Chuyên mục
Bước răn đe cứng rắn của Tổng thống Putin?

Bước răn đe cứng rắn của Tổng thống Putin?

Thứ ba 28/03/2023 05:18 GMT + 7

Phương Tây phản đối quyết định triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga tại Belarus, trong khi Moscow coi đây là động thái không bất thường và tương xứng với hoạt động của Mỹ trên lãnh thổ đồng minh suốt nhiều thập kỷ qua.


Đồng thời với tuyên bố chỉ trích động thái đưa vũ khí hạt nhân chiến thuật tới Belarus của Nga, Reuters ngày 27/3 dẫn lời quan chức phụ trách chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell cảnh báo Brussels sẽ siết chặt hơn nữa các biện pháp trừng phạt nhắm vào Belarus, bên cạnh các lệnh cấm vận đã được ban bố chống Minsk từ sau khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine.

 

Bệ phóng tên lửa chiến thuật Iskander của Nga. Ảnh: TASS

 

“Việc Belarus cho phép Nga triển khai vũ khí hạt nhân đồng nghĩa với sự leo thang… Belarus vẫn có thể ngăn chặn điều đó, đó là lựa chọn của họ. EU sẵn sàng đáp trả bằng các gói lệnh trừng phạt”, ông Borrell nêu trong bài đăng trên trang Twitter.

Cùng ngày, phát ngôn viên khối quân sự Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Oana Lungescu mô tả việc Moscow đưa vũ khí hạt nhân chiến thuật đến Belarus là “nguy hiểm và thiếu trách nhiệm”.

“NATO cảnh giác và chúng tôi đang theo dõi chặt chẽ tình hình”, phát ngôn viên Lungescu phát biểu. Từ Washington, với cách tiếp cận thận trọng hơn, người phát ngôn của Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ John Kirby nêu rõ, Mỹ chưa thấy dấu hiệu nào cho thấy Nga đã di chuyển vũ khí hạt nhân sang Belarus. Nước này cũng đánh giá bước đi của Nga không gây gia tăng các mối đe dọa với Mỹ. Quan chức Nhà Trắng đồng thời nêu quan điểm rằng, Mỹ không tin Nga có ý định sử dụng vũ khí hạt nhân trong cuộc xung đột ở Ukraine.

Về phần mình, ông Oleksiy Danilov, cố vấn an ninh hàng đầu của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm 26/3 nói rằng, kế hoạch của Nga có thể gây bất ổn cho Belarus. Bộ Ngoại giao Ukraine sau đó ra tuyên bố kêu gọi triệu tập một cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ), nhưng chưa rõ thời điểm. Kiev cũng hối thúc các thành viên thường trực Hội đồng Bảo an là Mỹ, Trung Quốc, Anh và Pháp có các “phản ứng hiệu quả” nhắm vào Nga.

Nga và Belarus chưa bình luận về những lời cảnh báo của phương Tây. Trong tuyên bố triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật tới Belarus được Tổng thống Nga Vladimir Putin đưa ra hôm 25/3, Moscow coi đây là bước đi cần thiết sau khi Anh chuyển vũ khí có thành phần uranium nghèo cho Ukraine, động thái mà ông Putin mô tả là dấu hiệu cho thấy “sự liều lĩnh tuyệt đối” của London.

Tổng thống Putin lập luận rằng, không có gì bất thường khi Nga triển khai vũ khí hạt nhân ở Belarus, bởi Mỹ đã làm như vậy trong nhiều thập kỷ bằng cách giữ vũ khí hạt nhân ở các căn cứ trên khắp châu Âu.

“Từ lâu họ đã triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật trên lãnh thổ của các nước đồng minh. Nga và Belarus đã đồng ý rằng chúng tôi sẽ làm điều tương tự mà không vi phạm các nghĩa vụ quốc tế về việc không phổ biến vũ khí hạt nhân”, ông Putin nhấn mạnh.

Về lộ trình, ông chủ Điện Kremlin cho biết thêm, Nga đã triển khai 10 máy bay ở Belarus có khả năng mang vũ khí hạt nhân chiến thuật. Moscow cũng chuyển giao cho Minsk một số hệ thống tên lửa chiến thuật Iskander có khả năng triển khai vũ khí hạt nhân. Dự kiến, quá trình huấn luyện sử dụng vũ khí hạt nhân ở Belarus sẽ khởi động trong tháng 4 và kho lưu trữ được hoàn tất vào đầu tháng 7/2023.

Một số nhà quan sát tin rằng, động thái của Nga-Belarus đã được cân nhắc kỹ lưỡng nhằm vừa đạt mục tiêu răn đe, vừa đảm bảo yếu tố pháp lý. Năm ngoái, Belarus đã tổ chức trưng cầu dân ý nhằm chấm dứt tình trạng quốc gia phi hạt nhân.

Theo Hiệp ước Không phổ biến Vũ khí Hạt nhân (NPT) được ký kết năm 1968, không một cường quốc hạt nhân nào được chuyển giao vũ khí hoặc công nghệ hạt nhân cho quốc gia phi hạt nhân. Tuy nhiên, văn kiện này cho phép các nước triển khai vũ khí hạt nhân bên ngoài lãnh thổ, miễn là chúng được đặt dưới sự kiểm soát của quốc gia đó. Giống như cách Mỹ vận hành vũ khí hạt nhân ở châu Âu, Nga xác nhận họ sẽ duy trì kiểm soát toàn diện vũ khí hạt nhân triển khai tại Belarus.

Theo Reuters, vũ khí hạt nhân chiến thuật có đầu đạn khá nhỏ, được thiết kế để sử dụng trong một cuộc tấn công hạn chế trên chiến trường, thay vì phá hủy quy mô lớn. Mỹ có khoảng 200 vũ khí hạt nhân chiến thuật, một nửa số này được bố trí tại các căn cứ của họ trên lục địa châu Âu.

Trong số đó, mẫu bom hạt nhân B61, với sức công phá 0,3-170 kiloton, được triển khai tại 6 căn cứ không quân ở Bỉ, Italy, Đức, Thổ Nhĩ Kỳ và Hà Lan. Mỹ thời gian qua đã chi hàng tỷ USD để nâng cấp vũ khí hạt nhân và dự kiến chuyển giao phiên bản bom hạt nhân chiến thuật B61-12 hiện đại hơn tới châu Âu, thay thế những quả đạn B61 đời cũ.

Chưa rõ số lượng vũ khí hạt nhân chiến thuật mà Nga sở hữu. Sau khi hoàn tất quá trình chuyển giao, Belarus sẽ là quốc gia đầu tiên mà Nga triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật từ sau khi Liên Xô tan rã. Trên thực tế, Nga từ lâu nắm giữ các mẫu vũ khí hạt nhân có năng lực tấn công mọi vị trí trên địa cầu.

Việc triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật tại Belarus được đánh giá là sẽ tăng thêm khả năng răn đe hạt nhân tổng thể của Nga, đồng thời cho thấy thái độ cứng rắn của Tổng thống Putin nhằm duy trì thế cân bằng trước việc khối quân sự NATO do Mỹ dẫn đầu gia tăng hiện diện ở sườn phía Đông. Belarus chia sẻ đường biên giới với 3 thành viên NATO là Ba Lan, Litva và Latvia.

Tuần trước, Ba Lan xác nhận 10.000 binh sĩ Mỹ đã tới đồn trú tại căn cứ Kosciuszko tại nước này. Năm ngoái, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda từng đề nghị Mỹ bổ sung Warsaw vào danh sách tham gia chương trình “chia sẻ hạt nhân” trong khuôn khổ NATO, động thái khiến Nga đặc biệt quan ngại.

 

Thái Hà

Nguồn: cand.com.vn
28 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.