Chuyên mục
Ukraine: Biểu tình lan rộng, đòi sáp nhập vào Nga
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận nào cho bài viết này.

Ukraine: Biểu tình lan rộng, đòi sáp nhập vào Nga

Thứ ba 11/03/2014 08:04 GMT + 7
Biểu tình lan ra nhiều khu vực ở Ukraine, trong khi thêm một số địa phương miền đông Ukraine đòi sáp nhập với Nga. Quân đội Ukraine có động thái quân sự ở phía tây, Mỹ đưa 12 máy bay chiến đấu F-16 cùng 300 binh sĩ tới Ba Lan nhằm hậu thuẫn cho chính quyền Kiev.


Đạo quân không rõ danh tính đã kiểm soát bán đảo Crimea mà không tốn một viên đạn. 
Ảnh: AP

Theo báo Le Monde (Pháp), trước sức ép từ Nga, chính phủ tạm quyền Ukraine đang đẩy nhanh tiến trình sáp lại với Liên minh châu Âu (EU). Ngoại trưởng Ukraine Andrii Deshchytsia tuyên bố trên truyền hình rằng, Ukraine sẽ ký thỏa ước hợp tác với EU vào khoảng 17 hoặc 21/3 tới, trước thời điểm cộng hòa tự trị Crimea trưng cầu dân ý sáp nhập với Nga.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy nói sẽ ký thỏa ước trước cuộc bầu cử tổng thống Ukraine ngày 25/5. Thỏa ước này dự kiến tăng cường hợp tác chính trị giữa Ukraine và EU trên các lĩnh vực phát triển và bảo trợ xã hội, quyền bình đẳng, giáo dục, thanh niên và hợp tác văn hóa.

Nhà Trắng thông báo, Thủ tướng tạm quyền Ukraine Arseniy Yatsenyuk sẽ tới Washington ngày 12/3, gặp Tổng thống Mỹ Barack Obama để bàn giải pháp đối phó. Nhiều chính khách và cựu quan chức Mỹ cho rằng, các biện pháp trừng phạt của Mỹ về kinh tế, không cấp visa hoặc những bước tương tự không ngăn cản được Tổng thống Nga Putin.

Trong khi tại Kiev diễn ra biểu tình ủng hộ chính quyền mới, tại nhiều địa phương miền đông Ukraine như Donetsk, Crimea…, lực lượng thân Nga cũng rầm rộ biểu tình.

Tại thành phố Sevastopol, đụng độ đã nổ ra giữa người biểu tình ủng hộ chính quyền Kiev và lực lượng đòi sáp nhập vào Nga. Gần 10.000 người biểu tình tại Donetsk, buộc thủ lĩnh thân EU và là ứng cử viên tổng thống Vitali Klitschko phải hủy bỏ cuộc mít tinh.

Tại thành trì của người nói tiếng Nga ở miền đông này, dân chúng cũng đòi sáp nhập tỉnh Donbass với Nga. Ở Luhansk cách đó 150 km, người biểu tình thân Nga đã chiếm trụ sở chính quyền và yêu cầu thống đốc từ chức.

Khó cản bước ông Putin

Trên mặt trận ngoại giao, bất chấp tăng cường tham vấn, phương Tây và Nga vẫn không thể tìm ra lối thoát cho cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất từ khi Liên Xô sụp đổ năm 1991.

Tổng thống Nga Vladimir Putin cam kết tìm kiếm một giải pháp ngoại giao, nhưng trong các cuộc điện đàm với Thủ tướng Đức Angela Merkel và Thủ tướng Anh David Cameron, ông Putin vẫn khẳng định, chính quyền Crimea trưng cầu dân ý là hoàn toàn hợp pháp và phù hợp luật pháp quốc tế.

Tổng thống Putin cũng tái khẳng định quyền được sáp nhập vào Nga của Crimea. Một nguồn tin từ Quốc hội Nga cho hay, chính phủ Nga dự kiến chi khoảng 40 tỷ rúp để hỗ trợ Crimea phát triển.

Bộ Quốc phòng Nga cho biết, đang xem xét lại việc đình chỉ cho các thanh tra viên nước ngoài vào kho vũ khí chiến lược, kể cả lực lượng tên lửa hạt nhân theo Hiệp ước START ký giữa Mỹ và Nga năm 2010 để đáp trả sự đe dọa của Mỹ và NATO.

Theo biên phòng Ukraine, khoảng 60 xe quân sự Nga đã tiến vào Ukraine bằng đường bộ và đường thủy. Tướng biên phòng Ukraine Mykola Kovil ước tính 30.000 lính Nga đang có mặt tại Crimea, vượt quá 5.000 người so với Hiệp ước Nga-Ukraine. Biên phòng Ukraine cho rằng, lực lượng Nga đã đột nhập một chốt quân sự nhằm giám sát lưu thông hàng hải.

Báo Washington Times (Mỹ) ngày 10/3 đưa tin, lực lượng Nga chiếm một vị trí ở biên giới, bắt giữ 30 người bên trong. Theo một số chuyên gia, nếu sự thực là như vậy, đây được coi là động thái mới nhất trong cuộc khủng hoảng đe dọa chia tách Ukraine làm hai nửa, đẩy Mỹ và Nga vào cuộc đối đầu căng thẳng gợi nhớ lại thời kỳ Chiến tranh lạnh. Thủ tướng tạm quyền Ukraine Arseniy Yatsenyuk tuyên bố sẽ không chịu mất dù chỉ một xăngtimét đất.

Theo hãng tin Nga Ria-Novosti, quân đội Ukraine có dấu hiệu chuyển quân ở thành phố Lviv phía tây. Ngay sau đó, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Ihor Tenyuh nói rằng, đó chỉ là hoạt động huấn luyện, nước này không có kế hoạch triển khai quân tới Crimea.

Tới thời điểm này, ông Putin vẫn bỏ ngoài tai mọi cảnh cáo nghiêm khắc của Mỹ và các đồng minh. Cựu Phó Tổng thống Mỹ Dick Cheney nói trên kênh CBS rằng, Mỹ phải làm nhiều hơn để chặn tham vọng khôi phục khối Xô Viết của ông Putin.

Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates phát biểu trên kênh Fox News rằng, ông không tin trừng phạt kinh tế, cấm vận du lịch, phong tỏa tài sản cá nhân có thể cản bước ông Putin.

Theo ông Gates, Mỹ phải có một chiến lược riêng để đối phó chiến lược dài hạn của ông Putin nhằm tập hợp các nước thuộc Liên Xô cũ vào quỹ đạo của Mátxcơva.

Thục Ninh
Nguồn: tienphong.vn
31 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.