Chuyên mục
Sự đổ bể của ''thỏa thuận dầu bí mật'' giữa Mỹ và Ả Rập Xê-út

Sự đổ bể của ''thỏa thuận dầu bí mật'' giữa Mỹ và Ả Rập Xê-út

Thứ sáu 28/10/2022 06:13 GMT + 7

Khi tuyên bố cắt giảm sản lượng dầu được OPEC Plus đưa ra, các quan chức Mỹ cảm thấy phẫn nộ vì giống như họ đã 'bị lừa'.


Khi Tổng thống Mỹ Joe Biden lên kế hoạch cho chuyến đi đến Ả Rập Xê-út, các trợ lý hàng đầu của ông cho rằng họ đã đạt được thỏa thuận bí mật nhằm tăng sản lượng dầu sản xuất từ giờ đến cuối năm. Thỏa thuận sẽ giúp chiến dịch thân thiện của Mỹ với vương quốc này tỏ ra hiệu quả.

Nhưng mọi thứ không hoạt động như vậy.

Ông Biden vẫn có chuyến đi. Nhưng đầu tháng 10, Ả Rập Xê-út và Nga được cho là đã khiến một nhóm các nước sản xuất dầu bỏ phiếu đưa ra quyết định giảm sản lượng dầu khoảng 2 triệu thùng một ngày. Đây là kết quả trái ngược với những gì chính quyền Mỹ nghĩ rằng đã đạt được, trong khi đảng Dân chủ chật vật đối mặt với vấn đề lạm phát trong nước và giá khí đốt tăng cao, trước thềm cuộc bầu cử tháng 11.

 

Tổng thống Mỹ Biden đến Ả Rập Xê-út vào tháng 7. (Ảnh: New York Times)

 

Diễn biến đã khiến các quan chức chính quyền Biden tức giận và đánh giá lại mối quan hệ của Mỹ với Ả Rập Xê-út, đồng thời hai bên đưa ra hàng loạt tuyên bố mang tính buộc tội lẫn nhau – bao gồm tuyên bố của Nhà Trắng cho rằng Ả Rập Xê-út đang giúp Nga trong cuộc chiến tại Ukraine.

Tức giận và xấu hổ


Nửa năm trôi qua với câu chuyện của những thỏa thuận miệng, những mộng tưởng, tín hiệu sai lệch và việc chỉ trích nhau vì những lời hứa bị phá vỡ.

Thay vì xây dựng được mối quan hệ với một nhà lãnh đạo mà ông Biden từng cam kết sẽ đối xử như “người ngoài cuộc” sau vụ nhà báo Jamal Khashoggi bị ám sát, kết quả không có gì khả quan và tiếp tục là một điểm tối khác trong mối quan hệ ồn ào của Mỹ với Ả Rập Xê-út.

Diễn biến cũng cho thấy ví dụ về việc Ả Rập Xê-út có thể sẵn sàng loại bỏ phần nào sự phụ thuộc vào Mỹ, khi Thái tử Mohammed cố gắng định vị nước này như một cường quốc đứng độc lập.

Một số quan chức Mỹ nói, trước khi OPEC+ đưa ra quyết định cắt giảm sản lượng dầu chỉ vài ngày, họ vẫn nhận được sự đảm bảo của Thái tử Ả Rập Xê-út về việc điều đó sẽ không xảy ra. Khi biết Ả Rập Xê-út sẽ đảo ngược quyết định đó, họ còn nỗ lực lần cuối để hoàng gia Ả Rập đổi ý.

Bộ Năng lượng Ả Rập Xê-út tuyên bố “vương quốc chúng tôi bác bỏ mọi cáo buộc và nhấn mạnh rằng những phân tích sai lệnh do các nguồn tin ẩn danh thực hiện là hoàn toàn sai”. Bộ này nói thêm: “Quyết định của OPEC+ đạt được là nhờ sự đồng thuận của tất cả các thành viên. Đó là quyết định chủ yếu dựa trên các nguyên tắc thị trường, chứ không phải chính trị”.

Các quan chức Nhà Trắng thừa nhận họ tức giận và ngỡ ngàng trước cái gọi là sự “quay lưng” của Ả Rập Xê-út. Nhưng họ cũng cho rằng chiến lược chung nhằm giảm giá năng lượng của mình đang có hiệu quả.

“Chúng tôi không đồng ý với Ả Rập Xê-út về việc cắt giảm sản xuất mới nhất, nhưng các chính sách năng lượng của chúng tôi đã luôn tập trung vào giá, không phải số thùng. Chính sách đang thành công và giá dầu thô trong năm nay đã giảm 30%”, người phát ngôn Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ, Adrienne Watso, nói tối 25/10.

Đồng thời, các quan chức Mỹ đang chuẩn bị cho khả năng một đợt tăng giá khác xảy ra vào tháng 12, khi lệnh cấm vận của châu Âu đối với dầu Nga có hiệu lực và Ả Rập Xê-út từ chối tăng sản lượng dầu để bù đắp cho việc cắt giảm lần này. Các quan chức Mỹ cho rằng đó sẽ là một dấu hiệu khẳng định Ả Rập Xê-út đang giúp đỡ người Nga bằng cách phá hoại kế hoạch do Mỹ và châu Âu dẫn đầu.

“Mặc dù không đồng ý với quyết định của OPEC+ vào đầu tháng 10, nhưng chúng tôi nhận ra tầm quan trọng của việc tiếp tục làm việc và giao tiếp với Ả Rập Xê-út và các nhà sản xuất khác, để đảm bảo thị trường năng lượng toàn cầu ổn định và công bằng”, Amos Hochstein, đặc phái viên năng lượng của ông Biden cho biết.

 

Đoàn Tổng thống Mỹ Joe Biden gặp Thái tử Ả Rập Xê-út Mohammed bin Salman và các quan chức. (Ảnh: New York Times)


Một số nhà phân tích cho rằng các quan chức cấp cao của Mỹ và Ả Rập Xê-út đã hiểu nhầm lẫn nhau về cả vấn đề thị trường dầu mỏ và địa chính trị xung quanh Nga. 

Hussein Ibish, học giả tại Viện các quốc gia vùng Vịnh ở Washington, cho biết, việc hiểu quyết định của Ả Rập Xê-út là chuyện chỉ một số ít những người xung quanh nhà vua và thái tử làm được, và “ngay cả những người có nhiều thông tin nhất ở Mỹ cũng không biết”.

Nhà Trắng đã chỉ ra rằng họ có thể trừng phạt Ả Rập Xê-út. Một số đảng viên Dân chủ trong Quốc hội Mỹ đang muốn thu hẹp quan hệ quân sự và kinh tế với vương quốc này. Ngay cả một số người ủng hộ trung thành nhất của Tổng thống Biden cũng gọi các diễn biến là một ví dụ về việc chính quyền hy sinh nguyên tắc để đạt được hiệu quả chính trị - nhưng không đạt được như mong đợi. 

Hạ nghị sĩ Gerald E. Connolly, đảng viên Dân chủ của bang Virginia và là thành viên của Ủy ban Đối ngoại Hạ viện cho biết: “Ở đây hiện tại có một sự xấu hổ khi người Ả Rập Xê-út vui vẻ đi trên con đường của họ”.

Thỏa thuận bí mật 


Vào đầu năm, các quan chức chính quyền Biden bắt đầu lên kế hoạch để Tổng thống Mỹ thực hiện một cuộc gặp thượng đỉnh ở Ả Rập Xê-út trong chuyến thăm Israel vào mùa hè. Họ biết rằng một chuyến đi như vậy sẽ mang lại những lời chỉ trích. Trong chiến dịch tranh cử tổng thống, Mỹ đã ra lệnh giải mật một bản đánh giá tình báo rằng có khả năng Thái tử Mohammed đã ra lệnh giết nhà báo Khashoggi. Ông Biden đã tố cáo Thái tử  việc này và trong nhiệm kỳ tổng thống của mình, ông từ chối gặp trực tiếp nhà lãnh đạo này.

Nhưng một số phụ tá của Tổng thống nhìn thấy lợi ích cả ngắn hạn và dài hạn cho chuyến đi và âm thầm sửa chữa mối quan hệ. Họ nói rằng điều quan trọng là phải làm việc với Ả Rập Xê-út về các vấn đề như cuộc chiến Yemen, Iran, Israel. Khẩn cấp hơn, họ tin rằng chuyến đi có thể củng cố cam kết của Ả Rập Xê-út nhằm thuyết phục OPEC tăng sản lượng dầu, khi cuộc chiến ở Ukraine đã dẫn đến giá nhiên liệu toàn cầu tăng vọt.

Những người ủng hộ hàng đầu của chuyến thăm, bao gồm ông Hochstein và Brett McGurk, quan chức Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ về chính sách Trung Đông, đã gặp Thái tử Mohammed và các cố vấn của ông. Các quan chức Mỹ cho biết vào tháng 5, họ đạt được một thỏa thuận dầu khí riêng với Ả Rập Xê-út.

Thỏa thuận có hai phần. Đầu tiên, Ả Rập Xê-út sẽ đẩy nhanh việc tăng sản lượng thêm 400.000 thùng/ngày của OPEC+, từ tháng 9 sang tháng 7 và tháng 8. Sau đó, Ả Rập Xê-út sẽ yêu cầu nhóm thông báo tăng sản lượng thêm 200.000 thùng mỗi ngày cho mỗi tháng, từ tháng 9 đến tháng 12 năm nay.

Các quan chức Mỹ hy vọng thông báo mức tăng dần dần sẽ báo hiệu cho các thị trường rằng Ả Rập Xê-út sẵn sàng giải quyết vấn đề về nguồn cung.

Vào ngày 2/6, OPEC+ thông báo sẽ tăng sản lượng dự kiến vào tháng 9 - hoàn thành phần đầu tiên của thỏa thuận bí mật.

Cùng ngày, Nhà Trắng thông báo ông Biden sẽ sớm có chuyến công du tới Ả Rập Xê-út.

Các nhà lập pháp đảng Dân chủ vẫn hoài nghi. Hạ nghị sĩ Adam Schiff, đảng viên Dân chủ bang California và chủ tịch Ủy ban tình báo Hạ viện, nói công khai rằng ông Biden không nên đến vương quốc. Vào ngày 7/6, ông và 5 thành viên cấp cao khác của Hạ viện gửi một lá thư cho ông Biden, thúc giục ông thực hiện một cách tiếp cận thận trọng hơn đối với Ả Rập Xê-út.

Nhà Trắng đồng ý họp kín với các nhà lập pháp về các nỗ lực ngoại giao của họ trong một loạt vấn đề, bao gồm chiến tranh Yemen, quan hệ của Iran và Ả Rập Xê-út với Israel.

Đối với các nhà lập pháp đảng Dân chủ tham dự cuộc họp, cam kết về dầu mỏ từ Ả Rập Xê-út hứa hẹn giúp cho những người tiêu dùng Mỹ đang bị ảnh hưởng bởi lạm phát, cũng như ông Biden và đảng của ông khi họ tiến vào cuộc bầu cử tháng 11.

Giá dầu từ từ giảm xuống vào thời điểm ông Biden đến Jeddah, Ả Rập Xê-út ngày 15/7, để gặp Thái tử Mohammed và các nhà lãnh đạo Ả Rập khác. Sau hình ảnh Tổng thống Mỹ cụng tay với Thái tử Ả Rập Xê-út, các quan chức Nhà Trắng tin rằng ít nhất họ đã củng cố các cam kết của vương quốc này trên một số lĩnh vực.

Các quan chức Ả Rập Xê-út dường như háo hức chứng minh với người Mỹ rằng họ đã thực hiện đúng cam kết. Trong hội nghị thượng đỉnh, họ đã đưa cho các thành viên phái đoàn của ông Biden biểu đồ cho thấy giá dầu giảm từ hơn 120 USD/thùng xuống còn 101 USD/thùng. 

Người Mỹ rời hội nghị thượng đỉnh với niềm tin rằng thỏa thuận đang đi đúng hướng và Thái tử Mohammed hài lòng. Nhưng ở Riyadh, các quan chức hàng đầu nói riêng rằng họ không thấy kế hoạch tăng sản lượng dầu có ý nghĩa thêm gì.  

 

Bộ trưởng năng lượng Ả Rập Xê-út, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman.

 

Dấu hiệu công khai đầu tiên về điều này được đưa ra vào ngày 3/8, khi OPEC+ chỉ thông báo tăng sản lượng nhẹ trong tháng 9 là 100.000 thùng/ngày - một nửa so với những gì các quan chức Mỹ tin rằng Ả Rập Xê-út đã hứa với họ.

Các quan chức Mỹ không hiểu tại sao đối phương lại đưa ra quyết định đó. Sau đó, vào ngày 5/9, OPEC+ thông báo sẽ cắt giảm sản lượng 100.000 thùng/ngày - rút lại mức tăng mà họ công bố một tháng trước đó. Các quan chức Mỹ ngày càng bối rối và lo ngại về hướng đi của vương quốc.

Vào cuối tháng 9, các quan chức Mỹ bắt đầu nghe tin rằng Ả Rập Xê-út có thể yêu cầu OPEC+ thông báo cắt giảm sâu sản lượng dầu tại cuộc họp dự kiến vào ngày 5/10. Họ cố gắng để khiến Thái tử Mohammed lùi bước trước bất kỳ động thái nào như vậy.

Vào ngày 24/9, các quan chức Mỹ đã gặp trực tiếp Thái tử Mohammed và anh trai của ông là Thái tử Abdulaziz bin Salman, Bộ trưởng năng lượng Ả Rập Xê-út. Trong cuộc họp, Thái tử Mohammed đảm bảo với người Mỹ rằng sẽ không có việc cắt giảm sản lượng.

Nhưng 4 ngày sau đó, Nhà Trắng biết được điều ngược lại. Các quan chức Ả Rập Xê-út thông báo với người Mỹ rằng họ sẽ lùi việc cắt giảm sản lượng sang cuộc họp OPEC+ diễn ra ở Vienna.

Nhà Trắng cử Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen nói chuyện qua điện thoại với Mohammed al-Jadaan, Bộ trưởng Tài chính Ả Rập Xê-út, để phản đối việc cắt giảm sản lượng, nhưng điều đó đã không thể lay chuyển được nước này.

Quan chức Mỹ tin rằng Thái tử Mohammed bị ảnh hưởng đặc biệt bởi cuộc họp cấp cao ngày 27/9, trong đó Bộ trưởng Năng lượng Abdulaziz lập luận rằng cần phải cắt giảm sản lượng dầu để giữ giá không giảm mạnh xuống mức 50 USD/thùng. Thái tử Abdulaziz khẳng định rằng, theo kịch bản như vậy, chính phủ Ả Rập Xê-út sẽ thiếu nguồn lực để tài trợ cho các dự án đa dạng hóa kinh tế, trọng tâm trong chương trình nghị sự trong nước của Thái tử Mohammed.

Một số quan chức Mỹ tin rằng người Nga đã ảnh hưởng đến cục diện Ả Rập Xê-út. Họ chỉ ra mối quan hệ làm việc bền chặt của Hoàng tử Abdulaziz với các quan chức hàng đầu Nga, những người thân cận với ông Putin, đặc biệt là ông Alexander Novak, Phó Thủ tướng phụ trách chính sách năng lượng.

Các quan chức Ả Rập Xê-út kịch liệt phủ nhận và nói rằng họ coi mình như một bên hòa giải trung lập trong cuộc chiến của Nga với Ukraine. Một số quan chức Mỹ nói câu trả lời cho việc Riyadh có thực sự đứng về phía Moskva hay không sẽ được đưa ra vào ngày 4/12, khi OPEC+ dự kiến nhóm họp lại.

 

Tổng thống Nga Vladimir Putin gặp gỡ Thái tử Ả Rập Xê-út Mohammed bin Salman vào năm 2019. (Ảnh: New York Times)

 

Nhà Trắng đang làm việc với các đồng minh châu Âu để thực hiện lệnh cấm vận một phần và giới hạn giá bán dầu của Nga bắt đầu từ tháng 12, gia tăng sức ép buộc ông Putin phải chấm dứt cuộc chiến ở Ukraine, đồng thời giữ ổn định nguồn cung dầu toàn cầu. Và nếu OPEC+ từ chối thông báo tăng sản lượng tại cuộc họp, giá dầu có thể tăng cao, làm suy yếu nỗ lực của ông Biden và gây ra lạm phát toàn cầu.

Phát biểu tại một diễn đàn đầu tư thường niên ở Riyadh, Hoàng tử Abdulaziz cho rằng điều đó khó xảy ra. Ông cho biết Ả Rập Xê-út đang duy trì năng lực dự phòng để sẵn sàng đối phó với những cú sốc như vậy. Ông cũng nói vương quốc cảm thấy có trách nhiệm lớn trong việc là một “nhà cung cấp dầu đáng tin cậy”, nhưng sẽ làm những gì có lợi nhất cho mình.

“Tôi cứ phải nghe câu 'bạn ở bên chúng tôi hay chống lại chúng tôi?', có chỗ nào cho câu  'chúng tôi vì Ả Rập Xê-út và người dân Ả Rập Xê-út' không? Chúng tôi sẽ phải thực hiện tham vọng của mình”, ông nói. 

 

PHƯƠNG ANH

Nguồn: vtc.vn
27 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.