Chuyên mục
F0 chặn cuộc gọi Bộ Y tế: Sao chỉ biết mỗi mình?

F0 chặn cuộc gọi Bộ Y tế: Sao chỉ biết mỗi mình?

Thứ ba 02/02/2021 17:19 GMT + 7

Sự ích kỷ, khôn lỏi của một số người có thể sẽ gây ra hiểm họa khôn lường, khiến hàng ngàn, vạn người khác phải mệt mỏi theo

Mối nguy từ sự khôn lỏi, ích kỷ

Mới đây, thông tin về diễn biến mới của dịch COVID-19 tại Quảng Ninh và Hải Dương, Tổ Thông tin Đáp ứng nhanh phòng, chống COVID-19 đã cho biết: Có đến 20% các F0 (bệnh nhân mắc COVID-19) không hợp tác... Thậm chí có người còn chủ động tắt điện thoại, từ chối nhận cuộc gọi, chặn số từ Bộ Y tế hoặc những thành viên tổ truy vết.

Cá biệt có ca mắc, hàng trăm F1 đã không chủ động khai báo tình thế nguy cấp, từ chối giao tiếp với lý do “Tôi rất khoẻ, tôi có làm sao đâu". Thống kê chung, hiện chỉ có dưới 1% F1 chủ động khai báo thông tin.

Trước thực trạng trên, PGS.TS Mạc Văn Tiến cho rằng, sự ích kỷ, khôn lỏi của một số người có thể sẽ gây ra hiểm họa khôn lường, khiến hàng ngàn, vạn người khác bị liên lụy.

 

Nhiều F0, F1 không chủ động khai báo, tắt điện thoại, từ chối hợp tác. Ảnh minh họa.


Phân tích nguyên nhân từ nhiều góc độ, vị chuyên gia cho rằng có nguyên nhân từ chủ quan và khách quan.

Đầu tiên, ông cho biết, có tâm lý chủ quan từ kết quả chống dịch của Việt Nam trong suốt thời gian dài vừa qua. Cụ thể là số ca mắc bệnh trên thế giới không ngừng tăng nhanh, số người tử vong cũng rất lớn, trong khi đó, ở Việt Nam dịch bệnh gần như đã được kiểm soát tốt, số ca mắc bệnh thấp, số người tử vong cũng không nhiều, vì điều này đã có tâm lý chủ quan ngay trong hệ thống phòng, chống dịch. Người dân có suy nghĩ "dịch lần này cũng giống như lần trước"; "dịch sẽ chừa mình ra"; "mình khỏe sẽ không sao"...

Một nguyên nhân nữa cũng được cho là vì những điều tế nhị, nhiều người không muốn để lộ hành trình, coi việc khai báo là sự phiền phức nên thay vì chủ động khai báo đã tắt máy, chặn cuộc gọi, không hợp tác với cơ quan chức năng. Đây là suy nghĩ ích kỷ, chỉ vì sự "an toàn" của cá nhân mà không xem đó là trách nhiệm với người thân, cộng đồng, bất chấp mối nguy, hiểm họa cho người khác.

Nguyên nhân khác cũng cần được nhắc đến là tâm lý đón Tết sớm. Vì muốn được ở nhà, gần người thân, nên nhiều người đã lo sợ nếu khai báo sẽ phải bị đưa đi cách ly, phải ăn Tết trong khu cách ly nên tìm cách nói dối, trốn tránh cách ly.

"Người ta chỉ nghĩ rằng nếu nói dối họ sẽ không phải đi cách ly, được ở cùng người thân, không phải ăn Tết xa nhà nhưng lại không nghĩ rằng nếu họ mắc bệnh thì không chỉ gây nguy hiểm cho bản thân mà còn gây ra hậu họa cho cả gia đình, cả xã hội.

Khi đó, ngày Tết không còn là ngày vui. Thậm chí, họ còn bị hàng xóm phê bình, lên án, xa lánh chỉ vì ý thức, sự chủ quan của một vài cá nhân đã khiến cả xã hội phải đón một cái Tết không an toàn", ông Tiến nói.

Ngoài ra, ông Tiến cũng cho rằng sự cả nể, du di trong tâm lý, cách hành xử của người Việt cũng là nguyên nhân khiến tính xấu của một số người có đất để nảy nở, bộc lộ. Điển hình là trường hợp bệnh nhân số 17, vì không chủ động khai báo đã khiến cả Hà Nội phải trải qua nhiều ngày giãn cách xã hội. Hay như trường hợp đưa người đi cách ly thay, trốn cách ly, những trường hợp vào tới khu cách ly lại chê bai, nói xấu...

Từng người, từng nhà rà soát lẫn nhau

Về giải pháp, theo ông Mạc Văn Tiến, để thay đổi được những tính xấu kể trên là rất khó. Bởi lẽ, không chỉ trong dịch bệnh tính xấu mới bộc lộ mà nó thể hiện ở hầu hết mọi lĩnh vực, với nhiều nhóm đối tượng khác nhau.

Chẳng hạn, trong giáo dục, có hiện tượng đi học thay, thi thay, có chạy chọt, xin - cho. Trong lĩnh vực thuế cũng lại có hiện tượng móc ngoặc, hối lộ, trong đất đai có hiện tượng bảo kê, chia chác...

"Dù vậy, nếu được tuyên truyền, giáo dục tốt chắc chắn sẽ nâng cao được ý thức, trách nhiệm của người dân, những tính xấu, khôn lỏi cũng vì thế mà dần bị triệt tiêu.

Chẳng hạn trường hợp nhập cảnh trái phép từ Campuchia về xã Phú Lợi (huyện Thanh Bình), Đồng Tháp đã chủ động  đến Trạm Y tế xã Phú Lợi trình diện và khai báo y tế.

Hay có trường hợp chồng nhập cảnh về nước, vợ đã chủ động gọi điện thông báo cho cơ quan chức năng đưa đi cách ly...", ông Tiến bày tỏ sự lạc quan.

Bên cạnh đó, theo vị chuyên gia, phải có chế tài phạt thật mạnh với những người cố tình nói dối, không chủ động khai báo.

"Hiện nay, mức phạt vài ba triệu chưa đủ sức răn đe, cần phải có chế tài mạnh mẽ hơn nữa. Nhất là trong bối cảnh diễn biến dịch bệnh phức tạp, nguy cơ lây nhiễm nhanh hơn, nếu còn gian dối, trốn tránh, không hợp tác thì rất khó có thể ngăn chặn, phòng chống dịch.

Có lẽ đã đến lúc phải kích hoạt các biện pháp chống dịch như chống giặc thời chiến tranh, đó là: rà từng nhà, từng người; từng người, từng nhà, từng nhóm người tự kiểm soát lẫn nhau.

Khi phát hiện có trường hợp đi từ vùng dịch hoặc là đối tượng cần phải cách ly nếu không chủ động khai báo thì hàng xóm, người dân xung quanh sẽ trực tiếp khai báo. Đương nhiên, những người không khai báo sẽ bị xử lý thật nghiêm. Có như vậy mới sớm kiểm soát, hạn chế được tốc độ lây lan của dịch bệnh", ông Tiến đề xuất.


Thái Bình

Nguồn: trithuccuocsong.vn
27 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.