Chuyên mục
Nhân dân tệ vượt lằn ranh đỏ: TQ không thể hạ sâu
QC TU 1
BÌNH LUẬN
Chưa có bình luận nào cho bài viết này.

Nhân dân tệ vượt lằn ranh đỏ: TQ không thể hạ sâu

Thứ ba 06/08/2019 08:55 GMT + 7
Theo chuyên gia Bùi Ngọc Sơn, Trung Quốc không thể hạ giá sâu đồng nhân dân tệ bởi như vậy sẽ lợi bất cập hại.

Ngày 5/8, tỷ giá đồng nhân dân tệ đã rớt xuống mức thấp nhất kể từ năm 2008. Theo Bloomberg, tỷ giá nhân dân tệ tại thị trường Trung Quốc đại lục giảm 1,2%, còn 7,0256 nhân dân tệ đổi 1 USD.

Cú giảm này diễn ra sau khi Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) thiết lập tỷ giá tham chiếu hàng ngày ở mức hơn 6,9 nhân dân tệ đổi 1 USD lần đầu tiên kể từ tháng 12/2018, nối tiếp sau việc Tổng thống Donald Trump bất ngờ đẩy cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung lên một ngưỡng mới bằng cách công bố kế hoạch áp thuế 10% lên 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc.

Theo chuyên gia kinh tế Bùi Ngọc Sơn (Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính trị thế giới), Trung Quốc đã nhiều lần tuyên bố không lấy đồng nhân dân tệ làm vũ khí đối phó với chiến tranh thương mại hay các mối lo bên ngoài, thế nhưng đó chỉ là tuyên bố của Trung Quốc, còn thực tế, các diễn biến trên thị trường cho thấy Trung Quốc chưa bao giờ và không bao giờ từ bỏ công cụ đó.

"Trung Quốc giảm giá đồng nhân dân tệ để tránh các khó khăn trong đàm phán với Mỹ, khi không được thì họ sẽ lại nâng giá lên", ông Bùi Ngọc Sơn nhận xét.

Việc đồng nhân dân tệ giảm giá sẽ thúc đẩy một phần xuất khẩu cho Trung Quốc, bù đắp lại phần nào những thiệt hại do thương chiến gây ra, ông Sơn cho biết. Theo vị chuyên gia, trước mắt, Trung Quốc vẫn phải trông vào xuất khẩu bởi để thay đổi thị trường bên ngoài bằng thị trường trong nước là cả một quá trình dài, không thể làm được trong chốc lát.

Diễn biến tỷ giá nhân dân tệ so với USD tại thị trường Trung Quốc đại lục qua các năm.
Ảnh: Bloomberg

"Động thái của Trung Quốc cho thấy xuất khẩu của nước này vẫn được hỗ trợ. Khi bị Mỹ đánh thuế, các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ khó bán hàng, giá hàng hóa cao lên, chính phủ dùng tỷ giá để đỡ cho doanh nghiệp những áp lực đó, có như vậy họ họ mới duy trì được.

Trung Quốc lo ngại nếu thị trường trong nước chưa phát triển được mà bên ngoài bị hỏng thì sẽ làm mất đi công ăn việc làm, thu nhập của nhóm xuất khẩu. Khi bị mất đi như vậy thì làm sao có được thị trường trong nước.

Trong ngắn hạn, Trung Quốc vẫn phải sử dụng chiêu bài nói trên vì nền kinh tế lệ thuộc vào xuất khẩu, sau này khi Trung Quốc cải cách nền kinh tế thì họ mới tính cách khác, đó là chuyện trung và dài hạn. Ở mỗi thời điểm, tùy thuộc vào mức độ lệ thuộc vào thị trường nào thì Trung Quốc cân nhắc sử dụng các công cụ khác nhau", ông Bùi Ngọc Sơn nhận xét.

Đánh giá tác động của việc nhân dân tệ hạ giá đối với thị trường tài chính, tiền tệ thế giới, chuyên gia kinh tế Bùi Ngọc Sơn cho rằng, ở thời điểm này, tác động của động thái trên là không lớn. Dĩ nhiên, các nước liên đới đến thị trường Trung Quốc nhiều, chẳng hạn như Việt Nam, phải tính vì nếu không, hàng hóa Trung Quốc giá rẻ hơn sẽ tràn vào thị trường, khi ấy rất nguy hiểm.

"Việc giảm giá của đồng nhân dân tệ có thể gây ra hiệu ứng trên toàn cầu vì khi ấy, các đồng tiền khác có thể hạ giá theo, gây ra sự hỗn loạn trên thị trường tài chính. Nhưng điều đó khó xảy ra vì Trung Quốc chỉ có thể hạ giá đồng nội tệ có mức độ.

Ngoài vấn đề xuất khẩu, Trung Quốc còn lo đối phó với tình trạng dòng vốn chảy ra ngoài. Nếu để đồng nhân dân tệ mất giá mạnh quá, nhà đầu tư thấy kinh tế Trung Quốc có thể rơi vào tình trạng hỗn loạn thì họ sẽ rút vốn ồ ạt. Lúc bấy giờ Trung Quốc không muốn hạ giá nhân dân tệ thì đồng tiền ấy cũng tự mất giá và khi ấy mọi chuyện sẽ đi quá đà", chuyên gia Bùi Ngọc Sơn nhận định.

Về cuộc đàm phán Mỹ-Trung, vị chuyên gia cho rằng hai bên "không có gì để đàm phán" bởi Trung Quốc đã xác định "câu giờ" để ép Mỹ, còn Tổng thống Donald Trump đang chịu sức ép của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp  tới (2020).

"Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chỉ chịu sức ép về kinh tế và chừng nào cuộc chiến tranh thương mại gây ra bất ổn cho kinh tế Trung Quốc thì ông Tập mới phải chịu tác động.

Ông Trump thì ngược lại, sức mạnh kinh tế vẫn có nhưng ông Trump đang bị sức ép lớn về chính trị. Hai bên ở trong tư thế đối nghịch nhau và Mỹ vẫn ở cửa trên.

Ông Trump từng là MC chương trình truyền hình thực tế, do đó, sân khấu phải là nơi độc diễn theo cách của ông ta chứ không phải của ai khác. Vì thế, cuộc thương chiến này sẽ còn nhiều biến động", chuyên gia Bùi Ngọc Sơn dự báo.

Chiều 5/8 (giờ địa phương), Bộ Tài chính Mỹ đã chính thức liệt Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ, cáo buộc Bắc Kinh phá giá đồng nhân dân tệ khi cuộc chiến thương mại giữa hai bên leo thang.

Tuyên bố của Bộ Tài chính Mỹ nêu rõ, theo sự ủy quyền của Tổng thống Donald Trump, Bộ trưởng Steven Mnuchin đã quyết định “Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ”.

Tuyên bố cũng cho biết ông Mnuchin sẽ tham vấn Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) để loại trừ ưu thế cạnh tranh không công bằng mà Trung Quốc nhận được từ hành động mới nhất liên quan đến phá giá đồng nội tệ.

Cùng ngày, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cáo buộc Trung Quốc thao túng tiền tệ sau khi Bắc Kinh hạ giá đồng Nhân dân tệ.

Trên tài khoản mạng xã hội Twitter, Tổng thống Trump nêu rõ: "Điều này được gọi là sự thao túng tiền tệ. Đây là một sự vi phạm nghiêm trọng, vốn sẽ làm suy yếu đáng kể đến Trung Quốc qua thời gian".

Thành Luân
Nguồn: baodatviet.vn
26 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.