Chuyên mục
Thêm 10.280 ca mắc, khủng hoảng bình chứa oxy cho F0

Thêm 10.280 ca mắc, khủng hoảng bình chứa oxy cho F0

Thứ ba 24/08/2021 08:40 GMT + 7

Ngày 23/8, Bộ Y tế cho biết vừa ghi nhận thêm 10.280 ca mắc COVID-19 với 14 ca nhập cảnh và 10.266 trường hợp trong nước (6.021 ca cộng đồng). Trong khi đó, các đơn vị cung cấp oxy miễn phí đang phải kêu gọi cộng đồng trả lại vỏ bình sau khi được cho mượn và đã bình phục để cứu mạng những F0 khác đang cần cứu trợ.

 


Các chương trình cho mượn bình oxy miễn phí đang bị nhiều người mượn chiếm dụng vỏ bình


Nhiều người cố tình chiếm giữ khiến TPHCM đối mặt với nguy cơ khủng hoảng vỏ bình oxy.

Mượn bình oxy rồi chiếm giữ

Theo phân tích của BS Nguyễn Hoài Nam, Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM, khoảng 80% bệnh nhân mắc COVID không có biểu hiện sẽ tự khỏi, khoảng 20% có biểu hiện bệnh, trong đó chỉ có 5% cần đến oxy. Sử dụng oxy là giải pháp hỗ trợ cho những trường hợp bệnh trở nặng chưa được chuyển viện điều trị khi chỉ số oxy máu (SpO2) giảm xuống dưới 95% và cần có hướng dẫn của bác sĩ.

Tuy nhiên, vì tâm lý hoang mang, lo lắng khi phát hiện mắc bệnh nên hầu hết các gia đình có người mắc COVID-19 dù không có biểu hiện triệu chứng nhưng cũng liên hệ bằng được bình oxy để trữ sẵn. Hiện nay, chương trình “ATM-oxy giúp người bệnh Sài Gòn” đang bị cộng đồng chiếm giữ rất nhiều. Những ngày qua, trên mạng xã hội liên tiếp có những thông tin “cầu cứu” xin trả lại bình oxy.

Hiện nay các trạm cung cấp oxy đang bị thiếu bình, thay vì mỗi ngày chỉ cần đổi bình khoảng 2 chuyến thì các tình nguyện viên phải đi đến 8 chuyến vì lượng bình ít phải đổi oxy liên tục.

Tương tự chương trình “Oxy cho sự sống” (số 722 Sư Vạn Hạnh, phường 12, quận 10) cung cấp oxy, hướng dẫn sử dụng miễn phí, không thế chấp cho người F0 trở nặng đang cách ly tại nhà cũng đang bị nhiều người lợi dụng. BS Võ Xuân Sơn, người quản lý chương trình Oxy cho sự sống cho biết: “Chúng tôi đang phải chấp nhận sẽ mất một số bình vì người mượn không trả. Có một số đối tượng lợi dụng lòng tốt của hoạt động thiện nguyện, chiếm đoạt bình oxy rồi mang đi bán lại cho bệnh nhân. Hiện tại chương trình đang phải tìm cách siết chặt quản lý, chỉ cho những trường hợp cần thiết mượn”.

Nguy cơ ngừng hoạt động

Phóng viên Tiền Phong đã có cuộc trao đổi với ông Hoàng Tuấn Anh, Ủy viên UBTƯ Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, Giám đốc triển khai chương trình ATM-oxy giúp người bệnh ở Sài Gòn. Ông Tuấn Anh cho biết: “Ban đầu, chúng tôi triển khai 90 bình oxy loại 8 lít để lập các trạm ở các Quận Đoàn nhưng đến nay đã phải tăng lên 1.500 bình và dự kiến sẽ nâng lên 5.000 bình trong thời gian tới”.

Tuy nhiên, trong số 1.500 bình đã cho mượn, chương trình chỉ nhận lại được khoảng 500 bình, số còn lại đang bị kẹt trong cộng đồng. Một phần trong số lượng trên là do người bệnh đang sử dụng nhưng có những người được mượn đã qua nguy kịch, sức khỏe bình phục tốt không cần dùng tới oxy nữa nhưng họ không chịu trả bình khiến công tác điều phối cho F0 đang cần oxy gặp rất nhiều khó khăn. Với lượng vỏ bình để trung chuyển nạp oxy mới còn lại mỗi ngày lực lượng tình nguyện viên chỉ có thể hỗ trợ được cho 200 đến 300 bệnh nhân. Nhiều ca bệnh nặng cần oxy nhưng số vỏ bình đã hết.

Cả BS Võ Xuân Sơn và ông Hoàng Tuấn Anh đều có chung khẳng định, việc mua bình oxy hiện nay là rất khó khăn, có tiền cũng không thể mua được vì nguồn cung tại TPHCM và các tỉnh thành gần như đã cạn kiệt. Hiện nay, số lượng F0 tại nhà đang cần hỗ trợ oxy rất lớn, nếu mỗi gia đình đều ích kỷ chiếm đoạt bình oxy không chịu trả sau khi mượn để sử dụng thì số lượng bình oxy hiện có tại thành phố chỉ như “muối bỏ biển”. Số lượng vỏ bình hiện hạn chế, việc tìm mua vỏ bình mới rất khó khăn đang khiến các chương trình cung cấp oxy miễn phí cho F0 trong cộng đồng bắt đầu rơi vào khủng hoảng. Nguy cơ các chương trình oxy miễn phí sẽ phải ngừng hoạt động vì không còn vỏ bình.

 

Thiếu trầm trọng thiết bị điều trị COVID-19

Các bệnh viện điều trị COVID-19 ở TPHCM đang thiếu trầm trọng đồ bảo hộ, thiết bị y tế phục vụ chuyên môn. Đây là một trong những nguyên nhân trực tiếp dẫn tới ca bệnh nặng, tử vong có xu hướng tăng những ngày gần đây (hơn 300 người mất mỗi ngày).

Với 2.519 bệnh nhân nặng đang phải thở máy, 19 bệnh nhân phải can thiệp ECMO, trang thiết bị hiện đại phục vụ điều trị tại các bệnh viện hiện đã được huy động tối đa công suất. Mọi nguồn lực đã được huy động nhưng đều nhanh chóng được sử dụng hết, thiếu vật tư, trang thiết bị y tế đang trở thành bài toán nan giải khiến các bệnh viện phải “kêu trời”. Khảo sát sơ bộ của phóng viên Tiền Phong ở 28 bệnh viện trong cả 3 tầng đang tiếp nhận, điều trị bệnh nhân COVID-19 cho thấy, tất cả các bệnh viện được hỏi đều trong tình trạng thiếu thốn trăm bề. Vật tư, trang thiết bị thiếu nhiều nhất hiện nay là khẩu trang N95 (đạt chuẩn), đồ bảo hộ (cấp 4), bơm tiêm điện, máy đo SpO2 chuyên dụng, monitor 5 thông số, đặc biệt là máy thở xâm lấn dòng cao dùng để điều trị các trường hợp nguy kịch.

Trung tâm Y tế quận 7 đang rất cần hỗ trợ máy đo huyết áp, nhiệt kế thủy ngân (sử dụng cho F0 cách ly tại nhà), găng tay y tế, khẩu trang N95, bình oxy nhỏ phục vụ trên xe cấp cứu. Bệnh viện COVID-19 Bình Chánh đang cần máy nước nóng lạnh để cho y bác sĩ và bệnh nhân ăn mì tôm, uống sữa, bình phun thuốc sát khuẩn loại cắm điện sạc, dép tổ ong cho y bác sĩ làm nhiệm vụ, 500 bộ đồ phòng hộ.

Đại diện Trung tâm Y tế quận Tân Phú cho biết, công tác chống dịch ngày càng khó khăn, quyết liệt hơn; vật tư y tế chưa được cấp kịp, đơn vị muốn mua nhưng ngân sách eo hẹp. Trung tâm đang xin hỗ trợ gấp đồ bảo hộ, găng tay, cồn, tấm chắn giọt bắn, khẩu trang N95 để phục vụ lấy mẫu xét nghiệm. Ngoài ra, trung tâm cần thêm cannula, mask thở, bộ bình oxy nhỏ có đồng hồ và dây, máy đo huyết áp điện tử (50 cái), nhiệt kế điện tử (30 cái), túi cấp cứu (30 cái), các loại thuốc kháng viêm, kháng đông, kháng sinh, thuốc bổ, hạ sốt, thuốc ho đông y, thuốc long đờm, thuốc huyết áp.

Bệnh viện Hùng Vương đang điều trị cho nhóm thai phụ mắc COVID-19, cần hỗ trợ gấp 1 xe cấp cứu, 1 máy siêu âm tim, 4 máy thở xâm lấn dòng cao, 7 monitor 5 thông số, 10 bơm tiêm điện, 10 máy đo SpO2 chuyên dụng, đồ bảo hộ (cấp 4), khẩu trang N95. Bệnh viện Lê Văn Thịnh đang rất cần đồ bảo hộ (cấp 3 và cấp 4), khẩu trang N95, mask hỗ trợ thở oxy, bơm tiêm điện (20 cái) monitor theo dõi bệnh nhân (20 cái), máy thở xâm lấn (20 cái)…

 

Ngày 23/8, Bộ Y tế cho biết vừa ghi nhận thêm 10.280 ca mắc COVID-19 với 14 ca nhập cảnh và 10.266 trường hợp trong nước (6.021 ca cộng đồng).

Tại TPHCM có 4.251 ca, Bình Dương (3.183), Đồng Nai (623), Tiền Giang (459), Long An (388), Bà Rịa - Vũng Tàu (154), Đà Nẵng (152)… Tối cùng ngày, Bộ Y tế ghi nhận 389 bệnh nhân COVID-19 tử vong; tại TPHCM có 340 ca, Bình Dương (34), Long An (6), Đà Nẵng (3)… Số bệnh nhân nặng đang điều trị ICU là 711; số bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO là 26. (Thái Hà)

 

Vân Sơn

Nguồn: tienphong.vn
26 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.