Chuyên mục
Bắt đầu xét xử ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận nào cho bài viết này.

Bắt đầu xét xử ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh

Thứ hai 08/01/2018 04:03 GMT + 7
Sáng 8/1, TAND TP Hà Nội bắt đầu xét xử sơ thẩm ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh cùng 20 đồng phạm bị cáo khác liên quan vụ án "Cố ý làm trái..., Tham ô tài sản", xảy ra tại Tập đoàn dầu khí (PVN) và Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC).

Trả lời HĐXX tại phần kiểm tra căn cước, ông Đinh La Thăng cho biết tinh thần và sức khỏe tốt. Ảnh: Mạnh Thắng.

Khoảng 8h30, thẩm phán Nguyễn Hữu Huân – chủ tọa phiên tòa tuyên bố khai mạc phiên tòa, tiến hành kiểm tra căn cước các bị cáo, đương sự.

Tại phần kiểm tra căn cước, ông Đinh La Thăng bình tĩnh các câu hỏi của tòa. Theo đó, ông Thăng sinh ngày 10/9/1960 tại Nam Định, chỗ ở hiện nay thuộc phường Mỹ Đình I (Nam Từ Liêm, Hà Nội). Ông Thăng bị tạm giam tại trại T16 – Bộ Công an trong một vụ án khác (vụ thất thoát 800 tỷ đồng của PVN tại OceanBank – PV).

Chủ tọa Nguyễn Hữu Huân cho biết, do các bị cáo bị truy tố về tội danh có khung hình phạt cao nhất là tử hình nên HĐXX gồm 5 người, các bị cáo có thể đề nghị thay thế nếu thấy ai không vô tư, khách quan. Tất cả các bị cáo trả lời đồng ý với thành phần HĐXX.

Trong vụ án, tòa xác định 2 nguyên đơn dân sự là PVN và PVC. Đáng chú ý, ông Trịnh Xuân Giới – bố đẻ bị cáo Trịnh Xuân Thanh cũng được triệu tập trong vai trò người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan. 

Phiên tòa dự kiến kéo dài từ ngày 8 đến 21/1. Chủ tọa phiên tòa là Nguyễn Ngọc Huân, thẩm phán thứ 2 là ông Trương Việt Toàn, ngoài ra còn có 3 hội thẩm nhân dân.

Ba kiểm sát viên thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử gồm Phó viện trưởng VKSND Hà Nội Đào Thịnh Cường cùng 2 kiểm sát viên cao cấp là Nguyễn Minh Đồng và Nguyễn Mạnh Thường.

Các bị cáo tại toà sáng 8/1. Ảnh: Mạnh Thắng.

Dẫn giải bị cáo Trịnh Xuân Thanh từ phòng chờ vào phòng xử án. CLIP: Mạnh Thắng.

Phiên tòa dự kiến kéo dài từ ngày mồng 8 đến 21/1. Chủ tọa phiên tòa là Nguyễn Ngọc Huân, thẩm phán thứ 2 là ông Trương Việt Toàn, ngoài ra còn có 3 hội thẩm nhân dân.

Ba kiểm sát viên thực hiện quyền công tố và kiểm sát xét xử gồm Phó viện trưởng VKSND Hà Nội Đào Thịnh Cường cùng 2 kiểm sát viên cao cấp là Nguyễn Minh Đồng và Nguyễn Mạnh Thường.

Nguồn tin riêng của Tiền Phong cho biết, để đảm bảo buổi xét xử sơ thẩm ông Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh An ninh Bộ Công an chủ trì phối hợp với Công an Hà Nội, Công an quận Hoàn Kiếm, Phòng Cảnh sát giao thông huy động hàng chục cán bộ chiến sĩ đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông quanh Tòa án nhân dân Hà Nội. 

Theo đó, từ 5h, lực lượng CSGT, Cảnh sát trật tự đã được bố trí tại các nút giao dọc đường Hai Bà Trưng, cổng TAND Hà Nội để linh hoạt phân luồng phương tiện, không cấm phương tiện vào khu phố này tuy nhiên cảnh sát sẵn sàng triển khai các phương án theo kế hoạch.


Trịnh Xuân Thanh trước cổng TAND Hà Nội sáng 8/1.


Theo cáo trạng, PVN là Tập đoàn do Nhà nước sở hữu với vốn điều lệ 281.500 tỷ đồng và có nghĩa vụ bảo toàn và phát triển vốn. HĐTV của PVN là cơ quan đại diện theo ủy quyền của Nhà nước, chịu trách nhiệm trước Thủ tướng và pháp luật về các quyết định gây thiệt hại cho PVN và chủ sở hữu. Ông Đinh La Thăng trong thời gian lãnh đạo PVN bị cáo buộc đã mắc một số sai phạm về quản lý kinh tế, gây thiệt hại cho Nhà nước. 

Cụ thể, năm 2010, ông Thăng ủy quyền cho cấp dưới phê duyệt Tổng Cty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power) làm đầu tư Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 với số vốn gần 1,7 tỷ USD. Lúc này, PVC do Trịnh Xuân Thanh làm Chủ tịch HĐQT đã đầu tư vào 46 Cty “con” hơn 3.400 tỷ đồng, vượt hơn 1.000 tỷ đồng so với vốn điều lệ nên mất cân đối, phải trích lập dự phòng. Để tạo điều kiện cho PVC hoạt động, ông Đinh La Thăng gửi văn bản lên Thủ tướng, đề nghị PVN được giao việc cho PVC theo hình thức chỉ định thầu, đồng thời PVN được phép chỉ định thầu cho dự án Thái Bình 2. Được đồng ý, ông Thăng ký nghị quyết chọn PVC thực hiện gói thầu EPC (thiết kế, cung cấp thiết bị và thi công công trình - PV). Tháng 10/2010, ông Thăng ký nghị quyết về việc thành lập liên danh tổng thầu EPC gồm PVC và các đơn vị nước ngoài có năng lực từ Mỹ, Đức (làm phần chính).

Cũng theo cáo trạng, Bị can Trịnh Xuân Thanh, trong quá trình thực hiện dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, ông Thanh đã chỉ đạo Vũ Đức Thuận ký hợp đồng số 33 trái quy định để PVC được nhận tạm ứng 6.607.500 USD và hơn 1.312 tỷ đồng; chỉ đạo việc sử dụng hơn 1.115 tỷ đồng trong số tiền tạm ứng vào mục đích khác, không đưa vào dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, gây thiệt hại cho Nhà nước tổng số hơn 119 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, bị can Trịnh Xuân Thanh đã đề ra chủ trương cùng bị can Vũ Đức Thuận chỉ đạo Nguyễn Anh Minh, nguyên Phó Tổng giám đốc PVC và Lương Văn Hòa, nguyên giám đốc Ban điều hành Dự án Vũng Áng - Quảng Trạch thuộc PVC lập khống hồ sơ rút hơn 13 tỷ đồng từ Ban điều hành dự án Vũng Áng - Quảng Trạch để chia nhau sử dụng cá nhân trong đó Trịnh Xuân Thanh được ăn chia 4 tỉ đồng. Bị can Thanh cũng phải chịu trách nhiệm cùng Vũ Đức Thuận, Nguyễn Anh Minh, Bùi Mạnh Hiển trong việc sử dụng chung khoản tiền 1,5 tỷ đồng.

NHÓM PV
Nguồn: tienphong.vn
26 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.