Chuyên mục
Vẻ đẹp tâm hồn Nga qua những ca khúc, vũ điệu
QC TU 1
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận nào cho bài viết này.

Vẻ đẹp tâm hồn Nga qua những ca khúc, vũ điệu

Thứ năm 14/11/2013 15:54 GMT + 7
Các nghệ sĩ Nga đã cống hiến cho khán, thính giả chương trình biểu diễn thật tuyệt vời mang đậm nét dân tộc, tinh thần Nga.



Chương trình biểu diễn nghệ thuật của Dàn hợp xướng Dân gian Hàn lâm Quốc gia Nga M.E. Piatnitsky tại Trung tâm Nghệ thuật Âu Cơ đã khép lại 2 đêm biểu diễn đầy ấn tượng tại Hà Nội.

Lâu lắm rồi, khán, thính giả thủ đô mới lại được đắm mình trong tác phẩm kinh điển của nền âm nhạc Nga, những vũ điệu mê hồn của xứ sở bạch dương, những bài hát dân ca mang đậm nét dân tộc, tinh thần Nga rất trữ tình, đằm thắm, ngọt ngào nhưng cũng hết sức tươi vui, sôi nổi.

Chương trình biểu diễn ở Việt Nam lần này có sự tham gia của các nghệ sĩ nhạc thính phòng Liên bang Nga như: Alexander Polyanichko, Evgenhia Smirnova, Andrey Valentiy…; nhóm ngũ tấu Timophei Dokshiser và dàn Hợp xướng Dân gian Hàn lâm quốc gia Nga M.E.Pyatnitsky.


Các nghệ sĩ Dàn hợp xướng Dân gian Hàn lâm Quốc gia Nga M.E. Piatnitsky

Tài nghệ và sự chân thành trong phong cách diễn của các nghệ sĩ của Dàn hợp xướng Dân gian Hàn lâm Quốc gia Nga M.E. Piatnitsky đã chinh phục không chỉ các khán giả Nga mà còn nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Trong mỗi đêm diễn, các nghệ sĩ đã cống hiến cho khán giả khoảng 20 nhạc mục gồm các bài dân ca, nhạc cổ, điệu nhảy dân gian…Những điệu nhảy vùng Vologda, Saratov, Riazan thật rộn ràng, tưng bừng. Các cô thôn nữ đáng yêu, nhí nhảnh, hồn nhiên xòe những chiếc váy dân tộc trong vòng tay và điệu lượn của các chàng trai mạnh khỏe, rắn rỏi trong nhịp dập chân đặc trưng của các múa dân gian Nga. Đặc biệt là những ca khúc từ lâu đã rất quen thuộc với công chúng Việt Nam, nhất là đối với những thế hệ từng có những năm tháng gắn bó với xứ sở Bạch dương xinh đẹp, những người yêu nước Nga như Chiều Mátxcơva, Kachiusa, Triệu bông hồng. Và chẳng có gì thú vị hơn khi giai điệu của những bài hát này vang lên khi nhiều khán giả Việt Nam đã ngân nga, hòa nhịp cùng các nghệ sĩ Nga.

Và dường như các nghệ sĩ Dàn hợp xướng Dân gian Hàn lâm Quốc gia Nga M.E. Piatnitsky đã thăng hoa hơn khi được trình diễn tại mảnh đất nhỏ bé hình chữ S này - nơi có rất nhiều người yêu đất nước và con người Nga, đặc biệt là những người đã từng gắn bó với nước Nga. Và còn bởi như lời phát biểu của nữ nghệ sĩ Nhân dân Liên Xô Tatiana Ustinova, người sáng lập và chỉ đạo Đội múa trong suốt 60 năm qua tại đêm diễn thứ hai: “Chúng tôi rất vui khi tới Việt Nam, vì không chỉ được đón tiếp thịnh tình, nồng hậu mà còn được sự cổ vũ, hưởng ứng nhiệt liệt của các khán giả Việt Nam - những người mà chúng tôi được biết là rất yêu những bài hát Nga, những điệu múa Nga…”.

Với nhiều thế hệ người Việt Nam, văn hóa Nga vĩ đại luôn gần gũi và thân thiết. Những bài ca, giai điệu, những tác phẩm văn học nghệ thuật mang đậm tâm hồn Nga, giá trị Nga luôn được biết đến và hết sức trân trọng. Dù hơn 60 năm đã trôi qua, kể từ khi hai nước Việt Nam và Nga thiết lập quan hệ ngoại giao nhưng những giá trị này vẫn mãi vẹn nguyên, vẫn luôn tràn đầy trong trái tim của những người Việt yêu nước Nga.

Đêm diễn còn là món quà tặng cho những người Việt Nam đã từng sinh sống, học tập và làm việc trên đất Nga. Đa phần trong số đó nay tóc đã ngả màu nhưng vẫn luôn mang nặng tình yêu và sự biết ơn với đất nước Nga xinh đẹp, hiền hòa với những con người đôn hậu, tốt bụng đã chia sẻ, cưu mang họ những ngày tháng xa nhà, xa quê hương.

Trước đó, trong đêm khai mạc “Những ngày văn hóa Nga tại Việt Nam” tối 12/12, đoàn cũng đã trình diễn một chương trình nghệ thuật đầy cảm hứng tại Nhà hát Lớn Hà Nội.

Hoạt động văn hóa này có ý nghĩa đặc biệt, nằm trong trong chuỗi hoạt động văn hóa nghệ thuật đặc sắc kỷ niệm 96 năm Cách mạng tháng Mười Nga (7/11/1917 - 7/11/2013) và được tổ chức vào dịp Tổng thống Nga V. Putin sang thăm chính thức Việt Nam.

Tiếp sau đêm diễn này, các nghệ sĩ thính phòng Liên bang Nga, nhóm ngũ tấu kèn đồng Timôphei Docshiser và dàn Hợp xướng Dân gian Hàn lâm Quốc gia Nga M.E.Pyatnitsky sẽ tiếp tục trình diễn tại Nhà hát TP.HCM tối 15/11 và Trung tâm Văn hóa tỉnh Bình Dương tối 16/11. 

Chuỗi sự kiện này nằm trong Chương trình hợp tác văn hóa giữa Việt Nam và Liên bang Nga do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam và Bộ Văn hóa Liên bang Nga phối hợp tổ chức./.

 Các hoạt động “Những ngày văn hóa Nga ở Việt Nam”:

* Tuần phim Nga (tại Trung tâm Chiếu phim Quốc gia, HN), từ 7 -11/11.  

* Triển lãm “Những người đẹp Nga và Tâm hồn dân tộc” (Bảo tàng Hồ Chí Minh), từ 08 – 19/11.

* Triển lãm tranh của họa sĩ nổi tiếng người Nga Nikolai Reorich (Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam), từ 11-17/11.  

Một số hình ảnh của chương trình biểu diễn nghệ thuật: 


Các nghệ sĩ đã tặng cho khán giả những bài hát dân ca mang đậm nét dân tộc, tinh thần Nga, rất trữ tình, đằm thắm, ngọt ngào nhưng cũng hết sức tươi vui, sôi nổi.






Những điệu nhảy của vùng Vologda, Saratov, Riazan rộn ràng, tưng bừng




Đêm diễn còn là món quà tặng cho những người Việt Nam đã từng sinh sống, học tập và làm việc trên đất Nga.


Cả khán phòng lặng yên khi giai điệu mượt mà của ca khúc "Chiều Matsxcơva" vang lên.


Các cô thôn nữ nhí nhảnh thật đáng yêu xòe rộng những chiếc váy dân tộc cùng điệu lượn 
của các chàng trai mạnh khỏe, trong nhịp dập chân đặc trưng của múa dân gian Nga.


Tốp ca nữ trình diễn ca khúc quen thuộc với nhiều người Việt Nam "Triệu bông hồng"




Nhóm ngũ tấu




Những vũ điệu đẹp mê hồn của xứ sở bạch dương


Nữ nghệ sĩ Nhân dân Liên Xô Tatiana Ustinova, người sáng lập 
và chỉ đạo Đội múa cùng các nghệ sĩ chào khán giả Thủ đô.

Phỉ Thúy/ VOV online
Nguồn: vov.vn, vtv.vn
31 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.