Chuyên mục
Người trẻ Trung Quốc đang ngày càng chuộng sống độc thân

Người trẻ Trung Quốc đang ngày càng chuộng sống độc thân

Chủ nhật 21/03/2021 10:11 GMT + 7

Số liệu thống kê chính thức cho thấy có tới 77 triệu thanh niên Trung Quốc chưa lập gia đình, sống một mình trong năm 2018. Con số này dự kiến sẽ tăng lên tới 92 triệu trong năm 2021.

 

Số người trẻ Trung Quốc lựa chọn sống một mình đang ngày càng gia tăng. (Nguồn: Getty)


Không kết hôn, không gia đình, nhiều người trẻ Trung Quốc thậm chí phải dựa vào trợ cấp xã hội để duy trì cuộc sống.

Xã hội của những người cô đơn


Ăn một mình, mua sắm một mình và sống một mình. Giống như nhiều người độc thân, anh Jiang Qinghui (37 tuổi) có một yêu cầu cụ thể khi chọn đồ gia dụng - chúng phải có kích thước nhỏ gọn. Người đàn ông độc thân này cho biết, sở dĩ anh đưa ra lựa chọn như vậy vì đồ dùng cỡ nhỏ và thông minh có thể cải thiện chất lượng cuộc sống trong khi giá đồ dùng cỡ lớn khá cao.

Anh Jiang Qinghui là một trong gần 86 triệu người trưởng thành độc thân ở Trung Quốc (số liệu năm 2019) lựa chọn sống một mình. Trong đó, nam giới hiện chiếm đa số (khoảng hơn 60%).

 

Theo báo cáo từ nền tảng hẹn hò Zhen-ai của Trung Quốc thực hiện vào quý IV/2019, hơn 1/3 số người độc thân đã duy trì tình trạng này trong hơn ba năm. Cuộc khảo sát cũng cho thấy những người độc thân dành phần lớn tiền của họ cho việc mua sắm, giao lưu và đi du lịch.

Vào đầu năm 2021, có 2 câu chuyện kỳ lạ xảy ra đã khiến dư luận Trung Quốc xôn xao.

Một phụ nữ 26 tuổi đón Tết Nguyên đán một mình trong căn hộ ở Bắc Kinh vì bị hạn chế đi lại để phòng Covid-19, đã vô tình nhốt mình trong phòng tắm. Sau hơn 30 giờ hoảng loạn cố gắng thu hút sự chú ý từ bên ngoài, cô cuối cùng đã được giải cứu bởi một người hàng xóm khi nghe thấy tiếng đập ống nước.

Tại thành phố Trùng Khánh (Tây Nam Trung Quốc), một kỹ thuật viên 39 tuổi đã quyết định vào viện dưỡng lão sau khi anh ta được chẩn đoán mắc bệnh viêm bao hoạt dịch khớp gối. Lý do được anh này đưa ra là vì không có người thân, chưa lập gia đình và không có ai chăm sóc.

Hai trường hợp trên chỉ là những điển hình trong vô số những câu chuyện về các thanh niên Trung Quốc thuộc thế hệ "những người trẻ không có tổ ấm" - cụm từ được mượn từ thuật ngữ của những người lớn tuổi để nói lên sự cô đơn.

Với việc ngày càng có nhiều người độc thân ở độ tuổi 20-30 tại các thành phố lớn lựa chọn không lập gia đình, sống một mình, những câu chuyện như vậy đã trở nên phổ biến, đặc biệt trong bối cảnh Trung Quốc đang dần bắt kịp các nước công nghiệp phát triển, nơi các cá nhân, thay vì các gia đình truyền thống, đã trở thành nền tảng của xã hội.

David McDaid, một nhà nghiên cứu về sức khỏe tâm thần tại Trường Kinh tế London (Anh), cho rằng sự xói mòn của gia đình hạt nhân và cảm giác mất kết nối ở nơi làm việc đã làm gia tăng số người lựa chọn sống cô đơn trong xã hội những năm gần đây.

Dưới sự tác động của đại dịch toàn cầu, việc ở một mình và cô đơn đang nhanh chóng trở thành "tình trạng bình thường mới" trên toàn thế giới.

Động lực thúc đẩy nền kinh tế cô đơn


Dù vậy, đối với thế hệ trẻ Trung Quốc đang lớn lên trong một thế giới bão hòa về công nghệ, tương lai của cuộc sống độc thân không phải quá xám xịt.

Anh Wang Jianle (17 tuổi) đã tự nguyện chuyển ra khỏi nhà của cha mẹ vào năm cuối trung học vì muốn có nhiều không gian và tự do hơn. Wang thừa nhận, có những bất tiện của việc sống một mình khi còn là một thiếu niên như việc dọn dẹp nhà cửa và thường xuyên phải gọi đồ ăn mang về mỗi ngày vì cậu không thể tự nấu ăn. Nhưng nhờ ở một mình, Wang đã có khoảng thời gian yên tĩnh để dành riêng cho việc học.

Bên cạnh một số lợi ích, có những lý do khác khiến việc sống một mình đang ngày càng được nhiều xã hội chấp nhận. Theo chuyên gia xã hội học Eric Klinenberg, những người độc thân sẵn sàng chi tiêu nhiều tiền cho việc ăn uống, sở thích và giải trí hơn những người đã kết hôn, góp phần đáng kể vào sự phát triển nhanh chóng của “nền kinh tế cô đơn”.

 

Trong một cuốn sách về xu hướng sống một mình ở giới trẻ, chuyên gia Eric Klinenberg khẳng dịnh : “Sự gia tăng của xu hướng sống một mình là một trải nghiệm xã hội có thể thay đổi. Nó thay đổi cách chúng ta hiểu bản thân và những mối quan hệ thân thiết nhất của chúng ta. Nó định hình cách chúng ta xây dựng thành phố và phát triển nền kinh tế ".

Theo SCMP, thế hệ độc thân tại Trung Quốc đang trở thành những đối tượng khách hàng hàng đầu của các doanh nghiệp như Petkit, Miniso Group, Pop Mart International và Little Bear Electrical Appliances.

Các doanh nghiệp được hưởng lợi từ sức mua ngày càng tăng của nhóm đối tượng này khi những người độc thân Trung Quốc chiều chuộng bản thân qua nhiều hoạt động như mua sắm mỹ phẩm, quần áo, giày dép cùng những bộ sưu tập đồ chơi thời thượng và ăn các bữa ăn dành cho một người.

Những người độc thân ở Trung Quốc đóng góp một phần lớn vào doanh thu hàng tiêu dùng trong nước, một thị trường trị giá 6 nghìn tỉ USD, theo ước tính của Công ty tư vấn Oliver Wyman có trụ sở tại New York (Mỹ).

Đáng chú ý, những người độc thân sinh sau năm 1990 chi tiêu nhiều nhất cho thời trang, sản phẩm chăm sóc cá nhân, đồ ăn nhẹ và đồ uống, theo một cuộc khảo sát vào tháng 11 của cổng hẹn hò trực tuyến Zhenai.com và JD.com.

Báo cáo của Nielsen công bố vào tháng 5/2020 cũng cho thấy, hơn một nửa số người độc thân Trung Quốc sẵn sàng trả nhiều tiền hơn cho các sản phẩm chất lượng cao. Khoảng 52% những người này sẵn sàng chi tiền cho bất cứ thứ gì giúp cuộc sống của họ dễ dàng và thoải mái hơn, trong khi chỉ 39% các cặp vợ chồng trong cuộc khảo sát này có xu hướng tương tự.

“Những người độc thân không phải ai cũng sẵn lòng tiết kiệm và họ muốn sống cho hiện tại hơn. Họ không lo lắng quá nhiều về việc lập kế hoạch cho tương lai của mình. Thay vào đó, họ dành cho những trải nghiệm mới và thú vị. Bạn sẽ thấy nhiều doanh nghiệp hào hứng hơn với nhóm người này và hành vi chi tiêu của họ", Alex Shutter, một đối tác ở Thượng Hải của Oliver Wyman, cho biết.

 

(Theo CGTN/SCMP)

Nguồn: baoquocte.vn
26 bạn đọc
Đánh giá tốt
Chuyên mục liên quan

X
Bình luận của bạn:

СМИ сетевое издание «Baonga.com» зарегистрировано в Федеральной службе по надзору в сфере связи, информационных технологий и массовых коммуникаций. Регистрационный номер средства массовой информации Эл № ФС77-73891 от 29 октября 2018 г. Учредитель Ха Вьет Лонг, номер телефона: +7(905) 238 89 99. Главный редактор: Чан Тхи Тху Ха: Адрес электронной почты: info@baonga.com; Номер телефона: +7(960) 222 19 99. Настоящий ресурс содержит материалы 16+. Использование информации с данного веб-сайта возможно исключительно на следующих условиях: В конце текста необходимо указывать ссылку на сайт https://baonga.com. Текст должен копироваться в первоначальном виде. Не допускается удаление ссылки на данный веб-сайт из текстов материалов. Реклама: Rus +7(926) 282 29 86 (Viber, Whatsapp, Zalo); Вьетнам +84.979.137.386.