Chuyên mục
Chiến dịch Berlin - Đòn kết liễu của Hồng quân Liên Xô đối với phát xít Đức

Chiến dịch Berlin - Đòn kết liễu của Hồng quân Liên Xô đối với phát xít Đức

Thứ năm 07/05/2020 19:12 GMT + 7

Quân đội Liên Xô đã mở chiến dịch tấn công vào sào huyệt của Đức Quốc xã trong khi phần còn lại của lực lượng Đồng minh vẫn ở cách Berlin trên 100km.

 


Các nhà lãnh đạo Anh, Mỹ và Liên Xô, gồm Churchill, Roosevelt và Stalin (từ trái sang), tại Hội nghị Yalta năm 1945. Ảnh: RBTH


Năm 1943, Tổng thống Mỹ Franklin Roosevelt tuyên bố “nước Mỹ phải chiếm được Berlin”. Thủ tướng Anh Winston Churchill cũng đồng ý với quan điểm đánh chiếm thủ đô của Đức Quốc xã. Tuy nhiên, mùa Xuân năm 1945, các lực lượng Đồng minh đã không có bất cứ nỗ lực nào để đánh chiếm thành trì cuối cùng của chủ nghĩa phát xít. Nhà sử học người Anh John Fuller gọi đây là “một trong những quyết định kỳ lạ nhất từng được đưa ra trong lịch sử quân sự”. Hồng quân Liên Xô mới chính là lực lượng thực hiện "đòn kết liễu" đối với phát xít Đức.

Quyết định của Mỹ, Anh được cho là có động cơ. Trong cuộc trả lời phỏng vấn với trang RBTH (Nga), nhà sử học người Nga Andrei Soyustov cho rằng có ít nhất 2 lý do cho quyết định đó. Trước hết, theo các thỏa thuận sơ bộ, trong đó có các thoả thuận đạt được tại Hội nghị Yalta, Berlin nằm trong khu vực chiến dịch quân sự do Hồng quân Liên Xô đảm nhiệm. Đường ranh giới giữa khu vực tác chiến của Liên Xô và của các lực lượng Đồng minh khác kéo dọc theo sông Elbe (Đức). “Việc dốc quân tới Berlin để cạnh tranh vị thế có thể lại phản tác dụng và có thể khiến Liên Xô quyết định không tham chiến chống Nhật Bản” (ở Viễn Đông), sử gia Soyustov giải thích.

Theo ông, lý do thứ hai cho việc quân Đồng minh không tấn công vũ bão vào sào huyệt của Đức Quốc xã là vì các lực lượng này đã chịu tổn thất nặng nề ở giai đoạn cuối cuộc chiến. Trong khoảng thời gian từ giữa cuộc đổ bộ Normandy (Pháp) tới tháng 4/1945, quân Đồng minh “đã tránh tấn công vào các thành phố lớn”, ông Soyustov lưu ý.

Để có được thắng lợi cuối cùng này, những hy sinh mất mát của Hồng quân Liên Xô ở Chiến dịch Berlin thực ra rất lớn, với 80.000 người bị thương và ít nhất 20.000 người thiệt mạng. Vùng vẫy trong nỗ lực tuyệt vọng cuối cùng, phía quân Đức cũng chịu tổn thất tương đương.

Trận chiến dưới ánh đèn pha

Thành Berlin đã bị Hồng quân tấn công từ 3 hướng, với tổng cộng 2,5 triệu quân (bao gồm cả 78.556 binh sĩ của Quân đội Ba Lan), 6.250 xe tăng, 7.500 máy bay, 41.600 khẩu pháo và súng cối, 3.255 bệ phóng tên lửa Katyusha gắn trên xe tải (biệt danh là "đàn organ của Stalin"), xe cơ giới.

Nhiệm vụ khó khăn nhất được giao cho Phương diện quân Belarus số 1, dưới quyền chỉ huy của danh Tướng Georgy Zhukov. Lực lượng này phải tấn công vào các cứ điểm hỏa lực cực mạnh của quân Đức ở Cao nguyên Seelow, ngoại ô Berlin. Chiến dịch bắt đầu trong đêm 16/4 với sự kết hợp hỏa lực mạnh chưa từng thấy của pháo binh.

Sau đó, không chờ đến sáng, xe tăng Liên Xô tham chiến với sự yểm trợ của bộ binh. Chiến dịch đã diễn ra với sự hỗ trợ của dàn đèn pha cực mạnh, được bố trí ngay sau lưng lực lượng xung kích. Nhưng ngay cả khi áp dụng chiến thuật thông minh này, Hồng quân cũng phải mất vài ngày mới chiếm được Cao nguyên Seelow. 

 


Pháo binh Liên Xô tại Cao nguyên Seelow, tháng 4/1945. Ảnh: Getty Images


Ban đầu, gần 1 triệu lính Đức tập trung quanh Berlin. Tuy nhiên, chúng đã vấp phải lực lượng Hồng quân Liên Xô đông hơn 2,5 lần. Khi mới bắt đầu Chiến dịch Berlin, Hồng quân đã thành công trong việc cô lập phần lớn các đơn vị Đức với nội đô.

Do đó, quân đội Liên Xô chỉ phải đối mặt với vài trăm nghìn quân Đức còn lại ở Berlin, trong đó có lực lượng dân quân Volkssturm và Thanh niên Hitler. Ngoài ra có nhiều đơn vị cận vệ SS đổ về từ các quốc gia châu Âu khác nhau.

Vai trò chủ lực của xe tăng Liên Xô 

Lực lượng của Hitler tuyệt vọng tổ chức 2 tuyến phòng ngự bên trong Berlin. Nhiều ngôi nhà ở đây có cả boong-ke, và với lớp tường dày, chúng trở thành những thành trì vững chắc, khó công phá.

Mối nguy hiểm lớn đối với lực lượng xung kích của Hồng quân là các loại vũ khí chống tăng, súng bazooka và lựu đạn của địch, do phía Liên Xô chủ yếu dựa vào sức mạnh của tăng thiết giáp trong chiến dịch này. Trong không gian chiến tranh đô thị, nhiều xe tăng đã bị quân Đức phá hủy.

 


Xe tăng Hồng quân tiến vào trung tâm Berlin, năm 1945. Ảnh: RIA Novosti


Nhiều chuyên gia sau này đánh giá Hồng quân Liên Xô đã phụ thuộc quá nhiều vào tăng thiết giáp trong chiến dịch này. Tuy nhiên, theo phân tích của sử gia Soyustov, trong điều kiện cụ thể khi ấy, việc sử dụng xe tăng là hợp lý. “Nhờ có việc sử dụng lượng lớn tăng thiết giáp, quân đội Liên Xô đã tạo ra một bộ phận cơ động mạnh, hỗ trợ cho các binh sĩ tiến công, giúp họ đột kích qua các chướng ngại vật để tiến vào trung tâm thành phố”.

Chiến thuật được sử dụng trong trận Berlin dựa trên kinh nghiệm từ trận Stalingrad. Hồng quân Liên Xô lập ra các đơn vị tấn công đặc biệt, trong đó xe tăng đóng vai trò trọng yếu. Về cơ bản, lực lượng này được cơ động như sau: Bộ binh di chuyển dọc hai bên phố, kiểm tra cửa sổ ở hai bên để nhận diện các trở ngại nguy hiểm đối với xe tăng như vũ khí ngụy trang, các chướng ngại vật hay các xe tăng giấu dưới lòng đất. Nếu bộ binh phát hiện ra các mối nguy hiểm như vậy ở phía trước, họ sẽ đợi xe tăng hoặc pháo tự hành, vốn có biệt danh là “búa tạ của Stalin”, tiến tới. Khi tới nơi, các phương tiện thiết giáp này sẽ phá huỷ công sự Đức bằng hỏa lực ở cự ly gần.

Tuy nhiên, có những tình huống bộ binh không theo kịp xe thiết giáp, do vậy xe tăng bị cô lập với lực lượng yểm trợ và dễ dàng trở thành mồi ngon cho pháo và vũ khí chống tăng của Đức.

Đánh chiếm trụ sở Quốc hội Đức

Đỉnh điểm Chiến dịch Berlin là trận chiến tại trụ sở Reichstag - Quốc hội Đức Quốc xã. Khi đó, đây là tòa nhà cao nhất ở trung tâm thành phố Berlin và việc đánh chiếm nó có ý nghĩa biểu tượng lớn.

Nỗ lực đánh chiếm Reichstag vào ngày 27/4/1945 chưa thành công và cuộc giao tranh kéo dài thêm 4 ngày nữa. Bước ngoặt xảy đến vào ngày 29/4 khi Hồng quân chiếm được trụ sở Bộ Nội vụ Đức, toạ lạc trên cả một khu phố. Quân đội Liên Xô cuối cùng chiếm được trụ sở Quốc hội Đức vào tối ngày 30/4.

 

Hồng quân vẫy cờ chiến thắng trên nóc nhà Quốc hội Đức. Ảnh: Bảo tàng nghệ thuật đa phương tiện Moskva 


Sáng sớm ngày 1/5, lá quân kỳ kiêu hãnh của Sư đoàn Súng trường số 150 Hồng quân Liên Xô tung bay trên nóc tòa nhà Quốc hội Đức, đánh dấu một sự kiện lịch sử. Lá cờ này về sau được gọi là Lá cờ Chiến thắng.

Ngay trong ngày 30/4 khi Reichstag thất thủ, trùm phát xít Adolf Hitler tự sát bên trong boong-ke. Cho đến phút cuối, Hitler vẫn hy vọng lực lượng ở các khu vực khác trên lãnh thổ Đức sẽ đến giải cứu y ở Berlin nhưng điều này đã không xảy ra. Quân đội Đức đầu hàng vào ngày 2/5.

Tính chất cần thiết của Chiến dịch Berlin

 


Binh sĩ Liên Xô và Mỹ bắt tay khi hợp quân trên sông Elbe (Đức).


Theo ý kiến của giới sử gia, dù thương vong và thiệt hại của Hồng quân Liên Xô trong trận chiến cuối cùng này là rất lớn, song không thể phủ nhận tính cần thiết và quyết định của Chiến dịch Berlin. Một số nhà nghiên cứu cho rằng nếu Hồng quân chỉ dừng lại ở việc bao vây Berlin, họ có thể đánh mất thế chủ động chiến lược trước quân Đức.

Các nỗ lực của phát xít Đức trong việc phá vây từ trong ra và từ ngoài vào có thể dẫn tới mức độ thương vong lớn hơn cho quân đội Xô viết. Hơn nữa, cũng không rõ một cuộc phong toả như vậy sẽ còn kéo dài trong bao lâu.

 


Berlin hoang tàn sau khi thất thủ. Ảnh: RBTH


Nhà sử học Soyustov chỉ ra rằng nếu trì hoãn Chiến dịch Berlin thì có thể nảy sinh các vấn đề chính trị trong nội bộ các lực lượng Đồng minh. Rõ ràng vào giai đoạn cuối của cuộc chiến, các đại diện của Đệ tam Đế chế đã cố gắng đàm phán một thỏa thuận hòa bình riêng rẽ với Mỹ và Anh. Sử gia Soyustov tin rằng trong hoàn cảnh đó, “không ai có thể dự báo việc phong tỏa Berlin sẽ diễn biến theo chiều hướng nào”.


Thu Hằng (Theo RBTH)

Nguồn: baotintuc.vn
26 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.