Chuyên mục
Bầu cử tổng thống Mỹ 2024: Thương chiến Mỹ-Trung Quốc sẽ đi về đâu, còn khắc nghiệt hơn chăng?

Bầu cử tổng thống Mỹ 2024: Thương chiến Mỹ-Trung Quốc sẽ đi về đâu, còn khắc nghiệt hơn chăng?

Thứ năm 13/07/2023 06:17 GMT + 7

Căng thẳng thương mại Mỹ-Trung Quốc bùng nổ từ năm 2018 tới nay chưa hạ nhiệt và ngày càng có dấu hiệu leo thang. Tương lai của quan hệ thương mại giữa hai nước sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2024 là vấn đề được quan tâm.

 

Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung Quốc sẽ diễn ra theo chiều hướng nào sau năm 2024? (Nguồn: Getty)

 

Với tư cách là nền kinh tế số 1 và số 2 thế giới, Mỹ và Trung Quốc đã có một lịch sử “đối đầu chiến lược” lâu dài. Sự bùng nổ thương mại giữa hai nước diễn ra vào những năm 1990, khi Bắc Kinh trở thành đối tác thương mại lớn và là điểm đến quan trọng cho đầu tư của Washington.

Điều này đã tạo ra mối lo ngại ngày càng tăng ở Mỹ về sự mất cân bằng thương mại và tác động tiêu cực đến một số ngành công nghiệp địa phương.

Vào thời điểm Tổng thống Donald Trump rời nhiệm sở đầu năm 2021, quan hệ của Mỹ với Trung Quốc càng thêm căng thẳng. Mặc dù việc đàm phán và ký kết thỏa thuận giai đoạn 1 với Trung Quốc nhằm giải quyết một số mối quan tâm thương mại lớn hơn của mỗi quốc gia, chính quyền ông Trump lúc đó vẫn có lập trường cứng rắn về các vấn đề an ninh quốc gia liên quan đến Bắc Kinh.

Điều này bao gồm nhắm mục tiêu vào gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc Huawei và những lo ngại về ảnh hưởng của quốc gia Đông Bắc Á đối với cơ sở hạ tầng quan trọng của Mỹ. Mối quan hệ giữa hai nước ngày càng xấu đi khi dịch Covid-19 bùng phát và Tổng thống Trump chỉ trích cách xử lý đại dịch của Bắc Kinh.

Cuối tháng 1/2021, khi trở thành ông chủ Nhà Trắng, mặc dù ngôn ngữ và cách cư xử có thể ít mang tính “gây chiến” hơn ông Trump, nhưng Tổng thống Biden đã áp dụng cách tiếp cận thận trọng tương tự người tiền nhiệm trong quan hệ với Trung Quốc.

Ông Biden cũng đã nỗ lực kể từ khi lên nắm quyền để bảo vệ các lợi ích địa chính trị của Mỹ. Có vẻ như mối quan hệ của Washington với Bắc Kinh là một trong số ít các vấn đề nhận được sự đoàn kết trong lưỡng đảng chính trường Mỹ.

Cuộc bầu cử tổng thống diễn ra trên khắp nước Mỹ vào năm 2024, với các ứng viên của đảng Dân chủ (như đương kim Tổng thống Biden) và đảng Cộng hòa (như Thống đốc bang California Ron DeSantis), những người đều có quan điểm khá cứng rắn trong quan hệ thương mại với Trung Quốc. Vậy cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung Quốc sẽ diễn ra theo chiều hướng nào sau năm 2024?

Nước Mỹ dưới thời ông Biden: Phải ngăn chặn Trung Quốc

Có vẻ như kỷ nguyên hợp tác mong manh giữa Mỹ và Trung Quốc đang đi vào bế tắc. Chính quyền của Tổng thống Biden đang ráo riết theo đuổi chiến lược hạn chế sự thống trị của Bắc Kinh, đặc biệt là trong ngành công nghệ. Đây được đánh giá là một bước đột phá khá lớn so với chính sách của Mỹ trong 30 năm qua.

Để hạn chế điều mà Washington cho là sự trỗi dậy về kinh tế và chính trị của Bắc Kinh, ông Biden đã thực hiện chiến lược “Bảo vệ và Thúc đẩy”.

Để bảo vệ lợi ích của Mỹ, một loạt mệnh lệnh và quy tắc hành pháp đang được thực hiện nhằm làm chậm sự phát triển kinh tế và công nghệ của Trung Quốc. Trong số các biện pháp mới này có cái được gọi là Quy tắc sản phẩm trực tiếp nước ngoài (FDPR). Quy tắc thương mại được cho là “hà khắc” này nhằm ngăn chặn các nhà sản xuất chip trên toàn cầu cung cấp chip máy tính tiên tiến cho Trung Quốc.

Ngoài ra còn có một sắc lệnh hành pháp tạo ra thẩm quyền liên bang để điều chỉnh các khoản đầu tư của Mỹ vào Trung Quốc (lần đầu tiên chính phủ liên bang có khả năng can thiệp vào ngành công nghiệp Mỹ) và thỏa thuận lưỡng đảng về các bước sàng lọc đầu tư vào quốc gia Đông Bắc Á, cũng như các hạn chế đối với việc sử dụng phần mềm và ứng dụng của Trung Quốc tại Mỹ (như Tik Tok).

Hợp tác với các sáng kiến “bảo vệ” này là chương trình nghị sự của ông Biden nhằm “thúc đẩy” khả năng cạnh tranh của Washington. Điều này liên quan đến việc thực hiện các chính sách và luật pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Mỹ, bao gồm giảm áp lực lạm phát và duy trì sự ổn định về giá trong các lĩnh vực công nghệ cao chiến lược.

Ví dụ: Đạo luật Tạo ra các khuyến khích hữu ích để sản xuất chất bán dẫn cho Mỹ (còn gọi là Đạo luật CHIPS và khoa học) nhằm củng cố ngành công nghiệp bán dẫn nội địa ở nước này bằng cách cung cấp các ưu đãi tài chính và tài trợ để khuyến khích sản xuất, nghiên cứu và phát triển chất bán dẫn trong nước. Bộ luật bao gồm các điều khoản về trợ cấp và tín dụng thuế trị giá hàng trăm tỷ USD để hỗ trợ ngành.

Đạo luật CHIPS và khoa học là một kế hoạch đầy tham vọng của Washington nhằm đưa nước này quay lại thời hoàng kim, trở thành nước dẫn đầu không chỉ về các phát minh và sở hữu bản quyền công nghệ, mà còn là nhà sản xuất chất bán dẫn hàng đầu trong thập niên tới.

Đạo luật này đã được Tổng thống Mỹ Joe Biden ký ban hành thành luật từ ngày 9/8/2022 và vào thời điểm đó, quy mô của đạo luật lên tới 280 tỷ USD, trong đó riêng phần dành cho sản xuất chất bán dẫn đã lên tới 39 tỷ USD.

Mặc dù ngành công nghệ cao hiện đang nằm trong danh sách mục tiêu của chính quyền ông Biden, nhưng chính sách này cũng đặt mục tiêu triển khai chiến lược “Bảo vệ và Thúc đẩy” sang các lĩnh vực chính khác như công nghệ sinh học và năng lượng sạch - hai ngành mà Mỹ không muốn để Trung Quốc chiếm lấy vị trí dẫn đầu.

Ông Ron DeSantis sẽ nói gì?

Cách tiếp cận của ông Biden đối với thương mại và hợp tác với Trung Quốc có vẻ cứng rắn, tuy nhiên, vẫn có những người muốn có một lập trường thậm chí còn khắc nghiệt hơn đối với Bắc Kinh. Thống đốc bang California Ron DeSantis, người được coi như “ngôi sao đang lên”, ứng viên tổng thống của đảng Cộng hòa, dường như là một trong số họ.

 

 

Gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc Huawei là mục tiêu trong thương chiến Mỹ-Trung.

(Nguồn: Quartz)


Trang web của bang Florida tuyên bố rằng, Thống đốc DeSantis đã ký ba dự luật “…để chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc tại bang Florida”. Đây rõ ràng là sự leo thang căng thẳng và gợi nhớ lại thời kỳ Chiến tranh lạnh.

Với tư cách là Thống đốc bang Florida, ông DeSantis đã thể hiện rất rõ lập trường của mình liên quan đến quan hệ với Trung Quốc. Ba bộ luật chính ở Florida mà ông đã thông qua bao gồm:

Cấm các thực thể Trung Quốc mua đất nông nghiệp, đất gần trường học hoặc cơ sở hạ tầng quan trọng hoặc đất gần căn cứ quân sự ở Florida.

Cấm bất kỳ dữ liệu nhạy cảm nào được lưu trữ trên các máy chủ có liên quan đến Trung Quốc dưới bất kỳ hình thức nào.

Loại bỏ mọi ảnh hưởng của Trung Quốc trong hệ thống giáo dục Florida bằng cách cấm các nhân viên của các tổ chức giáo dục ở Florida nhận bất kỳ quà tặng nào từ các thực thể Trung Quốc.

Chặn quyền truy cập vào những ứng dụng mà ông coi là nguy hiểm, chẳng hạn như Tik Tok, trên bất kỳ máy chủ hoặc thiết bị nào của chính phủ hoặc cơ sở giáo dục.

Mới đây nhất, ngày 9/7, ông DeSantis cho biết sẽ rút lại quy chế bình thường hóa quan hệ thương mại vĩnh viễn (PNTR - còn gọi là quy chế tối huệ quốc) với Trung Quốc nếu đắc cử vào năm sau.

Trong quan hệ thương mại với Mỹ, chỉ có một số ít đối tác không hưởng quy chế này. Các khoản thuế đánh vào hàng hóa nhập khẩu từ một nước hưởng quy chế PNTR sẽ thấp hơn nhiều so với hàng nhập khẩu từ một nước không hưởng quy chế.

Rõ ràng, Thống đốc DeSantis coi Trung Quốc là mối đe dọa lớn đối với Mỹ, cả về kinh tế và văn hóa. Ông đưa ý tưởng về sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc vượt ra ngoài các hiệp định thương mại đơn giản và biến nó thành một cuộc chiến ý thức hệ, tác động đến mọi khía cạnh của đời sống Mỹ - từ thương mại và giáo dục đến niềm tin và lối sống của người dân nước này.

Nếu Thống đốc bang California của đảng Cộng hòa giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống năm tới, chắc chắn quan hệ với Trung Quốc sẽ là một vấn đề quan trọng đối với ông và những nỗ lực cắt giảm thương mại giữa hai nước sẽ được khuếch đại.

Tuy nhiên, có khả năng là vào năm 2024, Mỹ sẽ áp dụng các biện pháp tăng cường nhằm giảm khối lượng thương mại với Trung Quốc, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ cao (kéo theo các lĩnh vực quan trọng khác).

Có khả năng các quy trình hải quan sẽ ngày càng trở nên phức tạp khi hai bên đều đưa ra các biện pháp để bảo vệ nền kinh tế của chính họ và thúc đẩy phát triển tại địa phương. Nếu Thống đốc DeSantis đắc cử chức Tổng thống Mỹ, chắc chắn căng thẳng Mỹ-Trung Quốc sẽ leo thang đáng kể.


Hải An

Nguồn: baoquocte.vn
26 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.