Chuyên mục
Người từ tỉnh thành khác vào Hà Nội cần điều kiện gì?

Người từ tỉnh thành khác vào Hà Nội cần điều kiện gì?

Thứ ba 21/09/2021 14:43 GMT + 7

Sau khi Hà Nội ra chỉ thị mới nới lỏng giãn cách xã hội từ 21/9, người từ địa phương khác muốn vào thành phố cần đáp ứng các quy định về phòng, chống dịch.

Sáng 21/9, trả lời PV VTC News, Đại tá Trần Ngọc Dương, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội cho biết, thành phố chỉ đạo vẫn giữ nguyên 22 chốt kiểm soát dịch tại các cửa ngõ Thủ đô nhằm kiểm soát chặt chẽ người ra, vào thành phố, bảo vệ thành quả chống dịch đã đạt được thời gian qua.

"Các chốt sẽ kiểm soát chặt chẽ người ra vào thành phố từ các vùng có dịch, các vùng nguy cơ, các vùng nguy cơ cao. Khi ra, vào thành phố, người dân phải đáp ứng các điều kiện đã quy định", Đại tá Trần Ngọc Dương cho hay.



Đại tá Trần Ngọc Dương, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội 


Theo lãnh đạo Công an TP Hà Nội, người dân ở các địa phương đang thực hiện Chỉ thị 16 thuộc diện không được vào thành phố, nếu phát hiện, lực lượng chức năng sẽ buộc quay đầu ngay tại chốt kiểm soát.

Người ở tỉnh, thành khác vào Hà Nội làm việc, lao động trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp được phép hoạt động, cần có giấy xác nhận của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp theo mẫu, kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 bằng phương pháp PCR có giá trị trong vòng 3 ngày; kê khai rõ điểm đến; quét mã QR tại các chốt kiểm dịch tại nơi làm việc, mua bán và những nơi yêu cầu thực hiện mã QR.

Trường hợp người ở tỉnh, thành khác đưa, đón bệnh nhân khám chữa bệnh tại các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn thành phố, lễ tang, đi sân bay Nội Bài để công tác (kể cả người đưa đón) cần chuẩn bị: Căn cước công dân, hộ chiếu, vé máy bay, kết quả xét nghiệm âm tính virus SARS-CoV-2 bằng phương pháp PCR có giá trị trong vòng 3 ngày. Những trường hợp này vẫn phải chấp hành quy định quét mã QR.

Trường hợp người đi khám chữa bệnh thì phải có hồ sơ bệnh án hoặc giấy ra viện, lịch trình vào, ra; địa điểm xuất phát, nơi đến để kiểm soát quá trình tham gia lưu thông trên địa bàn thành phố…

Đại tá Trần Ngọc Dương cũng cho biết, Hà Nội chưa có quy định bắt buộc người dân từ tỉnh, thành khác trước khi vào thành phố phải tiêm vaccine COVID-19, tuy nhiên nếu người dân đã tiêm là điều kiện tốt nhất, giữ an toàn cho bản thân. 

Tối 20/9, Chủ tịch UBND Hà Nội Chu Ngọc Anh ký ban hành Chỉ thị 22 điều chỉnh một số biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn.

Theo đó, từ 6h ngày 21/9, Hà Nội áp dụng Chỉ thị 15 và một số biện pháp cao hơn phù hợp với tình hình thực tế cho đến khi hoàn thành việc tiêm chủng mũi 2 cho toàn bộ người dân trong độ tuổi tiêm chủng và có thông báo mới của thành phố.

Hà Nội cho phép hoạt động trở lại các dịch vụ kinh doanh gồm: cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống (chỉ bán hàng mang về, và đóng cửa trước 21 giờ hàng ngày); cửa hàng cắt tóc, gội đầu, dịch vụ kinh doanh, sửa chữa, rửa xe ô tô, xe máy, phương tiện giao thông, điện tử, điện lạnh và đồ gia dụng; cơ sở kinh doanh văn phòng phẩm, sách, thiết bị, đồ dùng học tập; cửa hàng kinh doanh vật tư, vật liệu xây dựng, hoạt động kinh doanh trên các sàn điện tử thương mại, sử dụng dịch vụ giao hàng trực tuyến.

Các hoạt động hội họp, các sự kiện tập trung không quá 20 người trong 1 phòng (trường hợp hội họp đông người thực sự cấp thiết do cơ quan Trung ương, cấp ủy, chính quyền địa phương quyết định và phải đảm bảo thực hiện giãn cách tối thiểu, các biện pháp phòng chống dịch); không tụ tập từ 10 người trở lên ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; yêu cầu thực hiện khoảng cách tối thiểu 2m giữa người với người tại các địa điểm công cộng.

Các cơ sở cung ứng hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, siêu thị, chợ, cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini, cửa hàng tạp hóa, cửa hàng kinh doanh hoa, quả, trái cây, chuỗi kinh doanh nông sản thực phẩm trên địa bàn; cửa hàng thuốc, trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao phục vụ khám chữa bệnh và phòng chống dịch, dịch vụ khám chữa bệnh, ngân hàng, kho bạc, các cơ sở kinh doanh dịch vụ trực tiếp liên quan đến hoạt động ngân hàng và bổ trợ doanh nghiệp, chứng khoán, bưu chính, viễn thông, dịch vụ hỗ trợ vận chuyển, xuất, nhập khẩu hàng hóa, cơ sở cai nghiện, cơ sở bảo trợ xã hội được phép hoạt động.

Ngoài xe mô tô, xe hai bánh vận chuyển bưu gửi, hàng hóa đang được phép hoạt động, cho phép xe mô tô, xe hai bánh tham gia ứng dụng công nghệ được phép hoạt động.

Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ vận chuyển bằng xe mô tô, xe hai bánh có ứng dụng công nghệ chỉ được phép bố trí không quá 50% số lượng phương tiện hoạt động.

Người giao hàng phải được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine phòng COVID 19, khai báo y tế hàng ngày trên ứng dụng VN-AID hoặc website: suckhoe.dancuquocgia.gov.vn; chịu trách nhiệm thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 theo quy định. Thời gian hoạt động từ 09h00 đến 22h00 hàng ngày (áp dụng cho cả xe mô tô, xe hai bánh đang được phép hoạt động và xe tham gia ứng dụng công nghệ).

 

Minh Tuệ

Nguồn: vtc.vn
26 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.