Chuyên mục
TT Putin phê duyệt kế hoạch quốc phòng bí mật: Có điều gì khiến các đối thủ của Nga lo sợ?

TT Putin phê duyệt kế hoạch quốc phòng bí mật: Có điều gì khiến các đối thủ của Nga lo sợ?

Thứ sáu 04/12/2020 11:42 GMT + 7

Theo JF, bản kế hoạch quốc phòng giai đoạn 2021-2025 có độ bảo mật cao nhất và chi tiết trong đó chưa từng được hé lộ.

 


Bản kế hoạch bí mật

Theo tổ chức tư vấn Jamestown Foundation (JF), ngày 13/11 vừa qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký một sắc lệnh "Về việc thực thi kế hoạch quốc phòng của Liên bang Nga giai đoạn 2021-2025". Sắc lệnh này sẽ có hiệu lực chính thức vào ngày 1/1 năm sau.

Bản kế hoạch trên hiện có độ bảo mật cao nhất và chi tiết trong đó chưa từng được hé lộ. Theo các chuyên gia Nga, những tài liệu dạng này thường chứa nội dung đề cập tới những mối đe dọa và rủi ro lớn từ các thế lực bên ngoài đối với nước Nga.

Nó cũng định hình/xác định các khu vực chiến lược để phát triển lực lượng vũ trang Nga và để thực thi các chương trình quốc phòng/tái vũ trang.

Ngoài ra, mỗi bản kế hoạch thường có các điều khoản quan trọng liên quan đến các vấn đề như trình tự điều động và cơ cấu tổ chức của cái gọi là "phòng thủ lãnh thổ Nga" – một thành tố trong kế hoạch quốc phòng được Tham mưu trưởng lực lượng vũ trang Nga Valery Gerasimov đặc biệt nhấn mạnh trong các bài báo đăng tải năm 2013 và 2016.

Dựa trên những mẩu thông tin đến từ các nhà phân tích quân sự hàng đầu của Nga thì bản kế hoạch quốc phòng trước đó (giai đoạn 2016-2020) có vẻ tập trung vào 2 khía cạnh chính: 1 – Tăng cường hiệu quả của các lực lượng hạt nhân chiến lược Nga. 2 – Quy định việc sử dụng các lực lượng vũ trang được triển khai tại Quân khu miền Tây.

Những suy đoán xoay quanh

Mặc dù các chi tiết của bản kế hoạch mới (2021-2025) vẫn được giữ kín nhưng theo JF, một số chi tiết sơ bộ vẫn có thể được rút ra từ bình luận của các quan chức Nga và các đại diện của cộng đồng chuyên gia quân sự nước này.

Theo Alexander Perendzhiev - thành viên của tổ chức "Officers of Russia", bản kế hoạch được phê duyệt gồm 3 vấn đề trọng tâm. Thứ nhất, có vẻ nó đưa ra những phương thức để làm suy yếu hiệu quả của các lực lượng NATO đang hoạt động gần các vùng biên giới của Nga.

Mục này có thể có thể bao gồm các điều khoản nhằm tăng cường năng lực của Nga trong lĩnh vực chỉ huy và kiểm soát (C2), tăng hiệu quả khả năng cơ động quân sự và thực hiện các bước cần thiết để xây dựng năng lực trong chương trình tái vũ trang.

Trong bối cảnh các hoạt động do thám và thu thập thông tin tình báo của phương Tây gần biên giới Nga ngày càng tăng, bản kế hoạch có thể đề cập đến chủ đề này với một điều khoản bổ sung đặc biệt.

Thứ hai, kế hoạch mới có thể sẽ nhấn mạnh đến vai trò của Bộ Tổng tham mưu Nga do cơ quan này đảm nhận trách nhiệm trong việc lập kế hoạch và dự báo chiến lược quân sự. Vì thế, để tăng cường khả năng này, bản kế hoạch có thể sẽ nhấn mạnh tới sự cần thiết của việc nâng cao trình độ học vấn quân sự như một điều kiện tiên quyết và quan trọng để thúc đẩy tổng số chuyên gia quân sự có trình độ cao của Nga.

Vấn đề trọng tâm thứ 3 có thể là chất lượng cơ sở hạ tầng quân sự, đây là một phần không thể thiếu trong kế hoạch chuẩn bị sẵn sàng của Nga nhằm đối phó với các mối đe dọa quân sự hoặc các tình huống bất thường.

Theo thành viên Duma Quốc gia Nga Yelena Panina, một yếu tố quan trọng khác có thể được nhấn mạnh trong bản kế hoạch là các lực lượng hạt nhân chiến lược, như cách thức [cũng như các điều kiện và hoàn cảnh đặc biệt] mà Nga có thể sử dụng đến tiềm năng hạt nhân của mình để chống lại kẻ địch.

Ngoài ra, bà Panina cho rằng bản tài liệu có khả năng đề cập tới việc Nga có thể sử dụng kho vũ khí hạt nhân để răn đe/phòng ngừa, khi Nga và các đồng minh của mình đối mặt với "các mối đe dọa hiện hữu".

 


Các hệ thống tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) của Nga trong một cuộc duyệt binh. Ảnh: wionews


Có lẽ, bản phân tích toàn diện nhất về chủ đề này đến từ nhà quan sát quân sự bảo thủ Viktor Baranets, một thành viên của Hội đồng Công chúng, Bộ Quốc phòng Nga.

Trong một bài viết đăng trên tờ Komsomolskaya Pravda, ông Baranets cho rằng kế hoạch quốc phòng Nga 2021-2025 có thể đã dựa trên 5 chủ đề sau:

Đầu tiên, tài liệu có thể đề cập tới việc nâng cao năng lực của Nga trong 3 lĩnh vực quan trọng: năng lực hạt nhân chiến lược [do Mỹ rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung, cũng như quyết tâm triển khai tên lửa hạt nhân ở châu Âu và châu Á], không gian tác chiến trong vũ trụ và tác chiến mạng.

Thứ hai là các hành động trong lĩnh vực chính sách đối ngoại của Nga, với 3 mục phụ:

- Các hành động dọc theo sườn phía tây nam của Nga, đặc biệt là xét tới bối cảnh hiện nay ở Belarus, quyết tâm ngày càng tăng của chính quyền Moldova nhằm "hất cẳng" lực lượng gìn giữ hòa bình Nga ra khỏi Transnistria, diễn tiến tại Nam Caucasus – nơi Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng gia tăng tầm ảnh hưởng.

- Các hành động ở khu vực Bắc Cực – nơi Moscow coi là khu vực thống trị chiến lược của Nga nhưng đang bị đe dọa bởi các động thái tiềm tàng từ Mỹ [như biến eo biển Barents thành nút thắt cổ chai] nhằm làm giảm sức hút của Tuyến đường biển Bắc chạy dọc theo bờ biển phía bắc của Nga.

- Các kế hoạch nâng cao vai trò của Nga như một phía trung gian giảng hòa trong các cuộc đối đầu lớn ở Á-Âu [như xung đột Trung Quốc-Ấn Độ, Ấn Độ-Pakistan]. Có thể xem đó như một phương thức để Moscow nâng cao hình ảnh và uy tín của nước Nga trên trường quốc tế.

Thứ ba, bản kế hoạch quốc phòng có thể đưa ra cách duy trì khả năng cạnh tranh của Nga trên thị trường vũ khí toàn cầu. Tài liệu có thể bao gồm các biện pháp cụ thể nhằm duy trì sự thống trị của Nga trong lĩnh vực vũ khí siêu thanh và các giải pháp kỹ thuật-quân sự mới được thiết lập dựa trên tính chất thay đổi của chiến tranh [đã được chứng minh qua cuộc xung đột ở Libya và Karabakh].

 

Thứ tư là các biện pháp trong lĩnh vực kinh tế, do ảnh hưởng của các lệnh trừng phạt từ phương Tây và nhu cầu tăng hiệu quả trong chiến lược thay thế nhập khẩu của Nga.

Thứ năm có lẽ là các biện pháp chống lại những thách thức nội bộ/phức hợp như khủng bố, biểu tình…

Theo JF, cho đến nay, các chi tiết của bản kế hoạch vẫn được giữ kín nhưng các chuyên gia dường như đồng tình rằng, trọng tâm của bản kế hoạch có lẽ là giải quyết những thách thức mà Nga phải đối mặt trong 4 lĩnh vực riêng biệt: Quân sự-chính trị, địa-chính trị, địa-kinh tế và thách thức phức hợp.

Trong khi Nga có đủ kinh nghiệm và năng lực để đối phó hiệu quả với 2 lĩnh vực đầu tiên thì vẫn còn nhiều nghi ngờ về việc liệu bản kế hoạch mới có giúp Moscow giải quyết 2 lĩnh vực còn lại theo một cách thức chiến lược thực sự hay không.

 

QS

Nguồn: toquoc.vn
30 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.