Chuyên mục
Siêu bão Goni sẽ ảnh hưởng ra sao đến Việt Nam?

Siêu bão Goni sẽ ảnh hưởng ra sao đến Việt Nam?

Chủ nhật 01/11/2020 16:39 GMT + 7

Siêu bão Goni suy yếu khi qua các đảo Philippines, khi vào Biển Đông gặp nhiều yếu tố làm cơn bão tiếp tục yếu đi nên cập bờ chỉ có cường độ cấp 8 - cấp 9, thậm chí chỉ còn là áp thấp nhiệt đới.


Ảnh chụp vệ tinh khi cơn bão Goni đi vào Philippines.

ẢNH TRUNG TÂM DỰ BÁO KHÍ TƯỢNG THỦY VĂN QUỐC GIA.


Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, lúc 13 giờ ngày 1.11, tâm bão Goni ở khoảng 13,5 độ vĩ bắc và 122,1 độ kinh đông, trên khu vực miền Trung Philippines. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14, tương đương tốc độ gió từ 150 - 165 km/giờ, giật cấp 17.


Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng tây tây bắc, mỗi giờ đi được 20 - 25 km và đi vào Biển Đông.


Đến 13 giờ ngày 2.11, vị trí tâm bão cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 560 km về phía đông đông nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10, tương đương sức gió từ 90 - 100 km/giờ, giật cấp 13.


Cũng theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia và thạc sĩ Trương Bá Kiên, Viện Khoa học khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu, bão Goni có cường độ mạnh nhất trước khi qua Philippines. Khi đi qua các đảo của Philippines nó đã ở giai đoạn phát triển và do hoàn lưu bão Goni nhỏ nên ma sát với địa hình ở Philippines làm giảm cấp trước khi vào Biển Đông.


Còn khi đi vào Biển Đông, trở thành bão số 10 trong năm nay, cơn bão này sẽ gặp nước biển lạnh, không khí khô, hoàn lưu nhỏ cùng với tương tác với bão Atsani phía ngoài nên không có khả năng tái cấu trúc lại hoàn lưu tốt như bão số 9. Dự báo, cơn bão Goni đổi hướng nhiều lần và di chuyển chậm hơn bão số 9 nên khi cập bờ khả năng chỉ có cường độ gió mạnh cấp 8 - cấp 9, thậm chí suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.


Việt Nam sử dụng ảnh vệ tinh của Nhật Bản để dự báo bão


Theo dự báo viên Nguyễn Thanh Bình, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, những cơn bão dù hình thành ngoài đại dương mênh mông tới đâu cũng không thoát được “con mắt thần” của các nhà khí tượng. Đó chính là những bức ảnh vệ tinh.


Ngày nay, những bức ảnh chụp từ vệ tinh liên tục rất nhiều lần trong ngày với nhiều dải phổ khác nhau sẽ luôn giám sát được sự hình thành và phát triển của các vùng mây trên đại dương.


Trong con mắt các chuyên gia, họ không xem nó như một bức ảnh thông thường mà sử dụng những kỹ thuật phân tích ảnh sử dụng những phần mềm chuyên dụng giúp họ xác định vị trí tâm bão, phạm vi vùng nguy hiểm của bão cũng như cường độ của bão.


Ngoài ra, thông tin từ vệ tinh cũng được đưa vào hệ thống các siêu máy tính để làm thông tin cho các mô hình mô phỏng và dự báo về cơn bão trong thời gian tới.


“Việt Nam chúng ta đang sử dụng các bức ảnh chụp từ vệ tinh Himawari của Nhật với tần suất 10 phút 1 lần và quan trắc tới 16 kênh phổ một lần chụp. Như vậy, các bạn đã hiểu được tại sao chỉ ngồi ở tại trung tâm dự báo tại Hà Nội mà các dự báo viên luôn cập nhật được hàng giờ các thông tin về cơn bão”, dự báo viên Nguyễn Thanh Bình chia sẻ.

 

Phan Hậu

Nguồn: thanhnien.vn
27 bạn đọc
Đánh giá tốt

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.