. Dự báo GDP cả năm sẽ đạt khoảng 2%, nếu điều kiện cho phép phấn đấu đạt khoảng 2,5%.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cần có nhiều biện pháp để vượt qua “bẫy kinh tế Covid-19". Ông nhấn mạnh cần thúc đẩy nội lực của chính nền kinh tế, trong đó có chủ động nguồn cung đối với những mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu nhằm bảo đảm an ninh lương thực. Đồng thời Việt Nam cần duy trì được nguồn thu từ xuất khẩu nông sản tới những quốc gia đang đối mặt với nguy cơ mất an ninh lương thực, mở rộng thị trường xuất khẩu và tìm kiếm khách hàng mới.

Theo ông, Việt Nam cần giữ dư địa tài khóa để triển khai các gói hỗ trợ và kích thích kinh tế ở thời điểm phù hợp, tận dụng thị trường tiêu thụ trong nước với gần 100 triệu dân và tâm thế vượt khó của cộng đồng doanh nghiệp trong nước…

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng đề nghị cần đặc biệt quan tâm thúc đẩy quyết liệt hơn nữa việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế. Việc thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công là chìa khóa cho tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới, vừa giúp kích cầu nền kinh tế, vừa giúp tiêu thụ nguyên vật liệu và giải quyết vấn đề việc làm.

Tập trung đầu tư công vào các dự án cơ sở hạ tầng trọng điểm, có tác động lan tỏa còn giúp nước ta tạo nền tảng tăng trưởng bền vững trong tương lai, tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế.

GDP năm 2021 có thể đạt khoảng 6,7%


Ông cho rằng dù kết quả đáng nghi nhận, nền kinh tế vẫn còn những hạn chế tích tụ trong quá trình phát triển. Để khắc phục, cần tiếp tục thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.

Kinh tế tư nhân chưa thực sự mạnh, doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm tỷ trọng lớn, kết nối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, tham gia chuỗi giá trị và mạng sản xuất khu vực và toàn cầu còn hạn chế.

Các vấn đề xã hội còn một số bất cập, chênh lệch về mức sống, mức độ thụ hưởng các dịch vụ xã hội của người dân giữa các vùng, địa phương. An toàn xã hội như an toàn giao thông, an toàn vệ sinh thực phẩm, chất lượng không khí, xử lý rác thải… còn một số bất cập gây bức xúc. Tình hình tội phạm, nhất là tội phạm có tổ chức, xuyên quốc gia, diễn biến phức tạp...

Về dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng dự báo nền kinh tế Việt Nam vẫn đứng trước nhiều thách thức. Dịch Covid-19 trên thế giới tuy có dấu hiệu dịu lại nhưng còn tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro, khó lường và khả năng cao sẽ kéo dài cả năm 2021.

 


Dự báo tăng trưởng năm 2021 đạt 6,7%. Ảnh: Tuấn Trần.


“Triển vọng kinh tế toàn cầu là rất khó khăn, các nước đối tác lớn suy thoái, dự báo khó phục hồi trong ngắn hạn. Khả năng phục hồi trở lại trạng thái trước khi đại dịch xảy ra sẽ cần thời gian khoảng 2-4 năm tùy thuộc mức độ tác động”, ông nói.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu dự kiến tăng trưởng GDP năm 2021 của Việt Nam đạt khoảng 6,7%. Năm sau sẽ tập trung khắc phục khó khăn, khôi phục nền kinh tế, tận dụng thời cơ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững trên cơ sở ổn định kinh tế vĩ mô, thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đến 2030.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng đề xuất dự kiến xây dựng 23 chỉ tiêu chủ yếu, tăng về số lượng chỉ tiêu so với các năm trước của giai đoạn 2016-2020 (khoảng 12 chỉ tiêu) để bảo đảm tính gắn kết chặt chẽ hơn nữa giữa kế hoạch hàng năm và kế hoạch 5 năm (giai đoạn 2021-2025).

“Việc tăng chỉ tiêu sẽ tạo thuận lợi và gắn kết việc đánh giá kế hoạch hàng năm với đánh giá giữa kỳ và 5 năm”, ông nói.

 

Hiếu Công

Nguồn: zingnews.vn
26 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.