Chuyên mục
Bên trong trung tâm đầu não điều phối vận chuyển vũ khí đến Ukraine

Bên trong trung tâm đầu não điều phối vận chuyển vũ khí đến Ukraine

Thứ tư 25/05/2022 13:33 GMT + 7

Chỉ trong vài tuần, các quan chức Mỹ và Anh đã biến một hoạt động đột xuất thành một dòng chảy liên tục đưa vũ khí vào Ukraine.

 

 

 Vận chuyển lô hàng vũ khí bao gồm tên lửa chống tăng Javelin và các khí tài quân sự khác của Mỹ tại Sân bay Boryspil gần Kiev vào ngày 25/1/2022. Ảnh: Getty Images.


Bên trong một phòng họp mới sửa sang, không lớn hơn một phòng tập bóng rổ của trường trung học, hơn một trăm binh sĩ từ 30 quốc gia khác nhau đang tính toán, vạch kế hoạch và dõi theo hầu hết những lô vũ khí, đạn dược của phương Tây hướng tới Ukraine.

Chỉ trong vài tuần qua, quân đội Anh, với sự giúp đỡ từ các đối tác Mỹ, đã biến phòng họp tại căn cứ Patch Barracks của Mỹ ở Stuttgart, Đức thành một trong những trung tâm đầu não của liên minh NATO nhằm đáp ứng những nhu cầu vũ khí của Ukraine. Nhiệm vụ của họ là đưa pháo, xe tăng, máy bay chiến đấu, đạn dược và viện trợ phi sát thương như mũ bảo hiểm từ trung tâm châu Âu vào cuộc chiến ở Donbass. Hỗ trợ họ là một số sĩ quan liên lạc Ukraine đang kết nối điện thoại với những người lính trên tiền tuyến.

Tạp chí Foreign Policy là một trong hai cơ quan truyền thông đầu tiên có quyền tiếp cận độc quyền vào cái gọi là Trung tâm Điều phối Các nhà tài trợ quốc tế này. Tại đây có 110 binh sĩ theo dõi suốt ngày đêm hoạt động chuyển giao vũ khí. Phóng viên Foreign Policy đã ghi nhận nhanh về các hoạt động của nhóm trong điều kiện giấu tên, theo các quy tắc cơ bản của Lầu Năm Góc.

Không khí tại trung tâm giống như ở một công ty khởi nghiệp, nhưng nơi này nằm gọn trong căn cứ quân sự, trong một căn phòng từng dành cho những thành viên mới gia nhập Bộ chỉ huy châu Âu của Mỹ. Căn phòng được “trang trí” bằng những vòng tròn đồng tâm toàn máy tính xách tay và tràn ngập tiếng nói chuyện rôm rả bằng nhiều ngôn ngữ khi binh sĩ các nước tụ về để lấy thiết bị quân sự đến nơi cần thiết.

 


Binh sĩ Ukraine dỡ hàng viện trợ quân sự Mỹ tại sân bay Boryspil, ngoại ô Kiev, Ukraine ngày 11/2/2022. Ảnh: AP.


"Hai tháng trước, nó không tồn tại", một quan chức quân sự cấp cao Mỹ nói với nhóm phóng viên, vừa chỉ lên màn hình mô tả chi tiết vũ khí chuyển đến Ukraine từ các trung tâm trên khắp châu Âu.

Nỗ lực này ngày càng được tổ chức quy mô và chặt chẽ hơn. Ví dụ, khi Mỹ gửi xuồng cao tốc đến Ukraine vào tháng 11/2021, “đó là kết quả của chuỗi 5.000 cuộc điện thoại", vị quan chức nói. Còn bây giờ, khoảng 4 tỷ USD viện trợ quân sự của Mỹ, thay vì được sắp xếp bởi hàng nghìn cuộc gọi điện thoại, đã có một ứng dụng (app) chuyên cho việc đó.

Trong những ngày đầu của cuộc chiến, các quan chức Mỹ và quân đội Anh làm việc riêng rẽ. Quân đội Anh - đứng đầu là Lữ đoàn 104 Theater Sustainment - đã thiết lập một hệ thống phần mềm có tên mã Ukraine giống với Craigslist - nơi người Ukraine có thể đăng yêu cầu vũ khí và các nước có thể hỗ trợ các trường hợp riêng biệt. Nhưng đến đầu tháng 4, hoạt động riêng rẽ của Mỹ và Anh đã được hợp nhất thành một đơn vị.

Mọi việc trở nên bận rộn hơn kể từ khi Lầu Năm Góc bắt đầu tổ chức hội nghị cam kết viện trợ vũ khí hàng tháng cho Ukraine từ cuối tháng 4. Giờ đây, một nhóm binh sĩ mặc quân phục đủ loại tụ tập ở trung tâm hàng ngày từ 11 giờ sáng. Các sĩ quan tác chiến theo dõi chiến trường trong thời gian thực để cập nhật thông tin về cuộc chiến giằng co ở Donbass, mà các quan chức Mỹ gọi là “một cuộc đấu súng”. Trong tuần qua, Nga đã giành quyền kiểm soát thành phố cảng chiến lược Mariupol, thị trấn Popasna và các làng ở phía nam Izyum, khiến người Ukraine phải rút quân.

Giờ đây, ngay khi xác định được nhà tài trợ cho một loại vũ khí mà Kiev cần, trung tâm điều phối sẽ tìm cách đưa nó vào Ukraine bằng đường bộ, đường hàng không hoặc đường sắt thông qua một trong số các trung tâm ở châu Âu, với tùy chọn nào hiệu quả nhất.

Một quan chức quân đội Anh cho biết, vũ khí này có thể được chuyển giao bởi các nhà thầu hoặc các lực lượng vũ trang của Ukraine. Nhưng công việc trở nên khó khăn hơn khi nhu cầu của Ukraine đã thay đổi các loại vũ khí nhỏ và vũ khí vác vai như tên lửa chống tăng Javelin và tên lửa phòng không Stinger, sang các loại vũ khí hạng nặng như máy bay, xe tăng và pháo, chẳng hạn như 108 lựu pháo M777 do Mỹ cung cấp.

Hoạt động đào tạo cũng cần phải được phối hợp. Nhiều quốc gia khác đang đưa người Ukraine sang huấn luyện ở Đông Âu, chẳng hạn như Canada huấn luyện quân đội Ukraine về pháo do Mỹ cung cấp và giúp chuyển vũ khí. Một nhóm làm việc trên thực địa ở Đông Âu đã giúp tháo rời máy bay Su-25 “Frogfoot” từ thời Liên Xô và trực thăng Mi-17 để có thể vận chuyển chúng tới Ukraine. Các quan chức cho biết người Ukraine đang thể hiện quyết tâm cao trong các buổi huấn luyện. Một chỉ huy người Anh nói: Họ không muốn nghỉ giải lao. Họ chỉ muốn tiếp tục học tập và quay trở lại [đất nước]."



Nhà Trắng cho biết gói viện trợ mới sẽ bao gồm các hệ thống pháo và xe bọc thép chở quân cùng nhiều vũ khí khác. Ảnh: Không quân Mỹ.


Ukraine cũng cần phải tìm ra cách thức đảm bảo các hệ thống vũ khí viện trợ đó vận hành được. Bên trong trung tâm điều phối, các sĩ quan đã lập một danh sách theo dõi việc huấn luyện và duy trì những vũ khí đó. Và sau khi có được những thứ vũ khí "nặng đô" hơn, như xe bọc thép, người Ukraine nhận thức được rằng yêu cầu càng cấp bách thì càng khó khăn.

Tuy vậy, Kiev vẫn đang thúc giục phương Tây phải đi xa hơn nữa. Đứng đầu danh sách mong muốn của họ là nhiều hệ thống phóng tên lửa có thể bắn hàng chục tên lửa cách xa 130km. Giới chức Ukraine cho biết Mỹ đã hạn chế gửi loại vũ khí này vì sợ xung đột leo thang hơn nữa.

Mỹ và các nước NATO vẫn đang tìm hiểu xem viện trợ vũ khí có trở thành một hoạt động chính thức hay không, giống như chiến dịch không vận Berlin đưa hàng triệu tấn lương thực và các nguồn cung cấp khác vào khu vực thuộc phe đồng minh tại thành phố Đức bị Liên Xô phong tỏa vào cuối thập niên 1940. Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Kathleen Hicks, nói rằng Washington đã chuẩn bị đợt viện trợ quân sự đầu tiên cho Ukraine từ gói hỗ trợ 40 tỷ USD được Quốc hội thông qua tuần trước.

Tuy nhiên, Washington khẳng định, “mục tiêu của Mỹ về cơ bản là hỗ trợ Ukraine, và mục tiêu cuối cùng của quốc gia sẽ được quyết định chủ yếu giữa Ukraine và Nga”. Bà Hicks nói với các phóng viên: “Chúng tôi muốn ủng hộ cách tiếp cận bảo vệ quy chế nhà nước của Ukraine và hiểu rằng ngoài điều đó, sẽ là chuyện giữa hai bên [Ukraine và Nga].”


Thu Hằng (Theo Foreign Policy)

Nguồn: baotintuc.vn
26 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.