Chuyên mục
Vì sao người trẻ không đi du lịch sau dịch?

Vì sao người trẻ không đi du lịch sau dịch?

Thứ hai 06/12/2021 11:48 GMT + 7

Tài chính chưa ổn định lại, công việc bận bịu và tâm lý sợ dịch khiến nhiều người trẻ ái ngại chuyện đi du lịch dịp cuối năm nay.

 

 

Các địa phương bắt đầu rục rịch mở cửa trở lại. Những vị khách quốc tế cũng xuất hiện ở Việt Nam sau cả năm chờ đợi. Du lịch dần khởi sắc sau đại dịch. Tuy nhiên, vẫn có nhiều người trẻ từ chối đi du lịch sau đợt dịch thứ 4, kể cả khi mức giá đã giảm khá nhiều. Họ có nhiều vấn đề cần lo như tiền bạc, công việc và cả dịch bệnh.



Lương Văn Thịnh - Giáo viên

 

Hiện tại, tôi đang làm giáo viên tại một trường cấp 3 ở Hà Nội. Thường thì tôi sẽ đi du lịch dài ngày khoảng 2 lần/năm. Ngoài ra, nếu rảnh, tôi cũng thường tranh thủ du lịch gần Hà Nội dịp cuối tuần.

Tôi thích những địa điểm có nhiều cảnh đẹp, hoạt động vui chơi thú vị và ẩm thực đặc sắc. Trải nghiệm là điều tôi luôn mong muốn trong mỗi chuyến đi. Với tôi, trải nghiệm quan trọng hơn nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, tôi cũng không đặt nặng vấn đề tiết kiệm khi đi du lịch vì đã đi chơi phải thoải mái. Nếu điều kiện tài chính chưa tốt, tôi sẽ tiết kiệm thêm thay vì đi một chuyến tạm bợ.

Đầu năm nay, tôi có 2 kế hoạch du lịch trong năm: một là Huế - Đà Nẵng - Hội An (Quảng Nam) và hai là Phú Yên hoặc Phú Quốc (Kiên Giang). Tiếc là chưa kịp đi đâu thì đợt dịch thứ 4 đã bùng phát. Ngay cả bây giờ, khi tình hình ổn định hơn, tôi cũng không định đi du lịch. Có lẽ năm nay, nhật ký du lịch của tôi sẽ phải để trắng.

Có nhiều lý do khiến tôi không muốn đi du lịch lúc này. Thứ nhất, tài chính của tôi cũng chưa ổn định lại sau đợt dịch quá dài và giờ cũng gần đến Tết. Ngoài ra, dịp cuối năm, công việc của tôi cũng nhiều hơn. Tôi cũng tìm hiểu và thấy các điểm du lịch chưa hoạt động lại 100% dịch vụ nên sợ đi cũng không trải nghiệm được hết.

Các chuyến đi xa bây giờ với tôi khá bất khả thi. Do đó, tôi ưu tiên tranh thủ cuối tuần đi những điểm ngoại thành Hà Nội như Ba Vì hoặc xa hơn như Mai Châu, Mộc Châu (Hòa Bình). Ngoài ra, tôi cũng thích loại hình du lịch tại chỗ (staycation). Được làm một du khách trên chính quê nhà mình cũng là trải nghiệm thú vị, giảm stress và chi phí lại nhẹ nhàng.

Trong năm tới, tôi sẽ cố đi một chuyến chứ ở nhà mãi cũng bứt rứt.

 

Giang Nguyễn - Marketing Manager


Tôi thuộc tuýp thích xê dịch nên thường đi du lịch khoảng 4-5 lần/năm. Khi đi du lịch, tôi cũng không có tiêu chí cụ thể vì tính cách khá linh hoạt. Mọi thứ tùy tâm trạng và quan trọng là những người đi cùng mình thuộc "trường phái" du lịch nào nữa.

Tuy nhiên, tôi vẫn luôn hướng đến những trải nghiệm mới lạ trong mỗi chuyến đi. Đó có thể là việc tận hưởng dịch vụ du lịch cao cấp hoặc trải nghiệm văn hóa địa phương. Những món chưa từng ăn, cảnh đẹp chưa bao giờ thấy khiến tôi muốn đi du lịch nhiều hơn nữa. Ngoài ra, đi chơi xa một mình cũng là trải nghiệm chỉ nghĩ thôi tôi đã hứng thú.

Đại dịch kéo dài buộc tôi phải học cách không đặt ra kế hoạch hay kỳ vọng du lịch để khỏi hụt hẫng, thất vọng. Khi đợt dịch thứ 4 dần qua đi, tôi chọn cách không đi du lịch dù đã tiêm đủ 2 mũi vaccine. Nguyên nhân chính là bố mẹ bị bệnh nền. Mặt khác, sau khi tìm hiểu về di chứng hậu khỏi bệnh, tôi cũng không khỏi lo lắng. Dù thích đi du lịch, tôi nghĩ viễn cảnh không bị bệnh tật vẫn sẽ tốt hơn.

Tôi cũng tính đến kế hoạch xả stress cuối năm gần thành phố, có thể tự di chuyển bằng phương tiện cá nhân để đảm bảo an toàn. Khả năng cao, tôi sẽ chọn khu nghỉ dưỡng có dịch vụ tắm onsen ở Quảng Ninh. Chi phí cho dịch vụ này không rẻ nhưng lâu không được đi đâu, tôi muốn tận hưởng chuyến đi cuối năm thật thoải mái.

Nếu năm sau tình hình dịch khả quan hơn, tôi sẽ đi du lịch thỏa thích sau 2 năm phải "nhịn".

 

Nguyễn Hoàng Vũ - Điều hành vận tải


Mọi năm, tôi thường đi du lịch khoảng 3 lần. Tuy nhiên, năm nay, mọi thứ khó khăn hơn hẳn do nguồn thu chính của tôi đến từ vận tải. Ngành du lịch vận tải gần như đóng băng 100% nên doanh thu không nhiều. Bù lại, các khu công nghiệp vẫn hoạt động nên nguồn thu vẫn ổn, đủ nuôi công ty và đỡ một khoản cho ngành dịch vụ khách sạn ở Tam Đảo (Vĩnh Phúc) và Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu).

Covid-19 khiến các kế hoạch du lịch của tôi phải bỏ xó. Vốn dĩ, năm nay, tôi đã tính đi Sơn Đoòng (Quảng Bình) và hang Dơi (Sơn La). Lúc này, tôi có khá nhiều việc phải lo, chủ yếu là hỗ trợ công ty trong thời gian cắt giảm nhân sự để đảm bảo chi phí.

Dĩ nhiên, tôi muốn đi du lịch nhưng chắc phải chờ sang năm. Cuối năm là dịp các ngành kinh tế đến kỳ chốt, làm mới hợp đồng nên tôi phải dành thời gian lên kế hoạch cho năm tới, cũng như chuẩn bị hồ sơ đấu thầu cho năm 2022. Tuy nhiên, nếu hoàn thành sớm công việc, tôi tính tham gia các câu lạc bộ leo núi để chinh phục đỉnh Fansipan (Lào Cai) cuối năm nay.

Khi du lịch mở cửa lại như xưa, tôi muốn đi xa một chút, có thể là Nhật Bản hoặc xuyên Việt. Nhưng mọi thứ chỉ là nếu thôi, còn tùy xem tình hình Covid-19 có lắng xuống không rồi tính.

 

Phúc Nguyễn - Digital Marketing


Tôi vốn không đặt mục tiêu du lịch trong năm 2021 nên không thất vọng gì. Mọi thứ nhìn chung ổn. Tôi hiểu tình hình dịch vẫn khó lường nên không muốn đặt mục tiêu du lịch quá nhiều.

Thực tế, tôi không đi du lịch không phải vì vấn đề kinh tế. Công việc của tôi không bị ảnh hưởng bởi dịch nên thu nhập vẫn ổn định. Vấn đề chính là tôi sợ dịch và cũng muốn đầu tư thêm vào những kênh mình thấy hiệu quả như chứng khoán hay bất động sản chẳng hạn.

Cuối năm, nếu rảnh rỗi, tôi có lẽ sẽ chọn staycation. Dịch vụ ở khách sạn 5 sao tại chỗ trong TP.HCM đang khá phát triển và cũng có nhiều trải nghiệm thú vị. Thời gian ngắn ngày cũng là lý do tôi ưu tiên loại hình này.

Năm sau, tôi cũng không đoán được tình hình dịch bệnh sẽ diễn biến ra sao nên chưa tính toán du lịch gì hết. Du lịch bù không nằm trong kế hoạch của tôi.

 


Nguyễn Trà My - Nhân viên văn phòng


Tôi thích những chuyến du lịch giá rẻ, thiên về trải nghiệm văn hóa địa phương và đặc sản vùng miền. Khi rủng rỉnh tiền, tôi cũng đầu tư cho những chuyến nghỉ dưỡng ở các khu resort đẹp.

Thói quen của tôi là không đặt kế hoạch du lịch sớm. Thông thường, tôi chỉ lên kế hoạch một tháng trước khi đi. Vì thế, tình hình dịch phức tạp từ giữa năm cũng không ảnh hưởng nhiều hay khiến tôi thất vọng.

Lúc này, tình hình dịch đã lắng dần nhưng tôi vẫn không nghĩ nên đi du lịch. Căn bản, tôi còn lo ngại nhiều khi những biến chủng mới tiếp tục xuất hiện. Du lịch không đi năm nay có thể đi năm sau. Nó không phải thứ bắt buộc phải làm.

Thu nhập của tôi trong đợt dịch vừa rồi không bị ảnh hưởng. Nếu thích, tôi cũng có thể xả stress ngắn ngày ở những địa điểm gần Hà Nội. Ưu tiên của tôi là đi gần để nếu có vấn đề thì vẫn "quay xe" kịp. Tôi có suy nghĩ về việc thuê homestay ở Sóc Sơn hoặc đi Hải Phòng làm "food tour".


Anh Tú

Đồ họa: Bảo Châu

Nguồn: zingnews.vn
26 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.