Chuyên mục
Cái bắt tay ngắn ngủi tại Shangri-La

Cái bắt tay ngắn ngủi tại Shangri-La

Thứ bảy 03/06/2023 07:41 GMT + 7

Những nụ cười và cái bắt tay ngắn ngủi của hai bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc và Mỹ tại khách sạn Shangri-La hôm thứ Sáu cho thấy tình trạng bế tắc trong quan hệ giữa hai siêu cường hạt nhân.

 

Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lý Thượng Phúc và người đồng cấp Mỹ Lloyd Austin bắt tay trong bữa tối khai mạc Đối thoại Shangri-La lần thứ 20 tại Singapore hôm thứ Sáu.

Ảnh: Weibo

 

Trước khi đặt chân tới Singapore để tham dự hội nghị Đối thoại Shangri-La, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã bày tỏ mong muốn tổ chức một cuộc gặp với người đồng cấp Trung Quốc Lý Thượng Phúc. Tuy nhiên, những gì ông Austin nhận lại chỉ là cái lắc đầu lạnh lùng từ phía Bắc Kinh.

Thay vào đó, ông Austin đã phải giải quyết tình thế khó xử này bằng một cuộc trao đổi nhanh trong bữa tối trước một ngày cuối tuần đầy ắp các cuộc họp giữa các nhà lãnh đạo quân sự của khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Tình cảnh đang diễn ra chỉ là ví dụ mới nhất về điều mà các quan chức và nhà phân tích Mỹ mô tả là sự khác biệt đáng lo ngại giữa cách Washington và Bắc Kinh nhìn nhận rủi ro quân sự, với việc Mỹ thúc đẩy liên lạc quân sự nhiều hơn và sâu hơn, còn Trung Quốc thì miễn cưỡng tham gia.

Mối quan hệ giữa hai siêu cường ngày càng trở nên gay gắt, với hàng loạt xích mích từ vấn đề Đài Loan và hoạt động quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông, cho đến những nỗ lực của Mỹ nhằm kìm hãm ngành công nghiệp chất bán dẫn của Trung Quốc.

Lầu Năm Góc đã nỗ lực "phá băng" quan hệ quân sự bằng cách thúc đẩy các đường dây liên lạc cởi mở với các đối tác Trung Quốc, cả ở cấp lãnh đạo và cấp làm việc, để giảm thiểu nguy cơ bùng phát xung đột.

Ngược lại, các nhà lãnh đạo Trung Quốc tỏ ra hờ hững trong việc thiết lập các liên hệ quân sự và nhanh chóng cắt đứt chúng trong các giai đoạn căng thẳng ngoại giao. Các quan chức Mỹ cho biết sau khi Lầu Năm Góc quyết định bắn rơi một khinh khí cầu do thám của Trung Quốc vào đầu năm nay, các đường dây liên lạc giữa hai bên hoàn toàn bị cắt đứt.

Điều này đã làm người Mỹ thất vọng.

"Chúng tôi đã gặp rất nhiều khó khăn khi đề xuất các cuộc điện đàm, các cuộc gặp và đối thoại", Ely Ratner, trợ lý bộ trưởng quốc phòng Mỹ về khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, cho biết. "Chúng tôi đã vươn rộng bàn tay để nắm lấy các cơ hội giao tiếp giữa hai quân đội, nhưng vẫn chưa có một đối tác sẵn sàng nhất quán".

Trung Quốc có lý do rõ ràng để từ chối cuộc gặp giữa hai quan chức quốc phòng cấp cao. Bộ trưởng Lý Thượng Phúc là đối tượng bị chính phủ Mỹ trừng phạt kể từ năm 2018 khi Bắc Kinh mua máy bay chiến đấu và trang bị từ Nga.

Ông Zhu Feng, trưởng khoa Nghiên cứu Quốc tế tại Đại học Nam Kinh, cho biết chính quyền Bắc Kinh tin rằng các biện pháp trừng phạt đối với ông Lý cho thấy Mỹ không chân thành trong nỗ lực đàm phán với Trung Quốc.

"Lý do chính tại sao Trung Quốc miễn cưỡng để ông Lý gặp người Mỹ là bởi chúng tôi nghĩ rằng đối thoại phải trên cơ sở bình đẳng", ông Zhu nói.

Nhưng các yếu tố khác đằng sau động thái này, theo các nhà phân tích, bao gồm đánh giá khác nhau về rủi ro và lợi ích, cũng như các cách tiếp cận đàm phán khác nhau.

Mặc dù không nước nào muốn xảy ra đụng độ quân sự, nhưng Trung Quốc tin rằng quân đội Mỹ đang hoạt động trong phạm vi ảnh hưởng của họ, bao gồm cả ở Biển Đông và xung quanh Đài Loan.

Do đó, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đánh giá cao việc sử dụng các cuộc đàm phán quân sự để giảm bớt lo lắng của Mỹ, theo chuyên gia Jacob Stokes từ tổ chức Trung tâm An ninh Mỹ Mới.

“Trung Quốc muốn Mỹ và các đối tác của họ cảm thấy lo lắng về những rủi ro an ninh và quân sự đang gia tăng ở Đông Á và sau đó để Washington thay đổi hành vi hoạt động của mình sang trạng thái mà Bắc Kinh coi là ít đe dọa hơn”, ông Stokes chỉ ra.

Yun Sun, giám đốc chương trình Trung Quốc tại Trung tâm Stimson, nói thêm rằng Trung Quốc cũng nhận thấy những rủi ro thấp hơn so với Mỹ khi cắt đứt liên lạc quân sự.

"Đặc biệt là với cuộc chiến Ukraine đang diễn ra, người Trung Quốc không hoàn toàn thấy nguy cơ xung đột quân sự với Mỹ là đáng kể. Nếu họ tin rằng mối đe dọa cao hơn, họ sẽ có thái độ khác đối với cuộc đối thoại giữa hai quân đội ”, vị chuyên gia nói.

Ngoài ra, chính phủ Trung Quốc có cách nhìn khác về các cuộc đối thoại quân sự so với Mỹ. Phía Washington có thể muốn tách riêng các cuộc thảo luận liên quan đến an ninh, nhưng các nhà lãnh đạo tại Bắc Kinh muốn tập trung vào các vấn đề kinh tế và thương mại hơn. Từ quan điểm đó, các cuộc đàm phán quân sự trở thành thứ để mặc cả.

Daniel Russel, nhà ngoại giao hàng đầu về Đông Á dưới thời chính quyền Obama, cho biết: “Bắc Kinh rõ ràng đang ủng hộ mối quan hệ kinh tế với doanh nghiệp và chính phủ Mỹ hơn là các kênh chính trị và quốc phòng gây tranh cãi”.

 

Huy Vũ

Nguồn: ngaynay.vn
26 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.