Chuyên mục
Ấn Độ là lời cảnh báo cho chúng ta

Ấn Độ là lời cảnh báo cho chúng ta

Thứ ba 04/05/2021 13:07 GMT + 7

Thế giới và Việt Nam có thể học được gì từ cuộc khủng hoảng Covid-19 ở Ấn Độ? Làm sao chúng ta tránh một cuộc khủng hoảng Covid-19 quy mô lớn xảy ra ở trên chính đất nước của mình?

Chúng ta hẳn đã nghĩ 2021 sẽ là một năm tốt lành. Thế giới đã có vaccine (dù chưa nhiều người ở Việt Nam được chích). Trong những tuần tháng 1 và đầu tháng 2, số ca nhiễm virus trên toàn thế giới giảm dần đều. Mỹ, nơi hứng chịu đợt dịch kinh hoàng nhất, dần mở cửa trở lại nhờ vaccine. Chúng ta hẳn đã nghĩ về những chuyến bay quốc tế và các kỳ nghỉ ở nước ngoài.

Và “cơn sóng thần” ập đến Ấn Độ.

Sống ở một đất nước chỉ ghi nhận chưa tới 3.000 ca nhiễm trong một năm như Việt Nam, hơi khó để chúng ta tưởng tượng được sự hỗn loạn và nỗi đau đớn ở Ấn Độ ngay lúc này. Tôi chỉ có thể bàng hoàng khi đọc hết các dòng trạng thái của bạn bè ở Ấn Độ chia sẻ trên Facebook.

Chỉ mới đầu năm nay, nhiều quan chức Ấn Độ đã khẳng định rằng nước này đang “ở trong trận chiến cuối cùng với đại dịch”.

Chuyện gì xảy đến vài tuần sau đó thì chúng ta đều đã biết. Đại dịch Covid-19 đã bùng phát trở lại ở Ấn Độ. Virus lây lan phi mã đến nỗi các bệnh viện không còn đủ giường bệnh và khí oxy y tế cho bệnh nhân, còn các lò hoả thiêu và nghĩa trang dù chạy hết công suất vẫn quá tải.

Câu hỏi đặt ra là: thế giới và Việt Nam có thể học được gì từ cuộc khủng hoảng Covid-19 ở Ấn Độ? Làm sao chúng ta tránh một cuộc khủng hoảng Covid-19 quy mô lớn xảy ra ở trên chính đất nước của mình?

Thứ nhất, rõ ràng rằng Covid-19 không chừa bất kỳ một quốc gia, dân tộc hay giai cấp nào. Virus không quan tâm ta giàu hay nghèo, mạnh hay yếu, da trắng hay da màu. Tất cả chỉ có thể thật sự an toàn khi cả thế giới cùng được bảo vệ trước Covid-19.

Có vaccine là một chuyện; chuyện quan trọng không kém là làm sao mọi người đều được tiêm vaccine. Chìa khoá cho một thế giới an toàn không chỉ là phần lớn nước Mỹ đã được chủng ngừa, mà là những nước đông dân, đang phát triển đạt được miễn dịch cộng đồng.

Ngày nào còn có một vài quốc gia, đặc biệt là những quốc gia đông dân, bị hoành hành bởi đại dịch này thì ngày đó thế giới còn đối mặt với hiểm hoạ tiềm tàng. Trong trường hợp của Ấn Độ, họ là nhà sản xuất vaccine Covid-19 lớn nhất thế giới. Trong số 49 triệu liều vaccine đã được phân phối thông qua COVAX - cơ chế nhằm đảm bảo các quốc gia đang phát triển vẫn được tiếp cận vaccine - 29 triệu liều đến từ Viện Huyết thanh Ấn Độ (SII). Nếu lời tuyên bố chiến thắng của lãnh đạo và quan chức Ấn Độ là hiện thực, nước này sẽ xuất khẩu hàng trăm triệu liều vaccine cho thế giới trong năm nay. Nhưng với tình hình hiện nay, họ buộc phải tập trung nguồn lực để cứu người dân nước mình thay vì xuất khẩu vaccine sang các nước khác.

Nhìn rộng ra, việc chia sẻ vaccine cùng các trang thiết bị y tế thiết yếu, cũng như kinh nghiệm phòng dịch và dập dịch cho các nước láng giềng vào lúc này không còn đơn thuần là một nghĩa cử nhân đạo mà còn là chính sách an ninh khôn ngoan. Cứu bạn bè, cứu láng giềng là cứu lấy chính mình.

Đối với Việt Nam, việc hỗ trợ các nước ASEAN khác kiểm soát dịch là lợi ích sát sườn, đặc biệt là các nước có đường biên giới đất liền với ta như Lào hay Campuchia. Những nước láng giềng càng ổn định, càng chống dịch tốt bao nhiêu thì Việt Nam càng có vùng đệm chắc chắn bấy nhiêu trước đại dịch. Việc tạo ra một cơ sở dữ liệu chung để các nước chia sẻ các thông tin liên quan đến phòng dịch cùng với việc tạo ra một lực lượng “phản ứng nhanh” ASEAN có thể sẽ là hết sức cần thiết để cả khu vực nhanh chóng bình ổn trước hiểm hoạ Covid-19.

Thứ hai, việc các nhà lãnh đạo có những phát biểu thể hiện thái độ quá lạc quan ở Ấn Độ là một trong những nguyên do lớn khiến người dân lơ là cảnh giác. Vì thế, “cẩn tắc vô ưu” nên là kim chỉ nam dẫn dắt các chính sách và phát biểu của giới chức trách.

Trấn an người dân là cần thiết để chính phủ có thể thực hiện được mục tiêu kép, đưa cuộc sống sớm trở về trạng thái “bình thường mới”. Tuy nhiên, các phát ngôn chủ quan sẽ khiến người dân hiểu sai về mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh, gia tăng nguy cơ Covid-19 bùng phát trở lại bất kỳ lúc nào - điều đặc biệt nguy hiểm khi mức độ lây nhiễm của các biến chủng virus mới ngày càng mạnh hơn.

Cuối cùng, một cơn sóng thần Covid-19 như ở Ấn Độ có thể ập đến bất kỳ lúc nào dù ta có cẩn trọng đến đâu. Vậy nên cả chính phủ lẫn người dân đều cần chuẩn bị để ứng phó với tình huống xấu nhất. Với chính phủ, cần chuẩn bị sẵn nguồn lực để kiềm toả và dập dịch ngay khi có dấu hiệu chớm bùng dịch ở bất cứ địa bàn nào trên cả nước, đồng thời mô phỏng trước những kịch bản dịch bùng lên ở nhiều địa phương song song cùng lúc. Giải quyết được các tình huống mô phỏng sẽ giúp ta chuẩn bị tâm thế sẵn sàng hơn khi chúng thật sự xảy ra.

Nhưng rốt cuộc thành hay bại nằm ở ý thức của người dân. Trách nhiệm của chúng ta là để tâm hơn tới nguy cơ Covid dù đang đi chơi, công tác hay trong sinh hoạt thường nhật. Những bức ảnh so sánh Lễ hội tôn giáo Kumbh Mela với biển người đi du lịch ở Vũng Tàu hay Đà Lạt - dù không quá tương xứng - mang thông điệp hết sức rõ ràng: nếu không may có một vài người có mầm mống virus thì chúng ta cũng sẽ đối mặt với đại hoạ như người Ấn.

Bài toán cân đối phòng dịch và duy trì cuộc sống “bình thường” chưa bao giờ đơn giản, nhưng cần làm. Việc chuẩn bị trước kế hoạch kinh doanh trong tình hình dịch bệnh và thu xếp thời điểm đi du lịch để tránh những lúc cao điểm cũng mệt mỏi, nhưng chúng ta phải quen, như cách chúng ta làm quen với việc đeo khẩu trang ở nơi công cộng suốt một năm qua. Làm như vậy không phải là ưu tiên phòng dịch hơn mục tiêu kinh tế mà chỉ đơn thuần là kiểm soát rủi ro.

Và hơn hết, đừng quên rằng thực hiện 5K mọi lúc mọi nơi và khai báo y tế kịp thời tuy đơn giản nhưng lại là cách tối ưu nhất để chúng ta bảo vệ mình và người thân của mình trước Covid-19.

 

Ngô Di Lân

Nguồn: zingnews.vn
27 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.