Chuyên mục
Vì sao Nga có ưu thế trong cuộc tranh giành ảnh hưởng ở Bắc Cực?

Vì sao Nga có ưu thế trong cuộc tranh giành ảnh hưởng ở Bắc Cực?

Thứ hai 23/11/2020 09:23 GMT + 7

Mặc dù gia tăng các cuộc tập trận ở Bắc Cực, song Na Uy, Đức, Mỹ hay các quốc gia thành viên khác của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) chưa thể hiện diện quân sự lâu dài ở khu vực này. Trong khi đó, quân đội Nga đi trước các nước này tới 10 năm.

Lý do nào đưa Nga trở thành đội quân tiên phong ở Bắc Cực? Trong bài viết mới đây trên tờ Le Point (Pháp), tác giả Guerric Poncet đã chỉ rõ “con át chủ bài” giúp Nga có ưu thế trong cuộc tranh giành ảnh hưởng ở Bắc Cực.

Dồn dập tập trận

Trên đường băng ở sân bay Bodo của Na Uy, hàng chục máy bay chiến đấu của Na Uy, Đức, Pháp và Mỹ đã khởi động động cơ, chờ lệnh xuất phát. Sau khi đèn xanh bật sáng, cứ hai chiếc một lần lượt cất cánh trước ánh mắt sững sờ của hành khách ngồi trong những máy bay thương mại đang đỗ ở rìa đường băng. Đó là những hình ảnh của cuộc tập trận không quân Arctic Challenge diễn ra hồi cuối tháng 5, đầu tháng 6-2019.

Cuộc tập trận Arctic Challenge diễn ra ở 3 nước, gồm Na Uy, Thụy Điển và Phần Lan, tập hợp hàng trăm máy bay của các nước thành viên NATO và đối tác. Theo bài tập mô phỏng cuộc đối đầu giữa Nga và phương Tây, “quân đỏ” được cho là có đặc điểm của máy bay Sukhoi và Mig của Nga, ngay cả khi chúng thực sự là hiện thân của những chiếc F-15 cũ kỹ của Mỹ, Gripens của Thụy Điển hoặc là một trong số 14 chiếc Rafale và Mirage 2000 do không quân Pháp điều động đến. 

 


Binh lính Nga làm nhiệm vụ ở Bắc Cực. Ảnh: Le Point

 

Ngoài Arctic Challenge, cuộc tập trận Trident Juncture năm 2018 được xem là lớn nhất trong 10 năm qua của NATO. Cuộc tập trận trên được tổ chức tại Na Uy và các vùng lân cận của Bắc Đại Tây Dương và biển Baltic, bao gồm Iceland và vùng trời Phần Lan cũng như Thụy Điển với sự tham gia của hơn 45.000 binh sĩ đến từ 31 quốc gia trong một "kịch bản phòng thủ tập thể".

Trong khi đó, Moscow đã tiến hành một loạt cuộc tập trận quân sự, trong đó cuộc tập trận Zapad năm 2017 quy tụ 40.000 đến 70.000 binh sĩ. Năm 2018, Nga tiến hành cuộc tập trận quy mô lớn mang tên “Vostok” với sự tham gia của 300.000 binh sĩ, 36.000 xe bọc thép, 1.000 máy bay và 80 tàu chiến.

Dù liên tiếp tiến hành các cuộc tập trận, song lực lượng NATO ở Bắc Cực còn hạn chế. “Bắc Cực là khu vực gần như độc quyền của Nga”, tờ Le Point tiết lộ.

“Con át chủ bài”

Vì sao các nước khác lại chậm chân so với Nga trong việc gia tăng ảnh hưởng tại Bắc Cực? Ông Mikaa Mered, giảng viên Trường Đại học Sciences Po ở Paris (Pháp) và là tác giả cuốn “Les Mondes polaires” (tạm dịch: Thế giới hai cực) cho rằng, chỉ có người Nga mới có thể triển khai ở bất cứ đâu tại Bắc Cực trong vòng 48 đến 72 giờ, thậm chí còn giảm xuống 24 giờ vào năm 2030.

Theo nhà nghiên cứu này, sở dĩ người Nga chịu được cái lạnh thấu xương ở Bắc Cực bởi lẽ họ đã quen với nhiệt độ cực thấp ở một số khu vực của lục địa Siberia. “Nếu quân đội đóng quân được ở Siberia, có nhiệt độ xuống tới -70oC thì đương nhiên họ sẽ hoạt động được ở Bắc Cực, nơi có nhiệt độ khoảng -30oC. Thậm chí, một lữ đoàn của Nga đã nhảy dù xuống Bắc Cực, một chiến công vượt xa tầm với của quân đội các nước khác”, ông Mikaa Mered nhấn mạnh.

Nhưng đó chưa phải là “con át chủ bài” của Nga. Với 77 tàu phá băng đang hoạt động, trong đó bao gồm 6 tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân, binh lính Nga có thể di chuyển tự do ở Bắc Cực. Dự kiến, số lượng tàu phá băng của Nga sẽ vượt qua con số 100 vào năm 2030, đặc biệt khi Moscow đưa tàu lớp Arktika mới có khả năng xuyên qua 3m băng đi vào hoạt động.

Ngoài ra, Điện Kremlin đang tài trợ cho dự án xây dựng căn cứ không quân nổi ở Bắc Băng Dương. Với giá 100 triệu euro, rẻ hơn 8 lần so với việc đóng một con tàu phá băng, căn cứ nổi này trở thành tiền đồn bảo vệ các công trình quân sự của Nga ở Bắc Cực. “Moscow có thể quan ngại hành động đối đầu của Washington, nhưng chính Nga mới là nước có khả năng hành động cao nhất ở Bắc Cực”, tờ Le Point kết luận.


BÌNH NGUYÊN

Nguồn: qdnd.vn
29 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.