Chuyên mục
Nỗ lực ''giải vây'' khí đốt Nga, EU vẫn cận kề vùng nguy hiểm

Nỗ lực ''giải vây'' khí đốt Nga, EU vẫn cận kề vùng nguy hiểm

Thứ hai 01/08/2022 07:23 GMT + 7

Khi Nga thắt chặt nguồn cung khí đốt tự nhiên, châu Âu đang nỗ lực tìm kiếm nguồn năng lượng ở khắp mọi nơi để duy trì hoạt động của nền kinh tế.

 

Các nhà máy nhiệt điện than đang được hồi sinh để giúp EU thay thế nguồn cung khí đốt đang thiếu hụt từ Nga. Hình ảnh khói bốc lên từ một nhà máy nhiệt điện than ở Đức. (Nguồn: Getty Images)


Các nhà máy nhiệt điện than đang được hồi sinh. Hàng tỷ USD đang được chi cho các thiết bị để đón khí tự nhiên hóa lỏng (LNG), phần lớn là từ các mỏ đá phiến ở Texas, Mỹ. Các quan chức và nguyên thủ quốc gia đang bay đến Qatar, Azerbaijan, Na Uy và Algeria để hoàn tất các thỏa thuận năng lượng.

LNG “chiếm sóng" tại châu Âu


Trên khắp châu Âu, lo ngại đang gia tăng rằng, việc cắt giảm khí đốt của Nga sẽ buộc các chính phủ phải cung cấp nhiên liệu và các doanh nghiệp phải đóng cửa các nhà máy - động thái có thể khiến thị trường việc làm gặp rủi ro.

Michael Stoppard, Phó chủ tịch phụ trách Chiến lược khí đốt toàn cầu của công ty nghiên cứu S&P Global cho biết: “Có một nỗi lo rất lớn và chính đáng khi mùa Đông tới. Năm tháng sau chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine, châu Âu đang trong giai đoạn chuyển đổi nhanh chóng và nhưng vẫn không thể đảo ngược tình thế. Kế hoạch chuyển đổi dài hạn sang các nguồn năng lượng tái tạo đã bị che lấp bởi một cuộc chạy đua trong ngắn hạn để vượt qua mùa Đông tới”.

Lượng khí đốt tự nhiên đến từ Nga, từng là nguồn cung cấp nhiên liệu lớn nhất của châu Âu đã giảm 1/3 so với một năm trước. Ngày 25/7, Gazprom - “gã khổng lồ” năng lượng của Nga đã giảm mạnh dòng chảy khí đốt từ Moscow đến Berlin kể từ ngày 27/7, khiến giá khí đốt tương lai của châu Âu lên mức kỷ lục.

Một ngày sau thông báo của Gazprom, Liên minh châu Âu (EU) kêu gọi cắt giảm 15% việc sử dụng khí đốt trong toàn khối.

Động thái này nhằm “thoát ly” khí đốt tự nhiên của Nga gây bức xúc với các doanh nghiệp và buộc các chính phủ phải tìm kiếm các nguồn năng lượng thay thế.

Nỗ lực đa dạng hóa nhằm tìm ra các giải pháp thay thế cho khí đốt Nga trước mắt đã bù đắp được sự thiếu hụt.

Theo Jack Sharples, một thành viên tại Viện Nghiên cứu năng lượng Oxford, bất chấp sự cắt giảm của Gazprom, nguồn cung khí đốt tự nhiên ở châu Âu trong nửa đầu năm 2022 gần như tương đương với cùng kỳ năm ngoái.

Về cơ bản, LNG đã “thế chân” nguồn khí đốt từ Nga. Khoảng một nửa nguồn cung LNG của châu Âu đến từ Mỹ, quốc gia năm nay đã trở thành nước xuất khẩu nhiên liệu lớn nhất thế giới.

Nhìn về cuối năm 2022, các nước châu Âu đang thúc đẩy các công ty năng lượng lấp đầy các kho dự trữ để chuẩn bị sẵn sàng trong trường hợp Nga đóng cửa hoàn toàn nguồn cung.

Kho khí đốt của châu Âu hiện đã lấp đầy hơn 60%, cao hơn 10 điểm phần trăm so với một năm trước.

Nhưng những lo ngại vẫn gia tăng và vẫn còn nhiều lý do khiến nỗ lực của châu Âu có thể bị thất bại khi mùa Đông đến gần.

Các nhà phân tích cho rằng, Nga nhận thức rõ về chiến dịch tích trữ khí đốt của EU và muốn ngăn chặn điều này bằng cách làm cho dòng chảy của đường ống Dòng chảy phương Bắc bị thu hẹp lại.

Và nếu phải đối mặt với các vấn đề về thời tiết như một mùa Đông đặc biệt lạnh giá hay một cơn bão ở Biển Bắc cũng có thể đánh tan sản lượng khí đốt của Na Uy hay một cơn bão ở Đại Tây Dương có thể khiến các tàu chở LNG vận chuyển khó khăn. Điều này sẽ khiến châu Âu rơi vào tình trạng thiếu năng lượng.

 


Một cơ sở lưu trữ khí đốt tại Bierwang, Đức. (Nguồn: AFP.)

 

Châu Âu tiến gần đến vùng nguy hiểm?


Theo ông Massimo Di Odoardo tại tổ chức nghiên cứu Wood Mackenzie, châu Âu đang tiến gần đến vùng nguy hiểm.

Phản ánh những lo lắng này, giá khí đốt giao sau ở châu Âu đã tăng gấp đôi trong hai tháng qua, lên khoảng 200 Euro/MWh (Megawatt/giờ) trên sàn giao dịch TTF của Hà Lan, gấp khoảng 10 lần so với một năm trước.

Chi phí năng lượng cao ngất ngưởng ở châu Âu đang đặt nhiều ngành công nghiệp vào thế phòng thủ, buộc phải có những thay đổi có thể giúp đạt được mục tiêu tiết kiệm khí đốt tự nguyện 15% của EU. Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) gần đây dự báo, nhu cầu khí đốt trong khu vực sẽ giảm 9% trong năm nay.

Ví dụ, một nhà máy thép thuộc sở hữu của ArcelorMittal trên bến cảng sầm uất của Hamburg ở Đức trong nhiều năm đã sử dụng khí tự nhiên để chiết xuất sắt để đưa vào lò điện. Nhưng gần đây, nhà máy này đã chuyển sang mua kim loại đầu vào từ một nhà máy ở Canada để tiếp cận với năng lượng rẻ hơn.

Uwe Braun, Giám đốc điều hành nhà máy này cho biết: “Khí đốt tự nhiên tốn kém đến mức chúng tôi không đủ khả năng chi trả để vận hành theo cách thông thường”.

Rất ít nhà phân tích hoặc giám đốc điều hành kỳ vọng tình hình sẽ đỡ căng thẳng trong những tháng tới. Thay vào đó, mùa Đông có thể là thời điểm khó khăn với các ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng như lò luyện kim loại, nhà sản xuất phân bón và thủy tinh.

Tại Romania, Tập đoàn ALRO gần đây cho hay, họ đã đóng cửa sản xuất một nhà máy nhôm lớn và sa thải 500 nhân viên do chi phí năng lượng cao khiến công ty này không thể cạnh tranh.

Ở một số quốc gia, bao gồm cả Anh và Đức, các công ty năng lượng vẫn chưa chuyển đầy đủ các chi phí năng lượng tăng cao cho khách hàng. Điều đó có nghĩa là những điều tồi tệ nhất vẫn chưa xảy ra.

Giải pháp thay thế tốn kém


Trong khi đó, các lô hàng LNG, giải pháp thay thế chính cho khí đốt từ Nga cho phần lớn lục địa, vẫn là một giải pháp thay thế tốn kém. Và giải pháp này có thể đang làm tổn hại đến các khu vực khác trên thế giới phụ thuộc vào LNG.

Về cơ bản, châu Âu đang đấu thầu LNG từ các thị trường khác, chủ yếu ở châu Á, nơi Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc là những khách hàng lớn.

Ben van Beurden, Giám đốc điều hành của Shell, một nhà cung cấp LNG nhận định: “Châu Âu đang loại bỏ LNG khỏi các thị trường không sẵn sàng trả mức giá mà khu vực này có thể sẵn sàng chi trả”.

Các quốc gia như Đức và Romania cũng đang thực hiện các bước khác, bao gồm việc đưa các nhà máy điện chạy bằng than trở lại hoặc trì hoãn việc “nghỉ hưu” của những nhà máy này.

IEA dự báo, nhu cầu than toàn cầu trong năm nay sẽ đạt gần 9 tỷ tấn, so với mức đỉnh của năm 2013.

EU hiện vẫn phải đối mặt với nhiều điều không chắc chắn. Mặc dù châu Âu có khoảng hai chục nhà ga tiếp nhận khí LNG, nhưng không có nhà ga nào ở Đức.

Thời tiết cũng là yếu tố rất quan trọng và không chỉ là nỗi lo của châu Âu. Một mùa Đông lạnh giá ở châu Á, thị trường chính cho LNG, sẽ làm gia tăng sự cạnh tranh với EU.

Ông Sharples thuộc Viện Oxford nhấn mạnh: “Nếu chúng ta mất hoàn toàn nguồn cung từ Nga, thì sẽ không còn nhiều dư địa để tăng nguồn cung từ nơi khác”.

 

LINH CHI

Nguồn: baoquocte.vn
26 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.