Chuyên mục
Đi giữa ''Mùa hè rớt'' nước Nga

Đi giữa ''Mùa hè rớt'' nước Nga

Thứ tư 11/10/2023 11:25 GMT + 7

Nữ thi sỹ Nga Olga Berggoltz có hai bài thơ tuyệt hay về mùa Thu - tình yêu là “Mùa lá rụng” và  “Mùa hè  rớt”. Đó là mùa vừa dịu dàng, rực rỡ vừa nhẫn nại, chịu đựng vị tha, khi những bông hoa cuối cùng, những tia nắng ấm cuối cùng, một bầu trời xanh hiếm muộn ló ra dường như để tống tiễn mùa hè…

Thông thường, mùa thu nước Nga kéo dài từ tháng 9 đến tháng 11. Nhưng mùa thu mà thi sỹ Olga Berggoltz  nói đến không kéo dài như vậy, chỉ kéo dài lâu nhất từ 1 đến 2 tuần mà thôi, đó chính là "mùa hè rớt"...

Mùa thu vàng dịu dàng không chịu nổi

 Trở lại nước Nga sau hơn 40 năm, vào đúng thời điểm khởi đầu của “mùa hè rớt”, tôi vẫn bị hút hồn bởi những rừng bạch dương, rừng sồi, đồi cây phong đang dần chuyển từ màu xanh sang vàng tươi lẫn sắc đỏ. Những đàn sếu mải miết bay qua mang theo đi hơi ấm của mùa hè, không khí mát dịu, se lạnh dần. Nhiệt độ ban ngày khoảng 20 độ C nhưng đêm có thể giảm xuống hơn chục độ. Những đợt gió lạnh từ phương bắc sắp sửa tràn về với những cơn mưa dầm buốt giá. Bỗng thiên nhiên hào phóng chừa lại một khoảnh thời gian ấm áp, không gian như rực lên một ánh vàng đẹp đẽ lạ thường. Cái khoảng thời gian tuyệt đẹp đó giới thi sĩ gọi là "mùa hè rớt", hay mùa hè của các quý bà- mùa lá rụng, còn các họa sỹ thì gọi đó là “mùa thu vàng”.

 

Tác giả bên tượng sáp đại thi hào Pushkin.

 

Trong cái không gian hư ảo ấy, nữ thi sĩ Nga Olga Berggolt đã viết nên tuyệt phẩm “Mùa lá rụng” với những câu thơ rất gợi: “Bao khu vườn như lửa chói ngời/ Vòm lá sẫm ánh vàng lên rực rỡ/ Những tấm biển treo dọc trên đại lộ/ Nhắc ai đi ngang, dù đầy đủ lứa đôi/ Nhắc cả những ai cô độc trong đời: “Tránh đừng đụng vào cây mùa lá rụng”…

Cũng nói thêm rằng, khi mùa Thu về những cây phong, cây bạch dương chuyển dần từ màu xanh sang màu vàng, người dân Moscow có những tấm biển đặt nơi góc phố, vườn cây với dòng chữ nhắn nhủ “Xin đừng đụng vào cây mùa lá rụng”. Có lẽ họ trân trọng những chiếc lá vàng mong manh trên cây có thể rụng bất cứ lúc nào. Cũng có thể họ muốn níu kéo “Mùa Thu vàng” ngắn ngủi hãy dừng chân thêm chút nữa? Phải chăng thông điệp “Xin đừng đụng vào cây mùa lá rụng” muốn nói lên một điều: hạnh phúc đẹp và mong manh như lá thu, hãy nâng niu và bảo vệ nó khi nó còn ở trên cành…! Trong cái không gian tĩnh lặng rực ánh vàng vừa dịu dàng vừa rực rỡ ấy người ta cảm nhận được sự cô đơn, nhỏ bé của thân phận con người trước thiên nhiên bất tận, những mất mát, khổ đau đã trải qua trong cuộc đời, để rồi quý trọng hơn, yêu hơn những hạnh phúc đơn sơ mà mình có được…

Thủ đô Moscow là nơi hội tụ bởi những nét đẹp văn hóa, nghệ thuật và cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp và cả một mùa thu vàng yêu kiều quá đỗi. Bầu trời  cao xanh vời vợi, sắc đỏ xen vàng của những hàng cây sồi, hay cây phong cao tít tắp. Rồi cả những con đường rộng thênh thang phủ đầy lá vàng che dấu phía sau là những cung điện cổ kích đã tồn tại hàng trăm năm vô cùng huy hoàng, lộng lẫy.

Đến với nước Nga vào những ngày thu vàng, cố đô Saint Petersburg chắc chắn là một trong những địa điểm không thể bỏ qua. Bởi khi ấy, thành phố lớn thứ hai ở nước Nga như sáng rực lên bởi một màu vàng rực rỡ của những tán lá cây phong và bạch dương. Đặc biệt, vẻ đẹp kiều diễm, lộng lẫy, sang trọng của Cung điện mùa hè Peterhof và Cung điện mùa thu (Catherine Palace) dưới tán cây cổ thụ lá vàng rực rỡ, như một bức tranh tuyệt đẹp làm say đắm bất cứ du khách nào tới du lịch Nga vào mùa thu vàng.

Lần theo dấu chân của “Mặt trời thi ca Nga”

Trong thời gian lưu lại thành phố Saint Petersburg, tôi ghé thăm Cung điện mùa thu - Ekaterina nằm cách trung tâm thành phố gần 30 km, một cung điện thật nguy nga, tráng lệ. Đây từng là nơi nghỉ dưỡng của các đời Sa hoàng. Vì vậy nó còn có tên gọi khác là “Làng sa hoàng”, hay “Hoàng thôn”. Sau năm 1918 được đổi tên thành Detskoye Selo tức ngôi làng của trẻ em và từ năm 1937 nó chính thức mang tên của đại thi hào Nga Alexander Pushkin. Thành phố nhỏ bình yên và thơ mộng này cũng chính là nơi đã nuôi dưỡng tâm hồn thi ca của đại thi hào Pushkin suốt những năm tháng thời niên thiếu. Sau khi chiêm ngưỡng căn phòng hổ phách trứ danh trong cung điện, tôi dành nhiều thời gian lặng yên trước bức tượng đại thi hào Alexander Pushkin, một người tôi vô cùng ngưỡng mộ với những Ruslan và Lyudmila, Người tù binh Kavkaz, Yevgeny Onegin, Con đầm bích, Dubrovski, Những người Digan… Tôi lững thững đi dạo trên con đường giữa những hàng cây phong cao vút, tưởng như được giẫm lên những dấu chân của thi sỹ còn vương lại đâu đó…

 

 

Trở lại trung tâm thành phố St. Petersburg,  một người bạn người Việt đã định cư lâu năm ở nước Nga mời chúng tôi ghé vào một nhà hàng để dùng bữa tối. Một nhà hàng rất đặc biệt có tên gọi là Literaturnoye Kafetại số 18 Đại lộ Nevsky. Tên gọi của quán có nghĩa là Quán cà phê văn học. Quán nằm trong một tòa nhà được xây dựng từ thế kỷ 18, gồm hai tầng, bán cà phê ở tầng dưới và nhà hàng ở tầng trên. Tại đây đã từng là nơi hội tụ của rất nhiều nhà văn nổi tiếng như Alexander Pushkin, Mikhail Lermontov, Taras Shevchenko và Fyodor Dostoyevsky…

Ngay khi bước vào Literary Café tôi nhìn thấy ngay một bức tượng sáp sống động như người thật của Aleksandr Pushkin ngồi nay sau một chiếc bàn như một thực khách vậy. Người ta nói rằng chính tại đây, tại chiếc bàn này ông đã uống ly cuối cùng trước khi bắt đầu một cuộc đấu súng tay đôi chết người với Dantes diễn ra ngày 8 tháng 2 năm 1837( ông qua đời hai ngày sau đó). Hôm nay, bức tượng sáp của đại thi hào “mặt trời của nền thi ca Nga” ngồi bên cửa sổ trước ly rượu cuối cùng, ngẫm nghĩ về dòng tiếp theo mà thi sỹ sẽ không bao giờ viết…

Ngày nay, tại nhà hàng này người ta vẫn duy trì phong cách phục vụ “quý tộc” như này xưa: từ những chiếc đèn chùm pha lê, những người phục vụ đeo găng trắng cho đến ẩm thực Nga-Pháp cao cấp. Thực khách có thể chọn từ “Thực đơn của nhà thơ”, một bộ sưu tập các món được cho là yêu thích của Pushkin, bao gồm schi (súp bắp cải nhồi), pozharsky (ức gà tẩm bột với sốt nam việt quất) và món tráng miệng gồm mận nhồi với táo hầm vani và vani kem…. Tối nay chúng tôi dùng món cá tuyết khá ngon…

Những người Nga…

Người Nga không ồn ào, không hào nhoáng và ham đọc sách. Khá dễ dàng để bắt gặp hình ảnh các cụ già, thanh niên Nga tay cầm sẵn cuốn sách để có thể đọc bất cứ khi nào rảnh, trong công viên, hay lúc ngồi chờ ở ga tàu điện. Tôi vẫn rất ấn tượng hình ảnh của những dòng người hối hả như lao đi trên hè phố, trên những bậc cầu thang xuống tàu điện ngầm, khi đã yên vị trên ghế ngồi, họ lại lặng lẽ giở những cuốn sách ra và đọc. Hay trên cảnh kẹt xe trên đường vành đai Moscow vào giờ cao điểm. Với 5 làn xe mỗi hướng kẹt cứng xe cộ nhưng không một tiếng còi, không có cảnh chen lấn, vượt ẩu vào làn ưu tiên…

Để tránh kẹt xe vào giờ tan tầm buổi chiều, chúng tôi ghé công viên Kolomenskoye, là một trong những công viên được yêu thích nhất của người dân Moscow. Nơi đây, ngoài việc nổi tiếng về bảo tàng ngoài trời của kiến trúc gỗ, còn có những cánh rừng sồi trải dài tít tắp với những cây sồi có tuổi thọ lên tới 600 - 700 năm, vườn táo, anh đào và lê. Mỗi dịp cuối tuần, nhiều người dân thường đến công viên để nghỉ ngơi, thư giãn, đi bộ dọc bờ sông Moscow hoặc tổ chức những buổi picnic nhỏ.

Đã rất lâu rồi tôi không nói tiếng Nga, thấy một bà cụ dắt một chú chó con đi dạo, vừa đi vừa lẩm bẩm có vẻ đang nói chuyện với chú chó, tôi làm quen và hỏi:

- Nó là đực hay cái thế bà ơi?

- Nó là một cậu bé đấy.

- Tên nó là gì?

- Jackie Chan

- Ối, là ngôi sao điện ảnh á?

- Phải rồi, nó xứng đáng có một cái tên như vậy mà… à mà cậu là người Japon( Nhật Bản) à?

- Không, cháu là người Việt Nam…

- Ồ, Việt Nam - Hồ Chí Minh…

Tự nhiên tôi thấy thật gần gũi như đang ở đâu đó quê nhà vậy…

Một buổi chiều, mấy anh bạn thân rủ tôi đi tắm hơi kiểu Nga. Đối với người Nga, đi xông hơi là một cách giải trí không chỉ để làm sạch cơ thể mà còn để tán gẫu với bạn bè, người quen. Sau khi tắm hơi, người ta thường lặn xuống hố băng hoặc ngâm mình vào bể bơi có nước đá, mấy anh bạn người Nga mình đỏ au như tôm luộc, hỉ hả chúc nhau “ S lekhkim parôm”( chúc xông hơi nhẹ nhõm). Rồi họ thúc giục tôi nhảy xuống bể nước có lẫn đá lạnh, vừa ở phòng xông hơi ra tôi không dám liều mạng, mới ra nằm lên chiếc giường bằng gỗ sồi lim dim…

Lúc mới đến, tôi thấy dán ngay trước tường tòa nhà một tấm ap-phích vẽ một người lính và mấy dòng chữ “Làm nghĩa vụ quân sự theo hợp đồng là công việc của người đàn ông chân chính”. Phía dưới có dòng chữ 695.000 ( ruble) một lần (tương đương khoảng 175 triệu đồng) (500.000 do địa phương chi trả + 195.000 do Liên bang chi trả); từ 204.000 (ruble)(khoảng trên 51 triệu đồng) hằng tháng, tại khu vực có chiến dịch quân sự đặc biệt…Tôi bèn hỏi anh bạn Aliosa- một kỹ sư điện: “Anh có sẵn sàng làm nghĩa vụ quân sự theo hợp đồng đó không?”. “Vừa rồi Liên bang dự kiến tuyển 270.000 lính vậy mà đã có 300.000 người ứng tuyển thành công rồi, tôi chưa đến lượt đâu. Vả lại tôi đã 40 tuổi, quá già rồi…”.

Hai tuần trôi qua rất nhanh. Đã đến lúc phải trở về Việt Nam, bịn rịn chia tay với những người bạn mới. Anh bạn thi sỹ HBK có bài thơ rất hay tặng cô bạn gái người Nga mới quen, tôi chỉ nhớ được khổ cuối: “Đã đến ngày anh từ giã quê em/ Xin được mang theo vài lá vàng bạch dương cho đỡ nhớ/ Để lại cho em mùa Thu rực rỡ/ Và bầu trời trên đồng cỏ mênh mông…”.

 

Lưu Hồng Sơn

Nguồn: antgct.cand.com.vn
26 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.